Cali Today News- Do có cơ hội phóng thử, nên chương trình thử nghiệm hoả tiễn đạn đạo phóng lên từ tàu ngầm (Submarin Launched Ballistic Misiles- SLBM) của Bình Nhưỡng càng lúc càng có bước tiến triển hơn . Sự kiện này đang hình thành khả năng tấn công thứ hai của Bình Nhưỡng đó là những chiếc tàu ngầm phóng được hoả tiễn đạn đạo. Vấn đề này sẽ làm giảm hiệu năng ‘cái dù ‘ hạt nhân của Hoa Kỳ che cho hai đồng minh chính là Nhật và Nam Hàn tại tây Thái Bình Dương.
Đây là vấn đề đáng lo ngại, những hoả tiễn đạn đạo này là sự nguy hiểm rõ ràng cho Nam Hàn và Nhật do hai nước này càng lúc càng nằm trong tầm bay của chúng. Lo ngại thứ hai là các chiếc tàu ngầm của Bắc Hàn di chuyển vị trí không nằm yên như trên đất liền.
Dù tầm bay của SLBMs này không tới được đất Mỹ, nhưng cũng làm cho Hải Quân Mỹ tại tây Thái Bình Dương càng ‘đau đầu’ do Hải Quân Hoa Kỳ tại đây phải túc trực theo dõi sát đường đi của tàu ngầm Bắc Hàn từng giây phút?
Theo phân tích của Bryan Clark, một chuyên gia cao cấp tại Trung Tâm Thẩm Định Ngân Sách và Chiến Lược Hoa Kỳ thì khả năng của Bắc Hàn càng lúc càng tăng, bắt buộc Washington phải có kế hoạch gấp rút, hiệu quả, tăng cường bảo vệ cho Nhật và Nam Hàn chống lại sự đe doạ tấn công hạt nhân từ Bình Nhưỡng. Bryan giả định : khi một trong hai đồng minh bị tấn công hạt nhân rồi thì dù Mỹ có tấn công hạt nhân lại Bắc Hàn, thì Bình Nhưỡng vẫn còn những chiếc tàu ngầm này mang hoả tiễn đạn đạo hạt nhân.
Bộ Tư Lệnh Hải Quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương (PACOM) theo dõi vụ thử nghiệm sau cùng vào ngày 23 tháng Tám qua, thì cố gắng phóng thử SLBM của Bắc Hàn chưa được xem là thành công? Khoảng cách do phía Hải Quân Mỹ hay PACOM xác nhận cách xa bờ biển Bắc Hàn 300 dặm tức hơn 500 km và ‘không đe doạ vào Bắc Mỹ”.
Dù không đe doạ nội địa Mỹ, vấn đề ở đây, SLBMs càng đe doạ đến Nhật và dỉ nhiên Nam Hàn lại càng gần hơn thì sao?
Người ta nhớ lại Kim Jong Un đã ra lệnh liên tiếp phóng thử các hoả tiễn đạn đạo tầm trung Musudan từ đất liền và khoảng cách càng lúc càng tăng dần?
Dave Benham, phát ngôn nhân đại diên cho PACOM lên án các cuộc thử nghiệm hoả tiễn SLBM. Nhật và Nam Hàn cũng lên án. Nhưng càng lên án Bắc Hàn càng ‘phớt lờ’ không xem ai ra gì? Hình như sự ‘lên án’ đang trở thành một ‘thông lệ’? Ngay sự lo ngại tại Liên Hiệp Quốc cũng thế. Các nghị quyết trừng phạt càng nhiều thì Bắc Hàn vẫn hành động thử nghiệm càng tăng? Hoa Kỳ cho rằng chính sự khiêu khích này của Bình Nhưỡng càng gia tăng phản ứng trừng phạt của cộng đồng quốc tế chống lại Bắc Hàn. Thật ra, đã có nhiều biện pháp trừng phạt Kim Jong Un nhưng vẫn chưa hiệu quả. Tại sao các biện pháp trừng phạt Bắc Hàn không hiệu quả? ai cũng hiểu chính là nhờ vào Trung Cộng chứ không ai khác.
Benham cho rằng, Hoa Kỳ phải cam kết với Nhật phải bảo vệ chắc chắn cho Nhật và Nam Hàn bằng ‘lớp thép bảo vệ”. Nhưng càng để cho Bình Nhưỡng có thời gian, có cơ hội cho Kim Jong Un thành công càng lúc càng tăng,càng làm cho ‘lớp thép bảo vệ’ này mềm dần?
Hiện tại dù SLBMs Kim Jong Un chưa là một thách thức cho chiến lược phòng vệ hạt nhân nội địa Mỹ, nhưng là thách thức ‘lá chắn hạt nhân’ cho hai đồng minh tại vùng tây Thái Bình Dương. Hoa Kỳ phải chắc chắn “ tấn công tàn bạo” vào Bắc Hàn nếu Bình Nhưỡng tấn công hạt nhân vào một đồng minh của Mỹ tại đây. Sức mạnh của Bắc Hàn nếu tấn công trực diện vào Mỹ, chưa đủ sức làm Mỹ tê liệt và Kim Jong Un sẽ lãnh lấy hậu quả tàn phá khốc liệt. Cuối cùng vấn đề là sự bảo đảm của Mỹ đối với đồng minh:
– Washington có ra lệnh tấn công tàn phá vào Bắc Hàn mỗi khi Nam hàn và Nhật bị tấn công hạt nhân hay không?
Trước năm 2029, số lượng tàu ngầm tấn công của Mỹ sẽ giảm xuống còn 41 theo kế hoạch, trong lúc tàu ngầm trang bị hoả tiễn đạn đạo của Bắc Hàn lại có hướng đi lên, hai vấn đề này có thể làm cho Hải Quân Mỹ lo ngại. Tuy nhiên, số lượng tàu ngầm của Bắc Hàn chưa tinh xảo, ồn ào, không có khả năng đi xa lâu ngày là những điểm yếu cho hải quân của Bắc Hàn không làm cho nước Mỹ lo ngại quá mức.
Kết luận cuối cùng, khi Bắc Hàn được ‘rộng tay’ thử nghiệm hoả tiễn đạn đạo nhiều lần, ‘tích tiểu thành đa’ . Bắc Hàn ắt phải có tiến triển về lực lượng hoả tiễn đạn đạo và hạt nhân. Dù muốn hay không, rõ ràng đây là mối đe doạ thực sự cho Nhật và Nam Hàn. Washington hiện nay còn ‘ngủ yên’, nhưng các chính phủ tại Tokyo và Seoul không thể nào ‘ngon giấc’ khi các hoả tiễn của Kim Jong Un vẫn gầm rú thử nghiệm từ đất liền và trên mặt biển.
Mỉa mai thay, vẫn có những tuyên truyền láo khoét của Bắc Kinh hay Bình Nhưỡng, từ những cuộc biểu tình của một số dân Nam Hàn chống lại chiến lược hoả tiễn phòng vệ THAAD, những hành động khiến Kim Jong un càng đắc chí vỗ tay reo mừng đó thôi.
Đinh Hoa Lư 26/8/2016