Thursday, March 28, 2024

Vì dân chủ là một tiến trình…

Ngô Thanh Tú

Lời tòa soạn: Bài viết dưới đây của độc giả gửi đến tòa soạn, thể hiện quan điểm riêng của người viết, không nhất thiết phù hợp với quan điểm của tòa soạn. Tòa soạn Cali Today sẵn lòng đăng những ý kiến khác, phản biện lại bài viết này. Trân trọng.

Vietnam – Cali Today News – Ca sỹ Mai Khôi thực sự đang đi giữa hai làn đạn, một bên là chính quyền độc tài CSVN, còn bên kia là những người phản đối cô trong việc cầm tấm biểu ngữ “Piss on you Trump” (Đái lên người Trump) vào tối ngày 11/11/2017, khi đoàn xe của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đi ngang qua Hồ Tây. Điều đáng buồn hơn, không phải những kẻ được xem là dư luận viên của chế độ lên tiếng phỉ báng, mạ lị, mà ngay cả những người đang đòi hỏi Tự do-Dân chủ cũng đang muốn đẩy cô xuống vực thẳm bằng những lời nặng tính tổn thương.

Có rất nhiều lý lẽ khiến cho những người phản đối Mai Khôi buông lời phỉ báng. Song, tất thảy đều mang nặng cảm tính, lý lẽ đưa ra không có tính thuyết phục. Điều đáng buồn là số lượng phản đối Mai Khôi lại rất đông, áp đảo số người ủng hộ. Đó cũng là một điều có thể hiểu được, khi đại đa phần người dân Việt Nam chưa được sống trong bầu không khí dân chủ, họ không thừa hưởng những giá trị của Tự do nên trước việc làm còn rất mới mẽ của Mai Khôi họ cảm thấy lạ lẫm. Do lạ lẫm và khác biệt ấy nên họ quay sang phản đối Mai Khôi. Vì lâu nay, người Việt trong và ngoài nước chống Trung Quốc, chống chính quyền CSVN, chưa bao giờ thấy cảnh chống Tổng thống Mỹ bao giờ.

Mai Khôi vào tối ngày 11/11/2017. Ảnh: Facebook Do Nguyen Mai Khoi

Trên tờ Nhịp Cầu Thế Giới có bài viết của Tiến sỹ Vũ Thị Phương Anh cũng đồng tình cho rằng, hành động của Mai Khôi “khá nhàm” đối với Hoa kỳ và Phương Tây. Nhưng với những nước Á Đông vốn bị ảnh hưởng Khổng giáo và truyền thống “hiếu khách” thì việc làm ấy là khó chấp nhận. Cách lý giải này xem ra không được thuyết phục cho lắm.

Cũng là quốc gia Á Đông và ảnh hưởng Khổng giáo, vậy nhưng ở các quốc gia, như: Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan lại không hề lạ lùng gì với việc phản đối tổng thống Mỹ. Thậm chí họ còn dùng những từ ngữ mạnh mẽ hơn cả cách mà Mai Khôi sử dụng, biểu tình rầm rộ hơn và kéo dài từ ngày này sang ngày khác. Không phải vì họ không hiếu khách, có khi họ còn hiếu khách hơn cả người Việt chúng ta. Trước khi Tổng thống Trump tới Việt Nam ông đã ở Nam Hàn và tại đó, làn sóng người biểu tình còn đông hơn cả số lượng người tràn ra đường để đón ông tại Việt Nam. Điều đó không phải là vì người Nam Hàn không hiếu khách, mà là họ đang thực thi quyền bày tỏ của mình. Đối với người dân Nam Hàn vốn đã được sống trong bầu không khí dân chủ, việc biểu thị hay bày tỏ là một hoạt động chính trị hết sức bình thường, chẳng có gì để phải phản đối điều đó.

Giới đồng tính Luân Đôn (Anh) biểu tình phản đối Tổng thống Nga Putin. Họ viết “Piss on you” lên trên các bandroll. Ảnh: VICE

Điều ngạc nhiên là, rất nhiều người phản đối Mai Khôi với biểu ngữ “Piss on you Trump” lại tỏ ra hứng thú, ủng hộ câu “Địt mẹ Cộng sản” hay còn được viết tắt “ĐMCS”, mà ta thường thấy trên Facebook, hoặc trên những bức tường để phản đối chính quyền. “Piss on you” thì bị coi là tục tỉu, không phù hợp với văn hóa công cộng Việt Nam, vậy “địt mẹ” chẳng lẽ lại hợp chăng?

