Thursday, March 28, 2024

Phó công an huyện bị cách chức vì gây oan sai

Cali Today News – Sau khi gây oan sai, bắt giam bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, ông Trương Quốc Hiếu, thượng tá, phó công an huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) đã bị cách chức, đồng thời về hưu theo quy định.

Ngày 24/11, ban giám đốc công an tỉnh Đồng Nai đã ra công bố quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với thượng tá Trương Quốc Hiếu, phó công an huyện Nhơn Trạch. Cùng chung với ông còn có thiếu tá Nguyễn Văn Sơn (đội phó điều tra tổng hợp công an huyện Nhơn Trạch) cũng bị giáng chức.

Theo những thông tin đã được cung cấp trước đó, ông Nguyễn Văn Sơn là người trực tiếp điều tra, lấy lời khai và đề xuất bắt giam bà Ngọc. Trong khi đó, thượng tá CSVN Trương Quốc Hiếu là người ký quyết định khởi tố, bắt giam bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc.

Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc. Ảnh: Tuổi Trẻ
Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc. Ảnh: Tuổi Trẻ

Trước đó, vào ngày 19/4, bà Ánh Ngọc được công an xã Phước An mời lên đồn để làm việc liên quan đến vụ 5 nhân viên bảo vệ rừng Long Thành đánh đập bà. Khi đến nơi, công an huyện Nhơn Trạch đã đọc lệnh bắt giam vì tội “chống người thi hành công vụ”, một tội trạng được cho là đã gây ra hồi tháng 9/2015.

Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc là một người nuôi tôm trên sông Thị Vãi. Liên tiếp trong nhiều tháng, bọn ăn trộm cát trên sông đã dùng đủ loại phương tiện, dụng cụ để hút cát trên sông. Việc làm này khiến cho con sông bị ô nhiễm, tôm của bà chết hàng loạt. Bà Ngọc liền lén ghi hình để tố lên các cấp chính quyền.

Nghiệt nỗi, bọn hút cát lậu lại cấu kết, móc nối với lãnh đạo địa phương, vậy nên vụ việc của bà chẳng những được giải quyết bà còn bị trả thù.

Ngay sau khi biết bà Ánh Ngọc tố cáo, nhân viên Ban quản lý rừng Long Thành liền đến chòi canh tôm để đánh đập, hành hung và phá hoại tài sản bà cùng những người khác trong gia đình.

Được bảo kê từ công an, bảo vệ Ban quản lý rừng Long Thành thẳng tay hành hung và đánh đập bà Ánh Ngọc. Ảnh: Tuổi Trẻ
Được bảo kê từ công an, bảo vệ Ban quản lý rừng Long Thành thẳng tay hành hung và đánh đập bà Ánh Ngọc. Ảnh: Tuổi Trẻ

Vì đã lường trước việc chính quyền cấu kết với bọn hút cát lậu nên bà đã trình bày sự việc với phóng viên báo Tuổi Trẻ. Phóng viên báo Tuổi Trẻ đã lén đặt máy quay, ghi lại những cảnh bà bị bảo vệ đánh đập.

Những tưởng những gì mà báo chí phản ánh, dưới áp lực của dư luận công lý sẽ đứng về kẻ yếu. Tuy nhiên, ngay trong ngày bà được mời lên làm việc lại là ngày bà bị bắt. Bà Ánh Ngọc bị bắt giam 4 ngày.

Sau đó, báo chí trong nước đã lên tiếng phản ánh trường hợp của bà. Dưới áp lực của dư luận, Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai (một cơ quan trực thuộc đảng ủy CSVN tỉnh Đồng Nai) đã vào cuộc và khẳng định bà Ngọc bị bắt oan.

Một loạt nhân vật công an, viện kiểm sát huyện Nhơn Trạch bị kỷ luật.

Từ những nguồn tin thu thập được, hai cán bộ của Viện kiểm sát huyện Nhơn Trạch bị kỷ luật vì đã phê chuẩn lệnh bắt giam bà Ngọc. Cá nhân bà Trương Bùi Nhã Linh, Viện trưởng Viện kiểm sát huyện Nhơn Trạch bị “phê bình, rút kinh nghiệm”.

Điều gây bất bình trong dư luận là, dù bà đã được Viện kiểm sát huyện Nhơn Trạch xin lỗi vì phê chuẩn lệnh bắt, nhưng bà Ánh Ngọc lại phải bị phạt 2,5 triệu vì tội “cản trở người thi hành công vụ”, không phải là “chống người thi hành công vụ” như trước đó. Do đó, bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc không chấp nhận lời xin lỗi của Viện kiểm sát huyện Nhơn Trạch.

Qua vụ án bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc cho thấy, để có thể cướp tài nguyên đất nước, bọn tư bản đỏ phải cấu kết với rất nhiều lãnh đạo chính quyền, từ công an, viện kiểm sát cho đến Ban quản lý bảo vệ rừng Long Thành. Một người dân muốn chống tham nhũng, bảo vệ quyền lợi của mình phải đối đầu với cả một hệ thống không hành xử theo pháp luật, mà chỉ dùng luật rừng.

Nguoi Quan Sat

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img