Tuesday, March 19, 2024

Suy Nghĩ Về Lợi Ích Của Giáo Dục Ở Bậc Đại Học 

Cali Today News – Ít lâu sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-và 2009 làm cho nền kinh tế bị thiệt hại nặng, lòng tin vào giáo dục ở bậc đại học ở người Mỹ bắt đầu phai lạt. Vào năm 2011, hơn một nửa sinh viên tốt nghiệp đại học bị thất nghiệp, hay phải làm những việc không đúng với ngành học của mình. Sau đó nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ trở lại, đề tài giáo dục ở đại học không còn được đem ra bàn cãi nữa. Nhưng sau những thiệt hại trầm trọng do đại dịch COVID gây ra, đề tài này lại được đem ra thảo luận, hâm nóng trở lại. Kỳ này số phận của văn bằng đại học được đem ra nghiên cứu một cách sâu xa,và thâm thúy hơn.

Trong cuộc thăm dò ý kiến của tổ chức Populace với câu hỏi: “Mục đích của giáo dục đại học là gì?”. Tổ chức Populace là một cơ quan nghiên cứu phi đảng phái, hàng năm họ vẫn thực hiện những cuộc thăm dò ý kiến về giáo dục ở bậc đại học. Họ yêu cầu người được hỏi xếp hạng ưu tiên của giáo dục bậc đại học. Năm 2019, giáo dục đại học đứng hàng thứ 10 trong bảng thứ tự ưu tiên. Năm 2022, cuộc thăm dò xếp hạng giáo dục đại học đứng hạng thứ 47 trong số 57 đề mục được hỏi ý kiến. 

Ông Todd Rose, đồng sáng lập viên tổ chức Populace nói: “Giá trị của giáo dục đại học có lẽ không còn giống như ngày xưa nữa.”. Sau đó, để làm cho rõ nghĩa hơn, ông giải thích: “Không phải câu trả lời cuộc thăm dò có nghĩa là giáo dục ở đại học không còn giá trị nữa. Trái lại. nó ám chỉ rằng chúng ta cần đặt lại các ưu tiên, chẳng hạn như ưu tiên học được một nghề chuyên môn, ưu tiên theo đuổi một việc làm có ý nghĩa khi học lên đại học.”.

Năm 2009, 70% học sinh tốt nghiệp trung học ghi danh theo học đại học. Năm 2021, tỷ lệ trên chỉ còn 61.8% bằng với tỷ lệ hồi năm 1994. Điều gì đã xảy ra?

Theo nghiên cứu của tổ chức Populace trong 4 năm liên tiếp, mục đích học đại học là “sinh viên học được những kỹ năng thực dụng, cụ thể – practical tangible skills” chẳng hạn như biết quản lý tiền bạc của mình, và chuẩn bị những bữa ăn cho mình, được xếp vào ưu tiên số 1. Một số tiêu chuẩn khác cũng được xếp hạng khá cao như “kỹ năng suy nghĩ phản biện- critical thinking- tức là suy nghĩ thấu đáo, sâu suốt về một vấn đề, xem xét cả những ý kiến trái ngược về cùng một đề tài để có thể chọn quyết định đúng, hay giải quyết được vấn đề nan giải, cũng như phát huy nhân cách con người. Tiêu chuẩn “học để trang bị cho mình một nghề chuyên môn” được xếp hạng thứ 6, tăng vọt lên từ thứ hạng 27 trước khi xảy ra đại dịch COVID. 

Đại học là lộ trình cần thiết và có giá trị để sinh viên học được nhiều ngành nghề chuyên môn, nó cũng giúp sinh viên mở rộng kiến thức về thế giới bên ngoài và ứng dụng nhiều vai trò, tư thế khác nhau. Nó cũng có thể là con đường giúp thay đổi hẳn giai tầng xã hội của người sinh viên, cũng như của gia đình người sinh viên, nhất là đối với những sinh viên là thế hệ đầu tiên trong gia đình học lên đại học. Nó là mục tiêu để giáo dục cấp tiểu học và trung học chuẩn bị cho học sinh theo học đại học. 

Nhưng không phải người nào cũng sinh ra là để trở thành một phi công hay một thợ sửa ống nước, không phải tất cả mọi người đều cần phải học thêm hai hay bốn năm sau bậc trung học. Sở thích của học sinh rất đa dạng, có học sinh thích làm điều này, cũng có học sinh thích làm việc khác. Sự phát triển của mỗi em học sinh đều phải được tôn trọng, và đề cao ngang nhau. Có đến 70% học sinh chọn ngành học là do ảnh hưởng của áp lực xã hội- social engineering-. Những chiến dịch cổ động nhằm tán dương rằng học đại học sẽ giúp con người làm việc “thông minh” thay vì giúp con người làm việc “siêng năng cần cù” hơn, hay phô bày hình ảnh người thợ ống nước áo quần dơ bẩn, cạnh một người tốt nghiệp đại học áo quần bảnh bao, không nên được dùng làm yếu tố để biện minh cho học phí phải trả khi theo học đại học. 

