Cali Today News – Vào mùa thu năm ngoái, sau khi Donald Trump tuyên bố sẽ xem xét việc người Hồi giáo ở Hoa Kỳ phải mang theo thẻ căn cước đặc biệt, Tayyib Rashid rút ví, lấy ra thẻ căn cước quân đội. Ông chụp hình đăng trên mạng xã hội, không quên viết lời bình. “Hey @realDonaldTrump, tôi là một người Mỹ gốc Hồi giáo, và đã có một thẻ căn cước đặc biệt rồi. Còn thẻ của ông ở đâu?”
Rashid, phục vụ 5 năm trong lực lượng bộ binh Thuỷ quân Lục chiến từ năm 1997, từng tham gia chiến trường 3 lần, cảm thấy bị ông Trump xúc phạm lần nữa. Lần này, ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa đã đưa ra những lời nhận xét bôi nhọ vợ chồng ông Khizr và bà Ghazala Khan – bố mẹ của đại uý gốc Hồi giáo hy sinh trong vụ đánh bom tự sát tại Iraq vào năm 2004 – vì ông Khan đã chỉ trích những chính sách của ông Trump nhắm vào cộng đồng người Hồi giáo tại đại hội Đảng Dân chủ. “Họ làm tôi rơi nước mắt,” ông Rashid chia sẻ, “Những người này đã hy sinh đứa con rứt ruột đẻ ra, hy sinh dòng máu của họ.”
Nhưng, ông nói, cơn giận được kiềm chế bởi những kinh nghiệm đời binh nghiệp, nơi mọi người chấp nhận và hỗ trợ lẫn nhau. “Những gì tôi có được là tình yêu thương và tình đồng đội từ tất cả quân nhân thuỷ quân lục chiến cùng trong quân ngũ,” ông Rashid nói. “Tôi thường là người Mỹ gốc Hồi giáo đầu tiên mà họ từng gặp, nhưng không hề có sự phân biệt chủng tộc, không cố chấp. Niềm tin tôn giáo không thành vấn đề, vì trên hết, chúng tôi đều là Thuỷ quân Lục chiến!”
Tuy nhiên, ông Rashid cũng thừa nhận, người Hồi giáo trong quân đội đối diện với nhiều thách thức. 15 năm chiến tranh ở các quốc gia Hồi giáo đã khiến việc phục vụ quân đội thành “bãi mìn văn hoá”. Dưới con mắt của binh sĩ không phải Hồi giáo, bản thân đạo Hồi thường bị nhìn nhận có vấn đề, chứ không phải cực đoan.
Những binh sĩ Hồi giáo cho biết, lúc này lúc khác họ vẫn bị gọi là “kẻ khù khờ,” nhận xét tương đương với “khủng bố.” Mọi việc trở nên tồi tệ hơn sau khi 13 người bị một bác sĩ tâm thần gốc Hồi giáo sát hại tại căn cứ Fort Hood vào năm 2009. Bác sĩ quân y này cho rằng, Mỹ đem quân đến Iraq và Afghanistan là chiến tranh chống lại tất cả người Hồi giáo.
Những vấn đề khác còn lại do rào cản văn hoá, như không được để râu, thực phẩm – quân đội chủ yếu phục vụ thịt heo mà đạo Hồi cấm. Một số căn cứ quân sự có dịch vụ cầu nguyện Hồi giáo, và chỉ có 5 linh mục Hồi giáo trong khoảng 2.900 vị tuyên uý quân đội.
Gia đình ông Rashid từ Pakistan sang Mỹ định cư từ năm ông 10 tuổi. “Đây có thể là thách thức,” Rashid nói, “Không dễ dàng thực hành đức tin của mình khi ở trong quân ngũ, nhưng đạo Hồi linh động.” Ông cũng cho biết thêm, “Tôi đang sống ở đây như một người Mỹ, được hưởng tự do và cơ hội trên đất nước này, vì vậy phục vụ quốc gia dưới hình thức nào đó là nghĩa vụ.” Trong khi đó, ông Donald Trump không phải nhập ngũ, được hoãn quân dịch chiến tranh Việt Nam vì lý do sức khoẻ.
