Friday, March 29, 2024

Thanh Hóa: Cả ngàn công nhân đình công

Vietnam – Cali Today News – Vụ đình công nổ ra từ sáng ngày 31/8, nhưng đỉnh điểm là vào sau buổi ăn trưa. Cả ngàn công nhân Công ty Cổ phần đầu tư Hồng Uy (xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) đã đình công tập thể để đòi quyền lợi.

Đình công là một từ khá nhạy cảm đối với chính quyền CSVN. Những lãnh đạo thuộc bộ máy tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, dưới chế độ “đỉnh cao trí tuệ của loài người”, khi mà công nhân và nông dân là giai cấp tiên phong không có chuyện để họ phải đình công để đòi hỏi quyền lợi. Do đó, trên tất cả các báo khi viết về vụ đình công của công nhân Công ty Hồng Uy họ đều dùng từ “nghỉ việc tập thể”.

Vào trưa ngày 31/8, khi đã dùng xong bữa trưa ngay tại công ty, cả ngàn công nhân đã tràn ra đường Quốc lộ 47, nằm sát công ty để đòi quyền lợi.

Theo phía công nhân cho biết, công việc của họ vô cùng cực nhọc, lương lại ít. Đã vậy, giới chủ lại ép buộc họ phải tăng sản lượng, làm tăng ca thêm giờ để cho kịp năng suất. Vậy nhưng, việc bỏ công sức ra lại không được thanh toán bằng tiền. Chưa hết, phía công ty lại còn o ép, giảm thiểu một số chế độ ưu đãi mà công nhân phải được hưởng theo đúng quy định của pháp luật.

Các công nhân không biết làm cách nào để tiếng nói của họ được đưa đến tai giới chủ, khi mà công đoàn lại là bộ phận của công ty, do lãnh đạo công ty lập ra. Trong khi đó, lương hàng tháng của họ phải bị trích một phần để đóng tiền cho công đoàn. Chính vì đó, công nhân đã phải đình công, làm ách tắc đường Quốc lộ 47 trong suốt thời gian dài.

Rất nhiều xe cộ qua lại đã không thể lưu thông trên tuyến đường này.

Xe cộ qua lại bị tắc nghẽn khi vụ đình công nổ ra. Ảnh: Dân Trí

Ông Lê Quang Hùng-Chủ tịch huyện Triệu Sơn nói với báo Thanh Niên:

“Phía huyện cũng đang phối hợp với công ty và người lao động để nắm bắt tình hình và tổ chức đối thoại, nhằm giải quyết vấn đề”.

Vụ đình công kéo dài nhiều tiếng đồng hồ. Theo người dân sống gần khu vực công nhân đình công cho biết, đến chiều ngày 31/8, vụ đình công vẫn còn tiếp diễn. Nhưng yêu sách của công nhân vẫn chưa được đáp ứng. Chưa có đối thoại giữa người đại diện cho công nhân và giới chủ công ty Hồng Uy.

Công ty Hồng Uy đi vào hoạt động từ cuối năm 2014, với ngành nghề chính là sản xuất giày dép. Từ các nguồn tin mà chúng tôi thu thập được, số lượng công nhân ở công ty này lên đến 1,400 người.

Cho đến nay, dù hàng tháng công nhân phải đóng một khoản tiền cho công đoàn, nhưng chưa bao giờ có công đoàn của bất cứ công ty nào tổ chức một cuộc biểu tình để đòi quyền lợi cho công nhân.

Vào tháng 8/2016, trong lần đến thăm và làm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận (Sài Gòn), ông Đinh La Thăng, lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Sài Gòn đã hỏi một câu làm Chủ tịch Liên đoàn Lao động Sài Gòn là bà Trần Kim Yến và những người có mặt vô cùng bối rối và ngạc nhiên. Câu ông Thăng hỏi: “Công đoàn đã tổ chức cuộc đình công nào thành công chưa?”. Câu trả lời mà ông nhận được từ bà Yến là “Chưa bao giờ”.

Không phải chỉ ở Sài Gòn, mà các vụ đình công của công nhân ở khắp cả nước Việt Nam tất thảy đều do tự phát. Trong các cuộc đình công ấy, công đoàn đứng bên lề trong chuyện đòi hỏi quyền lợi cho người lao động. Đó là chưa nói, công đoàn còn đồng hành cùng doanh nghiệp, mà không phải đồng hành cùng công nhân. Cho dù, họ nhận tiền từ công nhân.

Cũng cần phải nói thêm, cho dù được coi là giai cấp tiên phong của đảng CSVN, nhưng chưa có bất cứ lãnh đạo nào đề cập về vấn đề đình công của công nhân phải do công đoàn tổ chức ngoài ông Đinh La Thăng. Hay nói thẳng ra, kể từ khi đảng CSVN cướp được chính quyền và cai trị dân tộc Việt Nam trong suốt mấy mươi năm, công nhân chỉ còn giá trị lợi dụng nhằm làm giàu cho quan chức, đóng tiền để nuôi bộ máy cồng kềnh và khổng lồ.

Nguoi Quan Sat

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img