Cali Today News – Chính quyền Obama vào hôm nay công bố các biện pháp trừng phạt Nga vì đã can thiệp vào bầu cử Mỹ, bao gồm trục xuất 35 nhân viên ngoại giao Nga, trừng phạt hai cơ quan tình báo hàng đầu của Nga là GRU và FSB, trong đó có 4 viên chức GRU và 3 công ty và tổ chức mà Toà Bạch Ốc tin đã ra lệnh các đợt tấn công mạng vào Uỷ ban Dân chủ Quốc gia và các tổ chức chính trị khác ở Mỹ.
Phía Hoa Kỳ cũng cho biết trong thông báo, sẽ công bố chứng cớ liên quan đến các đợt xâm nhập vào hệ thống máy điện toán từ Nga. Có thể thấy, đây là phản ứng mạnh mẽ nhất của Mỹ từ trước đến nay đối với tin tặc được chính phủ ngoại quốc bảo trợ nhắm vào Hoa Kỳ.
Các biện pháp trừng phạt cũng nhằm “tạt gáo nước lạnh” vào Tổng thống đắc cử Donald Trump vẫn luôn nghi ngờ Nga có can hệ tới việc xâm nhập vào mạng điện toán của đảng Dân chủ, cũng như các tổ chức chính trị khác cho rằng cơ quan tình báo Hoa Kỳ không đáng tin cậy, chẳng qua tin tặc là kết quả của “một gã cân nặng 400 pounds” nằm trên giường.
Ông Trump bây giờ sẽ phải quyết định liệu có nên nhấc bỏ các lệnh trừng phạt Nga hay không trong tình hình những người Cộng hoà tại quốc hội đang kêu gọi điều tra hành động của Nga.
Chính quyền Obama cũng dự tính sẽ công bố báo cáo phân tích chi tiết từ FBI và Bộ Nội An dựa trên thông tin tình báo được Cơ quan Tình báo Quốc gia thâu thập. Tường trình tình báo chi tiết theo lệnh Tổng thống Obama sẽ được công bố trong ba tuần tới. Tuy nhiên, những chứng cớ thu thập được từ việc “cấy” vào các hệ thống điện toán Nga, đặt băng nghe lén và hoạt động gián điệp sẽ được giữ bí mật.
Từ tháng ba năm 2014, Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây đã áp dụng một số lệnh trừng phạt lên kinh tế Nga, đưa hàng chục người trong đó có cả những nhân vật thân cận với Putin vào danh sách đen sau khi Nga sáp nhập Crimea. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times vào hồi đầu năm, ông Trump cho hay những biện pháp trừng phạt này vô dụng, và bỏ ngõ khả năng có thể nhấc bỏ trừng phạt.
Ông Obama và nội các đã tranh luận hàng tháng trời về thời gian, bằng cách nào áp đặt những lệnh trừng phạt tương xứng cũng như mức độ công bố. Mặc dầu công bố có tính rủi ro về nguồn và phương pháp thâu thập chứng cớ nhưng cũng là cách tốt nhất “dằn mặt” các quốc gia khác như Trung Quốc, Iran và Bắc Hàn.
4 viên chức tình báo Nga bị trừng phạt gồm ban cán sự của cơ quan tình báo GRU, Giám đốc Igor Valentinovich Korobov và 3 Phó Giám đốc Sergey Aleksandrovich Gizunov, Igor Olegovich Kostyukov, và Vladimir Stepanovich Alekseyev. Ba công ty và tổ chức ủng hộ hoạt động xâm nhập mạng, gồm Special Technologies Center, có trụ sở tại St. Petersburg, công ty Zor Security hay còn gọi Esage Lab, và “Autonomous Non-commercial Organization Professional Association of Designers of Data Processing Systems” – tổ chức vỏ bọc của nhóm chuyên huấn luyện tin tặc chuyên nghiệp.
Phải chăng Hoa Kỳ phản ứng quá chậm, và chưa toàn diện vì FBI đã biết đến các hoạt động xâm nhập vào đảng Dân chủ từ mùa thu năm 2015. Ông Obama quyết định không ban hành biện pháp sớm hơn vì lo ngại Nga trả đũa trước ngày bầu cử, nhưng một số cố vấn của Tổng thống lại cho rằng quyết định này không sáng suốt. Câu hỏi đặt, liệu những phản ứng của ông Obama chẳng qua chỉ mang tính tượng trưng, ngăn chặn không những Nga mà cả những quốc gia khác tìm cách ảnh hưởng tới bầu cử Mỹ trong tương lai?
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan vào hôm nay cho rằng những biện pháp trừng phạt mới của chính quyền Obama “quá hạn.” “Hành động của chính phủ hôm nay đã quá hạn nhưng là cách thích hợp nhất để chấm dứt 8 năm chính sách thất bại với Nga. Đây là ví dụ cho thấy chính sách ngoại giao không hiệu quả làm suy yếu vị thế của Mỹ trong con mắt thế giới,” ông Ryan ghi trong thông báo. “Nga không chia sẻ lợi ích với Mỹ nhưng trên thực tế họ lại luôn tìm cách phá hoại, gây bất ổn trên thế giới,” ông Ryan nói thêm.
Hương Giang (Tổng hợp)