Yahoo – Nền kinh tế phát triển vào năm 2017 nhưng có một dấu hiệu cảnh báo cho nền kinh tế năm 2018: tốc độ tăng trưởng việc làm giảm đáng kể.
Các chủ sở hữu lao động đã tạo ra 148,000 việc làm trong tháng 12 năm nay, thấp hơn con số 190,000 mà các nhà kinh tế dự kiến. Nhưng nhìn chung nền kinh tế đã tạo ra 2 triệu việc làm trong năm 2017. Đó là một điều đáng mừng.
Dù vậy, tỉ lệ tăng trưởng việc làm trung bình năm 2017 là 171,000 việc làm/tháng, thấp hơn năm 2016 là 187,000 việc làm/tháng.
Tốc độ tăng trưởng việc làm đã chậm lại trong 3 năm, kể từ khi nó đạt đỉnh cao 250,000 việc làm/tháng vào năm 2014.
Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng hòa có khuynh hướng giải thích con số kinh tế này theo chính trị, đổ lỗi hoặc ghi công cho các chính trị gia. Nhưng mô hình tạo thêm công ăn việc làm có lẽ ít hoặc không liên quan đến chính sách của Tổng thống Trump hay Tổng thống Obama. Nói cách khác, tăng trưởng việc làm không chậm lại vì những gì ông Trump đang làm.

Thay vào đó, đường xu hướng này cho thấy một chu kỳ kinh tế hồi phục sau cuộc suy thoái kết thúc năm 2009. Sự tăng trưởng kinh tế đạt đỉnh cao vào năm 2014 không do một chính sách cụ thể nào của Tổng thống Obama mà vì nhà tuyển dụng cần thuê thêm người để theo kịp nhu cầu, sau khi sa thải hàng loạt vì suy thoái kinh tế. Và sự tăng trưởng việc làm hiện nay đang chậm lại là vì hầu hết những người đang tìm việc đã có việc làm và các nhà tuyển dụng bắt đầu đối mặt với tình trạng thiếu lao động.
Điều đáng chú ý nhất của năm 2018 chính là chúng ta đang ở giai đoạn cuối của sự mở rộng kinh tế, và việc tạo thêm nhiều việc làm đang dần chậm lại. Tuy vậy, điều này không nhất thiết là xấu. Nhà kinh tế Russell Price của Ameriprise cho hay: “Vấn đề lớn nhất của thị trường lao động Mỹ là nó đang thiếu người lao động chứ không phải thiếu việc làm”.
Với tình hình của thị trường việc làm này, các nhà kinh tế dự đoán mức lương sẽ tăng lên. Mức lương đã tăng 2.5% vào năm 2017, và lạm phát ở mức 2.2%. Điều đó có nghĩa là công nhân cũng không có dư dả gì. Nếu mức lương tăng được khoảng 3% – 4% thì cuộc sống của họ sẽ được bảo đảm hơn. Moody’s Analytics dự đoán GDP năm 2018 sẽ đạt 2.8% vào năm 2018, một phần là nhờ luật cải tổ thuế mới mà Tổng thống Trump vừa ký trước Giáng Sinh sẽ tạo một số kích thích tài chính, nhưng nó sẽ giảm dần. Moody’s Analytics dự đoán chỉ tăng trưởng năm 2019 chỉ còn 2.2%. Và chuyên gia kinh tế Mark Zandi gần đây đã nói với Yahoo Finance rằng suy thoái kinh tế tiếp theo có thể sẽ đến vào năm 2020.
Một cách để thúc đẩy tăng trưởng là gia tăng lực lượng lao động, vì nhiều người có công ăn việc làm tức là nhiều người có tiền để tiêu xài hơn. Nhiều người di dân cũng sẽ đóng góp vào nền kinh tế nhưng đó không phải là chính sách mà Tổng thống Trump ủng hộ.
Nam Phố (Theo Yahoo)