Friday, March 29, 2024

Sắc màu Tết Việt trên đất Anh (Phần 2)

Một góc Tết Ta ở trời Tây

Thỉnh thoảng có những năm tôi không về nhà dịp Tết, người nhà và bạn bè tôi hay hỏi thăm “ở bển” mọi người ăn Tết ra sao. Trong tưởng tượng của mọi người, Tết Ta ở Tây cho dù không náo nhiệt, không được tổ chức rình rang như Tết Tây ở Ta thì hẳn cũng phải có một mức độ tưng bừng nhất định.

Sự thực là chỉ ở những thành phố lớn như London, Manchester, Birmingham, Liverpool nơi cộng đồng người Hoa lập những khu Chinatown có quy mô đáng kể thì không khí Tết mới hiển hiện, trong phạm vi những khu vực đó, qua từng dãy đèn lồng đỏ treo khắp nơi, những nhà hàng, tiệm ăn, siêu thị cửa dán giấy đỏ, tấp nập người đến người đi mua sắm vui chơi ăn uống. Còn nhìn chung thì Tết Ta ở Tây tương đối trầm lắng, cả quy mô và mức độ gây chú ý không thể so sánh với những lễ hội vừa diễn ra trước đó không lâu như Giáng sinh hay Tết Dương lịch.

Hoạt động mua sắm Tết và những món trong danh sách mua sắm Tết của những dân tộc còn mừng Tết Âm lịch hẳn có nhiều điểm tương đồng, nên trước kia khi siêu thị Longdan chưa mở gần nhà tôi thì địa điểm sắm Tết của tôi là các siêu thị New Loon Moon, Loon Fung và SeeWoo ở khu Chinatown Soho, nơi tôi mua được tất thảy nguyên liệu nấu ăn lẫn các món ăn chế biến sẵn. Trong lúc đang dạo siêu thị, tôi cũng không bất ngờ khi nghe được rất nhiều giọng nói Việt, đủ cả âm sắc cả ba miền, họ đi thành từng nhóm, ai nấy cũng vui vẻ hồ hởi và mua sắm khí thế như các bà các chị ở Việt Nam đi chợ Tết.

Khác với tôi chỉ đơn thuần mua nguyên liệu nấu ăn, các bà các cô có tuổi hầu như đều mua để nấu ít nhất một mâm cơm cúng tất niên, thành thử cũng kỹ hơn. Người Nam phải có tô canh khổ qua nhồi thịt, dĩa chả giò, thịt kho trứng. Người Bắc không thể thiếu giò lụa, bát canh măng, đĩa miến xào lòng gà. Và cùng với bánh chưng thì con gà luộc là món tuyệt đối không thể vắng mặt trên mâm cơm cúng Tết. Gà bán ở siêu thị thông thường khắp nước Anh là loại đã làm sẵn, và bỏ đầu, bỏ chân, bỏ luôn bộ lòng, nên muốn mua gà cúng thì chỉ có thể tìm đến các siêu thị châu Á, nơi bày bán loại gà nhập từ một trang trại ở Pháp mà người ta gọi là gà vàng, hay gà farm, còn đủ đầu chân lòng mề, có thể lựa gà trống hay gà mái, gà trống giá đắt hơn chút (giá tham khảo là gà trống khoảng £21/con, gà mái £18/con).

Đã sẵn công mua sắm Tết, đương nhiên không ai chỉ mua mỗi thức ăn. Việc mua đồ trang trí, mua cây cảnh, hoa cỏ cho Tết xem ra lại tốn công hơn chút.

