Cali Today News – Phân biệt giới tính đang làm ồn ào mối quan hệ giữa quận Cam và United Airlines sau khi hãng hàng không buộc một nữ hành khách phải đổi chỗ ngồi vì hai nam hành khách cho rằng họ không thể ngồi cạnh phụ nữ.
“Điều này bất hợp pháp,” giám sát viên Shawn Nelson lên tiếng, “Chúng ta không thể bỏ qua chuyện này được!”
Quận đang xem xét khả năng chống lại hãng hàng không. Uỷ ban giám sát sẽ xem xét một loạt những chọn lựa vào tuần sau.
Vào ngày 19 tháng 9, Mary Campos – hành khách hàng không thường xuyên – đang sắp hàng tại phi trường John Wayne chuẩn bị lên phi cơ bay đi Houston thì bất ngờ nghe tên mình được xướng lên. Nhân viên hãng hàng không United đứng sau quầy thông báo, chỗ của cô thay đổi vì tôn giáo của hai hành khách ngồi bên cạnh không cho phép họ ngồi gần hoặc nói chuyện với phụ nữ. Nói rồi, người này đưa cho nữ hành khách 47 tuổi số ghế mới. Phi cơ chuẩn bị cất cánh, Campos hiểu rõ nếu muốn giữ lịch trình thì tốt nhất cô nên im lặng ráng chịu.
Những gì xảy ra với nữ lãnh đạo một công ty quốc tế không hề hiếm, mà còn đang trở thành xu hướng. Càng ngày càng có nhiều phụ nữ bị buộc phải đổi chỗ vì tôn giáo của một số hành khách cấm đụng chạm nữ giới. Mới đầu năm nay, một phụ nữ từng trốn thoát khỏi chế độ phát xít ở châu Âu từ bé đã đệ đơn kiện hãng hàng không quốc gia Israel El Al. Renee Rabinowitz cảm thấy “nhỏ bé” sau khi được yêu cầu chuyển chỗ ngồi vì nam hành khách ở ghế bên không thể ngồi cạnh cô.
Những hủ tục và niềm tin cổ xưa lạc hậu trở thành thách đố hóc búa ở thế kỷ 21. Phải chăng vì vậy mà United Airlines cũng có những quy định về phân biệt đối xử giới tính?
Không giống như những quốc gia khác, Hoa Kỳ có đủ luật về phân biệt đối xử giới tính. Từ đạo luật liên bang về Dân quyền 1964 cấm kỳ thị giới tính đến luật công bằng về nhà ở, trả lương. Cho dù hành động nổi tiếng của bà Rosa Park di chuyển từ hàng ghế sau lên hàng ghế đầu của xe bus, thì những luật này rõ ràng không đề cập tới việc một người phụ nữ, hay đàn ông (trong vấn đề này) có thể ngồi bất cứ ở đâu họ muốn.
Yên vị ở chỗ mới, Campos kể những gì xảy ra với mình cho nam hành khách bên cạnh. “Cô sẽ để yên chuyện này ư?” người đàn ông hỏi. Sau khi phi cơ khoan thai trên bầu trời, đèn cài dây an toàn tắt, Campos quyết định nói chuyện với phi hành đoàn. Một tiếp viên chia sẻ, ngay cả cô cũng không thể hỏi thăm hay phục vụ hai hành khách trên. May mắn cho họ, có một nam tiếp viên trên phi cơ. “Cô sẽ lấy làm ngạc nhiên khi biết những việc chúng tôi phải đương đầu,” Campos nhớ một trong tiếp viên đã nói vậy. “Chuyện này thật xúc phạm!”
Trang phục trên người hai vị khách chỉ ra họ là người Phật giáo. Mặc dù Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn bắt tay, ôm nam nữ phật tử, nhưng một số nhà sư vẫn tuân thủ nguyên tắc lâu đời không được chạm vào nữ giới. Một số tôn giáo khác cũng có niềm tin tương tự.
