Thursday, March 28, 2024

Phi cơ không người lái Mỹ rơi sau khi bị phi cơ Nga cố tình đụng  trên Biển Đen 

(CNN) – Một phi cơ chiến đấu của Nga ép phi cơ không người lái của Không lực Hoa Kỳ rơi xuống Biển Đen, sau khi làm hư cánh quạt chiếc MQ-9 Reaper này. 

Theo tuyên bố từ Bộ Tư lệnh Châu Âu Hoa Kỳ, chiếc Reaper của Mỹ  và hai phi cơ Su-27 của Nga vào hôm thứ Ba đang bay trên vùng biển quốc tế trên Biển Đen thì một trong những phi cơ chiến đấu của Nga cố tình bay phía trước, và liên tục tống nhiên liệu vào phi cơ không người lái. 

Phi cơ Nga sau đó đụng vào cánh quạt chiếc MQ-9 Reaper, buộc Mỹ phải cho rơi phi cơ xuống vùng nước quốc tế. Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Patrick Ryder cho biết thêm, phi cơ Nga bay “trong khu vực chung quanh” chiếc Reaper khoảng 30-40 phút trước khi vụ va chạm xảy ra vào khoảng 7h sáng – giờ Trung Âu. 

“Phi cơ MQ-9 của chúng tôi đang thực hiện những hoạt động thường lệ trên không phận quốc tế khi bị phi cơ Nga chặn và đụng phải, khiến chiếc MQ-9 bị rơi và hoàn toàn mất tích,” Tư lệnh trưởng Lực lượng Không quân Hoa Kỳ ở Châu Âu và Châu Phi, Tướng James B. Hecker cho biết trong tuyên bố. “Trên thực tế, hành động thiếu chuyên nghiệp và không an toàn này từ phía Nga gần như khiến cả hai phi cơ rơi.” 

Sự việc đánh dấu lần đầu tiên  phi cơ quân đội Nga và Hoa Kỳ đụng chạm trực tiếp kể từ khi Moscow mở cuộc chiến xâm lược Ukraine cách đây hơn 1 năm, và có khả năng làm gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia. Mỹ lên án những hành động của Nga “liều lĩnh, thiếu chuyên nghiệp và không thân thiện với môi trường.” 

Sau khi được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ triệu tập về vụ phi cơ không người lái rơi, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho hay, Nga không muốn có sự đối đầu giữa hai quốc gia. “Chúng tôi không muốn tạo tình huống có thể đối mặt với những vụ đụng độ ngoài ý muốn, hay những rắc rối ngoài ý muốn giữa Cộng hoà Liên bang Nga và Hoa Kỳ,” Antonov nói. 

Đến Bộ Ngoại giao khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ, Antonov cho biết, Phụ tá Ngoại trưởng Karen Donfried truyền đạt  những lo ngại về sự việc, và hai bên “trao đổi ý kiến về vấn đề vì chúng tôi có một số khác biệt.” Ông ta cũng tuyên bố, Nga “đã thông báo về không phận này được nhận dạng là vùng dành cho hoạt động quân sự đặc biệt.” 

“Chúng tôi đã cảnh báo không được vào, không được xâm nhập,” ông ta  nói, đồng thời đặt câu hỏi Mỹ sẽ phản ứng thế nào nếu một phi cơ không người lái của Nga đến gần New York hoặc San Francisco.

Antonov nhắc lại phủ nhận được Bộ Quốc phòng Nga gởi ra vào đầu ngày thứ Ba, trong đó bác bỏ việc phi cơ Nga va chạm với phi cơ không người lái của Mỹ.  Tuyên bố cho rằng, phi cơ Nga “tìm cách xác định kẻ xâm nhập” sau khi phát giác ra trên Biển Đen, đồng thời bảo rằng, phi cơ không người lái “đã thực hiện một chuyến bay không hướng dẫn và mất độ cao.” 

Tổng thống Joe Biden được cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan báo cáo tình hình vào sáng thứ Ba. 

Phi cơ Nga và Mỹ hoạt động trên Biển Đen trong suốt cuộc chiến Ukraine, nhưng đây là lần đầu tiên có sự va chạm như vậy – một leo thang nguy hiểm vào thời điểm quan trọng của cuộc chiến.

Hoa Kỳ triển khai phi cơ không người lái Reaper trên Biển Đen kể từ trước khi cuộc chiến bắt đầu, với mục đích do thám, giám sát khu vực. Một chiếc Reaper có thể bay tới độ cao 50.000 feet, và chúng có cảm biến cũng như khả năng thu thập thông tin tình báo và thực hiện do thám trong thời gian dài, khiến phi cơ không người lái này  trở thành nền tảng lý tưởng để theo dõi các chuyển động trên chiến trường và ở Biển Đen .

Hương Giang (Theo CNN) 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img