Nếu đến siêu thị Tàu, đồ trang trí đa phần sẽ là những vật phẩm có sẵn như tranh Tết, lồng đèn, giấy đỏ có chữ Phúc, những chuỗi pháo hay thỏi vàng (kim nguyên bảo) cùng với bao lì xì. Còn đến siêu thị Việt như Longdan, những ngày cận Tết khách hàng có thể chọn mua một bó hoa đào, loại hoa đào cánh đơn, cành thẳng, nụ thưa, hoa màu hồng nhạt thoạt nhìn hơi giống đào phai. Hoặc có thể mang về một chậu quất, loại cây trang trí được yêu thích ở miền Bắc Việt Nam vì có từng chùm quả vàng rực rỡ tượng trưng cho tài lộc (trong Nam thì có một số gia đình ngại cái tên của nó – cây quất ở miền Nam được gọi là cây tắc – nên không chưng tết, mà thay vào bằng những loại hoa vàng khác như mai, cúc, vạn thọ,…). Và thậm chí ở Longdan có năm tôi còn thấy họ bày những chậu thanh long, mỗi chậu có vài nhánh, đều đang kết quả. Trái thanh long màu đỏ tươi, kèm nhiều tai xanh cứng cáp cũng là một loại trái có ngụ ý tốt lành, hay được chọn cho mâm ngũ quả.

Với ai có tính phiên phiến một chút, chỉ cần ghé hai, ba siêu thị là đã đủ cho một cái Tết Việt “mini” ở trời Anh, còn với những người muốn chơi cho tới nơi, thì hoa Tết đương nhiên không thể chỉ có chừng đó. Quầy hoa ở siêu thị đang mùa đông hầu như chỉ có các giống cây cảnh loại thường thanh, cùng với những hoa hồng, cúc, lily, tulip,… nói chung là các loại hoa “thập toàn đại bổ” dùng vào dịp nào trong năm cũng được, chẳng qua không mang đặc trưng Tết cho lắm. Vì thế, những người sống ở các nơi khác sẽ phải chịu khó móc hầu bao ghé tiệm hoa và tiệm cây cảnh, mua vài loại cây, hoa gợi nhắc về Tết nhiều hơn, như mộc qua đỏ (ở các chợ hoa Tết Việt Nam thường bày bán với tên hồng mai), hoa trà đỏ, cúc vàng, thược dược, cây cam vàng, kim quất,…

Hoa trà đỏ

Liễu bông tơ (pussy willow) cũng là một loại hoa được yêu thích vào dịp Tết. Ở Trung Quốc, đây là loại hoa tượng trưng cho sự thịnh vượng. Hoa chỉ có màu trắng hoặc xám bạc, ban đầu được cắm thành từng bình lớn và treo lên vật trang trí màu vàng hoặc đỏ, về sau người ta trực tiếp nhuộm màu cho hoa. Hình ảnh những bó hoa pussy willow – được người bán hoa ở Việt Nam gọi là “đào Trung Quốc” – xếp thành từng dãy đỏ tươi, vàng rực san sát suốt một đoạn đường cũng là một cảnh sắc đặc trưng trong các chợ hoa Tết lớn như Đầm Sen, Hồ Thị Kỷ. Có lẽ vì nhiều người Việt và Hoa muốn mang một chút sắc màu kỷ niệm này về nhà, nên từ ban đầu chỉ có hoa trắng, sau này các tiệm hoa lớn một chút cũng đã bày bán hoa nhuộm, chủ yếu vẫn là hai màu vàng và đỏ. 

Ở London, sự lựa chọn sẽ phong phú hơn nhiều, bởi ngoài vô số siêu thị và tiệm hoa ra thì London có hai chợ hoa – cây cảnh lớn nổi tiếng. Giáp Tết đi dạo chợ hoa, có thể xem như một thú vui của những người trẻ, những chợ hoa lớn đều là nơi tập trung của cái đẹp: cảnh đẹp, hoa đẹp, người đẹp, bởi vậy, nếu việc đi mua sắm nguyên liệu nấu ăn cho Tết là phần việc tương đối cực vì phải bon chen mang xách nặng nề, thì việc đi rước hương xuân, mang sắc Tết về nhà tuy cũng phải chen chúc không kém nhưng lại là việc ai cũng vui vẻ muốn đảm nhận.

