Friday, March 29, 2024

Suy Nghĩ Lại Về Những Rủi Ro Bị Nhiễm COVID-19.  

Nguyễn Minh Tâm  dịch theo báo TIME ngày 28/2/2022  

Cali Today News – Bác sĩ Scott Gottlieb trước đây là một Ủy Viên trong cơ quan Food and Drug Administration – Kiểm Tra Dược Phẩm Hoa Kỳ từ năm 2017 đến 2019. Ông còn là nhà nghiên cứu lão thành trong Viện Nghiên Cứu America Enterprise Institute, và là thành viên trong Hội Đồng Quản Trị Công ty bào chế dược phẩm Pfizer Inc. Ông thường xuất hiện mỗi sáng Chủ Nhật trong chương trình Face the Nation của đài CBS để tường thuật tin tức về bệnh dịch COVID-19. Ông viết bài phân tích dưới đây trên báo TIME ngày 28/2/2022.  

Trong lúc bệnh dịch tiếp tục biến đổi, hầu hết người Mỹ đã chích ngừa để được bảo vệ. Những người không đi chích ngừa thì bị  lây nhiễm (có khi bị lây nhiễm hai ba lần). Rủi ro do bệnh dịch COVID-19 hầu như đang giảm xuống. Ước tính cho biết hơn 90% người Mỹ đã đạt được sự miễn nhiễm đối với bệnh dịch COVID-19 hoặc do chủng ngừa, hay vì bị lây nhiễm trước đây.   

Do mức độ miễn nhiễm khá cao đó khiến cho những chính sách áp dụng để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh dịch trước đây không đem lại nhiều lợi ích so với những trở ngại mà những hạn chế đó gây ra cho xã hội như học sinh không có cơ hội đến trường học, và nền kinh tế bị trì trệ.   

Hầu như chúng ta đã chậm trễ trong việc chấp nhận chính sách mới phù hợp với sự biến đổi của bệnh dịch. Cơ quan CDC sẽ sớm cập nhật tình hình, và đưa ra sách lược mới. Sách lược đó là nên tách rời khỏi những đề nghị áp dụng chung cho toàn quốc, mà nên đặt ra  những chính sách theo tình hình mỗi địa phương. Ở đó, chính quyền quận hạt đề nghị từng bước nên bỏ những hạn chế nào tùy theo tiêu chuẩn cần phải có ở mỗi cộng đồng. Chúng ta đã áp dụng nhiều hạn chế lúc đầu, nhưng chưa áp dụng việc giảm bớt những hạn chế này bởi vì chúng ta vẫn dựa vào những tính toán, dự phóng thường dùng vào lúc bệnh dịch mới bắt đầu xảy ra. Những ý niệm dùng để đo lường rủi ro của bệnh dịch phần lớn giữ nguyên như cũ, không thay đổi, mặc dù  nhiều người đã được bảo vệ, che chở, chống lại con vi rút nhờ chủng ngừa, hay đã bị lây nhiễm rồi.   

Khi bệnh dịch vừa mới bắt đầu, chúng ta có chung một nỗi lo sợ giống nhau, và cùng nhau chia sẻ sự hy sinh để áp dụng những hạn chế gắt gao chống lại bệnh dịch. Sau một thời gian, bệnh dịch biến chuyển,  gánh nặng chồng chất lên nhau, những ràng buộc xã hội, những chia sẻ chung đó phai lạt, không còn chặt chẽ như trước.  Chúng ta nên thay đổi, chuyển từ những biện pháp được áp dụng tập thể, chung cho tất cả mọi người để chuyển sang những chiến thuật được mỗi người chọn lấy tùy theo rủi ro có thể xảy ra cho từng cá nhân. Điều này có nghĩa là chúng ta nên chấp nhận những biện pháp hạn chế áp dụng cho từng vùng, thay đổi theo địa phương do mỗi tiểu bang hoạch định. Vai trò của chính phủ chỉ còn thu hẹp trong phạm vi cung cấp đầy đủ dụng cụ, phương tiện phòng ngừa để dân chúng chọn lựa.   

