Friday, March 29, 2024

Nhiều Bệnh Viện Ở Hoa Kỳ Thiếu Giường Trầm Trọng  

Cali Today News – Tính đến ngày 14 tháng Chín, số giường bệnh trong khu ICU của bệnh viện Hoa Kỳ đã sử dụng hết 80%, trong đó có tới 31% dùng để chữa trị bệnh nhân bị COVID-19, 92% bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 là những người không chích ngừa.  

Sau một năm rưỡi bị bệnh dịch COVID-19, các bệnh viện ở Hoa Kỳ trở nên khá quen thuộc với tình trạng thiếu giường bệnh. Bệnh dịch làm tan nát hệ thống y tế của cả nước. Hầu hết các giường bệnh đã được tận dụng, khoảng trống ở các khu chăm sóc đặc biệt- ICU- chật chội đến mức tối đa. Theo tài liệu thống kê của Bộ Y Tế và Nhân Dụng (HHS)  tính đến ngày 14 tháng Chín, khoảng 80% số giường bệnh trong khu ICU đã được tận dụng.   

Ở một số tiểu bang, số người bệnh vượt quá số giường mà tiểu bang có thể cung cấp. Ví dụ như tại Alabama, 100% số giường bệnh ở khu ICU đã được tận dụng hết, bác sĩ Karen Landers, thứ trưởng y tế tiểu bang gửi email cho báo TIME nói rằng tình hình ở tiểu bang sẽ còn tệ hơn. Bà viết: “Khu vực ICU của các bệnh viện trong tiểu bang ở tình trạng số âm, tức là không đủ giường cho bệnh nhân.”. Tiểu bang này là một trong số vài tiểu bang phải yêu cầu chính quyền liên bang giúp đỡ để giải quyết tình trạng thiếu giường bệnh chăm sóc cho các bệnh nhân.   

Không giống như những đợt thiếu giường bệnh trầm trọng xảy ra trước đây, đợt bùng phát bệnh dịch COVID-19  lần đầu và lần thứ hai, kỳ này có một yếu tố khiến các bác sĩ và y tá hết sức bực bội, khó chịu là số người bệnh tăng vọt chỉ vì người ta không chịu đi chích ngừa COVID-19. Quả thật có hiện tượng thiếu giường bệnh trầm trọng ở khu ICU xảy ra tại những tiểu bang có tỉ lệ chích ngừa  thấp. Hiện tượng thiếu giường bệnh làm cho ban lãnh đạo bệnh viện khó xử về mặt đạo đức, không biết phải quyết định xem nên ưu tiên chữa trị cho bệnh nhân nào khi thiếu giường bệnh ở khu ICU.  

Ngoài ra, thái độ của bệnh nhân như từ chối không chịu chích ngừa, hay không chịu đeo khẩu trang, giữ khoảng cách xã hội, chính là những nguyên nhân khiến họ dễ bị nhiễm bệnh. Chuyên gia y tế tin rằng đó là những lý do không nên để làm ảnh hưởng đến việc chọn bệnh nhân nào để chữa trị. Nếu họ ngoan cố, bướng bỉnh, đó là chọn lựa của những bệnh nhân này, nên chẳng cần phải lo cho họ. Nhưng thực tế cho thấy chúng ta vẫn phải chữa trị cho người bị bệnh tiểu đường nặng mặc dù người bệnh đó không chịu dùng thuốc, và ăn kiêng, hay người nghiện thuốc lá bị đau tim mà vẫn không chịu bỏ hút thuốc. Do đó, theo bác sĩ Kimberly Johnson, giám đốc bệnh viện St. Mary’s Health thì không chịu đi chích ngừa không thể coi là lý do để không chữa trị cho những bệnh nhân nhiễm COVID-19.Bệnh viện này ở tỉnh Cottonwood, tiểu bang Idaho, có 23 giường bệnh. Thay vào đó, bệnh viện đã nghĩ ra cách rất sáng tạo để cung cấp việc chữa trị cho tất cả bệnh nhân. Ở Idaho , 90% giường bệnh trong khoa ICU  đã được sử dụng hết. Ngày 7 tháng Chín, Thống đốc tiểu bang tuyên bố từ nay các bệnh viện sẽ điều hành “theo tiêu chuẩn khẩn cấp”, nghĩa là việc chọn bệnh nhân để chữa trị sẽ dựa vào những yếu tố như sự khan hiếm của dụng cụ, giường bệnh, và số nhân viên y tế hiện có trong bệnh viện. Để có thêm khoảng trống dùng chữa trị những người bệnh nặng, intensive care, bệnh viện còn tận dụng cả phòng ăn, và phòng dùng để dạy học, biến cải nơi đó thành những khu vực dùng chữa trị cho những bệnh nhân không bị nặng. Hoặc đi năn nỉ bệnh viện vùng lân cận nhận chữa trị cho bệnh nhân, đôi khi phải đi ra ngoài biên giới tiểu bang. Bác sĩ Johnson miêu tả tình trạng nhờ vả này như sau: “Chúng ta phải đi ăn cướp đồ của ông Peter để đem về cho ông Paul. Chúng ta phải đi mặc cả, thương lượng để tìm giường bệnh cho bệnh nhân bị nặng, và chúng ta chỉ có thể chữa cho người bệnh nhẹ thôi.”.  

