Cali Today News – TIN TỨC ĐEM TỚI KHÔNG LÀM CHO BÀ NGẠC NHIÊN. Năm 1994, bà Nancy Reagan đưa người chồng thân yêu của bà- Ronnie- đi bệnh viện Mayo Clinic. Vị cựu tổng thống, người chồng bà yêu quí, người bạn đời trong suốt 40 năm của bà, lúc gần đây thường hay quên đủ thứ, hay ngồi nói chuyện một mình, lập đi lập lại cùng một câu chuyện nhiều lần. Ông ráng làm những việc đơn giản nhất một mình, nhưng cũng không làm được. Các bác sĩ đưa ông trở về nhà với lời kết luận: Cựu Tổng Thống Reagan vướng bệnh Alzheimer’s. Lúc bấy giờ cụm từ bệnh Alzheimer’s tương đối vẫn còn mới, người đời không hiểu rõ là bệnh gì. Bà Nancy chuẩn bị tinh thần để đối phó với một hoàn cảnh hết sức khó khăn. Người thân trong gia đình tiết lộ rằng từ lúc đưa ông đi gặp bác sĩ để chẩn đoán bệnh, cho đến lúc đi về nhà bà cứ băn khoăn mãi không biết vì lý do gì mà ông Reagan có những hành động, cử chỉ lạ lùng. Bà biết là có điều gì xấu lắm đã xảy ra, nhưng không biết về căn bệnh này. Người thân ấy cũng tiết lộ thêm rằng hồi năm 1994, “Không ai biết rõ việc gì sẽ xảy ra. Chúng tôi không biết câu hỏi nào nên đưa ra để hỏi ý kiến bác sĩ, nên thảo luận về vấn đề gì, và tương lai sẽ đi về đâu. Bà Nancy chỉ biết rõ một điều là: Người đàn ông bà thường gọi là “roommate” của bà, từ ngữ bà thường dùng để viết trong những lá thư viết cho bạn bè, sẽ từ từ xa lìa bà trong đau đớn, mỗi ngày ông sẽ cách xa bà một chút.
Và từ đó, cái mà bà gọi là “cuộc chia ly kéo dài rất lâu” bắt đầu. Bà đóng vai trò chăm sóc người bệnh – caregiver- trong 10 năm dài. Mười năm đó bà phải vội vàng đi ăn trưa với bạn, vội vàng thu ngắn cuộc nói chuyện, và bớt hẳn những tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Bà dành trọn thời gian cho người chồng yêu qúi của bà, và bà liên tục tranh đấu để ủng hộ cho những công trình nghiên cứu ngăn ngừa căn bệnh cướp đi Ronnie thân yêu của bà. Câu chuyện về lòng tận tụy của bà với ông Reagan nghe thật buồn, và bất hạnh, nhưng đồng thời nó mang đầy vẻ dịu dàng, thương yêu. Câu chuyện về người phụ nữ bị mang tiếng là Đệ Nhất Phu Nhân Thích Đi Ăn Trưa thực ra mang nhiều cảm đảm, quả quyết hơn cả hình ảnh một Ronald Reagan mặc quần áo cao bồi như trong phim ảnh trước đây ông từng thủ diễn.
Vị cựu tổng thống không hiểu sức khỏe của ông đã sa sút quá nhanh, và người đầu tiên ông trông cậy là bà Nancy. Ông viết trong lá thư sau cùng gửi cho dân trong nước: “Thật là đáng tiếc, khi căn bệnh Alzheimer’s ngày càng nặng thêm, gia đình người bệnh thường phải gánh trách nhiệm nặng nề. Tôi chỉ ước mong có cách nào để giúp bà Nancy nhà tôi bớt phải chịu những kinh nghiệm đau thương này. Khi đến giờ đã điểm khiến tôi phải ra đi, tôi tin rằng với sự giúp đỡ của quí vị, Nancy có thể đối phó với hoàn cảnh với đức tin và sự can đảm.”.
Đức tin và sự can đảm của bà Nancy được mọi người chứng kiến khi bà hướng dẫn cả nước trong tang lễ tiễn đưa chồng bà vào ngày 5 tháng Sáu năm 2004, ông hưởng thọ 93 tuổi. Đứng yên lặng dưới vòm trần nhà Quốc Hội, bà hôn lên cỗ quan tài của ông, bà đứng đơn độc một mình, người phụ nữ 82 tuổi vừa mất đi người bà yêu thương suốt đời.
