Thursday, March 28, 2024

Phe bảo thủ tại Tối cao Pháp viện có vẻ đứng về phía Trump, chấm dứt DACA 

(Business Insider) – Tối cao Pháp viện vào hôm thứ Ba nghe tranh tụng về số phận của chương trình DACA – chính sách thời Obama nhằm bảo vệ gần 700.000 di dân lậu được đưa vào Mỹ khi còn nhỏ, hay còn gọi là Dreamer, khỏi bị trục xuất. 

Phiên tranh cãi kéo dài 80 phút, và Tối cao Pháp viện dự tính sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng vào tháng 6 sang năm, ngay vào lúc cao trào bầu cử 2020. 

Hơn 2 năm qua, DACA – Deferred Action for Childhood Arrivals – rơi vào tình trạng mong manh, kể từ khi Tổng thống Donald Trump thông báo chấm dứt chương trình hoãn trục xuất vào tháng 9 năm 2017. 

Từ đó đến nay, DACA bị cuốn vào cuộc chiến pháp lý phức tạp, một số toà cấp dưới ra phán quyết vẫn giữ lại phần lớn chương trình cho đến khi Tối cao Pháp viện đưa ra quyết định cuối cùng. Trong thời gian này, Dreamers vẫn tiếp tục có thể gia hạn tình trạng DACA 2 năm của mình để có thể tiếp tục đi học và đi làm, nhưng chương trình không nhận thêm bất cứ di dân lậu nào nếu trước đây họ không được bảo vệ. 

Đây được xem là vụ án quan trọng nhất được Tối cao Pháp viện đưa ra xét xử vào năm nay, và phán quyết cuối cùng được đoán trước sẽ theo đảng phái với các thẩm phán Dân chủ bỏ phiếu tiếp tục giữ lại chương trình, còn các thẩm phán Cộng hoà sẽ bỏ phiếu xoá bỏ, trong khi Chánh thẩm John Robert được xem là lá phiếu thay đổi. 

Ông Robert và ông Brett Kavanaugh nằm trong số thẩm phán cho rằng, chính phủ đã đưa ra đầy đủ lý do trong việc bãi bỏ chương trình. Thẩm phán Neil Gorsuch và Samuel Alito đặt những câu hỏi về việc liệu các toà có nên xem xét những quyết định tuỳ ý của ngành hành pháp hay không. 

Ông Robert đặt một số câu hỏi với các luật sư đại diện những người tham gia DACA, ông không đặt câu hỏi nghiêm trọng nào đối với tranh cãi của luật sư Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, vị Chánh thẩm vào tháng 6 đã làm ngạc nhiên nhiều người khi bỏ phiếu thuận, ngăn chặn chính phủ đưa câu hỏi quốc tịch vào điều tra dân số 2020. 

Chỉ có Thẩm phán Sonia Sotomayor duy nhất nhắc đến Tổng thống, bà bảo, ông Trump tuyên bố với những người tham gia DACA rằng, “họ an toàn dưới quyền của ông, và ông sẽ tìm cách giữ họ ở lại, nhưng ông ta lại không.” Thẩm phán cũng phàn nàn rằng, lý do của chính phủ thay đổi liên tục, và chủ yếu vẫn dựa vào quan điểm DACA bất hợp pháp, vì vậy không còn cách nào khác là chấm dứt chương trình. Bà Sotomayor đưa ra kiến sắc bén nhất khi bảo rằng, chính phủ đã thất bại trong việc nói rõ ràng rằng, “Đây là chọn lựa của chúng tôi để phá huỷ các cuộc đời.” 

Tổng biện lý sự vụ Noel Francisco – Luật sư Tối cao Pháp viện hàng đầu của ông Trump – không hồi đáp trực tiếp thẩm phán Sotomayor. Nhưng gần đến cuối phiên tranh tụng, ông khẳng định rằng, chính phủ nhận trách nhiệm đối với quyết định của mình, và không chỉ dựa vào niềm tin DACA bất hợp pháp,” Francisco nói. 