Nhưng nếu không có lối thoát để giải quyết khó khăn vì thiếu giường bệnh, chúng ta sẽ phải làm sao? Theo ông David Magnus, Giám đốc ngành Đạo Đức Y Khoa của trường đại học Stanford, khi đó chúng ta sẽ phải áp dụng nguyên tắc công bằng, theo thứ tự ưu tiên, và chuyên độc. Mỗi định chế có một công thức riêng để tính toán theo thứ tự này. Có định chế tính theo số tuổi của bệnh nhân, có định chế chú trọng vào yếu tố công bằng theo giới tính, hay chủng tộc. Từ hàng chục năm qua, những tiêu chuẩn này vẫn thường được áp dụng trong những trường hợp phân phối nội tạng để ghép vào cho bệnh nhân khi nội tạng đó bị khan hiếm.   

Nhưng lấy nguyên tắc phân phối theo kiểu này sẽ không dễ dàng khi số bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 tiếp tục gia tăng nhiều. Ngoài ra, tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn khi số nhân viên làm việc trong ngành y tế giảm bớt, nhất là kể từ sau ngày 9 tháng Chín, Tổng thống Biden ra lệnh tất cả nhân viên trong ngành y tế bắt buộc phải chích ngừa. Người ta đã từng chứng kiến khá nhiều nhân viên y tế bỏ nghề, không làm việc nữa khi bị đòi hỏi phải chích ngừa, một số xin nghỉ việc vì lý do cá nhân như nghỉ hộ sản.   

Ông Jeffrey Kahn, giám đốc Viện Berman Institute of Bioethics, thuộc bệnh viện Johns Hopkins nói: “Mọi người khi nói về tình trạng thiếu giường bệnh đều hy vọng họ không cần phải làm quyết định khó khăn này.Đó là việc giới hạn tài nguyên, phương tiện chữa trị cho bệnh nhân.”. Nếu nhiều người chịu khó đi chích ngừa, sẽ không có nhiều bệnh nhân phải đưa vào khu ICU, hay phải vào bệnh viện điều trị. Ngược lại nếu số người không chịu chích ngừa vẫn tiếp tục ở mức độ cao, biến chủng Delta là loại virus truyền nhiễm rất nhanh và rất mạnh, nó sẽ gây ra ảnh hưởng rất xấu, và trầm trọng cho tất cả các cộng đồng, dù là ở Hoa Kỳ hay ở nhiều nơi khác trên thế giới. Cứ như thế, các bệnh viện sẽ trở nên hao mòn, khánh kiệt mọi tài nguyên khả dụng.  

Bài phân tích của Alice Park  trên báo TIME ngày 27/9/2021  

Nguyễn Minh Tâm  dịch  

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img