Những biện pháp hạn chế từng được coi là thiết yếu hồi năm 2020 nhằm giảm bớt số tử vong, và giúp hệ thống y tế không bị quá tải, bây giờ không còn lý do để tồn tại được nữa. Nhưng ai là người chỉ đạo việc thay đổi những hạn chế cũ? Khi điều chỉnh những hạn chế, chúng ta thường đi trễ mất vài bước. Nếu không có sự chỉ đạo kỹ lưỡng, sâu xát, chúng ta khó có thể đo lường được vì sao biện pháp hạn chế này nên được thay thế bằng biện pháp khác, rất khó để chọn quyết định cho đúng.   

Chúng ta hãy cùng nhau trở lại xem xét những biện pháp hạn chế khắt khe từng được áp dụng hồi năm 2020, khi chúng ta vừa mới bị tấn công bởi đợt bùng phát đầu tiên của bệnh dịch. Tổng thống Donald Trump đã phải mất hết 45 ngày để làm giảm sự lây lan của bệnh dịch, và giảm bớt sự tàn phá tai hại của bệnh dịch trong đợt đầu. Hồi tưởng lại về những biện pháp cực đoan phải áp dụng lúc bấy giờ, chúng ta rút kinh nghiệm được rằng hồi đó sự chỉ đạo rất kém, và thiếu những biện pháp điều chỉnh để có sự ăn khớp với nhau giữa mối nguy hiểm, và nhu cầu phục hồi.   

Chúng ta còn nhớ hồi đó cơ quan CDC đã thất bại trong việc thực hiện xét nghiệm tại hiện trường để biết xem bệnh dịch COVID-19 đã lan mạnh ở đâu, và bắt đầu khi nào để chúng ta nhắm mục tiêu ngăn chặn bệnh dịch ở thành phố nào, nơi con vi rút hoành hành mạnh, trở thành dịch bệnh. Lúc đó, chúng ta không biết nơi nào có COVID-19 nơi nào không. Mọi người còn tranh cãi cho rằng COVID-19 cũng chỉ nhẹ như cảm cúm thông thường, và tỉ lệ tử vong chỉ vào khoảng 0.1%. Đến khoảng tháng Bảy năm 2020, khi đợt bùng phát đầu tiên lắng xuống, 0.25% toàn thể dân số ở thành phố New York đã bị chết vì COVID-19, trong lúc chỉ có một phần năm cư dân trong thành phố bị lây nhiễm. Rủi ro do bệnh dịch COVID-19 gây ra vẫn tiếp tục tăng mạnh, và có nguy cơ tàn phá khốc liệt. Những dụng cụ chúng ta có trong tay để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh dịch hầu như là số không, chưa thấy tăm hơi gì cả. Sự tổn thất chúng ta phải đương đầu hầu như vô số kể, không thể ngăn chặn được. Chúng ta phải làm chậm lại sự lây lan, trong lúc tìm ra dụng cụ ngăn ngừa bệnh dịch. Vào lúc cao điểm của bệnh dịch là mùa mùa Đông năm 2020, mỗi tuần ở Hoa Kỳ có hơn 6,000 người chết, chỉ tính riêng tại các nhà dưỡng lão.  

Đó là chuyện xảy ra vào năm 2020.  

Bây giờ là năm 2022, chúng ta nên để ý niệm về rủi ro của năm 2020 đi vào quá khứ.Chúng ta dùng từ “moderate” (mức trung bình, vừa phải) để thẩm xét tình hình năm ngoái, sau khi có nhiều người đã được chích ngừa. Rồi chúng ta lại nói “new low” (mức thấp mới) khi thấy số người bị bệnh nặng xuống thấp. Nhất là khi chúng ta gặp biến chủng Omicron, là loại biến chủng lây lan rất nhiều, song chỉ gây bệnh nhẹ.  

Kể từ đó đến nay, nhiều người Mỹ đã được chích ngừa, hay bị lây nhiễm qua nhiều đợt lây nhiễm kế tiếp nhau. Theo vài con số ước tính, hiện nay hầu như có tới 70% người Mỹ đã bị lây nhiễm một lần. Khoảng 87% người Mỹ ở tuổi trưởng thành đã được chích ngừa, ít nhất là một mũi thuốc. Chúng ta có phương tiện để chữa trị, và có thể giảm bớt số người cần phải điều trị trong bệnh viện, hay bị chết. Hoa Kỳ sẽ cung cấp 500 triệu bộ xét nghiệm để dân Mỹ có thể tự xét nghiệm COVID tại nhà hàng tháng. Chúng ta cải tiến rất tốt phương pháp chữa trị cho người bị COVID-19.  