Bà không bao giờ muốn xa ông nửa bước. Năm 1981, buổi tối trước ngày bà lên máy bay đi Anh quốc dự đám cưới của Thái tử Charles và công nương Diana Spencer, bà Nancy đã khóc vì phải ở xa Ronnie của bà vài ngày. Ở trong Bạch Cung, bà vợ tổng thống, hay Đệ Nhất Phu Nhân thường bị giới truyền thông mô tả là người đàn bà khó tính, chạy theo thời trang, soi mói việc làm của các phụ tá giúp việc cho tổng thống, hay âm mưu sa thải người nào bà không ưa. Nhưng thực ra, một người thực sự sống trong hậu cung, hiểu rõ rằng bà vợ tổng thống có thể là người cả quyết, cứng rắn, nhưng cũng là người hay mềm lòng vì cảm xúc. Bà là người làm tất cả mọi việc chỉ vì người chồng bà yêu thương. Bà là người ngủ rất ít, ít hơn ông chồng. Một người bạn thân với bà Nancy kể lại rằng: “Ông tổng thống không bao giờ lo lắng chuyện gì lâu. Còn bà thì chuyện gì cũng lo, lo nhiều lắm.”.
Nhưng trong ngày 11 tháng Sáu năm 2004, ngày cả nước làm tang lễ, đưa chồng bà đến nơi an nghỉ cuối cùng, bà tỏ ra là một phụ nữ cương quyết, kiên nhẫn, và bình tĩnh. Trong một thời gian dài, căn bệnh quái ác đã từ từ phong kín cuộc đời của vị tổng thống. Ông đã từ từ xa rời trần thế, xa người xung quanh, kể cả xa lìa bà. Bây giờ bà đem ông trở lại hào quang về cuộc đời của ông, cho tương xứng với huyền thoại, và biểu tượng của Ronald Reagan. Trước đó, chỉ có Jacqueline Kennedy là đệ nhất phu nhân hiểu rõ hình ảnh huyền thoại về chồng bà, để đưa hình ảnh đó được tôn vinh, vĩnh cửu.
Trong buổi tang lễ, bà Nancy tỏ ra cương quyết, không để mất kiểm soát. Khuôn mặt của bà có lúc trông như băng giá, lạnh căm. Nói trước Thánh Đường Quốc Gia, ông George H.W Bush kể một câu chuyện về người xếp cũ của mình. Ông Bush kể lại rằng có một lần người ta hỏi ông: “Chuyến đi thăm Ngài Tổng Giám Mục Tutu của Tổng thống ra sao?”. Ông trả lời “cũng tàm tạm”. Cả vị nguyên thủ quốc gia lẫn giới nhà báo cùng phá ra cười theo kiểu dân tài tử xi nê Hollywood. Tấm khăn che mặt của bà Nancy được khẽ nâng lên, và người ta thấy bà chép miệng thật nhẹ, đượm buồn. Mọi người cùng nhớ đến ông, cái thời ông đem lại ánh bình minh cho nước Mỹ.
TRONG MỘT KHÍA CẠNH NÀO ĐÓ, cuộc hôn nhân giữa bà Nancy và ông Ronald Reagan là một sự kết hợp hoàn hảo. Không một cặp vợ chồng nào có thể sánh kịp, nhất là tính về số thời gian hai ông bà sống rất hạnh phúc, có con chung với nhau. Bà Nancy từng nói rằng cuộc đời của bà thực sự chỉ bắt đầu từ ngày bà gặp ông Ronald Reagan (lúc đó bà được 30, vào năm 1951). Ông Reagan đã bị bà vợ cũ ruồng bỏ, và nghề đóng phim của ông lúc đó đang đi vào giai đoạn tàn lụi khi ông gặp bà Nancy. Bà là người đã giúp ông làm lại từ đầu.
Bệnh Alzheimer’s là một lời nguyền ác độc rơi xuống cho ông bà Reagan. Bà Reagan có lần đã tâm sự với nhà bình luận Chris Matthew vào năm 1997: “Anh có biết không! Anh không thể tưởng tượng được rằng chứng bệnh đó còn kinh khủng hơn vụ ông nhà tôi bị ám sát.”. Bà mô tả ý nghĩa của chữ “ly thân” một cách đau thương như sau: “Có những đêm tôi thức giấc thấy mình còn đang nằm ngủ với người chồng từ bao năm nay, nhưng bây giờ ông ấy không còn biết mình là ai.”.
