Friday, March 29, 2024

Trump yêu cầu Tối cao Pháp viện xử vụ kiện Texas thách thức kết quả bầu cử 

WASHINGTON (USA  Today) – Tổng thống Donald Trump vào thứ Tư yêu cầu Tối cao Pháp viện đảo ngược kết quả bầu cử 2020 bằng việc vô hiệu hoá hàng triệu lá phiếu ở Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin, cho phép ngành lập pháp những tiểu bang này bổ nhiệm đại cử tri mới. 

Yêu cầu được ông Trump đưa ra trong hồ sơ yêu cầu toà can thiệp vào vụ kiện do Tổng biện lý Texas Ken Paxton khởi xướng và được 17 Tổng biện lý các tiểu bang khác hậu thuẫn, trong đó cáo buộc 4 tiểu bang trên gia hạn bất hợp pháp phiếu khiếm diện có lợi cho Tổng thống đắc cử Joe Biden. 

Trong vụ kiện lần này, Tổng thống được một luật sư mới đại diện John Eastman – người gần đây thúc đẩy thuyết âm mưu kỳ thị chủng tộc, cho rằng Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris không đủ tiêu chuẩn vào vai trò này vì bố mẹ của bà là dân nhập cư. 

Hồ sơ toà của Tổng thống tìm cách hậu thuẫn tuyên bố bằng cách đưa ra những kết quả bầu cử khác nhau từ các tiểu bang và quận hạt mà ông ta đã thắng hoặc thua. “Những chuyện này không xảy ra bình thường, và có tỉ lệ lớn người Mỹ biết có điều gì đó thật không ổn.” Tuy nhiên, Tổng thống lại không đưa ra được chứng cớ gian lận. 

Và để hậu thuẫn yêu cầu can thiệp vào vụ kiện không sáng sủa, ông Trump viện dẫn những thăm dò đảng phái nhằm chứng tỏ nhân dân Mỹ không tin tưởng vào kết quả bầu cử đã cho Biden 306 phiếu cử tri đoàn, con số tương tự như ông Trump đã giành được vào năm 2016.

“Sự thật rằng gần phân nửa quốc gia tin  bầu cử bị đánh cắp chẳng có gì đáng ngạc nhiên,” luật sư bên nguyên ghi. “Tổng thống Trump thắng thế trên hầu hết dấu hiệu thành công lịch sử trong bầu cử tổng thống.” 

Là người ủng hộ ông Trump hết mực, thường xuyên đệ đơn kiện nhằm ủng hộ những chính sách của Tổng thống, Paxton vào thứ Ba đệ đơn lên Tối cao Pháp viện cáo buộc giới chức ở 4 tiểu bang sử dụng “quyền lực hành pháp hay những vụ kiện thân thiện” để gia hạn bỏ phiếu bằng đường thư và làm suy yếu những quy định xác nhận chữ ký và nhân chứng nhằm bảo vệ tính toàn vẹn của lá phiếu.

Bằng việc phớt lờ cả luật tiểu bang và liên bang, những tiểu bang này không chỉ làm hỏng tính toàn vẹn của lá phiếu công dân họ, mà còn của Texas và những tiểu bang đã tổ chức bầu cử hợp pháp,” ông Paxton ghi trong hồ sơ toà. 

Giới chức tại 4 tiểu bang chỉ trích vụ kiện của Texas là chiêu trò công khai vô trách nhiệm, tái chế lại những tuyên bố vô căn cứ về bất thường bầu cử. “Những ‘vụ kiện’ vô căn cứ, không thực tế này nhằm khuấy động bối rối và nghi ngờ trong hệ thống của chúng ta rất xa lạ với Mỹ, và chúng ta không nên cho phép màn iếc này tiếp tục,” Tổng biện lý Pennsylvania Josh Shapiro nói. 

Hương Giang (Theo USA Today) 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img