TIỄN BIỆT NHÀ BÁO VŨ BÌNH NGHI

0
1086

Đỗ Vẫn Trọn

“Gió thu phong thổi về quá vãng

 Tận tuyền đài một chiếc lá bay…”

Calitoday – San Jose, một vùng trời kỷ niệm và thương nhớ. Những người anh thân thiết của tôi trong giới truyền thông – cầm bút đã lần lượt ra đi… Hoàng Anh Tuấn, Phạm Huấn, Đào Quý Châu, Nguyễn Xuân Hoàng, Cao Sơn, Hà Túc Đạo… và nay là nhà báo – nhà văn Vũ Bình Nghi lìa xa trần thế ngày 05 tháng 10 năm 2024 tại San Jose, hưởng thọ 83 tuổi, để lại nhiều thương tiếc cho bằng hữu. Còn lại ít ỏi, nhà văn Giao Chỉ – Vũ Văn Lộc ở tuổi 90 chờ đợi với thời gian, nhà báo Nguyễn Xuân Nam chống chỏi với cơn bệnh thập tử nhất sinh.

Nghệ thuật là vô hạn, đời người là hữu hạn. Chúng ta không thể cầm bằng theo gió. Niềm đam mê – ao ước sẽ mãi mãi khất lần ở một cõi vô định.

Anh Hồ Quang Nhựt  báo tin anh Vũ Bình Nghi đã đi xa, thật xa…

Mùa thu đã đưa người anh quý mến của tôi về miền đất rất xa xăm, Bùi Chu – Phát Diệm… hay một nơi nào đó để anh gặp lại người vợ đã xa vắng từ lâu. Từ khi vợ anh qua đời, anh như người mất hồn, thẫn thờ với cuộc sống, gắng gượng thêm một thời gian với tờ Nhật Báo Thời Báo, rồi anh buông bỏ. Anh tạo dựng một ngôi nhà ở quê anh – Bùi Chu, nơi người vợ anh yên nghỉ tại đó. Hằng ngày, hàng giờ anh ngồi bất động bên ngôi mộ vợ, như sánh nguyện lời hẹn ước – nghĩa phu thê để viết lên mộ phần “Sơ Kính Tân Trang…” Khác với một Vũ Bình Nghi lừng lẫy trong ngòi bút, sắc bén với chữ nghĩa, dí dỏm trong phiếm luận qua mục Ký Còm được quý bạn đọc nức lòng chờ đợi mỗi ngày theo dõi trên Nhật Báo Thời Báo. Một nhà văn viết chuyện ân ái – phòng the tuyệt đỉnh, kích thích người đọc, nhưng anh như một người tu sĩ, một người công giáo thuần thành mộ đạo và là một người chồng rất thủy chung.

Nhà báo – nhà văn Vũ Bình Nghi là một trường hợp ngoại hạng. Anh có công đầu trong việc xây dựng – hình thành tờ Nhật báo ở miền Bắc California. Một vợ, một chồng, một người con, chỉ từng ấy người mà anh đã hoàn tất được tờ Nhật báo, phát hành đều đặn nhiều chục năm qua. Những ngày cuối tuần báo dầy cả trăm trang. Sự làm việc của anh thật phi thường, vừa viết bài vở, vừa layout tờ báo, có lúc anh phải tự đi phát báo… Sáu giờ sáng anh có mặt ở tòa soạn, mười hai giờ đêm mới về nhà. Làm việc liên tục không ngưng nghỉ, ròng rã bao năm trời để lo cho chín người con ăn học thành tài. Khó mà tưởng tượng được một tờ Nhật báo mà chỉ có ba người làm việc. Có dễ gì chúng ta có được một Vũ Bình Nghi như vậy. Thời của chúng tôi, thời của những người tha thiết với văn chương – báo chí, chữ nghĩa. Muốn gìn giữ, muốn duy trì tiếng Việt ở Hải Ngoại để không bị mai một. Đó là lý tưởng, giá trị đích thực để chúng tôi dấn thân, để đem lại món ăn tinh thần cho người Việt xa xứ. Rồi công nghệ thông tin bùng nổ, mỗi người sở hữu một chiếc điện thoại trở thành một “Nhà truyền thông”. Lớp người chuyên nghiệp và tiên phong như chúng tôi dần dần bị quên lãng. Lớp trẻ hay những người định cư ở Mỹ sau này sẽ không hiểu hết nỗi thăng trầm của những người cầm bút, làm truyền thông nơi xứ người vất vả như thế nào, khó khăn trăm bề. Ấy thế mà chúng tôi còn bị bạo lực, đố kỵ, xúc phạm, chà đạp lên nhân phẩm, tư cách của một người làm truyền thông. Nhưng chúng tôi vẫn hiên ngang ngẩng đầu bước qua những tỵ hiềm của cuộc sống để vươn lên như phương chỉ nam, vạch định đường bay của nó. Cái đường bay kỳ ảo giữa không gian vô tận để mặc định khu vườn văn hóa của người Việt, một nét đẹp để cộng đồng và lớp trẻ sinh ra và lớn lên tại Mỹ thừa hưởng ngôn ngữ Tiếng Việt thân yêu của chúng ta. Và đó, cũng là cách sống của chúng tôi, của những người cầm bút ở một đất trời xa lạ, mặc dù văn chương phải ở cùng với cảnh thổ của quê nhà.

