Cali Today News – Từ nhiều ngày qua, người dân xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) gặp rất nhiều rắc rối trong sinh hoạt hằng ngày vì tình trạng khói bụi, ô nhiễm do nhà máy tháp DaNa Úc gây ra. Không chịu đựng nỗi, hàng chục người đã đến trước cổng nhà máy thép để phản đối, yêu cầu lãnh đạo phải đối thoại với người dân.
Theo người dân cho biết, không chỉ riêng những ngày vừa qua, mà cứ khoảng 10h tối đến rạng sáng ngày hôm sau, nhà máy thép DaNa Úc lại cho hoạt động hết công suất, bụi khói trắng bay ngập cả thôn xóm. Không những vậy, lợi dụng những ngày mưa, nhà máy còn tranh thủ xả nước thải đen ngòm ra ngoài môi trường làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ.

Người dân sống gần nhà máy cho biết, rất nhiều người, đặc biệt là trẻ con và người lớn tuổi mắc phải những chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Tối ngày 9/11, hàng chục người dân tại thôn Vân Dương 2 (xã Hòa Liên) đã đến trước cổng nhà máy để biểu tình phản đối việc nhà máy gây tiếng ồn không cho họ ngủ nghỉ, lại còn xả khói bụi. Những người này đã yêu cầu nhà máy phải ngừng hoạt động để bảo vệ môi trường trong lành.
Trước những phản đối của người dân, lãnh đạo nhà máy đã phải chấp nhận đối thoại. Người dân còn yêu cầu chính quyền thành phố Đà Nẵng phải có mặt để giải quyết dứt điểm tình trạng gây ô nhiễm của nhà máy thép DaNa Úc.
Sáng ngày 10/11, lãnh đạo nhà máy tổ chức đối thoại tại nhà văn hóa thôn Vân Dương 2. Tuy nhiên, giấy mời và thông báo chỉ được phát đi cách 1 tiếng trước khi diễn ra buổi đối thoại.

Người dân cho biết, đối thoại mà chỉ cho dân biết trước 1 tiếng thì làm sao họ có thể thu xếp mà đi họp. Vào giờ đó, người dân đi làm hết, chỉ còn người già ở nhà. Do đó, cả thôn với hơn 400 hộ dân nhưng chỉ có vài chục người đi họp được.
Thay vì cuộc họp phải có lãnh đạo thì đằng này chỉ có những trợ lý, cán bộ. Trong khi vấn đề cần phải có lãnh đạo thành phố mới có thể giải quyết được.
Trả lời với báo chí, ông Đặng Phú Hành-phó Chủ tịch huyện Hòa Vang cũng tỏ ra bất bình. Ông Hành cho biết, do lãnh đạo nhà máy thép tổ chức họp nhưng chỉ báo trước một tiếng, chính quyền không thể nào thu xếp để tham dự. Trước những trò trí trá của lãnh đạo nhà máy, chính quyền đã yêu cầu phải mở một cuộc họp công khai, thông báo thời gian cụ thể.
Trước mắt, lãnh đạo huyện Hòa Vang đã cho lập tổ giám sát cộng đồng để kiểm tra hoạt động sản xuất của nhà máy.
Về phía mình, đại diện nhà máy thép cho biết, do khuôn viên bên trong nhà máy còn quá nhiều chỗ trống, khi gió lùa vô khiến bụi bay. Trước mắt họ sẽ cho xây tường cao hơn để ngăn cản bụi bay ra bên ngoài.
Vấn đề ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đã được tích tụ từ lâu, đến bây giờ mọi thứ mới bung bét ra. Tuy vậy, tất cả những lãnh đạo cao cấp của chính quyền CSVN luôn miệng nói không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế. Song, khi nhìn vào thực tế lại hoàn toàn ngược lại với những gì họ nói.
Những cuộc biểu tình, bạo động tại Hà Tĩnh, Vĩnh Tân…đã cho thấy chính quyền CSVN dung dưỡng cho các nhà máy gây ô nhiễm môi trường. Mới đây, chính quyền lại cho phép hàng chục nhà máy nhiệt điện sử dụng công nghệ Trung Quốc được phép hoạt động khắp cả nước Việt Nam. Khói bụi, chất thải sẽ từ đó ảnh hưởng đến cuộc sống, gây ô nhiễm nguồn nước.
Cũng tại Vĩnh Tân, mới đây lãnh đạo nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đã đề nghị chính quyền tỉnh Bình Thuận cho phép họ đổ 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển vì…không có chỗ đổ. Tại nơi này có hàng loạt trại sản xuất tôm giống đã tồn tại từ 20 năm nay. Không những vậy, khu bảo tồn biển Hòn Cau chỉ cách nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân có vài hải lý.
Nguoi Quan Sat