Vietnam – Cali Today news – Hòa cùng nhịp điệu của thế giới trong những ngày qua, thời sự báo đài cũng như dư luận Việt Nam đặc biệt quan tâm đến tình hình đất nước Venezuela sau khi chính phủ Nicolas Maduro thừa nhận vỡ nợ. Việt Nam trong hoàn cảnh bị Ngân hàng thế giới (WB) xếp vào nhóm quốc gia có nợ công tăng nhanh nhất và chưa thấy có dấu hiệu dừng, nguy cơ vỡ ở mức báo động đỏ …
Hy Lạp năm xưa, Venezuela hôm nay. Việt Nam sẽ ra sao…?
Cơ quan xếp hạng Standard & Poor’s (S&P) cho hay sẽ hạ bậc trái phiếu Chính phủ Venezuela và dự đoán khả năng vỡ nợ trong vòng vài tháng tới, sau khi đất nước này không thanh toán được khoản đáo hạn của khoản nợ trái phiếu 60 tỷ USD.
Theo trang CNN Money dẫn một bài báo do Havard Law Roundtable xuất bản cho hay, Venezuela hiện nợ các trái chủ số tiền lên đến 196 tỷ USD, trong khi Venezuela hiện chỉ còn 9,6 tỷ USD tiền dự trữ. Nếu các trái chủ đồng loạt yêu cầu Venezuela phải hoàn trả đầy đủ thì Venezuela không có nguồn tiền để trả nợ, nhà đầu tư sẽ có quyền thu giữ tài sản của đất nước – chủ yếu là từ dầu thô bởi lâu nay nguồn thu nhập chính của Venezuela là bán dầu.
Chính phủ cầm quyền đương tại là Nicolas Maduro từng tích cực thực hiện các chính sách để trả nợ nhưng lại đẩy hàng triệu người dân Venezuela vào cảnh thiếu lương thực và thuốc men, biến một làn sóng di dân ổ ạt qua biên giới quốc gia lân cận để kiếm miếng ăn và xin trợ giúp nhân đạo. Ngoài ra, Chính phủ Maduro còn đối mặt trong bất lực trước vấn nạn lạm phát tăng phi mã, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán lạm phát ở Venezuela sẽ đạt 650% trong năm nay và 2.300% vào năm 2018.
Theo báo đài Việt Nam cho biết, trước thực trạng vỗ nợ của Venezuela thì Việt Nam cũng bị thiệt hại nặng về mặt tài chính cụ thể vào năm 2007, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) xin Chính phủ Việt Nam đàm phán với Tổng công ty dầu khí Quốc gia Venezuela về việc thành lập một liên doanh giữa 2 nước.
Tháng 06/2010, tại thủ đô Caracas, ‘Dự án khai thác và nâng cấp dầu nặng lô Junin 2” chính thức ra mắt với tổng mức đầu tư được công bố lên tới 12,4 tỷ USD. Theo báo cáo mà PVN trình Chính phủ Việt Nam, dự án có sản lượng dự kiến 200.000 thùng dầu/ngày, với tỷ lệ góp vốn 40%, PVN có thể thu về 4 triệu tấn dầu/năm và dự kiến hoàn vốn sau 7 năm. Tuy nhiên, trong dự án này phía Venezuela đã áp đặt một điều khoản được cho là phi lý nhưng phía Việt Nam vẫn chấp nhận đó là: Việt Nam phải trả cho Venezuela phí “tham gia hợp đồng” là 1 USD/thùng dầu, và trong vòng 30 tháng, bất kể có dầu hay không, PVN vẫn phải nộp đủ phí này là 584 triệu USD bằng tiền mặt. Nếu sau 15 ngày của thời hạn mà phía Việt Nam không nộp đủ tiền, toàn bộ cổ phần của PVN trong liên doanh sẽ “tự động chuyển dịch” cho đối tác Venezuela.
