Cali Today News – Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng Thống Joe Biden trên cương vị Tổng Thống Mỹ đến Châu Âu đã đạt được mục tiêu chính yếu, đó là báo hiệu cho những người bạn đồng minh của Mỹ biết rằng, nước Mỹ đã sẵn sàng một lần nữa để dẫn đầu liên minh phương Tây.
Các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu vui mừng khi thấy một Tổng Thống Hoa Kỳ đã thực sự trở lại và ca ngợi các giá trị của chủ nghĩa đa phương và sự ổn định của phương Tây, nhưng chỉ với một chuyến thăm nhau như vậy sẽ không thể nào đủ để bù đắp, sửa chữa tất cả những thiệt hại qua bốn năm thù địch, đấu đá với những đồng minh bởi tính khí thất thường dưới thời Donald Trump.
Thật vậy, trong 4 năm dưới thời Trump, người Châu Âu đã học được một bài học thực tế nhất, rằng đừng bao giờ ngây thơ nghĩ rằng, bất cứ vị Tổng Thống của đảng chính trị nào cũng luôn đứng về phía những bạn bè đồng minh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bài học điển hình đã xảy ra, khi nước Mỹ có một người bị rối loạn nhân cách lại nắm giữ chức vụ lãnh đạo cao nhất của quốc gia đầu đàn của khối tự do.
Nhiều nhà lãnh đạo ở Brussels, họ cần nghĩ đến đề xướngg tạo một liên minh vững chắc mà không có người Mỹ, lý do được họ đưa ra là có thể vào bất cứ lúc nào, nếu nước Mỹ lại thiếu may mắn có thêm một Donald Trump 3.0 hay 4.0, trẻ hơn, gian xảo hơn, thâm độc hơn thì mọi xáo trộn sẽ lại xảy ra như dưới thời của Trump 2.0, có khi còn tệ hơn gấp nhiều lần.
Liên Hiệp Châu Âu cần theo đuổi các mục tiêu địa chính trị của riêng mình để bảo đảm sự độc lập khỏi nước Mỹ, bao gồm xây dựng khả năng quốc phòng của riêng mình và giao thương với các nước như Trung Quốc và Nga theo hướng có lợi cho khối này nhưng không ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Nga và Trung Quốc.
Chuyến đi đầu tiên của Tổng Thống Biden được xem là đã thành công vì trong Hiến chương Đại Tây Dương mới do Tổng Thống Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson đều đồng ý, cũng như tuyên bố chung của Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu, tất cả các bên đều đồng ý cho rằng, nếu trật tự quốc tế dựa trên quy tắc dân chủ sẽ phát triển mạnh trong một thế giới nơi các chế độ chuyên quyền độc tài đang trỗi dậy, các quy tắc cũ do Liên Minh phương Tây tạo ra trước đây cần phải đổi mới.
Trong một bài phát biểu tại trụ sở NATO ở Brussels, Tổng Tư Lệnh của quân đội mạnh nhất thế giới, Tổng Thống Joe Biden nói: “Chúng ta phải chứng minh cho thế giới và chính người dân của chúng ta thấy rằng nền dân chủ sẽ luôn thắng trước những thách thức của thời đại phát triển và nhu cầu của người dân của chúng ta.”
Các nhà ngoại giao Châu Âu cho biết rằng: “Mỹ và các quốc gia đồng minh có thể sẽ không tránh khỏi một lần nữa chứng kiến sự trỗi dậy của các phong trào dân túy cực đoan vốn được coi là những thế lực cản trở hợp tác quốc tế và làm suy yếu nền dân chủ. Chúng tôi đã thấy những gì đã xảy ra với cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ, chúng tôi biết nó cũng có thể xảy ra trong các nền dân chủ của chúng tôi, thật đáng buồn, đó là điều đã xảy ra ở Anh với Boris Johnson và Brexit. Đó là điều đã xảy ra ở Pháp với phe áo Vàng và Marine Le Pen cánh hữu cực đoan, và nhiều nhóm dân tuý cực đoan khác đang lăm le trỗi dậy, đó là lý do tại sao chúng tôi đang làm việc cùng nhau để xây dựng một số đạo luật dân chủ, những thứ không thể thay đổi.”
Nhưng chỉ có những kẻ ngây thơ mới bỏ qua sự thật cay đắng rằng, bất chấp những ý định tốt nhất của Tổng Thống Biden qua sự trở lại của nước Mỹ, bắt tay xây dựng lại quan hệ liên minh của Liên Hiệp Châu Âu, ai có thể dám khẳng định, sự ổn định chính trị của cả Châu Âu và Hoa Kỳ sẽ vẫn luôn như hiện nay trong vòng 18 tháng tới?