Song vẫn còn khá nhiều điều giữ nguyên như cũ, không thay đổi, thậm chí ngay cả khi biến chủng Omicron bắt đầu suy yếu, gây hại rất ít. Cho đến lúc gần đây, trẻ em đến trường học còn phải mang khẩu trang. Trong trường học chưa có tiêu chuẩn rõ ràng khi nào các em có thể bỏ khẩu trang. Khi biến chủng Omicron tăng lên đến đỉnh điểm cao, nhiều trường học vội vàng quanh trở lại với phương pháp dạy từ xa. Nhiều văn phòng làm việc ở những thành phố lớn lại đóng cửa, nhân viên phải làm việc tại nhà. Một vài tiểu bang, cơ sở doanh nghiệp bắt buộc công chức nhân viên phải chích ngừa. Họ tìm mọi cách để buộc số người chưa chích ngừa phải đi chích, ngay cả trường hợp những người không chích ngừa đã từng bị lây nhiễm một hay hai lần.   

Lòng tin của dân chúng đối với cơ sở y tế công cộng bị suy giảm dần bởi vì chúng ta quá chậm trễ trong việc chấp nhận những bước phải làm để thay đổi ý niệm về sự rủi ro. Một số người tự đặt ra cho mình những biện pháp riêng để ngăn ngừa rủi ro, chẳng hạn như họ tránh đi đến những nơi tụ tập đông người, đeo khẩu trang và dùng thêm những biện pháp phòng ngừa khác. Nhiều người dễ bị thương vong vì COVID-19 do tuổi già, hay vì có sẵn những điều kiện sức khỏe yếu kém, chúng ta cần cung cấp cho họ những dụng cụ, phương tiện để giúp họ được an toàn. Chúng ta nên hiểu cho tâm trạng của các phụ huynh học sinh, nhất là cha mẹ các em ở tuổi chập chững mới biết đi. Họ bị giằng co giữa mối lo sợ về con vi rút, và phải suy nghĩ cách nào để giữ an toàn cho con mình. Đối với những người có nhiều tự tin thì cho rằng những rủi ro đang có chiếu hướng đi xuống, chúng ta không thể để các cơ quan y tế công cộng đòi hỏi những hạn chế giống như cũ một cách lâu dài. Nên nhớ rằng việc gián đoạn sinh hoạt gây ra những hậu quả rất lớn. Mọi người đều trở nên quá mệt mỏi vì bệnh dịch. Cuộc sống, và sức khỏe tâm thần của người dân bị tổn thương rất nặng vì phẩm chất của cuộc sống bị suy đồi, hay vì những thỏa thuận miễn cưỡng từ bấy lâu nay phải cam chịu để  tránh rủi ro của bệnh dịch COVID-19.  

Nhiều trẻ em trong suốt hơn hai năm qua không biết đến sinh hoạt bình thường ở trường học là gì. Sự gián đoạn liên tục của việc học hành gây ra ảnh hưởng tai hại cho học sinh. Chúng ta sẽ không bao giờ đồng ý rằng sự thiệt hại nhiều hơn những lợi lạc do việc hạn chế vì sợ rủi ro. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta không có phương pháp nào để đo lường những mất mát giữa không được học hành để đổi lại lấy sự an toàn, không vướng COVID, và chúng ta cũng chẳng hề có kế hoạch rõ ràng khi nào nên bật đèn xanh áp dụng hạn chế để tránh rủi ro, và khi nào thì thả lỏng nó ra.   