Hàng ngàn người Hồi giáo phục vụ trong quân đội ít nhất từ Nội chiến, nhưng họ chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong lực lượng. Chỉ có 3.939 binh sĩ hiện tại theo đạo Hồi, theo dữ liệu từ Ngũ Giác Đài, chiếm chỉ 0,3%. Người Hồi giáo được ước tính chỉ chiếm khoảng 1% dân số Mỹ.

Ở Âu châu, một số quốc gia khuyến khích người Hồi giáo đăng lính. Quân đội Anh cũng có số binh sĩ Hồi giáo thấp. Hai năm trước, họ đã tung một chiêu tuyển mộ có tên Diễn đàn Hồi giáo Lực lượng Vũ trang. Lực lượng cho phép binh sĩ gốc Hồi giáo được phép ăn chay trong tháng Ramadan, có chỗ cầu nguyện hàng ngày, sắp xếp phòng cầu nguyện tại các căn cứ quân sự và mới đây có cả trên một khu trục hạm.
Ngũ Giác Đài không theo dõi có bao nhiêu quân nhân Hồi giáo đã hy sinh trong chiến trận kể từ năm 2001, nhưng họ phục vụ trong tất cả các lãnh vực, từ nhân viên, binh sĩ chiến đấu, thông dịch viên và thâu thập thông tin tình báo. Một số cho biết, đời sống quân ngũ trở nên khó khăn hơn sau vụ khủng bố 9/11. “Sau 9/11, tôi bắt đầu để ý có sự thay đổi,” Mansoor Shams, quân nhân Mỹ gốc Hồi giáo được sinh ra tại Pakistan và phục vụ trong Thuỷ quân Lục chiến từ năm 2000 đến 2004, cho hay. “Một số đưa ra những lời nhận xét tiêu cực, đôi khi nửa đùa nửa thật, gọi tôi là Taliban. Tôi quyết định phải ‘diệt trong trứng nước’ những câu nói đùa như vậy, và hầu hết bọn họ đều hiểu.”
Một số quân nhân cũng thấy khó khăn khi chiến đấu tại đất nước quê nhà. Nhưng khi nói về tự do tôn giáo, thì tất cả đều cho rằng quân đội rất quan tâm. Binh sĩ được cầu nguyện và ăn chay trong tháng Ramadan. Quân đội thậm chí còn phục vụ thịt halal (theo tiêu chuẩn của người Hồi giáo), lương khô chay.
Đại uý Nadin Kassim – một người Palestine tị nạn từ bé và tốt nghiệp Đại học quân sự tiếng tăm West Point vào năm 2010 – luôn cảm thấy một sự hỗ trợ trong quân đội từ lúc mới bước chân vào trường. “Quân đội giảm thiểu tối đa những khác biệt và khen thưởng thành tựu, và điều này giúp tôi trưởng thành.” Kassim tâm sự. Mùa Ramadan mới đây, Kassim kể, anh và những binh sĩ Hồi giáo khác được phục vụ bữa ăn sau hoàng hôn. “Chúng tôi không đòi hỏi, nhưng họ tự làm để bày tỏ sự ủng hộ.”
Văn hoá Hồi giáo có một chỗ đứng vững chắc trong quân đội, Trung tá Abuhena Saifulislam – linh mục Hồi giáo làm việc 20 năm trong lực lượng Hải quân và Thuỷ quân Lục chiến. Mỗi thứ sáu, ông tổ chức lễ cầu nguyện tại Ngũ Giác Đài, và tổ chức cầu nguyện hàng ngày tại Trại Lejeune. Trung tá Saifulislam từng được Cựu Tổng thống George W. Bush và Tổng thống Obama mời vào chủ tế cầu nguyện tại Tòa Bạch Ốc. Lần mới đây nhất, ông bước chân vào Tòa Bạch Ốc nhân ngày lễ Hồi giáo quan trọng Eid al-Fitr cùng với một cựu chiến binh Đệ nhị Thế chiến gốc Hồi giáo 95 tuổi.
Trung tá Saifulislam giám sát việc xây cất nhà thờ Hồi giáo tại Trại Lejeune, hoàn tất với lối đi tách biệt dành cho nam giới và nữ giới. 20 năm trong quân đội, ông từng làm chủ tế cho nhiều tín đồ Thiên chúa giáo hơn là Hồi giáo, và chưa bao giờ đối diện với phản ứng dữ dội.
Hương Giang (Theo NY Times)