Ông Reagan vẫn thường có tật hay quên tên của người khác. Sau đó, ông chữa thẹn bằng một câu chuyện khôi hài, dí dỏm. Nhưng kể từ đầu thập niên 1990’s, bà Nancy nhận thấy có cái gì không ổn đang xảy ra. Vào năm 1994, ông Reagan đọc bài diễn văn sau cùng trước một cử tọa 2,500 người, nhân dịp sinh nhật thứ 83 của ông. Ông đọc trôi chảy mọi dòng trong bài diễn văn, nhưng khi hai ông bà trở về khách sạn, ông ngập ngừng nói với bà: “Bà chờ một chút nhé, tôi không biết mình bây giờ đang ở đâu đây.”.
Bác sĩ John Hutton, người y sĩ riêng của Tổng thống Reagan, sau đó kể lại cho báo New York Times rằng bà Reagan đã mau chóng nhắc ông chồng thật gọn như sau: “Anh Ronnie à, quần áo của anh đang để ở góc phòng, anh hãy lại lấy nó đi, và anh sẽ biết anh đang ở đâu.”. Bà quay sang hỏi bác sĩ Hutton: “John, ông có hiểu tôi muốn ám chỉ điều gì không?”.
Sau đó thì chính y viện Mayo Clinic, và những thử nghiệm khác xác nhận ông Reagan bắt đầu bị lú lẫn, triệu chứng của căn bệnh Alzheimer’s. Có những lúc ông Reagan không thể nhớ lại rằng ông đã từng sống trong Bạch Cung một thời gian. Sau đó, có lúc ông trở lại bình thường như mọi người. Ông hiểu đã đến lúc ông phải công bố cho mọi người biết căn bệnh của ông. Ngày 5 tháng 11 năm 1994, ông cầm bút viết, cánh tay còn khá mạnh: “Tôi bây giờ bắt đầu đi vào cuộc hành trình đưa tôi đến hoàng hôn của cuộc đời.”.
Đối với bà Nancy, nỗi trầm luân khổ ải của bà bắt đầu từ đây. Tháng Bảy năm 1995, bà nói với một cử tọa ở thành phố New York: “Alzheimer’s là một chứng bệnh, giống như nhiều bệnh khác, như bệnh ung thư, bệnh tim, hay bất cứ bệnh tật nào khác. Nhưng căn bệnh Alzheimer’s nó ác độc lắm, bởi vì đối với người phải chăm sóc cho bệnh nhân, nó đem đến cho người đó một cuộc biệt ly kéo dài rất lâu.” Nói đến đây, mắt bà đỏ hoe, và bà bật khóc.
Bà Nancy bắt đầu nói chuyện với một người bạn cũ, công chúa Yasmin Aga Khan, con gái của nữ tài tử Rita Hayworth, người bị bệnh Alzheimer’s từ năm 1981. Cô công chúa chĩ vẽ cho bà biết rồi đây bà sẽ gặp những biến đổi bất thường nơi người bệnh. Ví dụ như sự thay đổi tánh tình, khi vui, khi buồn. Bà sẽ lâm vào hoàn cảnh khi người mình yêu thương không còn khả năng nhận diện mình, không biết nói năng, dùng chữ để diễn đạt ý nghĩ, thậm chí người bệnh không còn cầm được vật dụng trên tay, khi ăn phải vỗ về, để kích thích người bệnh mới chịu nuốt thức ăn, vuốt cằm, hay thoa cổ họng cho người bệnh. Công chúa Yasmin nói rằng bà Nancy hết sức đau khổ, tan nát cả cõi lòng khi thấy chồng bà sa sút, nhưng bà vẫn tỏ ra can đảm, ngoan cường.
Cũng từ ngày đó, bà Nancy còn rất ít thì giờ để đi du lịch, hay mua sắm, thậm chí chuyện vãn với bạn bè trên điện thoại. Một bà bạn thân với gia đình, tên là Nancy Reynolds kể lại: “Chúng tôi đã từ giã nhau từ 10 năm trước khi ông ấy con nhớ chúng tôi là ai, và đang ở đâu. Bà lo việc chăm sóc cho ông hết sức tận tình. Chúng tôi ít còn có dịp nói chuyện với nhau.”. Bà Reynolds chịu khó gọi điện thoại hỏi thăm, nhưng cũng chỉ hỏi rất vắn tắt, rồi thôi. Chính vì vậy, bà Reynolds xoay qua viết thư, gửi sách cho bà Nancy đọc. Làm như vậy giúp bà có dịp thư dãn, bớt stress.