Tôi may mắn được thân quen với anh Vũ Bình Nghi từ khi anh bắt đầu ấn hành tờ Tuần báo, rồi đến tờ Rao Vặt hàng ngày ở cuối thập niên 1980. Anh em chúng tôi từ bàn viết lữ thứ cùng quyết tâm xây dựng làng báo ở Bắc California. Có lúc anh, tôi và Nguyễn Xuân Nam dự định ấn bản Bán Nhật Báo, phát hành sáng và chiều.

Anh Vũ Bình Nghi là một người hiền lành – tử tế – chân thành, có khuôn mặt rất điển trai, dáng người cao… Sống hết lòng với bằng hữu. Tôi và anh có cùng một điểm tương đồng là không bị khuất phục trước một thế lực, một hiểm họa nào có thể xảy đến. Chúng tôi đã đương đầu trên nhiều trận tuyến bằng ngòi bút của mình. Một trận đánh không có mở màn và kết thúc. Không có thương binh trầy trụa, phơi thây ngoài chiến trận.

Tôi rất thương anh. Dù rằng hai anh em rất bận rộn với công việc làm báo nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên dành thời gian với nhau để tâm sự – hàn huyên bên ly rượu đượm tình. Chuyện làm báo ở quê nhà, ở quê người. Tôi không được may mắn như anh là đã làm báo ở Việt Nam, thời kỳ vàng son của báo chí, nhưng cả cuộc đời tôi từ ngày đầu đặt chân đến Mỹ đã bước vào văn chương – báo chí cho đến ngày hôm nay. Lúc đó tôi là một người trẻ nhất, giờ trở thành một người già nua trong ngành truyền thông.

Khi chị Vũ Bình Nghi ra đi, anh như người lạc thần, không tha thiết với cuộc sống, rồi những cơn bệnh ùa về. Anh không còn minh mẫn như trước. Mỗi sáng tôi lái xe ngang qua con đường số 10 mà anh đang ở, Vũ Bình Nghi như một người phu quét lá sân trường, anh vui thú điền viên, tỉa hoa, quét lá quanh vườn nhà anh. Cách đây một năm thì anh đã bị chứng bệnh nhớ nhớ quên quên, ăn uống khó khăn. Tôi không còn dịp để đưa anh đến những quán phở mà anh yêu thích. Thỉnh thoảng tôi mang thức ăn đến cho anh. Anh gật đầu nói không thành lời: Trọn hả! Anh không ăn được bao nhiêu. Ngồi trên chiếc xe lăn, mắt u uẩn nhìn về phương trời xa xa:

“Cánh hồng bay bổng tuyệt vời

Trông mòn con mắt phương trời xa xăm…”

Trước tin anh ra đi, lòng tôi buồn vô hạn, tôi dằn nén xúc động. Tình thân và kỷ niệm tràn ngập trong trí nhớ tôi. Dẫu biết thời gian của anh không còn nữa, sớm muộn gì anh cũng về gặp Nhan Thánh Chúa, tôi thấy mất mát một điều gì đó rất lớn lao, một tình thân sâu đậm giờ đã cách biệt. Mùa thu đã mang anh đi, tôi rưng rưng một nỗi buồn, hình ảnh luôn trong trí nhớ tôi. Những hoạn nạn mà chúng tôi cùng vượt qua. Mong rằng, nơi đó anh rất bình yên bên người vợ mà anh hết lòng yêu thương. Hạnh phúc của anh chị mãi mãi thiên thu.

Dạt ngang miền nhung nhớ, qua con đường Santa Clara, qua con đường số 10, bóng dáng Vũ Bình Nghi xiêu đổ hắt xuống mặt đường, một vùng trời ký ức, một vùng trời của kỷ niệm, nơi đó, là chuỗi ngày dài chúng tôi cùng bước lên những gian khổ để hình thành một nền tảng báo chí ở quê người. Tôi nghiệm ra rằng để trở thành một người thành công rất khó, nhưng để trở thành một người tử tế càng khó hơn.

Giờ anh đã lặng lẽ rời xa nhân thế, vùng đất anh chọn là quê anh – Bùi Chu, nơi hiền thê của anh đang đợi chờ. Mộ phần của vợ chồng anh sẽ mãi mãi bên nhau như tấm lòng son sắt anh chị có nhau. Tiễn nhau ngàn dặm cũng phải chia tay, tang lễ của anh ở San Jose, em đang ở Phương Đông nên không về kịp, nhưng em sẽ đến mộ phần của anh để khấn lời tạm biệt. Tạm biệt anh, nhà văn – nhà báo Vũ Bình Nghi.

Đỗ Vẫn Trọn