(Washington Post) – Tối cao Pháp viện vào thứ Tư tỏ dấu hiệu sẵn sàng cho một thay đổi lớn về luật phá thai, và có khả năng sẽ duy trì luật Mississippi cấm phá thai sau 15 tuần.
Trong gần 2 tiếng đồng hồ tranh luận về vụ Dobbs v. Jackson Women’s Health Organization, các vị thẩm phán bảo thủ cho thấy rõ ràng họ sẵn sàng xoá bỏ quyền hiến pháp phá thai của phụ nữ vốn đã được xác lập gần 50 năm qua, trong vụ Roe v. Wade, với 3 thẩm phán do cựu Tổng thống Donald Trump đề cử đóng vai trò chính trong quyết định cuối cùng, gồm Neil M. Gorsuch, Brett M. Kavanaugh and Amy Coney Barrett.
Liệu điều này có nghĩa Toà tối cao Hoa Kỳ sẽ bác bỏ phán quyết của chính toà về vụ Roe v. Wade, trong đó cho rằng, phụ nữ có quyền căn bản chấm dứt thai kỳ của họ, hay không vẫn còn chưa được rõ. Nhưng không có ai trong 6 vị thẩm phán bảo thủ chiếm đa số bày tỏ sự ủng hộ duy trì quan điểm này, mà theo đó các tiểu bang không thể cấm phá thai trước thời điểm thai nhi có khả năng sống được, thông thường vào khoảng 22 đến 24 tuần.
Ôn hoà nhất trong số thẩm phán bảo thủ, Chánh thẩm John Roberts Jr. cho rằng, hạn chế 15 tuần của Mississippi không phải là “sự chuyển hướng đáng kể” khỏi thời điểm thai nhi có khả năng sống được, và cho phụ nữ đủ thời gian để chọn lựa chấm dứt thai kỳ của họ.
Phe thẩm phán cấp tiến cho rằng, danh tiếng của Tối cao Pháp viện sẽ bị thiệt hại không khắc phục được nếu phán quyết phá thai gần nửa thế kỷ qua bị bãi bỏ chỉ vì thay đổi thành viên trong toà. “Liệu Toà sẽ vượt qua được ảnh hưởng tồi tệ tạo ra cho nhận thức của công chúng rằng, Hiến pháp và diễn dịch Hiến pháp chỉ là những hành động chính trị?” Thẩm phán Sonia Sotomayor đặt câu hỏi. “Nếu người dân tin điều này tất cả đều là chính trị, thì chúng ta sẽ tồn tại như thế nào?”
Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên nhất trong sáng thứ Tư là Thẩm phán Brett Kavanaugh và Amy Coney Barrett không buồn che dấu mong muốn bác bỏ Roe. Trong khi Chánh thẩm John Roberts Jr. tìm cách nhượng bộ nhưng vô ích, Kavanaugh và Barrett cho thấy quan điểm của họ: Cả hai vị này đều tin toà có nghĩa vụ để cho các tiểu bang (hay Quốc hội) quyết định câu hỏi về phá thai. Họ đều bật đèn xanh cấm hoàn toàn tất cả các hình thức phá thai ở bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ. Và họ bây giờ sẵn sàng làm điều đó.
Dobbs là nguyên đơn thách thức luật chống phá thai 15 tuần của Mississippi. Trong vụ Roe v. Wade, và một lần nữa trong vụ Planned Parenthood v. Casey vào năm 1992, Tối cao Pháp viện đặt ra quy tắc định nghĩa chuẩn (bright-line rule – một khi đã áp dụng, không thể lách luật): Các tiểu bang không thể chống phá thai trước khi thai nhi có khả năng tồn tại, vào khoảng 22-24 tuần. Đa số có thể sử dụng Dobbs để chuyển giới hạn đó về 15 tuần, hoặc có lẽ sớm hơn, trong khi giữ nguyên quyền phá thai vào những giai đoạn sớm hơn của thai kỳ.
Tổng biện lý sự vụ đại diện chính phủ Tổng thống Joe Biden, Elizabeth B. Prelogar cho rằng, cắt bỏ quyền phá thai sẽ rất nghiêm trọng. Bà lưu ý, Toà chưa từng huỷ quyền hiến pháp mà họ đã mở rộng.
Phía bảo thủ lại bảo rằng, toà vẫn thường làm việc này, đặc biệt đối với những vụ liên quan đến hiến pháp. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này hoàn toàn sai.
Thẩm phán Clarence Thomas tuyên bố, những quyết định trước đây về Roe nên được bãi bỏ. Còn Thẩm phán Samuel A. Alito Jr. trong những câu hỏi của mình cho thấy ông đồng tình với quan điểm này.
Tổng Biện lý Sự vụ của Mississippi Scott G. Stewart kêu gọi, đã đến lúc cần phải thực hiện bước đi trên. Quyền hiến pháp về phá thai “không có chỗ trong lịch sử hay truyền thống của chúng ta,” và đã có hậu quả “hàng triệu mạng sống bị tước bỏ,” Stewart nói. Vấn đề này nên để cho ngành lập pháp các tiểu bang quyết định.
Theo kế hoạch, Tối cao Pháp viện sẽ công bố phán quyết vào tháng 7 sang năm.
Cách đây đúng 1 tháng, toà cân nhắc một vụ kiện chống phá thai khác, liên quan đến luật Texas khá đặc biệt, trong đó cấm hầu hết mọi hình thức phá thai sau 6 tuần, và cho phép công dân tư thực thi luật.
Vụ này mang tính thủ tục hơn, và liên quan đến việc liệu toà liên bang có khả năng ngăn chặn luật chống lại sự bảo vệ hiến pháp đối với những người muốn phá thai hay không. Toà hiện vẫn chưa đưa ra phán quyết.
Hương Giang (Tổng hợp)