Vietnam – Cali Today news – Từ cầu Bến Thủy (Vinh) đến Cai Lậy (Tiền Giang), hiện tại đang là Biên Hòa (Đồng Nai) và sắp tới dự kiến sẽ xuất hiện ở nhiều tỉnh thành khác trong cả nước, thời sự Việt Nam trong mấy ngày qua nóng bỏng bởi cuộc chiến giữa những cánh nhà xe, tài xế chống việc thu phí không hợp lý ở các trạm BOT. Trong cuộc chiến này, những cánh nhà xe, tài xế đã dùng đến “vũ khí” tiền mệnh giá nhỏ bước đầu đem lại một số hiệu quả nhất định…
Dân gồng gánh phí chồng phí sẽ chịu không nổi.
Vậy là tiếp nối trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) chiều ngày 05/10/2017, ông Trịnh Tuấn Liêm – Giám đốc Sở Giao Thông vận tải Đồng Nai đã cho báo đài biết là trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa tạm thời xả cửa để đảm bảo thông suốt giao thông sau nhiều ngày bị tê liệt, kẹt cứng xe làm tắc nghẽn Quốc lộ 1A kéo dài hàng km. Dư luận Việt Nam, đặc biệt là những cánh nhà xe, tài xế và những người qua tâm đến tình hình các trạm thu phí BOT cho đây là chiến thắng ban đầu trong việc tạo áp lực lên các cơ quan bạn ngành, Bộ Giao Thông vận tải và Chính phủ, thể hiện quan điểm kiên quyết chống nạn lạm thu phí đường bộ, thu phí không hợp và sai pháp luật ở các trạm BOT.
Rõ ràng đây là cuộc chiến mà trong cuộc chiến này, những cánh nhà xe và tài xế dùng đến vũ khí tiền Việt Nam có mệnh giá nhỏ như tờ 200đ, 500đ để đóng phí qua lại các trạm BOT, buộc các nhân viên thu phí trạm phải bỏ thời gian đếm. Một hình thức đấu tranh hết sức ôn hòa, không vi phạm pháp luật được cánh nhà xe và tài xế áp dụng nhuần nhuyễn, nhịp nhàng nhưng được sự tán đồng của dư luận.

Khi được hỏi tại sao lại dùng “vũ khí” tiền mệnh giá nhỏ mà không dùng đến những phương pháp, “vũ khí” khác? Một tài xế tên Ca đã chia sẻ ý kiến cá nhân với Cali Today:
“Tại vì bây giờ những cánh tài xế họ cũng như bao người dân bình thường, họ biết viết tờ đơn và đi nộp đơn ở đâu? Cơ quan nào thụ lý tờ đơn đó để kiện? Vì lẽ này nên họ phản đối trong cách ôn hòa nhất là dùng tiền mệnh giá nhỏ để phản đối, mục đích của họ có thể là để đánh động lên Chính phủ đặng xuống thanh tra hoặc làm rõ những bất cập trong việc thu phí ở các trạm BOT mà thôi.”
Bản thân anh Ca cho biết, việc dùng “vũ khí” tiền mệnh giá nhỏ mà cánh nhà xe và giới tài xế để chống việc thu phí không hợp lý và sai pháp luật ở các trạm BOT đầu tiên áp dụng tại trạm BOT cầu Bên Thủy sau đó đươc áp dụng tại BOT Cai Lậy, rồi đến BOT Biên Hòa và dự kiến sẽ lan rộng ra các tỉnh, thành khác.
“Đầu tiên là nó xuất hiện tại BOT cầu Bến Thủy, đến BOT ở Cai Lậy thì tạo hiệu ứng nhiều, nó mới tác động ra ngoài Bộ và Chính phủ. Hiện tại nó lan tỏa ra tới Đồng Nai và các khu vực lân cận.”- Lời anh Ca.
Thực tế ở Việt Nam, một chiếc ô tô phải đóng rất nhiều loại thuế, phí như: Thuế nhập khẩu linh kiện với xe lắp ráp trong nước hoặc thuế nhập khẩu nguyên chiếc, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế Giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp. Và các loại phí phải đóng khi xe lăn bánh trên đường như: Phí trước bạ, phí cấp biển số, phí đăng kiểm, phí cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật, phí sử dụng đường bộ, phpí bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phí bảo hiểm vật chất, phí xăng dầu, phí thử nghiệm khí thải, phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu, phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng…
“Phí đường bộ hằng năm đã đóng rồi bây giờ mỗi chuyến xe khoảng 18 tấn đi qua lẫn đi lại tốn khoảng 360.000VND, nói chung là bảo hiểm, tiền nhiều thứ khác cộng lại thành rất nhiều.”
Đó là chia sẻ của anh Ca lấy một ví dụ mà cánh nhà xe, giới tài xế phải đóng một khoản tiền phí bắt buộc không hợp lý khi đi qua tuyến tránh BOT Cai Lậy. Thuế chồng thuế, phí chồng phí đó là chưa nói đến những khoản phải chi “lậu” khi chiếc xe lăn bánh trên đường. Một áp lực thuế phí quá lớn mà người bị ảnh hưởng nhiều nhất là cánh nhà xe nên vùng dậy phản kháng.
“Đây là một hiệu quả tác động đến Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ phải có phương án gì đó để mà di dời, hạ giá thành hoặc mua lại của nhà đầu tư bằng cách nào đó cho phù hợp chứ giờ dân của mình gồng gánh phí chồng phí sẽ chịu không nổi.”- Anh Ca nói.
“Thực ra chẳng ai dại gì mà đi chống nếu như những việc đó hoàn toàn hợp lý của Nhà nước làm ra, người dân cũng phải có góp một cái gì đó cho đô thị hóa và văn minh ở Việt Nam. Tuy nhiên, do những điều quá bất cập như chỉ được thầu chứ không đấu thầu, tiền phí quá cao, đặt sai vị trí …nên họ phản đối”
Cali Today được biết, chủ sở hữu BOT Biên Hòa là ông Bùi Phạm Khánh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Việt Nam. Còn BOT là chữ viết tắt của cụm từ; Build – Operate – Transfer, có nghĩa là Hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao trong kinh tế. Và trạm thu phí BOT được hiểu là những dự án giao thông BOT có vốn của nhà đầu tư nên khi chạy xe trên đường là các công trình giao thông BOT, người tham gia giao thông đều phải trả tiền.
Tuy là giành được hiệu quả tức thời nhưng về lâu dài liệu rằng những chủ sở hữu trạm BOT, Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải ở từng địa phương có chấp nhận “đầu hàng” trước “vũ khí”tiền mệnh giá nhỏ mà những cánh nhà xe, tài xế đang áp dụng? Họ có ngừng việc thu phí BOT không hợp lý, có chấm dứt nạn lạm thu thuế phí đường bộ? Câu trả lời của anh Ca là không:
“Họ không chấp nhận nhưng vẫn sẽ có đối thoại, cơ quan Bộ có họp bàn nhưng họp kín, tức có xem xét để giải quyết vấn đề chứ những cánh tài hoặc nhà xe chẳng có được quyền gì trong các cuộc họp đó đâu”- Anh Ca quả quyết./.
THIÊN HÀ