Mấy ngày qua tôi hay nghĩ về cô, người phụ nữ 25 tuổi và là nhân chứng trẻ nhất trong số những người đã ra điều trần trước Ủy ban điều tra cuộc bạo loạn có võ trang và chết người tại cái nôi của dân chủ là tòa nhà Quốc hội Mỹ, hay Điện Capitol, vào ngày 6 tháng Giêng năm ngoái, 2021. Cuộc bạo loạn vô tiền khoáng hậu kể từ cuộc Nội Chiến trên 160 năm trước, do những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump thực hiện nhằm ngăn chặn buổi họp hiến định của lưỡng viện Quốc hội chính thức công nhận ông Joe Biden đã đắc cử tổng thống trong kỳ bầu cử ngày 3 tháng 11, 2020, chỉ vì họ tin lời ông Trump vu cáo là đã có gian lận bầu cử lớn khiến chiến thắng của ông bị “đánh cắp” dù không hề có bằng chứng.
Tính tới hôm nay, sau nhiều tháng làm việc và cả ngàn cuộc phỏng vấn, Uỷ ban điều tra cuộc bạo loạn 6/1, gồm bẩy thành viên đảng Dân chủ và hai của đảng Cộng hoà, đã tổ chức tổng cộng sáu buổi điều trần công khai. Các buổi điều trần nhằm trình bầy bằng chứng cho thấy ông Trump chính là người đứng đằng sau cuộc bạo động có tổ chức từ nhiều tuần trước, không khác gì một cuộc đảo chánh cướp chính quyền, không phải do bột phát như nhiều người ủng hộ ông đã lên tiếng bênh vực.
Các bình luận gia đã so sánh các cuộc điều trần về cuộc bạo loạn Điện Capitol này với vụ bê bối Watergate vào đầu thập niên 1970 đã khiến Tổng thống Cộng hoà Richard Nixon phải từ chức để tránh bị luận tội. Song khác với vụ Watergate chỉ liên quan tới một biến cố nhỏ mà TT Nixon có dính líu song cố tình dấu qua các nỗ lực cản trở điều tra, các buổi điều trần cho thấy các diễn biến dẫn tới cuộc bạo loạn Điện Capitol có tầm vóc quan trọng hơn nhiều, và có thể dẫn tới tội phiến loạn và âm mưu phản quốc. Như một số người tham gia biến động tại Điện Capitol đã bị kết tội là có âm mưu phiến loạn.
Các nhân chứng, hầu hết là thuộc đảng Cộng hoà, gồm các viên chức từ liên bang tới tiểu bang có liên quan tới các cuộc vận động của ông Trump và phe nhóm nhằm cản trở buổi họp lưỡng viện ngày 6 tháng 1 công nhận sự đắc cử của đương kim TT Biden. Những vận động này đã bất thành, vì không có bằng chứng là cuộc bầu cử tổng thống đã bị gian lận; do đấy đã dẫn tới vụ tấn công Điện Capitol ngày 6 tháng Giêng, 2021, khiến năm người chết hôm đó (và thêm 4 người thiệt mạng những ngày kế vì thương tích hoặc tự vẫn do chấn thương tâm lý) và Điện Capitol đã bị phá hoại. Song, dưới quyền chủ tọa của Phó TT Mike Pence, buổi kiểm phiếu công nhận ứng viên Biden là tổng thống đã diễn ra và kết thúc như hiến định.
Các nhân chứng này là những người thuộc phe bảo thủ và quan tâm tới nền dân chủ. Họ tôn trọng pháp luật, không chấp nhận làm điều khuất tất, chưa kể là phạm pháp nữa. Qua các buổi điều trần về những vụ việc đã diễn ra mà cao điểm là cuộc tấn công Điện Capitol của các thành phần cực hữu, họ đã cung cấp vô số chứng cớ đáng kể cho cuộc điều tra tìm sự thật đàng sau biến cố bạo loạn 6/1, góp phần vào việc bảo vệ nền dân chủ mong manh đã và đang bị đe dọa trầm trọng, đồng thời đóng góp vào kho dữ liệu lịch sử quốc gia.
Song, một cách có ý thức hay vô thức, các nhân vật nhiều tuổi đời và dầy dạn kinh nghiệm chính trường này cũng còn có nhu cầu lưu lại trong văn khố quốc gia cho lịch sử các lời chứng về sự ngay thẳng không cong mình trước áp lực bất chính, và thái độ kiên quyết duy trì tư cách công dân và các giá trị tinh thần của họ nữa.