Có câu chuyện về hai nhà sư và cô gái bên dòng suối đáng ngẫm. Một hôm, hai vị sư huynh sư đệ có việc xuống núi. Khi xong việc, trên đường về đến ngang con suối, hai vị sư trông thấy một cô gái đang lúng túng chưa biết cách nào lội qua suối. Sau khi hỏi cơ sự, vị sư huynh liền cõng cô gái trên lưng vượt suối. Vị sư đệ trợn tròn mắt nhìn sư huynh. Trên quãng đường về, vị sư trẻ cứ cằn nhằn việc sư huynh đã đụng chạm đến cô gái, như vậy là phạm giới, những việc nhà sư cấm kỵ. Sư huynh vẫn im lặng rảo bước, không nói tiếng nào. Lúc về tới cổng chùa, sư đệ tiếp tục làu bàu, lúc này vị sư già mới quay lại đáp, “Ô hay, ta đã bỏ cô ấy lại bên bờ suối, sao đệ còn cõng cô ta đến tận đây?!”
Quay trở về với kinh nghiệm khó chịu của cô Campos. Sau khi phi cơ đáp xuống Houston, cô tìm đến United Airlines, yêu cầu được gặp nhân viên giám sát cao cấp. Một phụ nữ xuất hiện, tỏ vẻ thông cảm khi nghe xong câu chuyện, bà đề nghị tặng cô Campos phiếu trị $100 Mỹ kim. Không tin nổi, “Đây không phải là vấn đề $100 đô mà là cách đối xử công bằng đối với tất cả mọi người.”
Sau đó, cô gởi email lên United Airlines. “Trước hết, tôi tôn trọng niềm tin tôn giáo của tất cả mọi sắc tộc, nhưng tôi không tin niềm tin văn hoá lại đẩy United Airlines đến phân biệt đối xử phụ nữ,” thư ghi. “Chúng ta đang sống tại Hoa Kỳ nơi phụ nữ được đối xử công bằng, không phải là ‘thứ phẩm.’ Là một phụ nữ, mẹ của hai con và là một nữ doanh nhân, điều này đối với tôi không thể chấp nhận được.”
Lời thư thẳng thắn, rõ ràng, nhưng hàm ý sâu sắc, nhưng hãng hàng không chỉ trả lời qua loa. “Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp dịch vụ an toàn, dễ chịu đến với tất cả hành khách, chúng tôi rất lấy làm tiếc những gì xảy ra với bà Campos,” đại diện quan hệ truyền thông của hãng cho hay, “Nhân viên của chúng tôi được huấn luyện theo tiêu chuẩn chuyên nghiệp nhất, và chúng tôi không chấp nhận sự phân biệt đối xử nào.”
Với tự do tôn giáo, làm thế nào để chúng ta giải quyết những tình huống dính tới phân biệt đối xử do giới tính?
Phi trường John Wayne là nơi các chuyên gia nên có cái nhìn sâu hơn để cân bằng văn hoá, tôn giáo và tự do, tuy nhiên, vấn đề này vẫn rất hạn chế. “Đây không phải là chuyện mà John Wayne nên dính vào,” đại diện Quan hệ Công chúng của phi trường cho hay, việc này hoàn toàn nằm ngoài quyền hạn của họ. “Chúng tôi tin tưởng các hãng hàng không không có chính sách phân biệt đối xử và mục tiêu của họ là làm cho hành khách thoả mãn với dịch vụ.”
Vào năm ngoái, cô Francesca Hogi – 40 tuổi – đang trên chuyến bay từ New York đi London thì bị yêu cầu chuyển chỗ ngồi vì người đàn ông bên cạnh không muốn ngồi cạnh cô. Chuyện tương tự cũng xảy ra đối với cô Laura Heywood – 40 tuổi – trên chuyến bay từ San Diego đi London. Hay vài năm trước, vợ của tác giả bài báo này cũng trải qua kinh nghiệm không vui vẻ trên đường đi dự tang mẹ trên chuyến bay của hãng Virgin Airlines sau khi một nam hành khách báo không thể ngồi cạnh cô.
Việc chuyển chỗ hành khách theo yêu cầu vì lý do tôn giáo được United Airlines thực hiện âm thầm, phần lớn họ giữ bí mật lý do.
United Airlines mang lại nguồn thu nhập lớn cho John Wayne, phi trường thuộc sự quản lý của quận Cam. Bên cạnh đó, hãng hàng không dự kiến sẽ yêu cầu ban giám sát tăng thêm 300.000 chỗ mỗi năm. Chưa biết mọi chuyện sẽ đi về đâu, và kết quả có thể sẽ tạo nên tiền lệ.
Hương Giang (Theo OC Register)