Đầu giờ sáng thứ Ba, Tổng thống lên Twitter đưa ra ý kiến kỳ cục. Ông Trump thề sẽ bảo vệ Dreamers nếu toà đảo ngược chương trình, thậm chí ông ta còn hứng chí cáo buộc một số người tham gia DACA “là tội phạm,” trong khi rõ ràng, di dân lậu có hồ sơ hình sự bị cấm không được tham gia vào chương trình này. “Nhiều người trong chương trình DACA không còn trẻ, và còn xa mới là những thiên thần. Một số là tội phạm tàn nhẫn, cứng đầu,” Trump đăng trên Twitter. “Tổng thống Obama nói ông ta không có quyền pháp lý để ký sắc lệnh nhưng vẫn ký. Nếu Tối cao Pháp viện khắc phục vấn đề này bằng quyết định đảo ngược thì sẽ có thoả thuận với Dân chủ để họ ở lại.” 

Chính phủ ông Barack Obama thực thi DACA vào năm 2012, sau một vài nỗ lực hợp pháp hoá giải pháp lâu dài cho Dreamers bị thất bại tại Quốc hội. Có khoảng 690.000 di dân lậu được đưa vào Mỹ khi còn nhỏ tham gia vào DACA được hoãn trục xuất bằng cách gia hạn giấy phép mỗi hai năm. 

DACA không cho di dân lậu được cấp tình trạng di trú ở Mỹ. Giấy phép chỉ cho phép họ được làm việc hợp pháp và bảo vệ họ khỏi bị trục xuất miễn là không phạm những tội hình sự lớn. Đương đơn tham gia vào chương trình chỉ được chấp nhận nếu họ dưới 31 tuổi vào ngày 15 tháng 6 năm 2012. Họ phải được đưa vào Mỹ trước khi bước sang tuổi 16, và sống liên tục ở Mỹ từ năm 2007. Họ cũng bị bắt buộc phải tốt nghiệp trung học, hay có chứng chỉ GED tương đương, hoặc đi lính, và không bị truy tố tội đại hình hay những khi tội nghiêm trọng khác. 

Vào ngày 25 tháng 9 năm 2017, chính phủ ông Trump thông báo sẽ từ từ chấm dứt DACA vì chương trình này vi hiến, và chính phủ Obama đã lạm quyền hành pháp. 

Không giống như hầu hết những cuộc tranh cãi chính trị chung quanh DACA, phần lớn tập trung vào việc liệu chính phủ Obama có quyền tạo ra một chương trình như vậy hay không, tranh cãi pháp lý tại Tối cao Pháp viện chủ yếu xoay quanh việc liệu chính phủ Trump có đưa ra được những lý lẽ hợp pháp trong việc chấm dứt chương trình hay không. 

Chính phủ Trump cho rằng, DACA vi hiến, và vì vậy sẽ không gặp rắc rối tại toà, vì một số tiểu bang bảo thủ doạ sẽ khởi kiện chương trình. Nhưng một số toà cấp lưới lại ra phán quyết, lý do pháp lý của chính phủ ông Trump không đủ mạnh để chấm dứt chương trình. Nhưng các luật sư Bộ Tư pháp vẫn tiếp tục tranh cãi rằng, DACA được tạo ra bằng sắc lệnh hành pháp của Tổng thống, vì vậy chương trình cũng có thể được gỡ bỏ bằng hành động hành pháp. 

Điều gì sẽ xảy ra với Dreamers? 

Suốt hai năm qua, luật sư và và các nhà ủng hộ di trú tranh cãi rằng, sự không chắc chắn đối với việc gia hạn DACA chỉ tăng thêm tính cấp bách. 

Chính phủ phải mất hàng tháng mới hoàn tất gia hạn, và như vậy sẽ đẩy Dreamers và chủ lao động của họ vào thế yếu nếu giấy phép làm việc không được cấp kịp thời. 

“Những người tham gia vào DACA sẽ rơi vào tình trạng bất ổn. Nếu họ có khoản vay mua xe, hay trả tiền nhà hay có gia đình ở đây, họ không chắc sẽ có khả năng trả hoá đơn hay không khi giấy phép làm việc hết hạn,” luật sư Theda Fisher từ Văn phòng luật Withers Bergman bày tỏ. 

Hương Giang (Tổng hợp)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img