Thursday, March 28, 2024

Ukraine Chống Chọi Quân Nga Xâm Lược Đã Tròn 6 Tháng

Nguyễn Lộc Yên
Cali Today News – Tính đến hôm nay, Ukraine chống chọi quân Nga xâm lược đã tròn 6 tháng hay nửa năm. Ngày 24 tháng 2 năm 2022, Tổng thống Nga là Vladimir Putin tuyên bố Nga chính thức khai chiến “Chiến dịch quân sự đặc biệt” với Ukraine, chiến dịch này là “Phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine”; với 200 ngàn quân Nga tại biên giới Ukraine và khí tài của Nga vượt trội sẽ đánh thắng Ukraine trong vài ngày. Tổng thống Ukraine là Volodymyr Zelensky đã phản ứng mạnh mẽ, lập tức ban hành thiết quân luật, cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga và thông báo lệnh tổng động viên.  

 
Khái quát về nước Ukraine và Nga: Dân số nước Ukraine: 43.152.643 người (ghi nhận vào ngày 11-8-2022). Diện tích nước Ukraine: 603.628 km2 (tính cả bán đảo Crimea). Ukraine được thiên nhiên ưu đãi, phong cảnh tươi tốt, khí hậu ôn hòa và đất đai trù phú. Ukraine ở khu vực Đông Âu, phía đông giáp nước Nga; phía bắc giáp nước Belarus; phía tây giáp các nước Ba Lan, Slovakia và Hungary; phía tây nam giáp nước Rumani và Moldova. Phía nam nước Ukraine giáp biển Đen và biển Azov. Dân số nước Nga: 145.780.934 người (ghi nhận vào ngày 11-8-2022). Diện tích nước Nga: 16.299.981 km2, nước Nga có diện tích rộng nhất thế giới.
Sự dị đồng giữa người Nga và người Ukraine: Đa số những người ở nước ngoài khi nhìn người Nga và người Ukraine cho là giống nhau; vì họ có nhiều điểm chung về nguồn gốc, văn hóa và lịch sử, nhiều người Ukraine sống ở Nga và nhiều người Nga sống ở Ukraine. Thế nhưng, họ có một số dị biệt: Người Nga đầu hơi nhỏ và thân hình cao hơn người Ukraine. Người Ukraine đầu hơi to, thân thể rắn rỏi và thấp hơn người Nga, khuôn mặt người Ukraine nhìn tròn trịa. Tiếng nói của người Ukraine, nghe êm dịu hơn tiếng Nga. Người Ukraine sống ở miền Đông Ukraine thường nói tiếng Nga nhưng tiếng Nga không chính thức ở đấy. Tất cả các tài liệu tại nước Ukraine được ghi bằng tiếng Ukraine. 
 
