Thursday, March 28, 2024

Sẽ ‘thay máu lần hai’ Bộ Công an?

Ngày 27/11/2018, vụ Cục Cảnh sát hình sự (C45) thuộc Bộ Công an ‘bắt sống’ Đường Hùng Cường, 41 tuổi, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư – thương mại dầu khí Nghệ An – vì liên quan đến đường dây đưa Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài vào năm 2016 – liệu có móc xích với người đã chết?

Một sự trùng hợp khó có thể xem là ngẫu nhiên là cùng ngày 27/11/2018, ở Sài Gòn mở phiên tòa xửvụ Ngân hàng DongABank, với một diễn viên chính bị di lý từ Hà Nội vào Sài Gòn để phục vụ phiên tòa này là Vũ ‘Nhôm’. Tại đây, Vũ đã khai ra cái tên Trần Đại Vũ với toàn bộ phụ âm và nguyên âm rất gần với người mà từ lâu được đồn đoán là ‘chú của Phan Văn Anh Vũ’ – tức chủ tịch nước Trần Đại Quang mà giờ đây chỉ còn từ ‘cựu’ và ‘cố’ ở phía trước danh xưng này.

Chính trường và bàn cờ thế ở Việt Nam đã gần như đảo lộn sau tháng Chín và sau cái chết của Trần Đại Quang. Kết quả thần tốc ‘tổng bí thư kiêm chủ tịch nước’, dù chỉ là ‘giải pháp tình huống’; như một lối thanh minh của Nguyễn Phú Trọng, cũng bổ khuyết cho cái khoảng trống quyền lực mà một vị vua còn thiếu.

Ở vào vai trò độc tôn quyền lực hay nói nôm na là gần như ‘muốn làm gì thì làm’ trên phương diện ‘đảng trị công an’, đây chính là lúc mà ông Trọng có điều kiện ‘xới’ lại những hồ sơ mà trước đó có thể đã khiến ông ta ấm ức đến độ không thốt nên lời bởi không thể muốn làm gì thì làm.

Một trong những hồ sơ đó, tưởng như đã chìm lắng, là vụ ‘thế lực nào và đường dây nào đã giúp Trịnh Xuân Thanh đào tẩu?’.

Sau khi nổ ra hai vụ đồng thời gây chấn động về ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’ – theo một công bố của Bộ Công an và Bộ Ngoại giao Việt Nam vào đầu tháng Tám năm 2017, và vụ ‘Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam bắt cóc tại Berlin vào tháng 7/2017’ do Bộ Ngoại giao Đức tố cáo, nhiều cựu thần và giới cách mạng lão thành đã khẩn thiết yêu cầu Nguyễn Phú Trọng phải cho điều tra khẩn trương xem thế lực chính trị nào đã cả gan tiếp tay cho Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài ngay trước mũi ‘công an giỏi nhất thế giới’. Tuy nhiên, hiện tượng hết sức lạ lùng là cho đến tận phiên tòa xử Trịnh Xuân Thanh vào đầu năm 2018, vẫn chẳng có bất kỳ một tin tức nào được tiết lộ về thế lực nào đã giúp Thanh bỏ trốn. Dù văn phòng của Tổng bí thư Trọng đã làm hết sức để tuy chứng cứ tại tòa không đủ sức thuyết phục mà vẫn giáng xuống đầu Trịnh Xuân Thanh không phải một mà đến hai cái án chung thân, đã không có một dấu hiệu rõ rệt nào cho thấy các cơ quan đảng của ông Trọng lần mò ra được đường dây nào đã giúp Thanh bỏ trốn.

Hoặc một giả thiết khác đáng thuyết phục hơn: ở Việt Nam mọi thứ đều là bí mật nhưng lại chẳng có gì được giữ bí mật, cũng như cái đường dây nào đó đã giúp Trịnh Xuân Thanh đào tẩu thì Tổng Trọng và Tổng cục 2 tình báo quân đội nhắm mắt cũng biết là ai. Chỉ có điều, cái thế lực bảo kê cho vụ đào thoát Trịnh Xuân Thanh phải lớn đến mức cả Bộ Chính trị không làm gì nổi.

Cũng trong  bối cảnh nhộm nhoạm trên, người ta đã chẳng hề nhận Cục Cảnh sát hình sự (C45) thuộc Bộ Công an, dù chỉ là một cái bóng của nó, trong việc truy tìm những kẻ đứng sau đường dây bảo kê cho Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn.

Nhưng sau cái chết của Trần Đại Quang và nếu quả thật có một mối liên đới ruột rà giữa hai cái tên Trần Đại Vũ và Trần Đại Quang, cánh của quan chức chủ tịch nước mà giờ đây chỉ còn nổi lên từ ‘cố’ ở phía trước sẽ bị lịch sử bóp nghẹt trong bóng tối mênh mông hoang hầm hập của nó. Sau cái chết của Trần Đại Quang, rất có thể đã biến động một cuộc chạy loạn, còn những kẻ không kịp ‘ra đi tìm đường cứu nước’ thì đương nhiên sẽ phải bị tống vào ‘lò’.

Cái tên Đường Hùng Cường vừa bị Bộ Công an bắt chỉ là ‘chuyện nhỏ’, và có thể chỉ là một cái tên dân sự nhỏ bé được công khai, trong khi còn có những cái tên hình sự lớn hơn nhiều có thể đã bị bắt kín mà chưa thể ló ra công luận.

Sau chiến dịch ‘tái cơ cấu Bộ Công an’ vào đầu năm 2018 với việc giải tán toàn bộ 6 tổng cục, một khả năng có thể là việc hồi tố vụ Trịnh Xuân Thanh đào tẩu sẽ có phần giống như một chiến dịch ‘thay máu lần hai’ đối với bộ này, hay chính xác hơn là dành cho cái phần rơi rớt còn lại của những tướng tá công an ‘thời Dũng’ và ‘thời Quang’.

Hai cứ điểm Cục Cảnh sát điều tra và Cục An ninh điều tra của Bộ Công an – mà Nguyễn Phú Trọng chiếm gọn vào tháng Tám năm 2018 – giờ đây chỉ biết phục vụ ‘hoàng đế’. Nhiệm vụ ‘bảo vệ chính trị nội bộ’ đó chính là nỗi khiếp sợ, nỗi đe dọa đối với cánh công an không còn hợp thời và hợp thế, ngay lúc này và cho đến lúc chiến dịch tảo thanh lan rộng cùng nhiều vụ tống giam thình lình và không thương xót ập đến từ cấp trung ương đến các địa phương.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img