Cali Today News – Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Đắk Đoa vòi tiền bị can 30 triệu và hứa sẽ cho hưởng án nhẹ. Với nhân chứng, vật chứng đầy đủ, thay vì ông Viện trưởng phải bị xử lý pháp luật thì chỉ bị đình chỉ công tác. Đây là một việc làm quá quen thuộc trong cách xử lý cán bộ vi phạm.

Ngày 6/6, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai cho báo chí biết, ông Trịnh Công Thương- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Đắk Đoa đã bị cấp có thẩm quyền tạm đình chỉ công tác. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/6/2016. Theo vị lãnh đạo nói trên, ông Thương bị đình chỉ nhằm làm rõ về những tố cáo của người dân trong việc ông đã gạ gẫm, vòi tiền bị can 30 triệu.
Vụ việc xảy ra cách đây hơn 1 năm, công an Việt Nam tự hào giỏi nhất thế giới, nhưng phải chờ đến bây giờ mới có quyết định đình chỉ. Xem chừng, với những bằng chứng khó có thể chối cãi, chính quyền huyện Đắk Đoa và Viện kiểm sát tỉnh mới ra quyết định xử phạt ông Thương.
Theo cáo trạng cho biết, vào ngày 31/5/2015, bà Lê Thị Ánh (sinh năm 1969, thị trấn Đắk Đoa, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) có xô xát với bà Lê Thị Đào (sinh năm 1982, ngụ cùng địa phương). Bà Ánh đã bị bà Đào dùng đá đánh vào người. Sau đó, bà Ánh đã đi bệnh viện để chứng thương. Khi có kết quả chứng thương với tỷ lệ thương tật 10%, bà Ánh đã mang hồ sơ đến công an để yêu cầu xử lý hình sự bà Đào.
Viện kiểm sát nhân dân huyện Đắk Đoa xét thấy hành vi của bà Đào là nguy hại cho xã hội, xâm phạm đến sức khỏe của người khác nên đã ra quyết định truy tố bà Đào vì tội “Cố ý gây thương tích”.
Cứ tưởng rằng bà Đào phải bị vào tù vì tội hành hung bà Ánh, thì nào ngờ đâu, trước khi ra tòa, ông Trịnh Công Thương, với vai trò là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân đã liên tục gọi điện thoại cho bà Đào để vòi tiền. Qua điện thoại, ông Thương nói, chỉ cần đưa 30 triệu ông sẽ cho bà Đào được hưởng án nhẹ. Cụ thể ở đây là án treo. Ông còn cho biết thêm, 15 triệu là “lo” cho tòa án, còn 15 triệu còn lại là để lo cho Viện kiểm sát huyện.

Chưa hết, ông còn phái thuộc cấp đến gặp bà Ánh để kêu bà này chấp nhận việc bãi nại, không yêu cầu xử lý hình sự đối với bà Đào.
Dù đã vay mượn khắp nơi nhưng bà Đào vẫn không tìm đủ số tiền 30 triệu mà ông Thương đưa ra. Trong rất nhiều lần, kể cả lúc lên rẫy ông Thương gọi điện thoại để hối thúc bà Đào phải tìm đủ số tiền 30 triệu để lo lót cho ông.
Thật không may cho ông Thương, trong những lần gọi điện thoại, thúc ép bà Đào kiếm tiền đưa cho mình, ông đã bị bà Đào ghi âm lại tất cả những cuộc gọi đó để làm bằng chứng về sau. Chưa hết, ngay cả khi thuộc cấp của ông tìm gặp bà Ánh để yêu cầu viết giấy bãi nại, không xử lý hình sự bà Đào cũng bị bà này ghi âm.
Mặc dù chính miệng ông Thương nói dùng số tiền 15 triệu để “lo” cho tòa án huyện Đắk Đoa, nhưng khi hỏi về việc này, ông chánh án Nguyễn Tiến Sỹ cho hay không hề biết việc lo lót để được hưởng án treo. Ông còn khẳng định việc xét xử của tòa án là độc lập. Giữa Viện kiểm sát và tòa án chỉ là phối hợp công tác. Nhưng, ở Việt Nam không hề có chuyện độc lập giữa Viện kiểm sát và tòa án. Cả hai cơ quan này phối hợp với nhau để kiếm chác, hoặc bắt tội người dân.
Sau một thời gian điều tra, người đại diện của Viện kiểm sát tỉnh Gia Lai cho biết, việc ông Thương vòi tiền, gã gẫm, ngả giá với số tiền 30 triệu là có thật. Tuy nhiên, do hành vi đưa tiền chưa xảy ra nên không xử lý hình sự ông này mà chỉ tạm đình chỉ công tác. Cùng với đó, ông Thương còn bị kỷ luật và cảnh cáo về mặt đảng.
Cách xử lý cán bộ, đảng viên theo cách này không hề lạ lẫm. Chắc chắn về sau, ông Thương sẽ được thuyên chuyển công tác lên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai.
Người Quan Sát