- Omicron chưa phải là “biến thể cuối cùng” của đại dịch Covid-19?
- Hoa Kỳ ghi nhận kỷ lục 120.000 ca Covid-19: Biến thể Omicron lan ra 16 bang
- Mỹ sẽ tăng sản xuất vaccine lên 1 tỷ liều để chia sẻ với thế giới
- Thêm 3.800 ca tử vong; Anh-Pháp-Đức dẫn đầu ca nhiễm mới
- MỘT LÀN SÓNG CÁO BUỘC HÌNH SỰ CHỐNG LẠI TRUMP ĐANG BẮT ĐẦU
- Lính Ấn Độ phục kích giết nhầm 13 dân thường: Hàng trăm người vây doanh trại, đốt xe
- Miến Điện: Xe quân sự lao thẳng vào người biểu tình
- Bà Aung San Suu Kyi bị kết án 4 năm tù
- Việt Nam: Dã man vô nhân tính không có điểm dừng!
- NẾU NGƯỜI MỸ CHẤP NHẬN ĐẦU HÀNG CHỦ NGHĨA PHÁT XÍT THÌ SAO?

Omicron chưa phải là “biến thể cuối cùng” của đại dịch Covid-19?
Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ, Francis Collins đã lên tiếng cảnh báo, biến thể Omicron có khả năng không phải là biến thể Covid-19 cuối cùng đã gây ra nhiều mối lo ngại.
“Omicron có số lượng đột biến lớn nhất mà chúng ta đã thấy cho đến nay – khoảng 50 đột biến – so với virus gốc. Dường như nó bắt nguồn từ một người suy giảm miễn dịch, ở trong cơ thể đó nhiều tháng và nảy sinh thêm nhiều đột biến trong khoảng thời gian ấy. Nếu chúng ta không xây dựng hệ thống bảo vệ miễn dịch toàn cầu, chắc chắn sẽ có một biến thể khác xuất hiện“.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại Omicron như một biến thể đáng lo ngại. Từ khi được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi, biến thể này đã lây lan sang hơn 40 nước, bao gồm cả Mỹ.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài CNN, cố vấn y tế của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Anthony Fauci cho rằng: “Cho đến nay, Omicron có vẻ như không gây ra mức độ nghiêm trọng. Nhưng chúng ta thực sự phải cẩn thận trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào. Các nhà khoa học cần thêm thông tin trước khi kết luận về mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron“.
Các báo cáo từ Nam Phi cho thấy tỷ lệ nhập viện do nhiễm biến thể Omicron đã không tăng lên mức đáng báo động.
Ông Fauci cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét việc dỡ bỏ hạn chế đi lại đối với người từ nhiều nước châu Phi vào Mỹ.
………………………………………
Hoa Kỳ ghi nhận kỷ lục 120.000 ca Covid-19: Biến thể Omicron lan ra 16 bang
Mỹ vừa ghi nhận trung bình hơn 100.000 ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày – đây là mức trung bình cao nhất trong 2 tháng qua.
Số ca mắc Covid-19 cao được ghi nhận ngay sau khi hàng triệu người Mỹ đi du lịch trong kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn.
Số ca tử vong do Covid-19 ở Mỹ cũng đang gia tăng, với trung bình trong bảy ngày có 1.651 người chết vì virus, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins. Đây là số ca tử vong trung bình cao nhất trong hơn một tháng qua.
Phần lớn các ca mắc mới ở Mỹ là nhiễm biến thể Delta, nhưng tính đến ngày 4/12, các quan chức y tế Mỹ đã phát hiện ra biến thể Omicron đã xuất hiện tại ít nhất 16 tiểu bang.
………………………………………
Mỹ sẽ tăng sản xuất vaccine lên 1 tỷ liều để chia sẻ với thế giới
Chính quyền Biden-Harris đang nỗ lực tăng cường sản xuất vaccine COVID-19 trên toàn cầu lên 1 tỷ liều mỗi năm để chia sẻ với thế giới.
Nước Mỹ đang thực hiện một bước quan trọng khác để tăng cường sản xuất vắc-xin cho cả đại dịch này và chuẩn bị cho bất kỳ mối đe dọa nào trong tương lai. Nước Mỹ cũng đang nỗ lực mở rộng sản xuất vaccine ở Nam Phi, Senegal và Ấn Độ.
Tổng thống Biden đã cam kết cung cấp miễn phí chứ không bán 1,2 tỷ liều vaccine COVID-19 cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Ước tính đến nay, Mỹ đã tặng 250 triệu liều vắc-xin đến hơn 110 quốc gia.
TBO nhấn mạnh rằng việc xây dựng thêm các cơ sở sản xuất sẽ giúp thế giới chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai tốt hơn.
………………………………………
Thêm 3.800 ca tử vong; Anh-Pháp-Đức dẫn đầu ca nhiễm mới
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 400.000 ca nhiễm và 3.815 ca tử vong. Ba nước Anh, Pháp, Đức lần lượt dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới trong bối cảnh biến thể Omicron lấy nhiễm nhanh.
Trong 24 giờ qua, Anh dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 43.992 ca; Pháp đứng thứ hai với 42.252 ca; tiếp theo là Đức (35.983 ca). Riêng nước Nga tiếp tục đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.205 người chết trong một ngày; tiếp theo là Ukraine (278 ca) và Mexico (251 ca tử vong).
Ba quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới là Mỹ, Ấn Độ và Brazil. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ tính đến hôm nay là gần 50 triệu người, trong đó có khoảng 809 ngàn ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 34,6 triệu ca nhiễm, với gần 475 ngàn ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 22,1 triệu ca nhiễm với gần 616 ngàn ca tử vong.
