Wednesday, March 22, 2023
spot_img

Nguyễn Xuân Phúc đắc cử chức danh Chủ tịch nước CSVN

Không có điều bất ngờ gì xảy ra, sáng nay ngày 5/4/2021, Ủy viên Bộ Chính trị CSVN ông Nguyễn Xuân Phúc được Quốc hội CSVN khóa XIV bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam…

Mạng báo đài Việt Nam sáng ngày 5/4/2021 cho biết, với tổng số 468/468 đại biểu có mặt tại Kỳ họp 11 Quốc hội CSVN khóa XIV bỏ phiếu tán thành, Ủy viên Bộ Chính trị CSVN ông Nguyễn Xuân Phúc đắc cử chức danh Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.   

Đúng 9h sáng cùng ngày, ông Phúc với vai trò Tân Chủ tịch nước thực hiện nghi thức tuyên thệ và đọc diễn văn nhậm chức trong vai trò mới.

Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh ngày 20/7/1954, quê quán tại Quế Sơn-Quảng Nam. Trình độ lý luận chính trị Cao cấp, trình độ chuyên môn Cử nhân kinh tế. Ủy viên Bộ Chính trị các khóa XI, XII, XIII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII, XIII; đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII, XIV.

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, ông Phúc được bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ CSVN nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Sau đó, tại phiên họp ngày 2/4 Kỳ họp thứ 11, Quốc hội CSVN khóa XIV tiến hành miễn nhiệm chức Thủ tướng Chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Việc ông Phúc đắc cử Chức danh Chủ tịch nước CSVN không có gì bất ngờ đối với những ai quan tâm đến Chính trị Việt Nam cũng như đối với Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Quang A.

Trao đổi với Cali Today, ông A nói:

“Tuyệt nhiên không bởi vì cái đấy tôi đã biết từ lâu rồi.”

Tiến sĩ Quang A đánh giá ông Phúc trải qua một nhiệm kỳ Thủ tướng tương đối thành công. Ông A nói tiếp:

“Tôi nghĩ ông Phúc với tư cách là Thủ tướng, ổng đã có một nhiệm kỳ tương đối là thành công. Thứ nhất, ông ấy là một người khá năng nổ thúc đẩy các địa phương, các bộ tức là quân của ông ấy để tạo cho các doanh nghiệp làm ăn tốt hơn, cải thiện các thủ tục hành chính và ông ấy cũng biết rõ đất nước có ổn định hay không? Có tiến lên được hay không thì phát triển kinh tế rất là quan trọng. Và thực sự ngay từ khi ông ấy vào bộ Chính trị thì ổng cũng đã đi sang bên Mỹ một thời gian, du học một ít gì đó ở một trường đại học bên đó, ổng tỏ ra một người chịu lắng nghe, quyết đoán. Tiếp nữa là ổng cũng không tỏ ra sai sót gì quá lớn trong nhiệm kỳ ổng làm Thủ tướng.”

Câu hỏi đặt ra liệu với vai trò Chủ tịch nước chí ít trong vòng 5 năm tới, ông Phúc có gặt hái những thành công như thời kỳ làm Thủ tướng hay không? Tiến sĩ Quang A chia sẻ:

“Tôi không rõ. Nhưng có thể có suy đoán là với một người năng nổ như ông Phúc thì ổng cũng vẫn có thể đóng một vai trò quan trọng sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Và cũng chưa biết chừng, trên Hiến pháp và giấy tờ thì quyền của Chủ tịch nước nó to lắm như: Từ Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang cho đến này kia. Ông ấy nên cẩn thận nhưng thực thi quyền thật của ông ấy. Ông Trọng có sao đi chăng nữa thì ông Phúc theo truyền thống vẫn là người thứ hai, chưa biết chừng có khi Chủ tịch nước lại thành người thứ Nhất thì sao?”

Hiện Việt Nam là nước độc Đảng, Đảng CSVN nắm quyền quyết định vận mệnh của đất nước đứng đầu hiện là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vì lẽ này mà vai trò của Chủ tịch nước ở Việt Nam có nhiều ý kiến cho rằng “Dù đứng trên triệu người nhưng vẫn dưới một người”, bị hạ thấp như hữu danh vô thực. Nhìn chung, quyền quyết định ở Việt Nam đang là tập thể Đảng CSVN và Bộ Chính trị, cá nhân muốn nắm quyền này phải là một người nổi bật, xuất chúng. Trong lịch sử Nhà nước CSVN, cũng có vài lần Chủ tịch nước có quyền uy rất lớn./.

 

THIÊN HÀ

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT