TIỂU TƯỜNG THẦY TUỆ SỸ NHÌN VỀ DI SẢN TUỆ GIÁC

0
436

Được thiệp báo tin của Hội đồng Hoằng pháp thông tri lễ Tiểu tường (tròn năm ngày tạ thế) của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ được tổ chức tại chùa Kim Quang, thành phố Sacramento, thủ phủ tiểu bang California vào ngày Chủ nhật tới, tôi bỗng nhớ về những công trình biên khảo rất độc sáng và hàn lâm của Thầy về Phật lý. Nhưng lấy làm thú vị nhất là những vần thơ, lời thơ, hồn thơ và tứ thơ quá đẹp của Thầy Tuệ Sỹ trong Giấc Mơ Trường Sơn hơn là khởi niệm tâm cảm buồn vui về trường sinh tử. Khi ở chốn hàn lâm, thầy tự tại thâm trầm đến mức uyên áo trong rừng chữ nghĩa; nhưng khi làm thơ thầy phiêu hốt như một gã du tử sống trọn vẹn trong từng cảm thức vô ngại, bất đồ nắng mưa thế sự. 

Tôi không có ý định… tải củi về rừng khi liên tưởng đến thơ thầy Tuệ Sỹ và dòng biên khảo uyên bác của Thầy vì đã có quá nhiều bài phê bình, nhận định thuần cảm, thuần lý cũng như minh triết lúc Thầy còn tại thế và sau thời viên tịch.

Và hôm nay, tròn năm sau ngày thầy Tuệ Sỹ vắng bóng là ngày lễ Tiểu tường tưởng niệm Thầy tại chùa Kim Quang. Số người tham dự: khoảng 150 vị. Chư Tăng Ni có khoảng một phần ba từ Bắc, Nam Cali, vùng phụ cận và các tiểu bang khác về dự. Đặc biệt chương trình tưởng niệm Tiểu tường thầy Tuệ Sỹ hôm nay có hai phần: Buổi sáng là nghi thức thường lệ và buổi chiều là phần hội thoại thảo luận vế đề tài “Phát huy và ứng dụng di sản Tuệ Giác của thầy Tuệ Sỹ”. 

Trong phần phát biểu tưởng niệm vào buổi sáng với nghi thức trang trọng đầy cảm niệm đạo tình và sự tán thán thâm trọng nhất của quý Tăng Ni và hàng Cư sĩ, Phật tử bày tỏ lòng ngưỡng mộ tuệ kiến dung thông và công hạnh tròn đầy của thầy Tuệ Sỹ đối với đạo Pháp và đại chúng trong suốt hơn 60 năm kể từ khi còn là học tăng ở Huế đến khi là giáo sư và học giả nghiên cứu hàng đầu ở đại học Vạn Hạnh và giai đoạn bắc cầu trên đường sang thế kỷ (20-21). Trong bài tưởng niệm chính của Hòa thượng Thích Nguyên Siêu – trưởng ban tổ chức – đã mang tính nội hàm đại biểu cho nhiều ý kiến tương tự vinh danh tinh thần tinh hoa Tuệ Sỹ.

Đặc biệt buổi chiều, những vấn đề cũ mà thiết thân như truyền thống tu học văn-tư-tu và mới mà thâm trọng như nỗ lực kế thừa và phát huy Di Sản Tuệ Giác vào tiến trình Hoằng Pháp. Hội đồng Hoằng Pháp được thầy Tuệ Sỹ quan tâm dìu dắt và luận bàn trong những tháng ngày cuối đời tại thế của Thầy.

Khi nói đến “gia tài lưu lại” của một bậc danh tăng hay luận sư trong lĩnh vực Phật học thường có nhiều hướng suy diễn rất khác nhau bởi ý nghĩa vừa cao thâm lại vừa bao quát và mơ hồ dễ đưa đến điểm sáo rỗng thuần lý như nhóm chữ (cụm từ) “Di sản Tuệ giác”  (遺產慧覺 – Legacy of Wisdom) bởi Tuệ giác của Đức Phật đã bao trùm tất cả thế giới tri thức niệm và tri thức luận của tất cả chư Bồ tát, thánh tăng, danh tăng, luận sư, học giả… xưa nay. Và, công phu tu tập hàng ngày của hết thảy tứ chúng Phật tử là đang phát huy và thực hành Tuệ giác Phật để rèn giới, tập định và mở tuệ (giới- định- tuệ) thông qua tiến trình học, niệm và tu (văn – tư – tu).

Đáng quan tâm nhất là phần phát biểu mang tính hội thoại của các Cư sĩ Phật tử đã phát tâm sinh hoạt trong giới văn bút Phật giáo gần trọn đời mình như các đạo hữu Nguyên Giác Phan Tấn Hải, Tâm Huy Huỳnh Kim Quang, Tâm Quang Vĩnh Hảo, Tâm Thường Định Bạch Xuân Khỏe, Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng… về hướng hoằng pháp cho thế hệ kế thừa với sự quan tâm đến hệ thống Gia đình Phật tử.

Hoằng pháp là một cách nói khác của truyền đạo hay truyền giáo. Đạo Thiên Chúa truyền vào các nước phương Đông như Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn và Thái Việt Miên Lào theo ảnh hưởng của sức mạnh quân sự và chính trị. Tuy dòng lịch sử của đạo Thiên Chúa truyền vào Việt Nam sau đạo Phật hơn cả nghìn năm nhưng với sự dấn thân và hy sinh của các vị thừa sai, cố đạo, giáo dân tuẫn đạo… họ đã tạo ra sức mạnh chinh phục đời sống tinh thần và tâm linh của đại chúng Việt Nam và Đông Nam châu Á vừa nhanh, vừa năng động so với một đạo Phật chủ trương giác ngộ, trầm lặng thanh tịnh thì bước đi tích cực của đạo Chúa so với bước đi trầm lắng của đạo Phật thì khác nhau như hai miền âm – dương, tĩnh – động.

Thiền sư Nhất Hạnh, người được thế giới phương Tây vinh danh là “cha đẻ của Chánh Niệm” với nguyên nhân rất dễ lý giải là vì Thầy đến đúng lúc, giảng nghĩa lý đúng khát vọng, truyền đạt đúng đối tượng và đặc biệt đáp ứng đúng nhu cầu; mặc dầu Chánh Niệm trong Bát Chánh Đạo đã được đức Phật trao truyền từ hơn 25 thế kỷ trước.

Với khung cảnh nhân văn và xã hội hiện tiền trong cũng như ngoài nước, đạo Phật đã và đang bị “dung hóa” với hoàn cảnh; nghĩa là những thế lực năng động (và rất có thể là vọng động) diễn giải đạo Phật bằng những xảo thủ pháp xa rời liễu nghĩa chánh pháp miễn sao có lợi cho mình là được. Trong nước, được truyền thừa và ủy nhiệm vai trò lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, trong cuộc họp online với nhóm vận động Hội đồng Hoằng Pháp, thầy Tuệ Sỹ đã nói lên thực tế gây xúc động cho các thành viên tham dự, rằng: “Nhìn tới nhìn lui chẳng còn mấy ai, tôi chỉ còn giữ cái khuôn dấu”. Sự chân chính của một chân nhân, chân tăng, chân trí thức là bất cập thế hưng vong thường xuyên dao động giữa đời thường để giữ cho bản tâm mình vẫn nương theo đường chính đạo.

Từ nhiều năm trước, những thực trạng của Phật giáo Việt Nam Hải ngoại như “giáo chỉ buôn vua”; và hiện tiền là tấn phong “Tăng Thống” tùy tiện thì biên giới chánh tà rất dễ phân biệt.

Tuy ở xa, nhưng thầy Tuệ Sỹ vẫn chinh phục được những con người trung thực khắp bốn phương trời bằng sự trung thực của chính bản thân Thầy.

Những công hạnh tu trì và phẩm chất ứng xử của một vị chân tu mà thầy Tuệ Sỹ đã hành động và đưa ra cho hội đồng hoằng pháp như: trung đạo, trong sáng, giản đơn, dễ hiểu và trung thực… thì quả nhiên xứng đáng là di sản tuệ giác thời đại cho ba thế hệ Cao niên (Ông Bà), Bắt cầu (Cha Mẹ) và Kế thừa (Con Cháu) cần trang bị để làm hành trang tinh thần và cây cầu vượt trên những nẻo đường bế tắc.    

Hướng vận dụng hoằng pháp nầy rất ứng hợp với tâm nguyện của thầy Tuệ Sỹ là bên cạnh nguồn tham khảo mang tính cao viễn hàn lâm, sâu rộng của tàng kinh các thì nguồn văn học, văn chương của những sinh hoạt văn bút trong sáng tác, dịch thuật cũng như giáo dục cần phải trong sáng, đơn giản và sâu rộng mà gọn nhẹ phù hợp với người học Phật sơ cơ, mới chỉ có tầm hiểu và biết khởi đầu về đạo Phật.

 Xin tán thán thi ngôn của Thượng tọa Thích Pháp Trí, trụ trì chùa Tiên Quang đã làm MC dẫn gần trọn chương trình bằng ngôn ngữ thi ca. Nhạc sĩ Nguyên Quang, nhân vật rất duyên dáng và “đẹp nghệ sĩ” (theo lời khen của thầy Nguyên Siêu) đã phổ nhạc và hát những bài hát với giọng hát thanh thoát và giai điệu truyền cảm các bài thơ của thầy Tuệ Sỹ. Đạo hữu Phan Trung Kiên đã tường trình trực tuyến (live show) nên đại chúng quan tâm trên toàn thế giới được theo dõi trực tiếp (hay sau nầy có thể xem lại bất cứ khi nào) chương trình lễ Tưởng niệm từ đầu chí cuối.

Một năm sau ngày viên tịch, thầy Tuệ Sỹ dẫu đương niệm hiện tiền hay theo dòng sinh khởi cũng sẽ mỉm cười với những tấm lòng rất trân quý Thầy như Thầy đã hiến dâng tài trí và tâm đạo cho Đạo Pháp và Dân Tộc Việt Nam.

Sacramento Mạnh Thu 17- 11- 2024

              Trần Kiêm Đoàn