Lúc nào cũng có bác sĩ và y tá túc trực chăm sóc cho ông Reagan, nhưng bà Nancy luôn luôn là người đóng vai chánh. Bà tìm đủ mọi cách để tạo một cuộc sống cho chồng bà được hạnh phúc và giữ tư cách, thể diện. Có vài sở thích cũ của ông phải tạm chấm dứt, gác bỏ sang một bên. Chẳng hạn như ông thích cưỡi ngựa, nhưng ông không còn được phép làm điều này được nữa. Nhân viên an ninh của ông, John Barletta là người đưa tin này. Ông Barletta nhớ lại hôm đó chính ông trông thấy những giôt nước mắt chảy trên ma của ông Reagan. Bà Nancy vội vàng nói với ông John Barletta: “Thôi được rồi anh John, tôi sẽ an ủi, làm cho ông yên tâm. Việc gì cần làm thì phải làm thôi. Đành phải chịu.”.
Bà Nancy bán trang trại Rancho del Cielo của ông bà vào năm 1998. Bà Nancy ít khi đi ra ngoài hưởng thú sinh hoạt ngoài trời, nhưng cả hai ông bà đều rất thích tranh trại này. Từ nay ông bà sẽ không còn phải lo cắt xén bụi cây, hay lấp những ổ gà trên mặt đường go con ngựa Gipper gây ra. Mỗi khi ông Reagan đi đánh golf trong Country Club ở Los Angeles, ông luôn luôn được mọi người vui vẻ chào đón. Ở ngoài sân đánh cù ông là người mặc quần áo đẹp nhát, đường nếp trên áo quần của ông hết sức cáu cạnh, và lúc nào nụ cười cũng nở tên môi ông. Nhà bình luận bảo thử Craig Shirley nhớ lại hình ảnh của ông trên sân golf: “Trông ông lúc nào cũng bảnh bao, áo vét xanh dương đậm, quần mầu xám, nếp ủi hết sức cáu cạnh.”.
Người mắc bệnh Alzheimer’s lúc nào cũng cần được vuốt ve, xoa dịu. Bà Nancy biến việc này như một thói quen bình thường. Bà đưa ông đến văn phòng làm việc mỗi ngày vài giờ đồng hồ, để ông ngồi ký giấy tờ, trông ông có vẻ như rất bận rộn. Thục ra lúc đó, ông chỉ lật từng trang hình hý họa vẽ trong sách. Bà Nancy không có nhiều thú giải trí riêng. Trong thời gian xảy ra vụ án O.J Simpson, Dominick Dunne, người phụ trách về thời sự thường đến báo cáo cho bà biết tin tức vào lúc bà ăn trưa. Bàn bè bắt đầu nhận thấy bà có vẻ mệt mỏi. Bà Sheila Tate phụ tá cho bà ngày xưa nói “trông bà có vẻ “buồn” mặc dù bà không hề than phiền.
Trên chiếc giường rộng loại king size, ở căn nhà số 668 đường Cloud Road ở thành phố Bel Air, bà Reagan buổi tối ngồi bó tay vào nhau khi thấy ông nằm mê, nhưng bà cảm thấy lo âu. Những người con của bà đều ở xa bà. Cậu con út Ron Reagan, một nhà sản xuất phim ảnh sống ở thành phố Seattle, ít khi về thăm nhà. Cô con gái Patti vẫn còn giận hờn cha mẹ, đang viết cuốn tiểu thuyết để gián tiếp bầy tỏ sự tức giận của cô. Sau khi cha cô bị vướng bệnh Alzheimer’s, cô giúp chút ít vào việc chăm sóc cho cha cô, nhưng nói rằng cô đã hết giận cha mẹ, thì chưa có gì chắc lắm. Cô Maureen, người con gái của ông Reagan với bà vợ đầu, tài tử Jane Wyman, đến thăm cha thường hơn, mỗi tháng hai lần. Cô cũng thường hay lên tiếng kêu gọi sự quan tâm của công chúng về căn bệnh Alzheimer’s. Nhưng đến ăm 2001, Maureen phải vào bệnh viện, và chết vì bệnh ung thư.