………………………………………
MỘT LÀN SÓNG CÁO BUỘC HÌNH SỰ CHỐNG LẠI TRUMP ĐANG BẮT ĐẦU
Cựu công tố viên liên bang Glenn Kirschner đã không ngừng đưa ra những lời thật nhất về những hành vi phạm tội của Donald Trump trong nhiều năm qua. Ông đã không hề ngừng lại một ngày nào để kêu gọi chính phủ, Quốc Hội, Bộ Tư Pháp, các thẩm phán liên bang cần phải nhìn nhận vấn đề quan trọng sống còn của đất nước, rằng cựu tổng thống bị thất cử, Donald Trump vẫn là một mối đe dọa thực sự đối với quốc gia của chúng ta.
Và Glenn Kirschner, người đã phục vụ hơn 30 năm với tư cách là công tố viên liên bang, kiên quyết cho rằng cách duy nhất để vô hiệu hóa mối đe dọa đó là truy tố Trump về các tội của ông ta, từ những tội mà ông ta đã phạm trong nỗ lực lật ngược cuộc bầu cử năm 2020 và cả tội ác phát sinh từ việc giải quyết không đúng cách của ông ta đối với đại dịch Covid-19.
Glenn Kirschner tin rằng cần thiết phải mạnh mẽ chống lại Trump vì tất cả những lời nói dối và thông tin sai lệch mà ông ta đã lan truyền về coronavirus và cách điều trị nó bằng những phương pháp phản khoa học đây chính là những luận cứ sai lầm, phản khoa học có chủ ý của ông ta về bản chất của mối đe dọa đối với hành vi đáng xấu hổ của ông ta được tuyên bố trước người dân Mỹ để phá hoại các biện pháp bảo vệ người dân, chẳng hạn như không khuyến khích đeo khẩu trang, giúp mọi người có cảm giác đất nước đang được an toàn, khỏe mạnh để giúp ích cho ông ta về mặt chính trị. Và chính những quyết định, những lời tuyên bố phản khoa học của Trump đã dẫn đến những cái chết oan uổng, vô lý của hơn 500.000 người Mỹ.
Riêng về những tội ác xảy ra từ vụ tấn công Điện Capitol ngày 6 tháng 1, Glenn Kirschner nói khá rõ ràng về vai trò của Trump bằng một tuyên bố không thể nào ngộ nhận: “Nếu bạn không trừng phạt một nỗ lực lật đổ chính phủ, một cuộc nổi dậy hay một cuộc nổi loạn, thì chắc chắn chúng ta sẽ có thêm nhiều cuộc nổi loạn khác sau đó.”
Với Donald Trump, tên đồ tể của nước Mỹ trong thế kỷ 21, rất nhiều người đã nói về tội ác tiềm tàng của Donald Trump liên quan đến ngày 6 tháng 1, nhưng mọi người dường như đã quên không nhắc đến những lời nói dối của ông ta sẽ dẫn đến những cáo buộc ngộ sát xung quanh đại dịch Covid-19.
Mọi cơ quan tài phán, mọi tiểu bang đều có luật riêng, quy chế riêng. Một số khu vực pháp lý gọi đó là vụ giết người do cẩu thả. Còn ở Washington DC, chúng tôi gọi đó là ngộ sát không tự nguyện, nhưng mức độ giết người tương đối thấp. Và nhiệm vụ của các công tố viên hiện nay là cần phải chứng minh Donald Trump đã phạm vào tội ngộ sát không tự nguyện.
Donald Trump đã hành động vô cùng cẩu thả theo một cách cố ý phạm tội khi nói dối người dân Mỹ về bản chất, khả năng lây lan và cách người dân có thể tự bảo vệ mình trước sự nguy hiểm của Coronavirus. Trump đã nói dối người dân Mỹ về điều đó. Các công tố viên có thể chứng minh điều đó nhờ những lời nói mà ông ta đã nói với Bob Woodward, qua băng ghi âm, về tình trạng thực sự của sự việc nhưng sau đó, bước ra khỏi phòng, ông ta đã nói dối chúng ta.
Để nhắc nhở mọi người, vào ngày 7 tháng 2 năm 2020, Trump nói với Bob Woodward rằng COVID-19 là “thứ virus gây chết người“, lưu ý rằng nó gây chết người gấp 5 lần so với ngay cả bệnh cúm nghiêm trọng nhất. Sau đó, vào ngày 26 tháng 2, trước ống kính của phóng viên, khi người Mỹ đang chờ một câu trả lời, ông ta đã nói rằng: “Chúng tôi xem điều này giống như một loại virus cúm thường.” Biết rõ sự nguy hiểm của virus nhưng vẫn cố tình nói dối người dân Mỹ, điểm mấu chốt của tội ác là nằm ở chỗ đó. Điều gì sẽ xảy ra nếu không có được một công tố viên nào có đủ can đảm để đệ đơn khiếu nại chống lại Donald Trump? Nếu đến cả một công tố viên có quyền truy tố mà còn hèn nhát như vậy thì thử hỏi làm sao nền dân chủ lại không sụp đổ dễ dàng một cách tự nhiên, bởi vì không có ai phản kháng cả?