Những người có thể dậy sớm thì chợ hoa sỉ New Covent Garden ở phía Tây London là địa điểm lý tưởng, nơi có thể tìm thấy mọi loại hoa đương mùa, hoa nhiệt đới ôn đới, hoa cắt cành, cây xanh,… Chợ hoạt động từ thứ Hai đến thứ Bảy, nhưng chỉ mở cửa từ 4h sáng đến 10h sáng. Đây là nơi cung cấp khoảng 75% số hoa cho các tiệm hoa tại London, nên khi đến đây những ngày cận Tết mọi người có thể tìm thấy những cành địa lan, mộc lan, hoa mận, hoa đào đẹp tươi nhất, và dù là chợ bán sỉ nhưng đơn vị bán cũng chỉ bằng vài bó hoa lẻ bên ngoài ghép lại, giá thì tốt hơn nhiều. Tuy nhiên đây là nơi các chủ tiệm hoa và những người hoạt động trong ngành đến mua sắm, nên bầu không khí kinh doanh có vẻ chuyên nghiệp, lưu loát, và người bình thường cũng đến đây để mua hoa hơn là để dạo chơi.

Phía Đông London, nơi cách khu người Việt tập trung sinh sống đông đảo nhất chỉ hai dặm, là chợ hoa Colombia Street, đây mới là địa điểm hẹn hò nổi tiếng của các nam thanh nữ tú, địa điểm chụp ảnh đăng Instagram, làm video clip yêu thích của các vbloggers. Chợ chỉ hoạt động từ sáng đến đầu buổi chiều Chủ nhật mỗi tuần, nhưng vì địa điểm rộng thoáng – cả một con đường đều là sạp, quầy bán hoa và cây cảnh liên tiếp nhau hai bên đường, chừa lối đi cho khách ở giữa – nên lên ảnh rất dễ đẹp.

Khác với New Covent Garden Market, chợ hoa Colombia Street là nơi bán lẻ, nên đi dạo từ đầu đường đến cuối đường, đây mua một bó đó mua một ôm vẫn tiện hơn phải mua một lần cả chục bó hoa cùng loại như bên chợ bán sỉ. Tuy luôn đông nghẹt người, nhưng nơi này không có vẻ bon chen nhếch nhác hối hả của “chợ”, ngược lại ai nấy đều hồ hởi, vui vẻ và thân thiện, từ người bán đến người mua. Trong chợ có những gian hàng của những doanh nghiệp gia đình đã theo nghề tại nơi này qua hai, ba thế hệ. Đầu đường cuối đường luôn sẽ có những nhóm nghệ sĩ đường phố biểu diễn đủ mọi thể loại âm nhạc.

Ngày thường mua hoa, hay mua hoa Tết cắm trong nhà, tôi thường ghé Colombia Street Flower Market, chỉ khi nào định mua hoa số lượng lớn hay mua mang về nhà ở Việt Nam tôi mới đến chợ hoa New Covent Garden, và ở cả hai nơi, tôi đều tìm được những loại hoa mình yêu thích một cách dễ dàng.

Âm thanh của Tết

Bởi vì những gia đình Việt ở Anh đa số đều là quy mô nhỏ, nên không khí Tết thường thiên về ấm cúng, giản dị, và âm thanh Tết nhất có lẽ là những lời chúc dành cho người thân lúc gọi điện thoại về nhà trong đêm giao thừa. Còn những gia đình có người lớn – thế hệ đã thành ông bà, hoặc có con cái trưởng thành, hoặc trong những nhóm bạn bè, đồng hương, cùng ngành làm việc hẹn nhau cùng đón Tết thì chắc chắn sẽ rộn ràng hơn nhiều. Các bạn trẻ, sinh viên có thể hẹn hò nhau đi dạo Chinatown, uống trà sữa, ăn nhà hàng, có thể đi bar, pub, đi karaoke, đón một năm mới theo cách của người trẻ. Những người lớn tuổi, hay đồng hương gặp nhau lại chỉ thích tụ họp trong nhà, và trò chuyện với nhau trong giai điệu của những bản nhạc Xuân quen thuộc.