 
Đối với Nga thì Ukraine là một quốc gia láng giềng, có các tương đồng về văn hóa và lịch sử qua nhiều thế kỷ. Ukraine từng là một vùng lãnh thổ của Liên bang Xô Viết. Mặc dù Ukraine là một quốc gia độc lập đã được công nhận từ năm 1991, nhưng các giới lãnh đạo nước Nga vẫn coi Ukraine luôn ảnh hưởng nước Nga. Thế nên vào năm 2008, tổng thống Nga Vladimir Putin đã phản đối Ukraine muốn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (North Atlantic Treaty Organization: NATO). Năm 2014, khi chính quyền thân Nga của cựu tổng thống Viktor Yanukovych thay thế bởi chính quyền mới thân Tây phương, đã khiến cho Moscow lo lắng. Ngoài ra, có một số quốc gia trong Liên Xô cũ đã gia nhập vào Liên minh Âu châu (EU) hoặc NATO, như: Lithuania, Latvia, Estonia. Thế nên, khi Ukraine muốn gia nhập vào NATO (North Atlantic Treaty Organization), tránh xa ảnh hưởng của Nga đã khiến cho Moscow tìm cách đối phó.                      
Đối với châu Âu và Mỹ thì Ukraine là vùng đệm trong kế hoạch ngăn chặn ảnh hưởng của Moscow vì Ukraine ở giữa châu Âu và Nga. Do đấy, dù Ukraine không phải là thành viên của EU hay NATO, nhưng Ukraine vẫn nhận được sự hỗ trợ tài chính lẫn quân sự từ các nước ở Âu châu hay Mỹ.  Năm 2014, bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga bằng trưng cầu dân ý do Nga đạo diễn. Phương Tây cáo buộc Nga đã dùng vũ lực “xâm lược” Crimea, vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Sau đó, 2 tỉnh Donetsk và Lugansk, gọi chung là vùng Donbass nằm ở miền Đông Ukraine, lại ly khai khỏi Ukraine, gây ra sự xung đột giữa Ukraine và Nga. Vào tháng 5 năm 2014, 2 tỉnh này cũng trưng cầu dân ý, rồi tuyên bố độc lập với tên gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk. 
Quân Nga xâm lăng Ukraine thì liền sau đấy: Âu châu, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác trên Thế giới đã dùng các biện pháp trừng phạt Nga, gồm có:
1- Năng lượng: Hoa Kỳ cấm nhập cảng dầu khí của Nga. Anh Quốc sẽ chấm dứt dần nhập cảng dầu khí của Nga vào cuối năm 2022. Âu Châu hiện nhập cảng 25% nhiên liệu, 40% khí đốt từ Nga, sẽ giảm dần sự lệ thuộc và ngưng hẳn việc nhập cảng này trước năm 2030. Đức đã tạm cho ngưng cấp phép mở đường ống dẫn dầu Nord Stream II từ Nga.
2- Thương mại: Hoa Kỳ và Âu châu cấm xuất cảng qua Nga các sản phẩm như phi cơ và các thiết bị, những hàng hóa dân dụng có lợi cho quân sự, như các hóa chất. 
3- Tài chánh: Cấm ngân hàng Nga sử dụng hệ thống giao dịch tài chánh quốc tế SWIFT (Society for worldwide Interbank Financial Telecommunication), Các Ngân Hàng Trung ương Nga bị đóng băng, trong đấy có $630 tỷ ngoại tệ dự trữ bên ngoài nước Nga. EU và Mỹ cấm các cá nhân, cơ sở kinh doanh giao dịch với Ngân Hàng Trung ương Nga.
4- Tạm ngưng hoạt động: Khoảng 600 công ty Tây phương đã tình nguyện tạm ngưng một phần hay toàn phần các hoạt động tại Nga. Trên 30 quốc gia gồm có: Hoa Kỳ, Âu Châu, Canada, Úc, Nhật… cấm phi cơ Nga bay qua không phận của họ, ngoại trừ trường hợp nhân đạo hay ngoại giao.  
5- Phong tỏa tài sản: Tài sản ở nước ngoài của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, Giám đốc FSB Alexander Bortnikov, Tổng tham mưu trưởng quân đội Valery Gerasimov và 351 thành viên của Quốc hội Nga đã bị phong tỏa bởi EU, Mỹ, Anh, Nhật Bản, Australia và New Zealand.
Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã khiến cho đời sống của người dân Ukraine bị khó khăn và nước Nga bị nguy khốn, còn liên lụy đến Châu Âu và có thể lan rộng đến Thế giới. Tổng thống Nga Vladimir Putin “tiến thoái lưỡng nan” vì đã tuyên bố sẽ đánh thắng Ukraine trong vài ngày. Thế mà đã 6 tháng còn giằng co bất phân thắng bại và Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc kêu gọi Nga lập tức rút quân khỏi lãnh thổ của Ukraine. Trong khi ấy, lại diễn ra các cuộc biểu tình tại nước Nga và nhiều quốc gia khác trên Thế giới phản đối chiến tranh do Nga gây chiến để xâm chiếm lãnh thổ Ukraine. Cuộc chiến này đã khiến trên 5 triệu người Ukraine phải tỵ nạn đến các quốc gia khác và ngũ cốc tại Ukraine không thể chuyên chở để bán ra cho các nước khác trên Thế giới (Trung Đông, châu Phi) bị thiếu thực phẩm, thế nên đang giải quyết về việc chuyên chở ngũ cốc.      

Hiện nay, quân dân Ukraine quyết tâm chống trả quân xâm lược Nga để giữ gìn cương thổ của mình và đánh chiếm lại nhiều vùng đất Ukraine vừa bị mất, dù quân Nga đông hơn gấp 10 lần. Khi nào chấm dứt chiến tranh, khó xác định. Nếu các nước Mỹ, Âu châu ngưng cung cấp khí tài cho Ukraine thì quân dân Ukraine không thể chiến đấu lâu dài. 
 
Nguyễn Lộc Yên
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img