Friday, March 29, 2024

Trung Quốc cảnh báo dự luật Duy Ngô Nhĩ

Trung Quốc đã phản ứng giận dữ sau khi Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật Duy Ngô Nhĩ, mở đường cho việc trừng phạt viên chức Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, nơi có hơn một triệu người Hồi giáo, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ , đang bị giam giữ trong các trại “cải tạo”.

Trong một tuyên bố được đưa ra ngay sau khi Đạo luật Duy Ngô Nhĩ năm 2019 được thông qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Tư đã lên án hành động này và nói rằng dự luật “cố tình bôi nhọ những nỗ lực của Trung Quốc nhằm loại bỏ và chống lại chủ nghĩa cực đoan”.

Dự luật vẫn phải được Thượng viện phê chuẩn trước khi có thể gửi tới Tổng thống Donald Trump . Tòa bạch Ốc vẫn chưa cho biết liệu Trump sẽ ký hay phủ quyết.

“Chúng tôi kêu gọi Hoa Kỳ ngưng ngay lập tức sai lầm của mình, ngăn chặn dự luật nói trên về Tân Cương, ngừng sử dụng Tân Cương như một cách để can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”, tuyên bố của phát ngôn nhân của Bộ, Hua Chunying nói.

Dự luật được Hạ viện thông qua mang tính ràng buộc hơn, yêu cầu Tổng thống Mỹ trong vòng 4 tháng từ khi ban hành luật, đệ trình lên quốc hội danh sách viên chức Trung Quốc bị coi là chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa với các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Những viên chức này phải chịu các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky, bị tịch thu tài sản tại Mỹ và bị cấm nhập cảnh vào Mỹ. 

Dự luật cho thấy Bí thư Đảng ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc sẽ là một trong những viên chức bị trừng phạt. 

Khi được hỏi việc dự luật được Hạ viện Mỹ thông qua tác động thế nào đến đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, bà Hoa cho rằng “điều này không thể nào không ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ – Trung cũng như sự hợp tác hai nước trong những lĩnh vực quan trọng”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó đã chỉ trích dự luật, nói rằng hành động của Hạ viện Mỹ “công kích dữ dội chính sách Tân Cương của chính phủ Trung Quốc”. Bà Hoa không nêu cụ thể những biện pháp Trung Quốc sẽ thực hiện, song nhấn mạnh rằng “cái giá phải trả cuối cùng sẽ đến”.

Từ đầu năm 2017, chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc đưa khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các thành viên dân tộc thiểu số Hồi giáo vào các trại tập trung, nơi họ bị giam và được giáo huấn chính trị. Bắc Kinh khẳng định các cơ sở là “trung tâm đào tạo nghề” và họ đang phản ứng hợp pháp với các mối đe dọa từ chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

Tuyên bố này không thuyết phục được các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Chính phủ Mỹ gần đây đã công bố loạt biện pháp trừng phạt đối với quan chức, các tổ chức chính phủ và các công ty tư nhân Trung Quốc “chịu trách nhiệm hoặc tạo điều kiện cho vi phạm nhân quyền ở Tân Cương”.

Hồ Tích Tiến, tổng biên tập tờ Global Times của Trung Quốc, hôm 3/12 đăng Twitter rằng chính phủ đang xem xét hạn chế thị thực các quan chức và nghị sĩ Mỹ có “biểu hiện kinh tởm về vấn đề Tân Cương”. Ông Hồ Tích Tiến cũng nói rằng Trung Quốc đang xem xét cấm tất cả người mang hộ chiếu ngoại giao Mỹ vào Tân Cương, song không nêu rõ nguồn tin.

TH

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img