Người Việt Nam còn rất mang nặng tư tưởng thân Mỹ. Với họ, nước Mỹ là nhất, là khuôn mẫu để hướng tới. Vậy nên, khi ca sỹ Mai Khôi giăng biểu ngữ chống Trump, hành động ấy chẳng khác nào cái tát giáng vào họ. Đó là tâm lý chán chường chế độ trong nước, trông chờ vào một thế lực bên ngoài để kéo người dân ra khỏi vũng bùn.

Không phải chỉ với người trong nước, mà ngay cả những người ở hải ngoại cũng lên tiếng chống Mai Khôi. Số ít này không phải không được thừa hưởng bầu không khí dân chủ, nên cảm thấy khó chịu trước hành động Mai Khôi. Họ chống Mai Khôi bởi nhiều lẽ. Có thể vì họ là fan của Tổng thống Trump, đang hy vọng sau chuyến đi sẽ có những động tác nhằm chống lại sự bành trướng của Trung Cộng. Nhưng khi Mai Khôi giăng biểu ngữ chống Trump, họ lo sợ sẽ mất đi cái nhìn thiện cảm của ông này cho Việt Nam.

Những biểu ngữ phản đối ông Trump ngay tại Hoa Kỳ hết sức bình thường. Chẳng ai coi đây là biểu ngữ xúc phạm Tổng thống cả. Ảnh: Internet

Chắc chắn rằng, nếu Mai Khôi không giương biểu ngữ chống Donald Trump, mà thay vào đó là phản đối Tập Cận Bình, Putin hay thậm chí là Nguyễn Phú Trọng thì số lượng người phản đối sẽ giảm đi rất nhiều. Vì sống trong chế độ độc tài, phải chịu sự trả thù rất kinh hoàng của nhà cầm quyền nên họ không dám lên tiếng. Lúc này, mọi uất hận đều được đổ lên Mai Khôi khi cô cầm biểu ngữ chống Trump mà không phải là Tập Cận Bình hay những tên lãnh đạo độc tài khác.

Cũng cần nhìn nhận rằng, giữa ca sĩ Mai Khôi và Tổng thống Donald Trump có điểm chung. Đó là cả hai đều là người của công chúng nên việc những người chống Mai Khôi là điều hết sức bình thường. Song, nếu đó là những kẻ hèn nhát không dám bày tỏ thái độ phản đối Trung Cộng, trong khi thấy Mai Khôi xuống đường nhưng để phản đối Tổng thống Trump liền quay ngược lại chửi thì đó là bọn hèn nhát.

Người Phi Luật Tân làm hình nộm Tổng thống Trump gắn liền với biểu tượng phát-xít để phản đối. Ảnh: Express

Vì dân chủ là một tiến trình mà tùy thuộc vào dân trí, sự hiểu biết của dân tộc ấy có thể khiến cho dân chủ tiến tới dân chủ nhanh hoặc chậm. Người Việt Nam cũng như con chim bị nhốt trong lồng khi thấy những con chim bay bên ngoài liền coi hành động đó là tồi bại. Điều này cũng tương tự như khi họ thấy Mai Khôi giăng biểu ngữ “Piss on you Trump”. Dưới sự hà khắc của chính quyền, người Việt Nam phải chịu rất nhiều sự kìm kẹp. Chính vì đó họ không được hưởng được những quyền mà lý ra họ phải có. Trong số đó có quyền được bày tỏ. Do chưa quen nên việc làm của Mai Khôi khiến họ bị “choáng”.

Vì dân chủ là một tiến trình, nhờ vào những người như Mai Khôi sẽ tập dần cho người Việt trong nước quen dần với các hoạt động chính trị hết sức bình thường này. Người Nhật, người Hàn, người Đài Loan chắc chắn vào những thời buổi sơ khai để tiến đến dân chủ cũng gặp phải những cú sốc như người Việt đối với Mai Khôi. Cứ tập dần, diễn ra thường xuyên rồi sẽ quen. Lúc đó sẽ không còn tranh cãi gì về biểu ngữ dung tục hay thanh tao; có văn hóa hay vô văn hóa nữa.

Ngô Thanh Tú

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img