Năm 2013, ban lãnh đạo mới của PVN đã phải quyết định đơn phương không thực hiện nốt cam kết và chấp nhận mất hơn 500 triệu USD mà không thu được một giọt dầu nào. Với một đất nước nghèo, nợ công cao ngất ngưỡng như Việt Nam thì việc để mất một khoản tiền hàng trăm triệu USD quả là không hề nhỏ.

Giới phân tích cho rằng đây rõ là cách quản lý yếu kém của Chính phủ Việt Nam nhưng đối với nhà bất đồng chính kiến Vi Đức Hổi chia sẻ với Cali Today rằng, ngoài nguyên do quản lý yếu kém thì còn dính dáng đến yếu tố chính trị. Ông Hồi nói:
“Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư 500 triệu USD cho Venezuela theo tôi không phải vì lợi nhuận mà vì mục tiêu chính trị bởi thể chế chính trị hai nước như nhau…vì vậy không phải do quản lý yếu kém mà vì mục tiêu chính trị. Việt Nam có thể biết là mất trắng nhưng vẫn chủ ý đầu tư”
Liên quan đến nợ công, theo đánh giá chi tiêu công Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố sáng vào ngày 03/10/2017, nợ công Việt Nam tăng từ 51,7% năm 2010 lên 61% năm 2015. WB cảnh báo, Việt Nam là một trong số quốc gia có tỷ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất, khoảng 10% trong 5 năm qua.
Vào tháng 09/2017, Bộ Tài chính Việt Nam công bố nợ công Việt Nam đã vượt 2 triệu tỷ đồng (94,3 tỷ USD), tương đương 61%GDP và dự kiến nợ công năm 2017 có thể tăng lên mức hơn 3,1 triệu tỷ đồng, bằng 62,6% GDP, ước chừng tăng thêm khoảng 300 nghìn tỷ đồng so với năm 2016.
Theo nhà bất đồng chính kiến Vi Đức Hồi thì khả năng Việt Nam bị vỡ nợ công là điều không tránh khỏi. Lời chia sẻ của ông Hồi:
“Theo tôi Việt Nam đang trên đà vỡ nợ và vỡ nợ là điều không thể tránh khỏi. Nhưng CSVN đang nghĩ cách chống vỡ nợ, thành công hay không phụ thuộc vào thái độ của toàn dân. Chẳng hạn Cộng sản đang tính đến việc bán đất (với danh nghĩa cho thuê đất với thời hạn lên tới 90 năm) để lấy tiền gán nợ, đây là tiểu xảo của giới cầm quyền Cộng sản mà người dân Việt Nam vẫn còn mơ hồ. Một thảm họa lớn và mới đang trút xuống đất nước ta.”
Lo lắng và chia sẻ theo dự đoán của ông Hồi không phải là không có căn cứ. Còn nhớ vào năm 2010, Hy Lạp là đất nước mở đầu cuộc khủng hoảng nợ công ở Châu Âu. Từ Hy Lạp sau đó lan sang Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và các nước trong khu vực đồng Euro. Để ngăn chặn khủng hoảng lây lan, các nước thành viên khu vực đồng Euro và Qũy tiền tệ Quốc tế đã thông qua khoản vay 110 tỷ Euro cho Hy Lạp. Bộ trưởng Bộ Tài chính châu Âu đã thông qua gói giải cứu trị giá 750 tỷ Euro nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính ở khu vực châu Âu, và lập ra Ủy ban ổn định tài chính Châu Âu. Cuộc khủng hoảng nợ công đã đe dọa sự tồn tại của đồng Euro, gây ảnh hưởng nền tài chính toàn cầu, khiến cho thủ tướng Hy Lạp, thủ tướng Ý phải từ chức và nhiều chính phủ của các quốc gia ở châu Âu sụp đổ. Hình ảnh Hy Lạp, Châu Âu của năm xưa và Venezuela ở hiện tại, Việt Nam trong tầm báo động đỏ…!./.
QUÊ HƯƠNG