Vietnam – Cali Today News – Những cánh rừng ở Tây Nguyên biến mất, các loại gỗ quý ngày càng trở nên khan hiếm, không còn được thấy trong những cánh rừng tưởng chừng như bạt ngàn. Lạ lùng thay, các loại gỗ quý ấy lại dễ dàng được nhìn thấy trong những căn biệt phủ được xây toàn bằng gỗ ở nhà các quan chức, chỉ có điều chúng không còn xanh tươi, mà trở thành những bộ bàn ghế, vật trang trí.
Ea Súp-một huyện nghèo của tỉnh Đắk Lắk nằm giáp biên giới với Campuchia. Báo chí trong nước cho rằng, chính vì huyện nghèo nên người dân ở đây chiếm đất, phá rừng để khai thác gỗ. Từ đó, những cánh rừng nguyên sinh với các loại gỗ quý dần dần biến mất trong sự bất lực của chính quyền địa phương. Cho dù vào tháng 10/2017, ông Nguyễn Xuân Phúc-Thủ tướng Chính phủ CSVN đã ra lệnh đóng cửa rừng, vậy nhưng gỗ quý vẫn tiếp tục bị khai thác và chạy về nhà quan để xây dựng nên những tòa nhà nguy nga, bề thế.

Báo Tuổi Trẻ ngày 1/2/2017 dẫn lời từ một lãnh đạo Huyện ủy Ea Súp (Đắk Lắk) cho biết đã chỉ thị cho các cơ quan có trách nhiệm tiến hành điều tra, xác minh tài sản của các đảng viên, cán bộ ở địa phương, trong số đó có nhà của ông Trần Ngọc Quang-cựu chủ tịch huyện Ea Súp.
Ông Trần Ngọc Quang về hưu từ năm 2016. Người dân ở đây không nhớ gì đến những việc mà ông đã làm cho họ. Cái mà họ nhớ đến là căn biệt phủ rộng thênh thang được làm hoàn toàn từ các loại gỗ quý hiếm. Dân trong vùng gọi là “phủ ông Quang”.
Phủ ông Quang được xây dựng và đến ở từ cách đây vài năm. Căn nhà nằm bên bờ kênh chính Tây, xung quanh nhà đều được bao bọc bởi các tường rào cao và kiên cố. Theo báo Tuổi Trẻ cho biết:
“Đoạn đường từ nhà ông Quang đổ ra tỉnh lộ 1 dài khoảng 500m được tráng bê-tông sạch sẽ, trong khi nhiều kilomet từ nhà ông Quang vào xã Ea Bung (huyện Ea Súp) vẫn là đường đất, bụi mịt mờ”. Những ai đã từng sinh sống hoặc đã đến Tây Nguyên mới thấy được cái thảm cảnh của các con đường đất. Mùa mưa thì sình lầy, mùa nắng thì bụi bay mịt mù. Tuy nhiên, con đường đến nhà ông Trần Ngọc Quang lại được làm bê-tông sạch đẹp. Điều lạ lùng là con đường chỉ được làm tới nhà ông Quang, đoạn còn lại chỉ toàn đường đất.

Một cán bộ ở đây cho hay, kinh phí làm đường là do nguồn vốn nông thôn mới của xã Ua Bung làm chủ đầu tư, do hết tiền nên chỉ làm đến được nhà ông Quang, chờ đến khi nào có tiền mới làm tiếp.
Trong một lần trao đổi với các phóng viên, ông Trần Ngọc Quang cho hay, để làm được căn biệt phủ bề thế này, ông phải mất công thuê các thợ rành nghề từ miền Trung lên và phải làm ròng rã ba năm trời mới xong. Ngay giữa nhà ông Quang là một bộ bàn ghế rất to. Ông cho biết, chỉ riêng bộ bàn ghế không thôi đã là 1 tỷ đồng. Các phóng viên hỏi, vì sao bộ bàn ghế quá to lớn nhưng chỉ giá 1 tỷ, ông cho biết là do ông mua gỗ từ trước.
Ông Trần Ngọc Quang không chỉ sở hữu căn biệt thự nguy nga, tráng lệ được làm từ gỗ quý, mà ông còn sở hữu rất nhiều bất động sản giá trị khác. Ngay tại cổng chợ Ea Súp, gia đình ông sở hữu căn nhà 2 tầng với chiều rộng gần 10m; ông còn sở hữu cây xăng Phương Bông, gần ngay căn biệt phủ của mình.
Ở huyện nghèo Ea Súp không chỉ căn biệt phủ của ông Quang mới được làm từ gỗ quý, mà rất nhiều cán bộ khác cũng xây nhà từ gỗ rừng. Nhà ông Nguyễn Xuân Tự-cựu Chi cục trưởng Chi cục thuế Ea Súp cũng chẳng thua gì nhà ông Quang. Hay như nhà của ông Nguyễn Văn Quyến-Trưởng phòng sản xuất bảo vệ rừng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chế biến thực phẩm lâm nghiệp Đắk Lắk. Trên con đường Nguyễn Văn Trỗi, thị trấn Ea Súp có rất nhiều tòa nhà được xây dựng bằng gỗ, nhưng bề thế và nguy nga nhất vẫn là nhà của ông Quyến. Chỉ đếm sơ sơ trong căn nhà của ông Quyến có đến 64 cây rừng cổ thụ, khởi công xây dựng từ năm 2015 cho đến nay vẫn chưa hoàn thiện.
Huyện Ea Súp là nơi có vườn quốc gia Yok Đôn, đây là khu rừng đã bị khai thác đến tan nát từ nhiều năm nay. Thay vì phải bảo vệ rừng, chống lại bọn lâm tặc thì những người như ông Trần Ngọc Quang, Nguyễn Xuân Tự, Nguyễn Văn Quyến hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp tàn phá những cánh rừng nguyên sinh này.
Nguoi Quan Sat