Cựu công tố viên Glenn Kirschner nói bằng giọng cương quyết, mạnh mẽ: “Nếu tôi vẫn còn đang làm việc trong văn phòng luật sư của Bộ Tư Pháp, tôi sẽ trình bày tất cả bằng chứng cho đại bồi thẩm đoàn về trách nhiệm của Donald Trump đối với những cái chết có thể tránh được do COVID-19. Bộ Tư pháp không thể ngăn cản tôi. Họ chỉ có thể sa thải tôi. Đó là cách duy nhất họ có thể ngăn tôi lại, bởi vì đó là điều đúng đắn cần làm để tôn vinh các nạn nhân người Mỹ bị chết oan uổng. Tôi nghĩ sẽ không có một ai, không một công tố viên nào ở New York hay Georgia, hay tại Bộ Tư pháp muốn trở thành người đầu tiên đưa ra cáo buộc hình sự đối với một cựu tổng thống. Ai cũng sợ ông ta ngay cả khi ông ta đang là một công dân bình thường tại Mar-a-lago. Tại sao điều này lại có thể xảy ra tại Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, các luật sư, các công tố viên, Bộ Tư Pháp và thể chế này đều sợ ông ta.
Nhưng tôi hy vọng rằng, trước sức ép của truyền thông báo chí và sự chú ý của giới tinh hoa chính trị thì người người Mỹ sẽ đồng lòng đứng về phía những luật sư, công tố viên là những người dũng cảm đưa ra cáo trạng đến Trump, và cũng vì đây là lần truy tố đầu tiên một cựu Tổng Thống trong lịch sự Hoa Kỳ. Và Donald Trump đã phạm tội ở hầu hết mọi khu vực tài phán ở quốc gia của chúng ta, bất cứ nơi nào có người chết vì COVID-19 dưới thời Trump thì các công tố viên các nơi đó đều có quyền đưa ra những cáo trạng để truy tố Trump, và tôi tin rằng, sẽ bắt đầu xảy ra một làn sóng tiếp nối nhau cáo buộc hình sự chống lại Donald Trump, một khi có một cơ quan tài phán đầu tiên truy tố ông ta.
Khi tất cả người dân Mỹ đều nhìn thấy rõ ràng tất cả những bằng chứng phạm tội này của Donald Trump và quá đủ để tiến hành một cuộc điều tra tội phạm – nhưng tại sao Bộ Tư Pháp lại nhắm mắt làm ngơ và giữ im lặng? Tôi không tin Bộ Tư Pháp lại sợ Trump đến như vậy?”
Hãy hiểu rộng hơn một chút. Ngay bây giờ, chúng ta đang thấy bạo lực từ những người tại các tiểu bang đỏ chống lại các thành viên hội đồng trường học, chống lại các y tá và bác sĩ theo nhiệm vụ của COVID-19 của TT Biden, thậm chí chống lại các quan chức đảng Cộng hòa, những người lên tiếng chống lại Donald Trump. Như vậy, nếu Trump không bị truy tố hình sự vì hành động của mình – thì liệu điều đó có đang khuyến khích những người Mỹ đang ủng hộ ông ta tiếp tục chống vaccine, chống đeo khẩu trang, chống chính phủ liên bang hay không?
Thật đơn giản, nếu chúng ta không trừng phạt những tên cướp ngân hàng, thì chúng ta sẽ còn gặp nhiều vụ cướp ngân hàng hơn nữa. Nếu bạn không trừng phạt một âm mưu lật đổ chính phủ hay một cuộc nổi loạn, chúng ta sẽ có nhiều cuộc nổi loạn hơn. Nếu Trump không bị Bộ Tư pháp truy tố vì nhiều tội ác mà ông ta đã phạm phải, thì Trump có thể dõng dạc tuyên bố cùng những người ủng hộ ông ta, thậm chí với toàn thể người dân Mỹ rằng: “Bộ Tư pháp đã đóng dấu chấp thuận cho tất cả những gì tôi đã làm, vì những gì tôi đã làm đều hoàn toàn đúng, nếu tôi đã làm sai, thì họ đã truy tố tôi. Họ không truy tố tôi. Điều đó có nghĩa là họ bảo đảm mọi điều tôi đã làm là hoàn toàn đúng. Và tôi sẽ làm điều đó một lần nữa, hãy ủng hộ tôi.”
Tôi nghĩ rằng đảng Cộng hòa rồi sẽ phải sụp đổ và có thể sẽ có một phiên bản mới của nó được sinh ra từ Liz Cheney và Adam Kinzinger trong một thế giới mới hậu Trump, họ sẽ là những người vẫn giữ nguyên tắc bảo thủ của mình nhưng họ cũng giữ được đạo đức và tình yêu đất nước cũng như bảo vệ nền dân chủ. Đó là tương lai của một đảng Cộng hòa mới. Đảng Cộng hòa cũ đang chết dần chết mòn. Tôi cũng tin rằng, nó phải chết hoàn toàn và sau đó một đảng Cộng hòa đi lên từ đống tro tàn để thay thế nó. Đây chỉ là một hy vọng nhỏ nhoi và không dễ thực hiện, vì trong thời điểm hiện tại, khi chúng ta ra đường, người hiền lương thì ít, nhưng ma vương quỷ sứ thì lại quá nhiều.
Việt Linh
………………………………………
Lính Ấn Độ phục kích giết nhầm 13 dân thường: Hàng trăm người vây doanh trại, đốt xe
Lực lượng an ninh Ấn Độ đã nổ súng, khiến 13 dân thường thiệt mạng ở bang Nagaland, Đông Bắc nước này sau khi phục kích nhầm một chiếc xe tải mà lực lượng này tưởng là chở phiến quân nổi dậy.
Theo India Today, một nhóm thợ mỏ đang quay trở về nhà ở huyện Mon (gần biên giới với Myanmar) trên một chiếc xe tải thì bị trúng đạn của lực lượng an ninh.
Vụ nổ súng xảy ra khi chiếc xe tải chở 30 người thợ mỏ di chuyển ngang qua doanh trại của lính biên phòng Ấn Độ, khiến 6 người thiệt mạng.
