Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế Cảnh Báo: Chúng Ta Đang Nhắm Mắt Bước Vào Một Tương Lai Đầy Bất Trắc

0
538

Cali Today NewsBà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc Tế- International Monetary Fund lo ngại sự chia rẽ, mất tin tưởng vào nhau giữa các nước trên thế giới khiến cho tương lai có nhiều bất trắc. Bà tin rằng không một quốc gia nào có thể một mình đối phó với những khó khăn hiện nay.

Trong giai đoạn đầu của mùa dịch Covid-19, nhiều chuyên gia dự phóng rằng kinh tế thế giới sẽ bị co thắt lại khoảng 10% vào năm 2020. Nhưng thực ra kinh tế thế giới chỉ bị thu hẹp khoảng 3.1%- song đó cũng là một sự mất mát khá lớn về sản lượng, tuy không quá đau xót như dự đoán. Có được điều may mắn này là nhờ ở sự hợp tác quốc tế. Các nước cùng ngồi lại với nhau, nghiên cứu và phân tích tình hình khó khăn chung: Hầu hết các nước hoảng hốt trước tình trạng cung cầu. Điều này có nghĩa là những chính sách tiêu chuẩn thường được áp dụng từ bấy lâu nay sẽ không còn thích hợp nữa. Vì lý do đó, các nhà làm chính sách về tiền tệ và ngân sách phải dùng những biện pháp ngoại lệ để trợ giúp cho các ngành doanh nghiệp cũng như gia đình tư nhân. Nếu không có sự phối hợp, cộng tác trong những biện pháp này, chắc chắn chúng ta sẽ rơi vào cuộc Suy Thoái Kinh Tế Trầm Trọng (Great Depression).Và nếu không có sự cộng tác  giữa các khoa học gia, giữa các chính phủ trên toàn thế giới, có lẽ chúng ta vẫn chưa có thuốc chủng ngừa tốt trong một thời gian ngắn kỷ lục. Khi cuộc khủng hoảng xảy ra, như nó đã từng xảy ra khá thường xuyên trong ba năm vừa qua, sự hợp tác quốc tế có thể cứu được nhiều sinh mạng cũng như cuộc sống của con người, để từ đó đặt nền tảng cho sự hồi phục mau chóng.

Cả hai hình thức đối phó về tài chánh và chế tạo thuốc chủng ngừa thể hiện sự ích lợi của tinh thần cộng tác, hội nhập quốc tế trong nhiều thập niên qua trong lĩnh vực kinh tế. Hàng tỷ người nhờ đó mà trở nên giàu có hơn,  mạnh khỏe hơn, cũng như  nâng cao trình độ giáo dục. Trong ba thập niên vừa qua, có khoảng 1.3 tỷ người thoát khỏi hoàn cảnh nghèo đói. Muốn đạt được mục tiêu này, chúng ta phải suy nghĩ vượt ra ngoài phạm vi biên giới quốc gia. Chúng ta phải nghĩ đến sự hội nhập về mậu dịch, bằng cách cắt bớt những hàng rào ngăn cản về mậu dịch, và đi đến chỗ hội nhập toàn cầu về chuỗi cung ứng hàng hóa. Và nên nghĩ đến việc phổ biến rộng rãi những phát minh kỹ thuật mới, và luân chuyển tư bản xuyên quốc gia, để có thể cung cấp vốn đầu tư cho những nước đang phát triển rất cần đầu tư ngoại quốc. 

Tuy nhiên, điều trên đây mới chỉ là một phần của câu truyện. Sự phân phối mậu dịch và thay đổi kỹ thuật gây thiệt hại cho một số cộng đồng. Trong ít năm gần đây, có những chính sách chỉ chú tâm hướng nội, và những căng thẳng về mậu dịch đang có chiều hướng gia tăng. Và hiện nay sự đổ vỡ của tình hình địa dư chính trị đang tăng lên rất căng, có thể gây ra “một cuộc chiến tranh lạnh mới”. Thế giới đang bị chia cắt thành những khối kinh tế riêng, làm thiệt hại hàng trillion đô la vì sản lượng bị mất mát.

