Trump đệ đơn tìm cách huỷ báo cáo đại bồi thẩm đoàn đặc biệt ở Georgia

0
1669
(New York Times) — Trong khi Donald Trump chờ đợi cáo trạng hình sự có thể được Văn phòng Biện lý Manhattan đưa ra bất cứ lúc nào, luật sư đại diện ông ta ở Georgia đệ thỉnh nguyện yêu cầu huỷ báo cáo đại bồi thẩm đoàn đặc biệt điều tra cựu Tổng thống và đồng minh can thiệp vào bầu cử 2020 tại tiểu bang. 
Thỉnh nguyện được đệ lên toà ở Atlanta cũng tìm cách ngăn chặn bất cứ chứng cớ hay lời khai nào từ cuộc điều tra đại bồi thẩm đoàn đặc biệt của Biện lý quận Fulton, và yêu cầu loại Văn phòng bà Fani Willis khỏi vụ án. 
Với lưu ý, “cả thế giới đang theo dõi” cuộc điều tra đang diễn ra ở Georgia, thỉnh nguyện cáo buộc thủ tục đại bồi thẩm đoàn “mơ hồ, khó hiểu, sai sót, và đôi khi vi hiến một cách trắng trợn.” 
Thỉnh nguyện được luật sư Drew Findling, Jennifer Little và Marissa Goldberg đệ lên toà vào thứ Hai. 
Thỉnh nguyện cáo buộc, Willis nhiều lần công khai tuyên bố thể hiện sự thiên vị, Thẩm phán giám sát vụ án Robert C.I. McBurney tại Tòa Thượng thẩm Quận Fulton đưa ra những tuyên bố thành kiến; và luật Georgia về đại bồi thẩm đoàn đặc biệt mơ hồ đến mức vi hiến.
“Không thể dựa vào kết quả của cuộc điều tra và do đó, phải bị huỷ do vi hiến pháp,” thỉnh nguyện ghi. 
Phát ngôn nhân Văn phòng Biện lý Quận Fulton từ chối đưa ra lời bình luận, nhưng một số học giả và chuyên viên pháp lý theo dõi vụ án sít sao tỏ ra nghi ngờ thỉnh nguyện sẽ thành công. 
23 thành viên của đại bồi thẩm đoàn đặc biệt Quận Fulton vào tháng 5 tuyên thệ, và đã âm thầm làm việc trong 6 tháng, lắng nghe lời khai từ 75 nhân chứng. Đại bồi thẩm đoàn đặc biệt không có quyền đưa ra cáo trạng, thay vào đó, họ gởi ra báo cáo cuối cùng cho Văn phòng bà Willis, trong đó  đề nghị truy tố hay không truy tố những ai. 
Một số phần báo cáo được công bố vào tháng Hai, trong đó gồm phần mở đầu, kết luận, và phần 8 – phần đại bồi thẩm đoàn đề nghị Văn phòng Biện lý quận Fulton cân nhắc truy tố tội danh khai man đối với “một hay nhiều hơn” trong số 75 nhân chứng được họ thẩm vấn, nhưng các phần chính vẫn được giữ kín, trong đó có thông tin chi tiết những người mà bồi thẩm đoàn tin rằng nên bị truy tố và truy tố những tội danh nào.

Trong một loạt các cuộc phỏng vấn trên truyền hình, bồi thẩm viên Emily Kohrs cho hay, đại bồi thẩm đoàn đặc biệt đề nghị mười mấy cáo  trạng trong báo cáo kết luận điều tra, mặc dù cô từ chối cho biết liệu họ có đề nghị truy tố Trump hay không. Cựu bồi thẩm viên cũng tiết lộ, họ đề nghị truy tố nhiều cáo buộc khác nhau. Kohrs cũng từ chối nêu danh bất cứ ai bị đại bồi thẩm đoàn đặc biệt đề nghị truy tố. Khi được New York Times hỏi, liệu bản thân ông Trump có bị  truy tố không, người phụ nữ đáp, “Người ta sẽ không bị sốc, không có gì phức tạp cả.”