Quân đội Ấn Độ khẳng định, các binh lính đã hành động dựa trên “tin tình báo đáng tin cậy” rằng phiến quân nổi dậy đang hoạt động trong khu vực.
………………………………………
Miến Điện: Xe quân sự lao thẳng vào người biểu tình
Theo Reuters, 5 người đã thiệt mạng và ít nhất 15 người bị bắt sau khi lực lượng an ninh Myanmar đã lái xe lao vào những người biểu tình phản đối cuộc chính biến vào sáng Chủ nhật ở Yangon.
Các nhân chứng tại hiện trường cho biết hàng chục người đã bị thương. Hình ảnh và video trên mạng xã hội cho thấy một chiếc xe lao vào người biểu tình và một số thi thể nằm trên đường.
Một cuộc biểu tình khác đã được tổ chức tại Yangon vào buổi chiều bất chấp vụ việc bạo lực vào buổi sáng.
Các cuộc biểu tình phản đối phản đối việc lật đổ chính phủ dân sự do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo và sự thiết lại trở lại chế độ quân sự.
Bà Aung San Suu Kyi bị kết án 4 năm tù
Aung San Suu Kyi, cựu cố vấn nhà nước Miến Điện, bị tuyên phạt 4 năm tù vì tội kích động chống đối quân đội và vi phạm quy định phòng dịch, theo người phát ngôn chính quyền quân sự Zaw Min Tun ngày 6/12 nói với AFP.
Bên cạnh bà Suu Kyi, cựu Tổng thống Miến Điện, Win Myint cũng bị phạt 4 năm tù về cùng hai tội danh.
Người ủng hộ bà Suu Kyi, 76 tuổi, cho rằng các cáo buộc nói trên là vô căn cứ và chỉ nhằm kết thúc sự nghiệp chính trị của bà.
………………………………………
Việt Nam: Dã man vô nhân tính không có điểm dừng!
Mấy hôm nay trên báo chí và mạng xã hội xôn xao nhiều chuyện. Trước hết là chuyện một cô bé 17 tuổi lấy trộm chiếc váy trong một cửa hàng ở Thanh Hoá. Không bị bắt tại trận nhưng có lẽ phát hiện sau đó qua camera, chủ tiệm đã đăng lên đe doạ sẽ báo công an. Cô bé đã đến xin lỗi và mong được đền tiền chiếc váy. Thế nhưng cô bé đã bị đánh đập tàn nhẫn, bị cắt áo lót bằng kéo và bị yêu cầu đền bù 10 triệu. Dã man!
Dù biết hoàn cảnh cô bé rất khó khăn, thèm chiếc váy mà trở thành kẻ cắp. Chúng ta không đồng tình với hành động ăn cắp. Không thể viện cớ nghèo mà phạm tội. Thế nhưng chúng ta cũng không thể đồng tình với hành động tàn nhẫn và ỷ thế có tiền mà chà đạp lên nhân phẩm người khác. Đó hành vi xâm phạm quyền con người, nhất là cháu bé chưa đủ tuổi thành niên. Chưa kể dùng sức mạnh và đòn tra tấn để tống tiền kẻ phạm tội. Thời nay kẻ ỷ có chút tiền lên mặt và khinh thường người nghèo nhiều lắm, đông như quân Nguyên. Bởi thời bây giờ người ta dựa vào đồng tiền mà xử sự với nhau.
Bà mẹ của nạn nhân nói: “Cháu trót dại, có lỗi và đã biết mình sai, lên quán xin lỗi, bồi thường cho cô chủ. Là người mẹ, xảy ra việc này cũng là lỗi của tôi nên mong mọi người chia sẻ, thông cảm để cháu sớm ổn định trở lại”. Câu nói của bà mẹ cho thấy gia đình đã nhận lỗi. Chiếc váy giá chỉ 160,000 đồng (khoảng $7) và gia đình cũng như kẻ có tội đã nhận tội và xin được đền bù. Nhưng kẻ giàu lại muốn lấy gấp vài chục lần giá trị vật đã bị lấy cắp. Hành động của họ không chỉ là tàn ác của kẻ hút máu người mà còn thể hiện tính tham lam vô độ.
Thời đại gì mà những kẻ có tiền trở thành quan tòa và luật pháp. Một xã hội vô pháp vô thiên. Miệng kẻ có tiền có gang có thép bỗng dưng biến thành Bao Công hết lên án kẻ này đến kể tội người khác. Và rồi công an, luật pháp lại chạy theo những lời tố cáo không bằng cớ đó. Nhà nước, toà án, công an trở thành công cụ nghe theo miệng lưỡi của kẻ có tiền. Lạ thật đấy! Rồi bỗng dưng nhiều người oan ức lại lên tiếng với kẻ có tiền xin có tiếng nói giúp họ với nhà nước, với luật pháp. Buồn cười chưa? Rồi họ trở thành anh hùng bảo vệ công lý trong mắt một số người.
Một chuyện nữa cũng râm ran là chuyện cô giáo tự tử ngay trong phòng họp của một trường học ở trường Hoàng Quốc Việt (quận 7, Sài Gòn). Theo báo chí tường thuật thì cô giáo này bị trù dập từ khi tố cáo những tiêu cực của Ban Giám hiệu nhà trường. Cuộc đấu tranh của cô giáo đã đưa đến kết quả là cô giáo bị ngưng “đứng lớp”, bị đưa xuống làm lao công, bị nhà trường đưa ra hội đồng xét xử. Không có lý do gì trong một cuộc họp xét kiểm điểm giáo viên mà lại có mặt của Hội Phụ huynh và đại diện công an phường.