Các lý do được biện minh cho điều này bao gồm các cuộc bầu cử trong nước, chẳng hạn như các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ năm 2022, hay các cuộc bầu cử ở Pháp, Đức và Bắc Ireland, cho đến những khác biệt đáng kể trong các ưu tiên chính trị ở cả hai bên bờ đại dương.
Tuy nhiên, với tất cả những lời nói thân thiện, những cái bắt tay nồng ấm và cam kết hợp tác cùng nhau, vẫn còn một dấu hỏi lớn về cách thức liên minh sẽ hợp tác như thế nào với nền chính trị tương đối bất ổn tại nhiều quốc gia trong liên minh, kể cả nước đầu đàn là Hoa Kỳ.
Một trở ngại lớn trong sự tương tác lẫn nhau, đó chính là Trung Quốc, dù chính quyền Biden đã chấp nhận rằng, hai bên sẽ có những cách tiếp cận khác nhau đối với Trung Quốc, nhưng Hoa Kỳ sẽ làm gì tiếp theo nếu Liên Hiệp Châu Âu vẫn tiếp tục theo đuổi quan hệ kinh tế nhiều hơn với Bắc Kinh. Người Mỹ có sẵn sàng làm việc với người châu Âu hay không về các công nghệ quan trọng trong tương lai như trí tuệ nhân tạo, do lo ngại về nạn đánh cắp tài sản trí tuệ và tấn công mạng của Trung Quốc.
Các nước trong Liên Hiệp Châu Âu muốn khẳng định khối 27 quốc gia là một nhóm cường quốc kinh tế toàn cầu với một đồng minh trong hiện tại là Biden, thay vì là một đối thủ như Trump trong 4 năm qua, giờ đây họ có cơ hội để bước lên và chiếm một vị trí trên đường đua cùng với Mỹ và Trung Quốc một cách công bằng, và kết quả xếp hạng chung cuộc của kẻ thắng chính là những yếu tố quan trọng như ổn định chính trị trong nước, dập tắt đại dịch và một chính phủ được lòng dân.
Áp lực đối với Liên Hiệp Châu Âu là rất lớn. Nếu họ thực sự muốn trở thành một nhóm cường quốc địa chính trị lớn không phụ thuộc vào Mỹ trong tương lai, 27 quốc gia thành viên sẽ cần phải đoàn kết hơn bao giờ hết vì một nước Mỹ ngày nay, không hề giống một nước Mỹ cách đây 4 năm trở về trước, chẳng ai có thể đoán trước được tình hình chính trị của nước Mỹ sẽ như thế nào trong năm 2022 và 2024, bất cứ điều tệ hại nào cũng có thể xảy ra, với bất ổn chính trị của nước Mỹ hiện nay thì việc xuất hiện những Trump 3.0 hay 4.0 để kéo nước Mỹ trở lại như thời kỳ nội chiến cách đây hơn 150 năm là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Người Châu Âu giờ đây nhận biết rằng, trong thế kỷ 21, họ phải cố gắng tự độc lập, tạo được sự đoàn kết, đồng lòng giữa 27 quốc gia thành viên để đạt được sự ổn định về chính trị, quân sự, kinh tế, nước Mỹ sẽ chẳng thể nào đưa tay ra giúp anh đồng minh nào cả khi trong nước đầy bất ổn chính trị, loạn lạc xã hội
Tóm lại, chuyến công du châu Âu của Tổng Thống Joe Biden được xem là một chuyến đi đầu tiên, khá thành công, làm hài lòng các người bạn đồng minh cùng chí hướng, cùng chia sẻ các giá trị dân chủ cơ bản và cho thấy thiện chí của sự hợp tác, nhưng nói một cách thật lòng với một chút xót xa, các nhà lãnh đạo Châu Âu đều biết rằng, mối quan hệ tốt đẹp gắn kết giữa hai bờ đại dương được hình thành sau Thế chiến II đã không còn, họ vẫn còn bị ám ảnh bởi những tác hại nặng nề của một nước Mỹ dưới thời Donald Trump trong 4 năm qua, và rất khó để quên.
Tham khảo:
https://edition.cnn.com/2021/06/19/politics/biden-europe-tour-analysis-intl-cmd/index.html
https://www.huffpost.com/entry/election-subversion-for-the-people-act_n_60d10886e4b0b75a294e17ee
https://www.nytimes.com/2021/06/17/world/europe/joe-biden-vladimir-putin-usa-russia.html
Việt Linh