Cali Today News – Ngân hàng The Bank for International Settlements (BIS) là cơ quan mới nhất trên thế giới vừa lên tiếng cảnh báo là tình trạng nợ chồng chất không trả nổi của chính phủ Trung Quốc là bước đầu đưa đến khủng hoảng kinh tế.
Tuy BIS nhìn nhận là số nợ này chiếm một tỉ lệ “ăn vào” GDP của Trung Quốc nhỏ hơn nếu so với nợ của Nhật Bản, Anh Quốc hay khu vực tiền tệ đồng euro, nhưng tốc độ tích lũy nợ của Trung Quốc quá nhanh, khiến nhiều giới lo ngại.
Vì vai trò của Bắc Kinh là “đầu tàu” trong phát triển kinh tế thế giới nên chuyện này không những làm giới lãnh đạo Trung Quốc lo lắng mà cả các chuyên gia cũng bất ngờ.
Nếu vào cuối năm 2008, tổng số nợ công của Trung Quốc là 147% con số GDP của xứ này và chưa đến 1.5 đơn vị tín dụng phải thêm vào để gia tăng 1 đơn vị của GDP thì vào tháng 3 năm 2016, nợ của Trung Quốc là 255% của GDP và phải cần hơn 3 điểm tín dụng.
Bất cứ nền kinh tế nào trên thế giới mà lâm vào tình trạng như thế là xảy ra khủng hoảng ngay, nhưng vì nhà nước Trung Quốc sở hữu cả công ty cho vay lẫn nhiều công ty đi vay, nên nợ nước ngoài vẫn còn thấp và chưa đến tình trạng “vỡ bong bóng” các khoản đầu tư.
Nhưng tình trạng lấy “tiền mượn mới trả cho nợ cũ” của nhiều công ty Trung Quốc sẽ gây ra tình trạng “đóng băng phát triển kinh tế”. Đã có chỉ trích từ vài viên chức cao cấp TQ đối với cấp chỉ đạo kinh tế cao nhất và trong tương lai chính dân Trung Quốc sẽ phải “đè cổ ra” đóng thêm thuế để tình trạng đừng tệ hại thêm.
Đào Nguyên (Financial Times)