Nội chuyện đó đã sai rồi. Cũng không hiểu tại sao nhà trường thời nay thường có hình thức kỷ luật giáo viên là không cho phép giảng dạy và bắt giáo viên làm việc như người lao công. Thầy Cô khi tốt nghiệp ra trường đến nhận trường lớp với công việc là dạy học. Nếu vì một lý do nào đấy bị kỷ luật thì cho nghỉ việc hay cảnh cáo ghi vào hồ sơ cá nhân.
Không nên bắt Thầy Cô giáo trở thành lao công trong nhà trường, tính sư phạm trong một trường học không cho phép làm thế. Bởi làm như vậy là hạ nhục và chà đạp nhân cách của Thầy Cô giáo. Học sinh sẽ nghĩ gì khi ngày hôm qua những người đó là người đứng trên bục giảng, là Thầy Cô của chúng, hôm nay thành người lao công hốt rác giữa sân trường? Người ta cứ hô hào nghề giáo là nghề cao quý mà đối xử với họ chẳng có chút tình người. Chưa bao giờ xảy ra việc gọi công an để can thiệp vào chuyện nội bộ của nhà trường lại luôn xảy ra trong trường học nhiều như hiện nay. Dùng lực lượng công an để trấn áp giáo viên là sai bét rồi.
Khi một con người đã chọn cho mình cái chết để giải quyết là lúc họ đã cùng đường. Nhà trường bây giờ nhiều nơi là chốn gió tanh mưa máu không còn là chốn mô phạm nữa rồi. Người ta tranh giành quyền lực, chụp giật cơ hội, tìm đủ cách để kiếm lợi. Và từ đó nhà trường biến thành chợ bán chữ và Thầy Cô giáo trở thành những người đứng bán chữ. Cho nên phụ huynh và cả học sinh không còn tôn kính Thầy Cô như ngày xưa nữa. Người Thầy không còn là tấm gương cho học sinh. Nhà trường không còn là nơi dạy học sinh làm người và truyền thụ kiến thức. Và đó là nguyên nhân mọi đạo lý bị đảo lộn, xã hội bị tha hoá đến cùng cực. Khi không được học làm người trước khi học chữ, những đứa trẻ đó sẽ không giữ gìn đạo lý, không học được cách cư xử với mọi người, trở thành kẻ thực dụng và tàn nhẫn với chính đồng loại của mình.
Cách kỷ luật tước quyền hành nghề của giáo viên như hiện nay là lối thi hành quyền lực phi lý. Có thể cho họ nghỉ việc chứ không được biến họ thành nhân viên lao công trong nhà trường. Đó là kiểu hành xử không có luật pháp. Đã đến lúc chấm dứt kiểu này trong môi trường sư phạm. Đó là cách xử lý phi giáo dục.
Cũng đã đến lúc Thầy Cô giáo tự vấn lương tâm đã làm tròn chức năng của người Thầy chưa? Cũng đã đến lúc những lãnh đạo trong nhà trường phải thay đổi cách thức lãnh đạo trong một ngôi trường. Đã đến lúc những quan chức ngành Giáo dục cần chỉnh đốn những mục nát của nền giáo dục nước nhà. Khi Thầy không còn là Thầy, trò không còn là trò, nhà trường không còn là nhà trường nữa thì giáo dục đã xuống tận cùng của hố thẳm rồi.
………………………………………
NẾU NGƯỜI MỸ CHẤP NHẬN ĐẦU HÀNG CHỦ NGHĨA PHÁT XÍT THÌ SAO?
Tôi không phải là một chiêm tinh gia, nhà bói toán lại càng không phải là một người sống tại Mỹ, tôi không trông đợi một điều xấu hay bất trắc đến với ai cả, nhưng nếu nhìn vào tình hình chính trị Mỹ quá phân cực, rệu rã và gay gắt đến độ, người ở nước ngoài nhìn vào, nhận thấy rõ như ban ngày, một đảng CH ngày càng chủ trương đường lối phát xít, bạo lực, cứ như thể thanh toán đối thủ để giành lấy quyền lực, hết còn sự tôn trọng giữa những chính khách dành cho nhau và chấp nhận một cuộc bầu cử công bằng trong một xứ sở tự do, và một đảng DC quá yếu đuối, sự phản kháng gần như bằng không, như vậy thì điều gì sẽ xảy ra trong năm 2022 và tiếp theo sau đó là năm 2024, sẽ thay đổi cả nước Mỹ, nền chính trị Mỹ và ảnh hưởng đến tất cả người Mỹ, đó là một chủ nghĩa độc tài, phát xít trỗi dậy, nắm quyền và đưa nước Mỹ vào một viễn cảnh mất tự do, cuộc sống bị kềm kẹp như những gì mà người dân sống tại các nước có chủ nghĩa độc tài đang phải chịu đựng như tại Trung Quốc, nước Nga, Belarus, Bắc Hàn, và nếu quý vị, là một người Mỹ, bất kể màu da gì, trắng, đen, nâu, vàng, nếu điều tồi tệ nhất xảy ra vào năm 2024, quý vị sẽ tiếp tục ở lại, chấp nhận, chịu đựng hay sẽ ra đi, vượt biên xuống miền Nam Châu Mỹ hay vượt đại dương sang Châu Âu, tôi nghĩ sẽ không phải là quá sớm khi người Mỹ bất kể màu da cần có một kế hoạch B cho cuộc sống dưới chế độ phát xít, độc tài tại Mỹ.