Nói cách khác, trừ phi chúng ta trực diện giải quyết vấn đề chia rẽ, đổ vỡ đang xảy ra trên thế giới. Nếu không, chúng ta sẽ nhắm mắt mộng du đi vào một tương lai ngày càng nghèo khó hơn, và bất trắc hơn. Và nếu muốn vượt qua được những thế lực gây chia rẽ, chúng ta nên tập trung nỗ lực vào nơi nào yếu nhất. Đó tình trạng nhiều nước ở Phi châu và vùng biển Caribbean đang chịu ảnh hưởng tai hại do thay đổi của khí hậu. Liệu chúng ta có nên để những nước này phải gánh chịu thiệt hại một mình, mặc dù những thay đổi khí hậu lại do những nước khác gây ra nhiều hơn? Hay khi chúng ta nói đến cuộc khủng hoảng vì mang công mắc nợ của một số nền kinh tế đang phát triển, đang vươn lên. Liệu chúng ta có nên để những nước này gánh chịu khó khăn về tài chính một mình mặc dù đa số những nước đó gặp khủng hoảng tài chính là do những biến động từ bên ngoài, không phải là do những lỗi lầm của chính sách nội địa?

Câu trả lời hiển nhiên là KHÔNG.  Sự đau khổ của một nước sẽ dễ dàng ảnh hưởng đến nhiều nước khác, và đe dọa đến sự phát triển toàn cầu. Do đó, vì ích lợi chung cho mọi người, chúng ta phải gấp rút tăng cường sự hợp tác quốc tế để đối phó với những vấn đề sinh tử.Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế được lập ra dựa trên nguyên tắc là chúng ta cần phải giúp đỡ lẫn nhau để cùng trở nên giàu mạnh. Nhờ có ý chí chung của tập thể các nước hội viên, chúng tôi đã cung cấp được thành tích đáng kể là $650 tỷ đô la SDR’s (Quyền Trích Xuất Đặc Biệt, tên gọi của ngân khoản do IMF cung cấp). Ngân khoản đó được cung cấp cho những nước bị thiệt hại nặng nhất để giúp những nước này sử dụng được thanh khoản của mình, và có phương tiện mua thuốc chủng ngừa, và củng cố hệ thống y tế. Và hiện nay, chúng tôi đang giúp các nước có khối dự trữ hùng mạnh cung cấp một số SDR’s để giúp những nước đang thiếu thốn, cần sự giúp đỡ.

Ví dụ hiện nay chúng tôi có được một ngân khoản $40 tỷ đô la trong quỹ tên là Resilience and Sustainability Trust. Với ngân khoản này từ nay Quỹ Tiền Tệ Quốc tế có thể cung cấp việc tài trợ dài hạn. Mục tiêu của chúng tôi là giúp các nước có thu nhập thấp, hay trung bình có sức chịu đựng và phục hồi được  để chống lại những khó khăn về hạ tầng cơ sở gây ra bởi thay đổi khí hậu, và dịch bệnh. Tuy chúng ta không thể chống lại được thiên tai, hay những tổn thất bất ngờ do thay đổi khí hậu, song chúng ta có thể yểm trợ những nơi bị thiệt hại để họ có thể chịu đựng được và phục hồi. Giúp cho con người, cho cộng đồng, cho xã hội những nơi đó có thể sinh tồn, và hồi phục. 

Có một điều rõ rệt mà chúng ta cần phải làm: Chúng ta phải thắng lướt được tâm lý mất tin tưởng vào nhau, và giảm thiểu tình trạng chia rẽ sứt mẻ ngày càng trầm trọng bởi vì không có một nước nào có thể đối phó với nghịch cảnh riêng lẻ một mình. Trận đại dịch chứng minh cho chúng ta thấy chúng ta có thể hợp tác để tăng cường lòng can đảm, tinh thần bác ái, và tấm lòng chính trực của con người. Đó chính là phương thức để chúng ta có thể xây dựng được một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Bà Kristalina Georgieva tâm sự với ký giả Belinda Luscombe của báo TIME.

Nguyễn Minh Tâm dịch.