Với thế hệ sinh viên và thanh thiếu niên, gu nghe nhạc của họ nếu không phải nhạc US-UK thì cũng là nhạc của các nhóm nhạc Hoa – Hàn, hay những ca sĩ trẻ Việt Nam. Nhạc của “ông bà già” đương nhiên là nhạc Việt, là loại nhạc “quê hương”, mà phải quê hương bên Mỹ mới chịu. Có lẽ bởi vì ở Anh cũng không có ca sĩ Việt hay gốc Việt nào nổi tiếng, cũng không có chương trình văn nghệ nào chuyên nghiệp của riêng người Việt, nên nếu không nghe nhạc Xuân của các đài truyền hình trong nước thì cứ lên Youtube mà nghe, và xem Thúy Nga hoặc Asia.

Phút giao thừa đến, sau khi gọi điện chúc mừng người nhà, và bên Việt Nam đã là sáng mùng Một, mọi người sẽ làm gì, đi ngủ chăng? Bởi vì đương nhiên chẳng ai ra khỏi nhà đi chùa, đi xuất hành trong đêm mùa đông cả. Nhưng cũng sẽ rất nhiều người mở cửa ra vườn, ra sân nhà mình để đốt pháo hoa.

Trước kia, ký ức Tết của những người sinh ở Việt Nam trước năm 1995 vài năm chắc chắn gắn với tiếng pháo nổ râm ran từ Tết ông Táo cho đến tận ngày hạ nêu, với mùi thuốc pháo hơi khét và hình ảnh xác pháo hồng tươi trải khắp nơi. Từ khi pháo nổ và pháo hoa bị cấm, những âm thanh đó cũng nhạt dần trong trí nhớ nhiều người.

Đến nay, ở Việt Nam cá nhân có thể đốt pháo hoa, nhưng chỉ là loại pháo hoa cầm tay không nổ, không gây ra tiếng động, còn pháo hoa tầm thấp vẫn bị cấm.

Ở Anh thì chỉ cần bạn trên 18 tuổi, và mua pháo hoa từ những cửa hàng có giấy phép kinh doanh pháo hoa thì cứ đốt thỏa thích, lễ tết đốt, sinh nhật đốt, buồn mua về đốt cho đỡ buồn, vui mua về đốt cho thêm vui. Miễn là bạn nhớ chỉ đốt trong phạm vi nhà mình – sân trước, sân sau, sân thượng, tuyệt đối không đốt ở nơi công cộng, cho dù là công viên hay nơi góc đường vắng – và nhớ để ý thời gian, tuân thủ quy định để tránh gây phiền nhiễu cho bà con chòm xóm: sẽ là phạm luật nếu bạn đốt pháo hoa từ 11h đêm đến 7h sáng.

Tuy vậy, vẫn có vài ngoại lệ. Trong đêm lễ hội pháo hoa hay đêm Guy Fawkes (Guy Fawkes Night, còn được gọi là Guy Fawkes Day, Bonfire Night hay Fireworks Night) ngày 5 tháng Mười một, giờ đốt pháo hoa được kéo dài đến nửa đêm. Trong đêm giao thừa Tết Dương lịch, trong đêm lễ hội Diwali của các tín đồ đạo Hindu, Jain và Sikh cũng như một nhóm nhỏ tín đồ Phật giáo, cùng với trong đêm giao thừa Tết Âm lịch, mọi người có thể đốt pháo hoa đến 1h sáng. Tôi thường không đốt pháo vì ngại lạnh, nhưng trong những dịp lễ tết này hầu như luôn có thể từ cửa sổ nhà mình ngắm pháo hoa. Tôi nghe tiếng bầy trẻ con nhà hàng xóm hoan hô, nghe tiếng nói cười từ sân sau những ngôi nhà xa hơn trong xóm, rồi liên miên từ 11h đêm đến 1h sáng hết nhà này đến nhà khác luân phiên đốt pháo, thỉnh thoảng giật mình với một tiếng rít sau đó là tiếng nổ tung, nhìn ra cửa sổ sẽ thấy hoa lửa đủ màu sắc nở bừng trên nền trời đêm, như thế cũng đủ vui, đủ rực rỡ rồi.