Mỗi tuần, người Mỹ luôn nhận được những nguồn tin từ truyền thông dòng chính có thêm những xác nhận rằng, Donald Trump và các thành viên trong ban tham mưu đã và đang thành công dàn dựng những âm mưu để cuối cùng phục vụ cho một cuộc đảo chính ngoạn mục. Và những sự việc tồi tệ, xấu xí này diễn ra gần như công khai và điểm đặc biệt là không hề thấy ai phải đối mặt với bất cứ hậu quả nào.
Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland và các luật sư, công tố viên của dường như không thể hiện bất cứ gì có nhằm cho thấy rằng họ đã hay đang chuẩn bị để truy tố cá nhân Trump, hoặc bất kỳ những người liên can trong nhóm tổ chức ngày đảo chính hụt, còn nhìn lại một số sự kiện lẻ tẽ khác đã diễn ra thì có thể nói không quá đáng rằng, những gì họ đã làm đều diễn ra rất chậm chạp.
Tôi thích nhất khi đọc được một câu nhận định của một nhà bình luận gia người Mỹ, Derek Thompson, rằng nếu không có sự can thiệp, thay đổi đáng kể nào đó, thì cái gọi là “nền dân chủ hàng đầu” của thế giới sẽ lặng lẽ đi vào giấc ngủ.
Không chỉ báo chí truyền thông dòng chính trong nước Mỹ đưa ra những nguồn tin xác đáng mà cả báo chí nước ngoài như The Guardian của nước Anh đã đưa ra những thông tin chi tiết mới về vai trò lãnh đạo của Trump trong âm mưu đảo chính hồi tháng 1, với những âm mưu quỷ quyệt và nghiêm trọng hơn những gì người Mỹ đã biết trước đây. Theo báo cáo của Hugo Lowell, là một phóng viên quốc hội người Mỹ gốc Anh có trụ sở tại Washington DC và là một nhà phân tích trên MSNBC nhận được một nguồn tin từ một phụ tá thân cận của Trump, người không thể cho biết tên trong thời điểm hiện tại đã cho biết Trump đã thực hiện một số cuộc gọi từ TBO cho “các phụ tá hàng đầu” của mình khi họ đang trong một cuộc họp tại Willard hotel ở Washington vào chiều ngày 5 tháng 1 và sáng ngày 6 tháng 1, và nhân vật này đã nghe từng lời Trump nói, tất cả đều tập trung vào chủ đề làm sao đạt được thành công việc ngăn chặn chứng nhận Joe Biden chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Trump đã nói với nhóm tham mưu của mình tại Willard hotel rằng, kế hoạch A đã thất bại, không tiến hành được, vì Phó Tổng thống Mike Pence không muốn thực hiện kế hoạch bác bỏ kết quả kiểm phiếu của đại cử tri đoàn để đem đến một nhiệm kỳ thứ hai cho Trump, và đề nghị ban tham mưu hãy tiến hành kế hoạch B, đó chính là cuộc đảo chính hụt ngày 06.01 tại điện Capitol, qua những cuộc trò chuyện này, đã xác nhận có một “đường dây trực tiếp“ từ TBO và trung tâm chỉ huy chiến dịch tại Willard hotel đã lên kế hoạch ma quỷ dẫn đường cho đám đông ủng hộ Trump thực hiện vụ tấn công điện Capitol.
Nhân vật bí ẩn chưa lộ diện này cho biết, Trump đã rất tức giận, như chúng ta đã biết, sau khi Mike Pence từ chối những yêu cầu của ông ta trong một cuộc họp tại Phòng Bầu dục. Ngay sau khi Mike Pence rời khỏi cuộc họp, Trump đã tiếp tục thực hiện “một số cuộc gọi” tới những người trung thành đang trong cuộc họp tại Willard hotel, nhóm tham mưu quan trọng này bao gồm Rudy Giuliani, John Eastman, Boris Epshteyn và Steve Bannon, và nhân vật gây chú ý nhất trong ban tham mưu quỷ quái này chính là Steve Bannon, người chỉ làm việc dưới thời Trump chỉ trong 9 tháng trong năm 2017, không còn giữ chức vụ hay công việc nào chính thức nhưng thời khắc quan trọng trước cuộc nổi dậy lại có mặt trong cuộc họp cùng với những người chính thức có chức vụ trong chính quyền Trump.
Trong một cuộc gọi, Donald Trump đã kể lại và than phiền với các người trong ban tham mưu này về diễn biến cuộc họp giữa Trump và Mike Pence cùng các quan chức cao cấp khác trong TBO đồng thời kêu tên đích danh, Steve Bannon hãy chuẩn bị cho một kế hoạch B.
Một số chi tiết nằm trong kế hoạch B này là vận động các thành viên Đảng Cộng hòa của Quốc hội nêu ra đủ số người phản đối để ngay cả khi Mike Pence không hoãn phiên họp chung, quá trình chứng nhận vẫn sẽ bị trì hoãn đối với các tiểu bang gửi các phương án mới với danh sách đại cử tri đoàn khác với danh sách đã nộp trước đó.
Tất nhiên, với tình tiết quan trọng vừa mới được khám phá này, không thể được xem là một “tiết lộ mới hoàn toàn, mà nó chỉ đơn giản là bổ sung thêm bằng chứng cho một hồ sơ đã dày cộm” trên bàn làm việc của các công tố viên, luật sư của Bộ Tư Pháp, cho thấy rõ rằng đội ngũ tham mưu của Trump đã tham gia mạnh mẽ vào một âm mưu vô hiệu hóa kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, với mục tiêu biến Trump trở thành một nhà độc tài trên thực tế.
