Thursday, March 28, 2024

Sa Pa: Tiếng kêu cứu của núi đồi …!

Vietnam – Cali Today news – Những biệt thự, những dự án bạc tỷ nhưng đền bù cho dân một mét vuông (m2) đất nông nghiệp từ vài ngàn cho đến vài chục ngàn đồng, đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc có số hộ dân ở huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai đi khiếu kiện lâu dài liên quan đến dự án xây dựng Chợ văn hóa và Bến xe khách Sa Pa…

“Sa Pa ước hẹn bạn mình ơi
Vãng cảnh sương giăng quện đất trời
Thác Bạc dòng reo hòa gió hát
Cầu Mây khách dạo ẩn rừng chơi
Trai Mường nhún nhẩy khèn trong trẻo
Gái Thái đong đưa mắt sáng ngời
Văn hóa chợ Tình mang bản sắc
Một miền sinh thái nước non tươi
(VÃNG CẢNH SA PA- tác giả:TR.Đ.THIỆN)”

Sa Pa từ lâu đã đi vào thi ca Việt Nam không chỉ với cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, thơ mộng mà còn đậm đà bản sắc văn hóa. Tuy nhiên, Sa Pa ngày nay là những biệt thự, là những khách sạn hiện đại và là “đại công trường” ngổn ngang với những dự án bạc tỷ. Dự án xây dựng Chợ văn hóa và Bến xe khách Sa Pa là một trong những dự án mà Cali Today nói đến. Dự án này kéo dài mười mấy năm qua nhưng hiện cho thấy vẫn chưa hoàn thành vì vướn mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, dẫn đến việc có nhiều hộ dân khiếu kiện kéo dài, không đồng thuận giao đất cho chủ đầu tư.

Dự án xây dựng Chợ văn hóa và Bến xe khách Sa Pa được chính quyền tỉnh Lào Cai phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2004 và năm 2005, dự án được nhà đầu tư là Công ty Cương Lĩnh sau chuyển sang Công ty đầu tư VIDIFI bắt đầu công đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng, san lắp mặt bằng. Tuy nhiên, quá trình triển khai lấy đất của dân nhằm phục vụ việc xây dựng dự án đã vấp phải sự không đồng thuận vì những sai sót, việc thống kê bồi thường không chính xác, không đảm bảo tính pháp lý…

Chị Phạm Thị Nhung, đại diện cho hộ bà Bùi Thị Huyền, tổ 2B, thị trấn Sa Pa chia sẻ với Cali Today:

“Quy hoạch nó bảo là dự án Chợ văn hóa và Bến xe nhưng thực tế nó thu đất của dân để chia lô bán nền, làm biệt thự”

Chợ văn hóa Sa Pa đã xong nhưng Dự án không thể hoàn thành vì vướng mắc trong công tác GPMB. (ảnh; Mạnh Hưng -Báo TN&MT )

Chị Nhung cho biết gia đình chị nhận quyết định thu hồi hơn 7000m2 đất. Còn của những hộ dân khác trong cùng dự án là khoảng mấy chục hecta đất thực sự vào năm 2009, 2010 chính quyền đã lấy đất của người dân bán xây dựng biệt thự. Các hộ dân cho rằng việc giao đất để phục vụ dự án công cộng, công trình văn hóa và quốc phòng làm giàu cho đất nước thì họ sẵn sàng tuân thủ nhưng nếu lấy đất của người dân để bàn giao cho nhà đầu tư chia lô, bán nền là không được, đó là chưa nói việc đền bù cho thấy thiệt thòi của người dân là rất lớn. Các hộ dân nộp đơn kiện ra Tòa nhờ phân xử cho thấy những khiếu kiện của các hộ dân là có cơ sở. Tuy nhiên:

“Họ vẫn thu đất của dân để đền bù theo giá mới, giá thời điểm bây giờ….có nghĩa là họ vẫn có quyền thu đất của mình và họ chỉ trả cho nhà mình mỗi người một suất tái định cư. Tôi hỏi lại họ, thế bây giờ nhà nước lấy đất của tôi vì lợi ích quốc gia, giờ sang luật đất đai 2013 trong quyết định hiện hành không cho phép thu đất của tôi giao cho doanh nghiệp, không ai cho phép lấy của người nghèo lo cho người giàu. Họ lấy đất của tôi để làm biệt thự thì gia đình tôi cũng có nhu cầu làm biệt thự chứ? Họ lấy của tôi rồi đền cho tôi giá rẻ và bắt tôi mua biệt thự, giá cao làm sao tôi nhận? Nguồn gốc đất nhà tôi trước năm 1980.”- Lời của chị Nhung.

Chị Nhung và nhiều hộ dân cho rằng Quyết định phê duyệt là từ tháng 06/2005 nhưng mà quyết định này chỉ có hiệu lực đến năm 2008. Theo chị Nhung, Viện kiểm sát nói Quyết định này trái quy định của pháp luật vì Nhà nước không còn chủ trương đổi đất lấy công trình (hạ tầng) từ kỳ họp thứ IV Quốc hội khóa XI. Trái quy định của pháp luật nhưng tỉnh Lào Cai và huyện Sa Pa cố tình “lấy thịt đè người” để lấy đất của dân đặng giao cho doanh nghiệp chia lô, bán nền. Chị Nhung nói:

“Tôi không phải là tiểu thương. Họ lấy đất của dân để xây dựng dự án chợ- bến xe. Công trình chợ đã đưa vào hoạt động rồi, còn bến xe thì đang chuẩn bị hoạt động. Còn đất của gia đình tôi với người dân họ thu để chia từng lô bán biệt thự”

Gía đền bù quá thấp, chị Nhung nói thêm:

“Mỗi biệt thự họ bán từ thời năm 2009, hợp đồng đặt cọc ghi thời 2009-2011 gì đấy là mấy tỷ đồng một cái biệt thự, còn giá thị trường bây giờ thì phải mấy chục tỷ đồng. Lúc họ đền bù cho gia đình tôi năm 2012, quyết định thu hồi 2012 là 6.500đồng/m2 đất nông nghiệp. Sau đó gia đình thắc mắc thì họ bảo hỗ trợ 200% thành 13.000đồng tổng cộng lại là gần 19.000đồng/m2 đất nông nghiệp.”

Trả lời phỏng vấn của báo Công an vào tháng 7/2017, ông Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sa Pa nói đây là dự án sử dụng quỹ đất để đổi cơ sở hạ tầng. Nhà đầu tư bỏ tiền đầu tư hạ tầng thì được tỉnh trả lại bằng quỹ đất tương ứng để thu hồi vốn. Việc nhà đầu tư chuyển nhượng lại đất là bình thường theo Luật Đất đai.

Sa Pa từ một điểm thu hút khách du lịch, là nơi bảo tồn văn hóa vùng miền bỗng chốc nở rộ những khách sạn, biệt thự và những dự án bạc tỷ đang xây dựng và sắp xây dựng như: Khu quần thể vui chơi giải trí Fanxifang, dự án khu đô thị Trường Giang; dự án khu đô thị mới Đông Bắc…đánh đổi không ít từ những ý kiến không đồng thuận của những hộ dân như trường hợp của chị Nhung.

“Họ bán rồi, có hợp đồng đặt cọc là họ bán rồi. Trường hợp mua cũng không kiện được nó vì họ làm hợp đồng đặt cọc theo kiểu khép chặt là; nếu có gì thay đổi thì có thể diện tích đất không thay đổi nhưng vị trí có thể thay đổi, tức là bên người ta mua mà dân không trả đất thì họ chuyển đi chổ nào thì phải chịu. Kiểu mua trên sơ đồ đấy…”

Hiện tại chị Nhung và một số hộ dân đã xuống Hà Nội kêu cứu đến các cơ quan, ban ngành chức năng Trung ương. Còn Sa Pa đang từng ngày trở nên hiện đại hóa và mở rộng nhằm hướng tới năm 2020 lên đô thị loại 3./.

THIÊN HÀ

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img