Thursday, March 28, 2024

Tranh luận với Thủ Tướng Phúc

Giang Nam

(VNTB) – Không thể kêu gọi NHÂN DÂN “cộng khổ” được, vì không có lý do chính đáng!

Thành ngữ “đồng cam cộng khổ” miêu tả một tình trạng đoàn kết gắn bó, thống nhất giữa hai người trở lên. Ít thì đôi bạn, đôi vợ chồng, nhiều hơn thì 1 tổ chức, một đảng phái, một cộng đồng có tình cảm mật thiết… Ông Phúc rất thích nói thơ, nói chữ nhưng thường ngộ nhận sai lầm. Vốn là thành ngữ cổ chữ chữ nho, có hai vế đối nhau gọi là tiểu đối, kiểu song hành: ĐỒNG CAM và CỘNG KHỔ.

“Đồng cam” nghĩa đen: cùng ngọt, nghĩa rộng cùng hưởng niềm vui, hạnh phúc.

“Cộng khổ”: cùng đắng, nghĩa rộng sẻ chia khó khăn gian khổ.

Thành ngữ trên xưa nay chỉ dùng để chỉ một tình trạng ổn định, thống nhất, gắn bó. Không ai dùng làm lời hiệu triệu, kêu gọi cộng đồng.

Khi ông Thủ Tướng Phúc dùng để phát ngôn kêu gọi thì nó hoá ra thành diễn ngôn hài hước, một kiểu độc tấu hài. Nó không thể khơi lòng yêu nước của nhân dân được.

Vế thứ 1 “ĐỒNG CAM”: Cán bộ quan chức đảng viên rất biết “đồng cam”, cùng hưởng lợi với nhau, cùng ăn chia.

– Sống, biệt phủ biệt thự, hồ bơi vườn cảnh thênh thang xe ngựa.

– Chết, nghĩa trang cao cấp, đất rộng nằm xoạc chân sải cánh.

Nguyên nhân gây nợ công lại chính do quan chức gây ra. Sẽ nói ở phần sau.

Vế thứ 2: “CỘNG KHỔ” trút hết cho Dân bằng cách thu thuế, thu phí “vặt lông vịt ?!

Thực chất chỉ là “quan đồng cam, dân cộng khổ”.

Lời kêu gọi mang cả “hai vế” luôn thì trở thành chuyện hài hước chính trị rồi.

Nợ công chính đáng là gì?

Chẳng may, một đất nước năm nào đó bị thiên tai, địch họa, ngân sách phải xả ra cứu trợm hoặc, phải vay nợ nước ngoài để chi phí… Sau khi qua cơn bĩ cực, chính phủ mới kêu gọi nhân dân“thắt lưng buộc bụng” để trả nợ công. Hợp lý hợp tình như vậy ai cũng nghe được!

Hoặc, nhà nước đầu tư cho đời sống dân sinh như hạ tầng cơ sở giao thông vận tải, mà chính người dân được hưởng lợi. Tuy nhiên công trình BT và BOT giao thông đã đẩy gánh sang cho tư nhân tự tung tự tác rồi còn gì!

Chính phủ “bán thóc giống” trả nợ công không xiết.

Bao nhiêu cố gắng từ thời TT. Ba Dũng kêu gào “bán vốn xã hội chủ nghĩa” được gọi một cách văn vẻ là “cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”. Năm nào chính phủ cũng thúc giục, rồi cuối năm báo công năm sau “bán” được nhiều hơn năm trước. Bán riết rồi cố thủ một số tập đoàn kinh tế nhà nước để “giấy rách còn giữ lấy lề”. Mấy tập đoàn cố thủ ấy tự gọi là “quả đấm thép” cào rách nền kinh tế quốc dân. Các tập đoàn “đào tài nguyên lên bán” như xăng dầu, than đá, bôxít, thuỷ điện luôn kêu ca lỗ vốn. Vốn xhcn ấy bán ấy đổ đi đâu?

“Nợ công” do các nguyên nhân sau.

Tạm liệt kê:

1. Lãng phí

Trả lương công chức đảng chính phủ ngốn ngân sách không thể tưởng tượng. Đặc biệt, bao nhiêu tiền nuôi bộ máy “siêu chính phủ” gọi là đảng cầm quyền, từ chi bộ ấp khóm đến trung ương và “6 cánh tay nối dài”, chỉ riêng một cái “văn phòng trung ương” mỗi năm ngốn nhiều trăm tỷ.