Ngoài ra, còn phải kể đến những lý do có tính chất cơ cấu khiến cho nhiều người thèm muốn học một kỹ năng mới. Trong tình hình thị trường lao động khó khăn, công ty tìm người để thuê mướn, họ chỉ chú trọng đến việc tìm ra người làm được việc, hơn là tìm người có văn bằng cao. Hiện tượng này xảy ra kể từ khi ngành kỹ thuật cao xâm nhập cả vào khu vực công. Ví dụ: Ở tiểu bang Pennsylvania, nhiều việc làm trong chính phủ tiểu bang không cần ứng viên phải tốt nghiệp đại học. Năm ngoái, Tạp chí Harvard Business Review và Viện Nghiên Cứu Burning Glass Institute ước tính rằng có tới 1.4 triệu việc làm không cần văn bằng tốt nghiệp đại học trong khoảng năm năm sắp tới. Khoảng hơn hai phần ba người Mỹ không có văn bằng Bachelor – Cử Nhân-, và nhiều ngành nghề không bắt buộc phải có văn bằng Bachelor.

Hiện nay có khá nhiều khóa học và khóa huấn luyện thay thế chương trình đại học, nhiều hơn ngày xưa. Trước khi xảy ra đại dịch, có khoảng 2 triệu truyền đơn, giấy quảng cáo về những khóa học đặc biệt trong mỗi học kỳ – quarter- bây giờ tăng lên 5 triệu tờ quảng cáo, và có tới 113 triệu người ghi danh theo học. Những loại khóa học chuyên môn kiểu này bao gồm nhiều ngành khác nhau từ Khoa Học Vi tính, đến Bí quyết để tìm thấy hạnh phúc. Rất nhiều kỹ năng và khóa huấn luyện chuyên môn dành cho doanh nghiệp, và cho công nhân để giúp họ trau dồi kiến thức cũng như lấy thêm văn bằng chuyên môn. 

Hoa Kỳ đã phạm phải một lỗi lầm đáng trách là trước đây họ chỉ lo tán dương, vinh danh văn bằng đại học, hay giáo dục cấp cao, trong lúc hạ giá, bêu xấu những ngành nghề khác. Ở Đức và Thụy Sĩ gần hai phần ba sinh viên theo học những lớp huấn nghề. Việc cắp sách đến trường để học thêm về nghề nghiệp không bao giờ kết thúc, chỉ thay đổi loại ngành nghề do nhu cầu của tình hình lao động, và kinh tế. 

Nếu chúng ta muốn chú trọng vào việc giúp các bạn trẻ chuẩn bị cho mình một việc làm có ý nghĩa, chúng ta không cần phải tuyên bố giáo dục ở đại học đã chết rồi. Trường cao đẳng rất xuất sắc trong việc phát triển nhiều loại kỹ năng cần thiết và có giá trị- ngày xưa được gọi là kỹ năng “mềm”, mà các công ty muốn tuyển dụng. Đó là những kỹ năng “suy nghĩ phân tích- analytical thinking- suy nghĩ tích cực, và tìm giải pháp cho những vấn đề phức tạp. Những sinh viên tốt nghiệp trau dồi thêm về kiến thức và khoa học. Tài liệu thu thập trong nhiều năm đều nói rằng sinh viên tốt nghiệp đại học kiếm được nhiều tiền hơn, và dễ có việc làm hơn. Sinh viên tốt nghiệp đại học có nhiều tin tưởng về bản thể của mình hơn là những người chỉ có văn bằng tốt nghiệp trung học.

Nhưng thực tế cho thấy rằng có nhiều cách để xây dựng bản thể, và mục tiêu trong đời của mình, và cũng có nhiều cách để kiếm được nhiều tiền, đặc biệt khi những loại việc làm đang phát triển mạnh lại đòi hỏi một số kỹ năng chuyên môn riêng biệt (ví dụ chuyên viên về thuốc chủng ngừa, quản lý thăm dò thị trường khách hàng)

Mục đích của giáo dục là gì? Nếu nền giáo dục đó chỉ nhắm chuẩn bị cho sinh viên việc làm, và cuộc sống có ý nghĩa, nó sẽ trở thành một cuộc chạy đua để học đại học, đắt tiền và chỉ dành cho giới khá giả, ưu tú. Như vậy, nền giáo dục đó không phải là con đường khả thi cho tất cả mọi người. Chúng ta cần phải mở nhiều cơ hội, nhiều con đường rộng rãi cho các bạn trẻ tự đi tìm tương lai cho mình, trong đó có văn bằng đại học. Nhưng chúng ta không nên chỉ tán dương, đề cao giáo dục ở bậc đại học.

Bài phân tích của Jenny Anderson trên báo TIME ngày 10/4/2023

Nguyễn Minh Tâm  dịch

Ghi chú:  Tác giả Jenny Anderson là một nhà báo, đang viết cuốn sách về khoa học khích lệ, động viên thiếu niên. Bài phân tích trên đây là một phần của tác phẩm này. 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img