Nhưng, nói một cách thẳng thắn, rằng cuộc đảo chính đã không bị đánh bại, kẻ chủ mưu và những kẻ đồng lõa vẫn đang tự do đi đây đó khắp các tiểu bang để quảng bá các thuyết âm mưu, vận động tranh cử, tung ra những thuyết âm mưu chống vaccine, chống đeo khẩu trang và chống phá chính phủ, có lẽ không khó lắm, để bất cứ ai đều có thể nhận thấy rằng, cuộc khủng hoảng dân chủ của Mỹ ngày càng trầm trọng hơn. Nhưng hai từ “trầm trọng” ở đây, không vì chúng ta bất lực, đuối sức và bị đánh bại mà vì thể chế này đã gần như buông xuôi, phó mặc mọi chuyện trôi theo dòng nước, vì lý do gì thì chỉ những người thực sự có trách nhiệm mới hiểu tại sao họ muốn gián tiếp đẩy nền dân chủ Mỹ xuống vực sâu.
Nền dân chủ thất bại của chúng ta gần như bị phá hoại nghiêm trọng bởi một hệ thống bầu cử gian lận được thiết kế để bảo đảm rằng, đảng Cộng hòa sẽ gần như không thể thua trong một cuộc bầu cử.
Qua các cuộc thăm dò dư luận và các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng, đại đa số những người Mỹ quan tâm sâu sắc đến nền dân chủ của đất nước đều muốn thấy Trump và đoàn quân ma của ông ta phải trả lời trước công lý và bị trừng phạt vì những tội ác rõ ràng của họ đang ngày càng trở nên bất nhẫn, chán chường với thể chế này, mà điển hình là Bộ Tư Pháp, nơi nắm giữ cán cân công lý của thể chế. Nhiều người đã không còn tin rằng công lý thực sự sẽ được thực thi trong thời khắc quan trọng sống còn của nền dân chủ.
Để so sánh, hầu hết các cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa đều cho rằng cuộc bầu cử năm 2020 đã bị “đánh cắp” và có xu hướng tin rằng Donald Trump vẫn còn là tổng thống hợp pháp. Một phần lớn đảng viên Cộng hòa cũng tin rằng lối sống “truyền thống” của họ đang bị đe dọa, và sẵn sàng tán thành hoặc dung túng bạo lực để “bảo vệ” nó.
Cuối cùng, đa số người Mỹ, cũng có thể không phải là đa số, bỏ qua sự chuyển mình nguy hiểm của đất nước hay gần như đồng ý ngầm hoặc chỉ là sự thờ ơ đơn thuần, đang giơ hai tay đầu hàng trào lưu tân phát xít và tự cho phép mình bị nhấn chìm trong đó, một khi họ mất niềm tin vào một thể chế và nền công lý nghiêm minh, họ phó mặc cho mọi chuyện muốn ra sao thì ra, có chết thì chết chìm cả con tàu chứ đâu chỉ riêng mình, và ai cũng nghĩ như vậy.
Còn những người theo Trump và những người “bảo thủ” khác thì như được tiếp thêm năng lượng bởi niềm tin rằng làn sóng tân phát xít đang trỗi dậy sẽ đưa họ trở lại “sự vĩ đại của những người Mỹ thuần chủng” trong tưởng tượng của họ như những “người Mỹ da trắng thượng đẳng“.
Các nhà lãnh đạo được cho là ủng hộ dân chủ của Mỹ đều đồng thanh kêu gọi nên tập hợp người dân để chống lại cuộc tấn công của đảng Cộng hòa tân phát xít. Nhưng những lời kêu gọi của họ lại chẳng có mấy ai đoái hoài đến, có thể vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã phủ trùm bóng tối lên cuộc sống và nhận thức của người Mỹ, khiến họ mất cả sức sống và sự phản kháng cần thiết? Có thể nói, đa số người Mỹ đều trả lời, tỏ ra không quan tâm lắm đến tương lai của đất nước, nước Mỹ sẽ tiếp tục là một nền Cộng Hòa và một nền dân chủ, hay một chủ nghĩa phát xít và độc tài chuyên chế, sao cũng được, họ trả lời với sự chán nãn và buông xuôi. Trong một ví dụ nổi bật nhất, Tổng thống Joe Biden vẫn đang công khai với quyết tâm giữ cách thức hòa hợp “lưỡng đảng“, với hy vọng trống rỗng rằng những thành công lập pháp của đảng Dân chủ sẽ phần nào làm giảm sức mạnh của phong trào tân phát xít của đảng Cộng hòa.
Trong khi đó, các phương tiện truyền thông chính thống vẫn bị mắc kẹt trong các chuẩn mực lỗi thời về “công bằng“, “cân bằng” và “khách quan“, thay vì tham gia vào loại hình báo chí ủng hộ dân chủ do các cuộc khủng hoảng chính trị leo thang của đất nước đòi hỏi.
Còn các phương tiện truyền thông cánh hữu và bộ máy tuyên truyền thuyết âm mưu và thông tin sai lệch thì tranh thủ lúc tranh tối tranh sáng này để thuyết phục công chúng cánh hữu – và những cử tri “ít thông tin” nói chung – rằng những chủ trương cứng rắn và ủng hộ bạo lực của đảng Cộng Hòa, tất cả đều là vì quyền của người Mỹ da trắng thượng đẳng cần được đòi hỏi, gìn giữ và bảo vệ khỏi những người không phài là người Mỹ thuần chủng.