Chế độ chính sách cựu binh, thương bệnh binh, liệt sĩ, gia đình có công (tuy dàn đều, bôi ra cho có) nhưng số lượng khủng chiếm ngân sách vượt hơn hẳn số trợ cấp an sinh xã hội. Chỉ nhẩm tính trên một xã là thấy ngay.

Xây dựng cơ quan công quyền trung ương, tỉnh, thành, quận huyện thị hoành tráng không sử dụng hết công năng.

Xây quảng trường, tượng đài, khu hành chính hoành tráng tràn lan khắp các tỉnh thành đua nhau.

Các loại nhà bảo tàng chuyên đề và bảo tàng địa phương đổ tiền ra, kết quả vắng khách và/hoặc bỏ cho rêu phong.

Các loại lễ hội “kỷ niệm” tỉnh thành tách, nhập thay nhau tròn năm chẵn để giải ngân sách hàng năm.

Kế sao cho xiết sự lãng phí!

2. Lãnh đạo kinh doanh kém

Tập đoàn doanh nghiệp nhà nước thất bát lỗ vốn:

Hàng chục dự án nghìn tỷ của Bộ Công Thương đắp chiếu?

Góp bao nhiêu phần trăm vốn đối ứng vào dự án Cát Linh- Hà Đông, tuy còn dở dang ngổn ngang nhưng mỗi năm suốt 11 năm qua cứ đóng nợ & lãi 650 tỷ đồng/ năm.

Rất nhiều, chỉ nói một dự án ở Nha Trang đội vốn 40 lần, từ 7 tỷ lên 275 tỷ đồng. Và còn đâu nữa ?

Đầu tư sang Venezuela cả nửa tỷ đô mất trắng vốn không đòi được.

Tòa án xử bậy, phải bồi thường Dân oan sai trong nước, lai rai, kinh phí sao chiụ nổi.

Tư pháp xử bậy, thua kiện nước ngoài như vụ kiện Trịnh Vĩnh Bình bồi thường cả nửa tỷ đô.

3. Tham nhũng

Số lượng tham nhũng cụ thể hiện nay không tính được.

Đành lòng vậy!

Tuy nhiên, có thể ước chừng số lượng thất thoát theo kiểu khác. Thử làm theo kiểu “tổng điều tra dân số đồng loạt”: phát phiếu tố giác từng địa phương cả nước, trong 1 tuần biết ngay kết quả đại cương:

– số thống kê bất động sản bất thường của quan chức khắp cả nước.

– số thống kê du học sinh con quan chức (giao cho Bộ ngoại giao và hệ thống sứ quán, sở ngoại vụ thực hiện, có ngay kết quả).

– số thống kê số quan chức mua nhà đất ở nước ngoài và có tài khoản ngân hàng nước ngoài. Việc này nhờ nước ngoài thống kê giùm.

– số thống kê các công ty “sân sau”, số cổ phần của quan chức các cấp trong các cty.

Các con số trên chính là do tham nhũng mà có. Đây là kết quả logic của suy luận.

– Các vụ án tham nhũng đã xử: truy đòi vô kế khả thi. Bọn tham nhũng chấp nhận câu “hi sinh đời bố, củng cố đời con” mất rồi. Họ chịu “bóc lịch” để trả nợ nhà nước.

4. Chi phí ngoại giao kỳ quặc khó hiểu

– Ông tổng bí chủ Nguyễn Phú Trọng lấy tiền ngân sách 25 triệu đô đem tặng Campuchia xây nhà quốc hội. Ôngcòn đem bao nhiêu tặng bạn Lào cũng xây nhà QH cho họ?

– Đổ bao nhiêu tiền mời mọc hơn 118 nước đón đưa khách khứa, tăng ni 119 nước dự đại hội Phật giáo quốc tế trong 5 năm tổ chức tới hai lần ? Để hoằng dương Phật pháp hay để lấy lòng quốc tế, đánh bóng hình ảnh vốn đã nhọ nhem về đàn áp và hạn chế tôn giáo?

Trên đây chỉ nêu vài nét đại cương về nguyên nhân tạo nợ công. Nguyên nhân và Giải pháp nằm trong tay chính phủ và đảng cầm quyền.

Không thể kêu gọi NHÂN DÂN “cộng khổ” được, vì không có lý do chính đáng!

Theo VNTB

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img