Vietnam – Cali Today News – Vào sáng ngày 9/8/2017, trên Facebook của một nhà báo nổi tiếng xuất hiện đoạn status bóng gió về việc ông Trần Bắc Hà, đại gia ngành ngân hàng, người từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bị bắt. Ngay sau đó, hàng loạt các tờ báo trong nước đã đổ xô đi tìm gặp, phỏng vấn các cơ quan có trách nhiệm để xác thực tin đồn nói trên. Điều đáng nói hơn, chỉ vì lời bóng gió ấy mà thị trường trứng khoán Việt Nam trong ngày 9/8 bị chao đảo ‘bốc hơi’ số tiền lên đến 2 tỷ Mỹ kim.
Từ nhiều ngày qua, trong nước luôn xuất hiện một loạt tin đồn và rất nhiều tin đồn sau đó đã trở thành hiện thực. Đáng kể trong số đó là tin đồn về tình trạng sức khỏe của ông Đinh Thế Huynh, người quyền lực thứ 5 trong đảng CSVN; tin đồn về việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh; tin đồn bắt ông Trầm Bê-một đại gia ngân hàng và mới đây nhất là tin đồn về việc ông Trần Đại Quang-Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bị đầu độc và hiện đang phải điều trị bịnh tại Nhật Bản…

Nếu ở các nước dân chủ văn minh, nơi quyền tự do ngôn luận được bảo vệ thì tin đồn không có đất sống. Nhưng, ở những quốc gia độc tài như Việt Nam, khi tuyên truyền là mục đích để bảo vệ chế độ, người dân chỉ được nghe, thấy những điều mà chính quyền cho phép thì đó là vùng đất màu mỡ để tin đồn sinh sôi nảy nở.Và điều lạ lùng ở Việt Nam là tin đồn lại rất chính xác. Tin đồn xuất hiện trước, sau đó báo chí nhà nước mới thông tin đến người dân sau. Điều này được chứng minh qua việc tin đồn ông Đinh Thế Huynh lâm trọng bệnh, tin đồn về việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, tin đồn về ông Trần Đại Quang sang Nhật Bản để điều trị bịnh…
Theo những con số thống kê từ Bộ Thông tin-Truyền thông cho biết, tại Việt Nam có đến 52 triệu người dùng Facebook. Người dân truy cập vào Facebook để theo dõi tin tức còn nhiều hơn cả việc họ bỏ thời gian ra đọc báo hàng ngày. Bên cạnh đó, người dân trong nước ngày càng tin vào những tin tức lan truyền trên Facebook nhiều hơn là tin vào báo chí-những cái loa tuyên truyền của nhà cầm quyền CSVN. Đã từ lâu, chính quyền CSVN phải thừa nhận, rằng họ đã thất bại trên mặt trận truyền thông, không còn có thể lèo lái dư luận theo ý riêng của mình được. Truyền thông trên Internet trở thành ‘sân nhà’ của những người yêu thích sự thật.
Trong sự cố gắng để giành lại mặt trận truyền thông trên Internet, chính quyền CSVN đã lập tức tung ra một loạt Facebooker nổi tiếng, mà mỗi bài viết của họ có thể nhận được từ vài ngàn đến vài chục ngàn lượt thích (likes) và chia sẽ (shares). Những người này làm nhiệm vụ lũng đoạn, lèo lái dư luận theo ý mà chính quyền CSVN muốn.
Còn nhớ, vào tháng 4/2016 khi thảm họa môi trường do Tập đoàn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa xảy ra rất nhiều Facebooker nổi tiếng đã có rất nhiều bài viết cho rằng, việc cá chết hàng loạt ở miền Trung không phải do chất thải độc hại từ Formosa thải ra, mà đó là hiện tượng có trong tự nhiên do tảo nở hoa hay còn gọi là ‘thủy triều đỏ’ gây ra. Cùng với đó, một loạt quan chức cấp cao đã cùng rất nhiều lãnh đạo báo chí về miền Trung để ăn hải sản. Việc làm này nhằm tuyên truyền cho dân chúng thấy rằng, hải sản ở miền Trung vẫn an toàn, không hề có độc hại như lời đồn đoán. Về sau, với những bằng chứng không thể chối cãi, Formosa đã phải thừa nhận những sai phạm. Một loạt mặt nạ đã bị rớt xuống. Các gương mặt ấy có cả những người nổi tiếng, đã định danh trên mạng xã hội.
Không phải hiện nay, mà là từ khi những người Cộng sản cướp được chính quyền, thành lập ra nhà nước Cộng sản người dân Việt Nam phải sống với những tin đồn. Hay nói khác hơn, Việt Nam là một xã hội tin đồn. Người dân sống với tin đồn và quen dần với điều đó, xem nó như một phần của cuộc sống. Rất nhiều tin đồn sau đó trở thành hiện thực. Vào những năm trước thời kỳ ‘đổi mới’ tức là trước năm 1986, tại Hà Nội, ngoài đường người ta đồn Tổng Bí thư đảng CSVN thời đó là Lê Duẩn chết. Rồi sau đó nó trở thành hiện thực. Hay như trong một loạt tin đồn gần đây, hầu như tất cả đã đúng như những gì râm ra trên mạng xã hội. Lúc này, tin đồn không còn là tin đồn nữa mà nó là dấu hiệu của sự thật. Chỉ có điều, sự thật ấy bị ‘giam cầm’ bởi nhà cầm quyền CSVN. Đến khi không thể ‘giam cầm’ nữa, nhà cầm quyền bèn tung ra cho người dân được biết để phục vụ cho mục đích chính trị của mình.
Tin đồn không bao giờ là rõ ràng, một xã hội sống với tin đồn là một xã hội không được minh bạch. Từ minh bạch thông tin đến minh bạch chính trị. Chế độ CSVN vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay là vì họ biết cách ‘giam cầm’ sự thật. Đến khi sự thật được phơi bày thì lúc đó cái mặt nạ của chính quyền CSVN sẽ rơi xuống. Đó cũng là thời điểm cáo chung của chế độ độc tài.
Nguoi Quan Sat