Hãy thử cùng nhau thảo luận về đề tài phân biệt giữa “đại dịch” (pandemic) và “kết thúc bệnh dịch” (endemic). Hầu như không hề có bảng kỷ yếu nào nói rõ khi nào thì con vi rút trở nên lì lợm, dai dẳng, hay đến khi nào chúng ta có thể xử lý những rủi ro chi phối cuộc sống của chúng ta. Giới chức lãnh đạo ngành y tế công cộng có nhiều định nghĩa khác nhau khi thẩm định vào lúc nào “pandemic” trở thành “endemic”, đó là thời điểm khi nào bệnh dịch COVID-19 trở thành một phần trong những mầm bệnh luân lưu như một “điệp khúc” sẽ xảy ra, và có thể tiên đoán được. Cách đơn giản nhất để định nghĩa giai đoạn chuyển tiếp đó là khi thấy đợt bùng phát lây nhiễm quá đáng trở nên suy yếu không còn hoành hành dữ dội nữa, và dịch COVID-19 xảy ra như một khuôn mẫu có thể dự đoán trước được, xảy ra theo mùa. Một số chuyên gia, trong đó có cả tôi, cho rằng năm 2022 sẽ là năm chúng ta có thể thực hiện giai đoạn chuyển tiếp từ đại dịch (pandemic) đi đến chỗ kết thúc đại dịch (endemic). Một số chuyên gia khác vẫn tin rằng tỉ lệ rủi ro còn cao lắm, một số người khác thì lo ngại rằng biết đâu sẽ còn biến chủng khác nữa, chúng sẽ làm tiêu tan dự đoán kể trên.   

Dù sao đi nữa, bệnh dịch sẽ vẫn còn có những rủi ro tồn tại, và tiếp tục xảy ra. Chúng đòi hỏi mọi người phải luôn luôn cảnh giác, đề phòng đối với những căn bệnh về đường hô hấp, nhất là vào mùa đông khi các loại mầm bệnh bay trong không khí. Chúng ta cần phải đặc biệt bảo vệ cho những người đang sống trong những môi trường tập trung nhiều người sống gần nhau. Chúng ta cần khuyên họ đi chích ngừa các loại thuốc chủng cần thiết. Chúng ta cần làm việc thanh lọc không khí khi đóng cửa ở trong nhà. Chúng ta cũng cần tạo những điều kiện thuận tiên, và làm quen với những trường hợp phải làm việc, hay học hành ngay tại nhà nếu thấy trong người không được khỏe. Chúng ta nên phân phát rộng rãi dụng cụ thử nghiệm tại nhà để mọi người có thể dự trữ sắn một số dụng cụ thử nghiệm cá nhân. Mang khẩu trang che mặt sẽ trở thành một hành động tự nguyện, và trở thành một loại dụng cụ tự vệ khi thấy cần, dùng tạm trong một thời gian ngắn để đối phó với trường hợp bệnh dịch gia tăng đột biến. Chúng ta cũng còn cần phải tiếp tục canh tân, và đầu tư vào cách trị liệu để có thể phân phối rộng rãi cho mọi người.  

Nhưng nếu chúng ta vẫn tiếp tục để bị sa lầy trong những học thuyết dùng vào năm 2020 để đo lường mức độ rủi ro, chúng ta sẽ không thể  chấp nhận những biện pháp của giới chức y tế công cộng đo lường sự biến chuyển, trào lưu thông của con vi rút để tìm ra được cột mốc chung xử lý rủi ro trong cuộc sống của chúng ta.   

COVID-19 sẽ tiếp tục là loại vi rút rất đáng sợ trong tương lai gần, song con người phải học cách sống chung với nó. Các viên chức y tế của chính phủ liên bang đã hướng dẫn giúp chúng ta thoát qua khỏi giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử cận đại của đất nước , và giúp chúng ta duy trì được mạng sống, mặc dù đã có hơn 900,000 người đồng hương của chúng ta phải bỏ mạng.  

Lần hồi, chúng ta đã tìm được cách sống chung với con vi rút quái ác này. Bây giờ chúng ta cần tìm ra con đường êm thắm để lướt qua nó như một sự kiện bình thường. Từ đó, sẽ tính ra phương thức mới hướng dẫn mọi người cách thích ứng với bệnh dịch COVID-19, mặc dù chúng ta sẽ không bao giờ tận diệt được nó được.   

Nguyễn Minh Tâm  dịch theo báo TIME ngày 28/2/2022  

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img