Theo luật Georgia và theo những quy định được Thẩm phán McBurney đặt ra, Kohrs không thể tiết lộ một cách hợp pháp những kết luận trong báo cáo, vốn vẫn được toà giữ kín. Nhưng trái ngược với đại bồi thẩm viên đặc biệt của liên bang, cô ta có thể chia sẻ về kinh nghiệm của mình trong đại bồi thẩm đoàn, miễn không liên quan đến các cuộc thảo luận của họ. Các đại bồi thẩm viên khác cũng có thể nói về kinh nghiệm của họ, mặc dù danh sách các thành viên trong đại bồi thẩm đoàn đặc biệt không được công khai. Vào tuần trước, 5 bồi thẩm viên khác cũng đã chia sẻ kinh nghiệm của họ trong cuộc phỏng vấn với tờ The Atlanta Journal-Constitution.

Ngay sau khi Kohrs công khai trả lời phỏng vấn, luật sư đại diện Trump tuyên bố, bồi thẩm viên này đã “đầu độc” vụ án bằng cách tiết lộ một số vấn đề mà họ cho là cấu thành “sự cân nhắc.” Nhưng Thẩm phán McBurney trong một cuộc phỏng vấn vào cuối tháng Hai cho biết, “tranh cãi cân nhắc” chỉ bao gồm các cuộc thảo luận mà các bồi thẩm viên thực hiện kín trong phòng bồi thẩm đoàn. Những khía cạnh khác trong công việc của họ có thể được thảo luận công khai, bao gồm bất cứ điều gì nằm trong báo cáo cuối cùng của họ.

Các luật sư của ông Trump trong thỉnh nguyện lập luận, những bình luận công khai của các bồi thẩm viên cho thấy công việc của họ “bị vấy bẩn bởi những ảnh hưởng không phù hợp,” như họ được phép đọc báo chí về vấn đề này trong thời gian phục vụ đại bồi thẩm đoàn đặc biệt. Thỉnh nguyện cũng cho rằng, dựa trên một số tuyên bố của bà Kohrs, các bồi thẩm viên đã có những suy luận tiêu cực về những nhân chứng từ chối trả lời câu hỏi bằng cách viện dẫn  quyền Tu chính Án thứ 5. 

Thẩm phán McBurney trong cuộc phỏng vấn vào tháng 2 lưu ý, đại bồi thẩm đoàn đặc biệt hoạt động khác với đại bồi thẩm đoàn thông thường, họ không được cân nhắc bất cứ điều gì ngoài chứng cớ được trình bày trước toà. 

Các luật sư của Trump cũng cho rằng, luật Georgia về đại bồi thẩm đoàn đặc biệt mơ hồ đến mức có thể đe doạ quyền thủ tục tố tụng, như mơ hồ về việc liệu đại bồi thẩm đoàn có thể bồi thẩm đoàn hình sự hay chỉ là dân sự. Luật sư tranh chấp xác định của Thẩm phán McBurney rằng đại bồi thẩm đoàn trong vụ án này là đại bồi thẩm đoàn hình sự. Một quyết định mà theo biện hộ, “có nhiều ngụ ý về thủ tục và hiến pháp rộng lớn.” Xác định như vậy cho phép đại bồi thẩm đoàn đặc biệt buộc lời lời từ các nhân chứng ở ngoài tiểu bang, điều không thể được phép trong một vụ dân sự. Một số nhân chứng quan trọng đã chống lại trát đòi ra lấy lời khai với lý do đại bồi thẩm đoàn đặc biệt là một cơ quan dân sự, với những thành công khác nhau.

Thỉnh nguyện cũng khẳng định, xác định của Thẩm phán McBurney vào tháng 7 năm ngoái, trong đó ngăn chặn Văn phòng bà Willis điều tra Phó Thống đốc Burt Jones –  một người Cộng hòa đồng minh của Trump, lúc đó là Thượng nghị sĩ tiểu bang và tranh cử vào ghế đang nắm giữ – nên áp dụng cho tất cả những người đang bị điều tra trong vụ này. Bà Willis  được cho đã đứng ra gây quỹ cho đối thủ Dân chủ của ông Jones trong chiến dịch tranh cử Phó thống đốc.

Luật sư cũng yêu cầu một thẩm phán khác không phải Thẩm phán McBurney xem xét thỉnh nguyện của họ. 

Hương Giang (Theo New York Times)