Cali Today News – Chính phủ cộng sản Việt nam vừa mới chính thức tuyên bố sẽ phê chuẩn Hiệp ước Thương mại Xuyên Châu Á Thái Bình Dương (TPP) trong kỳ họp Quốc hội khoá tới bắt đầu vào ngày 20 tháng 7.
Ít nhất phân nửa trong 12 quốc gia tham gia TPP cần chính thức phê chuẩn để hiệp ước có hiệu lực. Tuy nhiên, nếu Hoa Kỳ – quốc gia có nền kinh tế lớn nhất trong TPP – không chính thức thông qua thì hiệp ước coi như “bốc hơi”.
Việc TPP được ủng hộ mạnh mẽ ở Việt Nam không có gì lạ. Ước tính, nền kinh tế của đất nước cộng sản có thể phát triển gấp đôi so với mức hiện tại vào năm 2025, theo nghiên cứu của Phòng Thương Mại Mỹ tại Việt Nam. Tuy nhiên có chút ít vấn đề ở đây, đặc biệt về cạnh tranh năng suất, và một loạt các điều kiện khắc khe buộc phải được thưc thi như, cho phép thành lập nghiệp đoàn tư nhân, tuân theo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, điều kiện nơi làm việc an toàn và sức khoẻ. Nhưng theo đánh giá chung thì TPP sẽ đem lại cho Hà Nội nhiều lợi ích.
Hầu hết các quốc gia tham gia TPP đều sẽ ký kết hiệp ước. Tuy vậy, quốc gia có nguy cơ lớn nhất lại là Hoa Kỳ, nơi TPP và các thoả thuận thương mại tự do nói chung trở thành mục tiêu chính trị, đặc biệt trong mùa tranh cử.
Ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hoà Donald Trump tuyên bố phản đối các thoả thuận thương mại tự do, biến chúng thành điểm vận động tranh cử chính để lấy lá phiếu từ cử tri tầng lớp trung lưu, những người lo ngại hiệp ước như vậy khiến công ăn việc làm và thịnh vượng trong nước bị xuất cảng ra ngoại quốc.
Trong khi đó ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton lại bị đối thủ Barnie Sanders kéo sang cánh tả, cũng lên tiếng nghi ngờ về TPP. Dường như bà Clinton thay đổi quan điểm, dịu giọng hơn, cho rằng Hoa Kỳ sẽ phải đàm phán lại thoả thuận nhằm tăng cường bảo vệ chống lại các quốc gia thao túng giá trị tiền tệ của họ.
Ngạc nhiên hơn, phản đối TPP ở Hoa Kỳ cũng đến từ một liên minh các nhóm bảo vệ môi trường. Hơn 450 nhóm môi trường đã viết thư gởi đến mọi vị dân biểu hồi đầu tuần, thúc giục các nhà lập pháp phản đối thoả thuận thương mại. Họ cho rằng, TPP có thể sẽ khiến Hoa Kỳ bị các công ty năng lượng lôi ra trước toà quốc tế, hoặc phải giải quyết các tranh chấp để hồi phục luật bảo vệ môi trường. Với hồ sơ phớt lờ hoặc không tham gia vào những cơ quan như Toà Hình sự Quốc tế của Hoa Kỳ thì điều này giống như sợi dây được kéo căng chút ít mà thôi.
Cho dù kết quả Tổng tuyển cử vào tháng 11 như thế nào đi nữa thì Việt Nam cũng đặt cược hàng tỉ Mỹ kim trong “thương vụ” TPP.
Hương Giang (Theo Forbes)