Lễ hội đầu năm

Ngày mùng Một, bởi vì không phải ngày nghỉ chính thức nên nhiều người vẫn đi làm như bình thường. Với những ai lấy ngày phép để ở nhà với người thân, họ cũng không ở nhà cả ngày.

Nếu là ngày nắng đẹp, sẽ có rất nhiều nơi để đi. Cả nhà có thể xúng xính áo dài, hay ăn diện thật đẹp đi chụp ảnh, ở London có vô số góc chỉ cần đứng vào là có được ảnh đẹp, tôi và các bạn vẫn hay đùa đây là thành phố Instagram, hay thành phố sống ảo. Nói đúng ra, là có nhiều góc làm bạn thấy đời thực nhuốm màu mộng ảo.

Những thành phố khác ở khắp nước Anh có nơi đẹp theo kiểu cổ kính, có nơi lại tràn đầy hơi thở năng động trẻ trung của đời sống hiện đại, đều là khung cảnh lý tưởng cho những bức ảnh gia đình đầu năm.

Những người theo đạo có thể đến những nơi thờ phụng để cầu nguyện cho một năm an bình và may mắn, hay gặp gỡ những người có chung niềm tin tôn giáo. Tín đồ đạo Phật ở London có thể đi chùa Linh Sơn, hoặc đến tu viện Chân Không.

Còn những người ham vui đơn thuần, muốn cảm nhận chút không khí lễ hội thì đã có một loạt các hoạt động biểu diễn từ múa hát đến lân sư rồng của người Hoa được tổ chức ngay tại quảng trường trung tâm London – Trafalgar Square – hay tại các khu Chinatown. Tuy nhiên do dịch bệnh vẫn còn là một mối đe dọa, các hoạt động tụ tập đông người trong tương lai gần đều bị bãi bỏ, ngày hội Năm mới của cộng đồng người Hoa ở khu trung tâm mừng Tết Nhâm Dần cũng vậy.

Tôi ăn Tết xưa nay dù ở Việt hay Anh đều theo lối bình thản, không no dồn đói góp. Hoặc giả nói tôi đón xuân xem ra có phần chính xác hơn ăn Tết.

Những ngày này, trời rét nhiều, sương giá phủ đầy bãi cỏ buổi sáng, mà trưa nắng rất đẹp, trời trong veo, thích hợp quan sát cành cây thanh lương trà ngoài cửa sổ xem bao giờ nảy lên lộc mới, cũng thích hợp đặt chậu hoa lan bên cửa sổ cho hoa tắm nắng.

Những ngày này, thích hợp gọi về nhà chừng chừng, nói dăm ba câu chuyện phiếm với người thân.

Những ngày này, cũng thích hợp viết dăm cánh thiệp gửi cho bạn bè khắp nơi. Thích hợp chọn những bộ váy áo đẹp treo sẵn trong tủ áo. Thích hợp đánh dấu vào tờ lịch bàn, bất chấp đã có đủ loại ứng dụng nhắc nhở trong email, trong điện thoại nhắc ta ngày nọ nhớ đi chợ mua vài món nấu ăn Tết, ngày kia đi mua hoa, rồi ngày nào đó nấu nồi nước lá chanh, gừng sả xông nhà cho thơm mùi “ngày xưa”.

Và trong những ngày đất trời êm dịu này, càng thích hợp dành ra chút thời gian thong thả ngồi soạn một danh sách nhạc nghe ngày Tết, khác hẳn danh sách nhạc ngày thường hay nghe. Để rồi đến giao thừa, nghe tiếng ca vang lên, vừa như lời chúc lành gửi đến cho bản thân, mà cũng là thay lời cho những mong ước gửi đến mọi người:

“Nhấc cao ly này

Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do

Nước non thanh bình

Muôn người hạnh phúc chan hoà” *

(* Lời nhạc ca khúc “Ly rượu mừng”. Tác giả: nhạc sĩ Phạm Đình Chương)

(Bài & ảnh: Mẫn Thục, London)

 

 

 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img