Nhiều người Mỹ buông thả cuộc sống lẫn nhận thức trong thời gian bị khủng hoảng vì đại dịch Covid-19 kéo dài, những cảm giác tuyệt vọng về cuộc sống và sự diệt vong của nền dân chủ này là một hệ quả tiếp theo từ những hành động xấu xí, đáng nguyền rủa của thời đại Trump, với hầu hết những gì trước đây không người Mỹ nào có thể tưởng tượng rằng nó có thể xảy ra tại Mỹ, nhưng bây giờ, những điều đó mặc nhiên được xem là những chuyện bình thường trong xã hội Mỹ.
Nước Mỹ đã từng trải qua một cuộc khủng hoảng vào năm 1861, người Mỹ đã có kinh nghiệm và nhận biết giá trị sự đau thương đến từ những cuộc chiến tương tàn vô nghĩa, đúng ra một bài học về quá khứ được cho là sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về hiện tại để tránh lặp lại những sai lầm tương tự, nhưng người Mỹ trong thời hiện đại lại đang muốn bỏ qua, phó mặc mọi chuyện, khiến cho những người thực tâm cố gắng gìn giữ nền dân chủ gặp khó khăn bởi sự cố tình lãng quên của một một đám đông thờ ơ. Một bài học năm 1861 đắt giá như vậy vẫn chưa đủ để người Mỹ hiểu ra hay sao? Hay họ cần có thêm một vài bài học tương tự như bài học năm 1861 thì mới nghiệm ra giá trị của tự do và một nền dân chủ là giá trị và quý báu đến như thế nào?
Đây chính là một lời cảnh báo. Không có gì nguy hiểm hơn khi đa số người Mỹ dù nhận biết sự nguy hiểm của một chủ nghĩa phát xít, độc tài nhưng lại cố tình bỏ qua, xem thường, điều này dẫn đến sự mệt mỏi, chán chườngđối với một nền công lý yếu đuối, bất lực và dễ dàng buông xuôi, chấp nhận đầu hàng trước khi trận chiến bắt đầu.
Riêng đối với những người Mỹ hiểu sâu sắc về hậu quả của cuộc khủng hoảng dân chủ của đất nước, họ đang phải đưa ra những lựa chọn quan trọng và chờ đợi. Rồi những gì sẽ xảy ra trong những năm sắp tới ảnh hưởng trực tiếp đến nền dân chủ và con người ở đất nước này? Chúng ta cần phải ở lại đây và chiến đấu để hướng tới một tương lai khác tốt đẹp hơn, hay từ bỏ đất nước này và rời đi?
South Carolina đang xem xét dự luật bãi bỏ nhiệm kỳ tại các trường cao đẳng và đại học công lập. Việc trở thành một người chuyển giới cũng sẽ ngày càng nguy hiểm hơn, cho dù bạn sống ở đâu trên đất nước này.
Nhà sử học Ruth Ben-Ghiat đã đưa ra nhận định sâu sắc của riêng bà cho rằng, một chính phủ Hoa Kỳ và những người đang chịu trách nhiệm điều hành đất nước sẽ gần như bị bó tay cột chân nếu đảng Cộng hòa làm đủ tốt hay được gọi là thành công vào giữa nhiệm kỳ năm 2022 để nắm quyền kiểm soát Hạ viện và Thượng viện. Và mọi thứ trong âm mưu đã được hoạch định từ bây giờ có thể được đẩy nhanh tốc độ để sớm trao trọn quyền lực vào tay một lãnh tụ độc tài.
Cựu Thủ tướng Ý Francesco Nitti đã viết thư cho nhà Vua Victor Emmanuel III vào năm 1925, giải thích lý do tại sao ông rời nước Ý khi phe Phát xít lên nắm quyền. Francesco Nitti đã làm việc từ nước ngoài để chống lại những tuyên truyền độc đoán về những gì đang xảy ra ở quê hương của ông, như những người lưu vong từ Hồng Kông, Tây Tạng, Myanmar và những nơi khác ngày nay.
Không ai dám nói bất cứ điều gì chắc chắn rằng dưới sự cai trị của một chế độ chuyên quyền độc tài và đảng Cộng hòa tân phát xít sẽ không xảy ra việc bỏ tù hàng loạt các đối thủ chính trị, giống như ở Thổ Nhĩ Kỳ của Erdogan, ở Hungary của Viktor Orbán, ở Venezuela của Nicolás Maduro, đó là những con đường mà đảng Cộng Hòa tại Mỹ đang nhắm tới. Đó có thể sẽ là những gì sẽ xảy ra tại nước Mỹ nếu đảng Cộng hòa giành được nhiều quyền lực hơn và nếu họ chiếm lại TBO vào năm 2024.
Nền dân chủ Mỹ hiện được xem là một bệnh nhân đang trong những cơn đau vật vã, phải dùng thuốc kháng sinh hàng ngày để chống chọi lại những cơn đau và huỷ hoại các tế bào trong cơ thể, nhưng thuốc trụ sinh thì có hạn, ngày nào không còn nhận được thuốc trụ sinh, nền dân chủ Mỹ sẽ nhắm mắt ra đi và những người Mỹ còn lại, chỉ còn biết uống thuốc giảm đau để tiếp tục chịu đựng chứ không còn được điều trị để hết bệnh.
Cuộc khủng hoảng dân chủ hiện tại sẽ đặt ra những câu hỏi này cho tất cả người dân Mỹ, không sớm thì muộn, ai cũng phải tìm lấy cho chính mình một câu trả lời và biết cần phải làm gì, buông xuôi, mặc kệ và chấp nhận một chế độ chuyên quyền, độc tài hay dũng cảm đứng lên để phản kháng và gìn giữ nền dân chủ, không một ai khác có thể gìn giữ và bảo vệ nền dân chủ cho nước Mỹ cả, chỉ có người Mỹ cần phải cứu lấy nước Mỹ.
Việt Linh
………………………………………