BÀ NANCY HẦU NHƯ HOÀN TOÀN ĐƠN ĐỘC. Năm 2001, khi ông Reagan được 90 tuổi, ông té ngã và bị gẫy xương mông. Sau đó ông được phục hồi về thể lực. Cơ thể của ông lúc nào cũng khá mạnh mẽ, nhiều năng lực. Bác sĩ của ông phải khen rằng xương và da của ông còn mạnh và trẻ như người ở tuổi 60 hay 70. Nhưng kể từ ngày giải phẫu xương mông, sau khi đưa ông từ bệnh viện trở về nhà, ông Reagan không bao giờ bước chân ra khỏi nhà.
Cũng từ đó, bà Nancy hầu như không còn liên lạc nhiều với người ngoài. Người thân cho biết sở dĩ bà không muốn liên lạc với người ngoài vì muốn giữ thể diện cho ông Reagan. Bà không muốn ai biết đến tình trạng suy nhược của ông. Bà không còn đi thăm bạn bè ở New York mỗi năm hai lần như ngày xưa. Bà không bao giờ muốn ra khỏi nhà quá 5 phút. Bà không muốn chồng của bà chết cô độc ở trong nhà. Bà nói với người thân trong gia đình: “Sau khi ông bị gẫy xương mông, bà nghĩ rằng sức khỏe của ông suy nhược nhiều lắm, và ông có thể qua đời bất cứ lúc nào.”.Nếu bà có phải đi ra ngoài dùng bữa trưa hay bữa tối với bạn bè, bà đều xin phép về sớm để còn chăm sóc cho “Ronnie” của bà.
Theo bà Sheila Tate, một người bạn thân, thì qua thời gian, sự kiện bà Nancy luôn luôn túc trực bên cạnh ông chồng trở thành một việc thường xuyên, được bà Nancy chấp nhận. Bà Tate nói: “Trong giọng nói của Nancy, sự đau đớn,than phiền hầu như không còn nữa.”. Bà Nancy chấp nhận ông Reagan sắp sửa qua đời. Kể từ khi ông Reagan trở nên tàn tật, suốt ngày nằm trên chiếc giường của bệnh viện đặt tại nhà, ông không còn nhận biết ra bà Nancy nữa. Người thân trong gia đình nói rằng càng ngày đôi mắt của ông Reagan càng trở nên xa vắng, lạc thần. Không còn ai có thể nghĩ đến một ông Reagan, người đảng Cộng Hòa lúc nào cũng lạc quan, yêu đời, bây giờ lại sống như người đã chết.
Nhưng cuộc sống của bà Nancy không trở thành bớt vui, hay hoàn toàn vô nghĩa. Bà trở nên gần gũi nhiều hơn với cô con gái Patti. Hai mẹ con cùng ra sức tranh đấu cho vấn đề nghiên cứu căn bệnh Alzheimer’s. Ngoài cái tật ưa tin vào bói toán, bà Nancy là một người có đầu óc yêu thích khoa học. Hồi nhỏ bà rất hâm mộ người cha ghẻ, ông Loyal Davis. Ông là một y sĩ chuyên về não.
Nhưng về vấn đề nghiên cứu căn bệnh Alzheimer’s bà Nancy đụng đầu một lãnh vực có nhiều tranh cãi. Những người thuộc đảng Cộng Hòa không bao giờ chịu tin vào việc cấy tế bào phôi thai, và tổng thống George W. Bush đã ra lệnh hạn chế gay gắt những công việc nghiên cứu liên quan đến stem cells – tế bào phôi thai. Năm 2003, khi bà Nancy đến Hoa Thịnh Đốn để nhận bằng khen, bà kéo ông Andy Card, chánh văn phòng của tổng thống ra nói chuyện riêng trong bữa tiệc buổi tối. Bà năn nỉ ông Card phải tìm mọi cách làm thay đổi lập trường của chính phủ. Ông Card nghe lời, và hứa sẽ tìm đủ mọi cách làm theo ý nguyện của bà.
BÀ NANCY CÓ MẶT Ở GIAI ĐOẠN CUỐI CÙNG CUỘC ĐỜI CỦA ÔNG REAGAN. Vào những giây phút cuối, theo cô Patti Davis: “Cha tôi mở mắt, ông nhìn Nancy một lúc lâu. Ông trông thấy bà; rõ ràng tôi nhận ra điều này. Hình như linh hồn ông đang nói: “Bà ơi, tôi không ngờ chúng ta lại phải chịu cảnh ngộ như thế này vì căn bệnh của tôi.”.
