Tuesday, December 5, 2023
spot_img

Nhiều doanh nghiệp phía Nam sẽ có cuộc “cạnh tranh” tuyển dụng  

Đại dịch COVID-19 đã khiến lực lượng lao động từ TP.Sài Gòn và các tỉnh-thành trọng điểm phía Nam về lại các địa phương ồ ạt. Hệ quả là doanh nghiệp và các địa phương phải đối diện những khó khăn, thách thức mới về nguồn lực lao động…

Dẫn nguồn số liệu thống kê của Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội CSVN, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thời gian qua có khoảng hơn 1,3 triệu lao động từ TP.Sài Gòn và các tỉnh-thành trọng điểm công nghiệp phía Nam ồ ạt về lại các địa phương như; An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Sóc Trăng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lắk, Đắk Nông…

Đây là một cuộc dịch chuyển lao động tự phát, giới quan sát kinh tế sớm nhận ra nhiều hệ quả đối với doanh nghiệp và địa phương. Đơn cử như trong khoảng thời gian dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh mẽ, việc dịch chuyển lao động này sẽ giúp giảm áp lực, căng thẳng về tình trạng quá tải y tế, số ca bệnh và việc chữa trị tại TP.Sài Gòn cùng các tỉnh-thành trọng điểm kinh tế phía Nam. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến cho dịch bệnh lây lan nhanh và theo diện rộng hơn, chính vì vậy mà không ít tỉnh-thành ở Việt Nam vào thời điểm đó đã ban bố những quyết định không tiếp nhận người lao động về lại địa phương lánh dịch. Bên cạnh đó, nhà chức trách địa phương có người lao động trở về đang gặp khó khăn về công tác chống dịch lại phải đối mặt với bài toán nan giải về an sinh xã hội, giải quyết công ăn việc làm cho số lao động mới.

Tiếp đến là đến khoảng thời gian khi áp lực về dịch bệnh COVID-19 giảm, Việt Nam chấp nhận sống chung với dịch và sau nữa là thời kỳ hậu dịch COVID-19, các doanh nghiệp ở TP.Sài Gòn và các tỉnh-thành trọng điểm công nghiệp phía Nam từng bước đưa hoạt động sản xuất trở lại bình thường, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành may mặc có số đông lao động thì nhu cầu cần đủ nguồn lao động để ổn định sản xuất giờ lại gặp thách thức.

Cụ thể truyền thông Nhà nước CSVN trong những ngày nữa cuối tháng 11/2021 cho biết, nhiều doanh nghiệp không thể tuyển dụng đủ 100% lao động, vẫn tiếp tục thời gian hoạt động cầm chừng trong bối cảnh nhu cầu về nguồn lao động để phục vụ sản xuất vào khoảng thời gian cuối năm Tết đến là rất lớn. Dự kiến phải từ nữa cuối quý I cho đến hết quý II của năm 2022 với điều kiện dịch bệnh COVID-19 được khống chế thì nguồn lao động ở các doanh nghiệp phía Nam nói chung mới ổn định. Còn với hiện tại, nhiều doanh nghiệp bước vào “cuộc chơi” cạnh tranh tuyển dụng để tìm kiếm người lao động.

Về phía các tỉnh-thành có nguồn lao động về quê lánh dịch COVID-19 trước đó, nếu không có chính sách, chủ trương an sinh xã hội và việc làm hợp lý để giữ chân nguồn lao động này, không sớm thì muộn đến thời kỳ hậu dịch bệnh sẽ đối diện làn sóng di cư lao động từ quê trở lại thành phố, phát sinh những hệ quả xã hội mới. Nhìn lại những tháng dịch bệnh căng thẳng vừa qua cho thấy, Việt Nam chưa thực sự có chính sách tốt trong việc giữ chân người lao động khi công việc bị ảnh hưởng từ những biến động xã hội.

Cũng từ truyền thông Nhà nước CSVN vào ngày 29/11/2021 cho biết, Chủ tịch Quốc hội CSVN ông Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết số 41/2021/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Trong đó, Nghị quyết nêu rõ việc xây dựng phương án hiệu quả khắc phục tình trạng số lượng lớn người lao động di chuyển tự phát khỏi các tỉnh, thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm. Các chuyên gia kinh tế Việt Nam cho rằng, về lâu dài Việt Nam cần có thêm những chính sách, chủ trương về dịch chuyển lao động phù hợp, không nên tập trung quá nhiều người lao động và Khu Công nghiệp tại một vài Thành phố lớn. Bởi vì điều này dẫn đến các hệ lụy như: Chi phí về giá cả hàng hóa tăng cao, chi phí cuộc sống đắc đỏ, tệ nạn xã hội và chênh lệch nguồn lao động lẫn đầu tư vùng miền./.

 

THIÊN HÀ

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img