Bà Nancy đón nhận việc ông từ trần với thái độ mừng vui. Khi quan tài của người chồng quá cố của bà được đem về đặt tại đại sảnh của Điện Capitol, nằm ở đó trong hai ngày (hơn 100,000 người đến viếng, chào từ biệt). Bà ôm lấy quan tài, người bà run lên. Bà được Phó Tổng Thống Dick Cheney hộ tống. Trông bà rất xúc động, nhưng bà đã hồi phục. Quì gối trong nhà thờ National Cathedral, thỉnh thoảng bà cầm tay cô con gái Patti Davis, mắt bà nhìn thẳng về phía trước.
Ngồi trong phản lực cơ Air Force One, bà đưa linh cửu chồng bà trở về miền tây lần cuối. Vào một buổi xế chiều, chiếc xe tang đưa tổng thống lên triền núi. Thư viện Reagan nằm trên đồi cao, trông xuống toàn cảnh vùng đồi núi Santa Susana Mountains, nơi ngày xưa ông từng thủ diễn những vai cao bồi trong phim viễn Tây. Những người lính Thủy Quân Lục Chiến nghiêm chỉnh làm lễ phủ cờ cho vị tổng thống. Sau đó, lá cờ được gấp gọn ghẽ trao tay cho bà Nancy. Bà ôm chặt lá cờ trước ngực, rồi bà cúi xuống hôn lên chiếc quan tài. Cuối cùng, bà bật khóc, và thân nhân trong gia đình bao quanh lấy bà. Lúc đó, bà mới cảm thấy mình không còn cô độc. Đêm hôm đó, bà Nancy và các con cháu về căn nhà của hai ông bà ở vùng Bel Air. Mọi người cùng hàn huyên nói chuyện cho đến khuya. Bà Nancy rơi vào một giấc ngủ thật sâu.
Bà chỉ thức dậy sau một giấc ngủ kéo dài hơn 12 giờ. Gia đình cùng xem truyền hình cuốn video chiếu lại tang lễ ở Hoa Thịnh Đốn, và những nghi lễ tổ chức ở Simi Valley. Từ đây, bà Nancy phải sống với niềm đau khổ mới: sống trong một căn nhà không có Ronnie yêu quí.
Bà tâm sự với một người bạn thân: “Bây giờ mới đến giai đoạn khó khăn cho tôi. Ai cũng biết tang lễ sẽ phải diễn ra. Song đó mới chỉ là khởi đầu cho một giai đoạn đau đớn mới. Bà phải sống một mình trong một căn nhà lớn.”. Những kỷ niệm của bà về ông, và cuộc tranh đấu cho vấn đề nghiên cứu tế bào phôi thai -stem cell- là hai điều duy nhất giúp bà sống còn. Đối với bà những hình ảnh về tang lễ an ủi bà rất nhiều. Bà trông thấy dân chúng thuộc đủ mọi tầng lớp trong xã hội đứng hai bên đường đưa tay chào, từ biệt ông.
Người thân trong gia đình cho rằng “Những hình ảnh đó giúp bà Nancy phấn khởi, có thêm sức mạnh để sống.”.
Ghi chú của tác giả: Sau cái chết của chồng, bà Nancy Reagan thúc đẩy mạnh việc cỗ vũ cho bệnh nhân và người chăm sóc bệnh nhân vướng phải căn bệnh Alzheimer’s. Bà quyên góp được hàng triệu đô la cho việc nghiên cứu. Nhờ Tổng thống George W. Bush rút lại quyết định ngăn cấm hoàn toàn ngân sách liên bang dành cho công trình nghiên cứu stem cell (tế bào phôi thai). Bà Nancy Reagan cũng thành công trong việc vận động quốc Hội ngăn ngừa những đạo luật ngăn chặn ngân sách tiểu bang tài trợ nghiên cứu stem cell. Bà luôn luôn chung thủy với những kỷ niệm bà có với chồng bà. Cô Patti con gái của bà viết trên báo TIME khi bà sắp qua đời, như sau: “Tôi nhớ rất rõ rằng mắt mẹ tôi nhìn lên trời cao và nói về ước nguyện của bà muốn được ở gần cha tôi .”. Ngày 6 tháng Ba, bà Nancy Reagan qua đời ở tuổi 94.
Câu chuyện do Eleanor Clift và Evan Thomas viết trên Newsweek.
Nguyễn Minh Tâm dịch theo Reader’s Digest tháng 6/2016.