Thursday, March 28, 2024

Thuyền viên Việt Nam cứu 7 người khi tàu đánh cá bị chìm ngoài biển Hawaii

AP – Anh Khánh Huỳnh, bắt đầu đánh cá thương mại từ khi mới 12 tuổi. Anh đã sống trên một chiếc thuyền đánh cá ở Hawaii trong suốt 6 năm qua, bắt cá ngừ Ahi loại cá đắt tiền được người tiêu dùng ưa chuộng nhất trên thế giới

Người ngư dân 28 tuổi, đến từ huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, Việt Nam, đã cứu mạng hai người Mỹ và giúp giải cứu năm người khác sau khi tàu của họ chìm ngoài khơi, cách đảo Big Island hàng trăm dặm.

Anh Khánh Huỳnh, bắt đầu đánh cá thương mại từ khi mới 12 tuổi Photo Credit: AP

Anh Khánh không phải là thuyền trưởng, anh chỉ là một nhân viên làm việc trên tàu, từ 12 – 20 giờ mỗi ngày với đồng lương bèo bọt, ít hơn $10,000 Mỹ kim/năm, dù công việc của anh thuộc hàng nguy hiểm bậc nhất. Thực tế thì, anh Khánh làm việc như người thuyền trưởng thực sự trên tàu. Việc anh Khánh đảm nhiệm vị trí người chỉ huy tàu thương mại trong vùng biển liên bang là bất hợp pháp. Nhưng vị thuyền trưởng người Mỹ, người đáng lẽ phải chỉ huy con thuyền Princess Hawaii, không có kinh nghiệm đi biển nhiều ngày ở Thái Bình Dương.

Một người quan sát liên bang nói rằng anh Khánh là người chỉ huy con tàu từ khi nó rời cảng cho đến khi bị đắm.

Thuyền trưởng người Mỹ Robert Nicholson từ chối bình luận.

Cảnh sát biển Mỹ đang điều tra vụ việc.

Vụ đắm tàu này là một trong chuỗi tai nạn chết người, dấy lên lo ngại về thực tiễn bóc lột lao động, điều kiện làm việc nguy hiểm và đôi khi là ngược đãi.

Luật lao động của tiểu bang và liên bang không áp dụng cho anh Khánh và gần 700 công nhân ngoại quốc khác tại Hawaii. Vì họ không có chiếu khán làm việc ở Mỹ nên người lao động không được phép nhập cảnh và phải sống trên tàu, ngay cả khi tàu cập cảng Honolulu.

Cuộc điều tra của AP năm 2016 cho thấy những người làm việc trên tàu phải sống trong điều kiện tồi tệ, như chỗ ngủ mất vệ sinh hay thiếu thức ăn. Nó cũng góp phần vào nạn buôn người.

Photo Credit: AP

Chính phủ liên bang và tiểu bang cho phép các chủ tàu trả tiền cho môi giới để thuê mướn lực lượng lao động giá rẻ từ các quốc gia Đông Nam Á và đảo Thái Bình Dương.
Vào Chủ Nhật khi chiếc tàu bị đắm ở hơn 400 dặm ngoài khơi, anh Khánh đang dọn dẹp cabin khi thủy thủ đoàn đánh cá.

Anh Khánh được thuê để chỉ huy chiếc tàu, như là một vị thuyền trưởng thực sự. Các thuyền trưởng Mỹ được xem là người chịu trách nhiệm trước pháp luật nhưng thường ít khi điều hành con tàu.

Không có luật liên bang nào cấm việc người lao động ngoại quốc quán xuyến con thuyền trong lúc thuyền trưởng nghỉ ngơi hoặc không có mặt để chỉ huy. Tuy nhiên, luật pháp bắt buộc thuyền trưởng Mỹ phải phụ trách con tàu và phải chịu các hình phạt tài chính nặng nề nếu vi phạm.

Ngay trước buổi trưa, Princess Hawaii, dài 61 feet bắt đầu lắc lư vì gặp phải sóng to và con tàu bắt đầu chìm.

Trong buồng lái, anh Khánh cố gắng điều khiển tàu nhưng nước biển đã tràn vào cửa sổ cabin.

Anh Khánh nói với AP: “Tôi chạy vội đến phòng điều khiển và cố gắng chuyển hướng con tàu nhưng không thể. Con tàu vẫn chìm gần như thẳng đứng. Tôi ngã vào cửa sổ.”

Anh Khánh dùng cây búa, đập vỡ cửa sổ và chạy ra ngoài. Sau đó anh thấy năm đồng đội đang ở dưới nước.

Trong thuyền còn hai người Mỹ là Nhà quan sát Đại dương và Quản lý Không khí Quốc gia Steve Dysart và thuyền trưởng.

Ông Dysart nghe tiếng anh Khánh hét lên: “Ra ngoài, ra ngoài, ra ngoài!” Ông Dysart đã tóm lấy chiếc áo phao và chạy đến lối ra duy nhất là cánh cửa phía sau tàu.

Anh Khánh đã vươn tay kéo ông Dysart lên.

Ông Dysart và thuyền trưởng lặn xuống nước để bơi ra ngoài. Anh Khánh đã chuẩn bị xong tàu cứu hộ. Ba người đàn ông này đã giải cứu 5 thủy thủ đoàn, quốc tịch Việt Nam và Kiribati.

Con tàu này, tên cũ là Lihau, vừa đổi chủ mới gần đây, chủ sở hữu Lộc Nguyễn cho biết.
Ông Dysart, người đã ở trên thuyền một năm trước, nghĩ rằng những thay đổi đã làm cho tàu không ổn định.

Ông Lộc đã lắp đặt thêm máy làm nước đá, máy nước uống, và một số bộ phận hỗ trợ bằng thép. Ông Lộc đổ lỗi đắm tàu do sóng lớn.

chủ sở hữu Lộc Nguyễn (trái) . Photo Credit: AP

Cảnh sát biển kiểm tra thuyền vào tháng 2 và không phát hiện vi phạm.

Hiện không có lệnh cấm tàu cá thương mại nhỏ khai thác ở vùng biển liên bang, điều kiện duy nhất là họ phải là công dân Mỹ. Một số tiểu bang yêu cầu giấy phép hoạt động tại vùng biển tiểu bang, nhưng Hawaii thì không.

Một con cá ngừ có giá hơn $1,000 Mỹ kim.

Tại Việt Nam, anh Khánh đã hành nghề đánh cá trong 10 năm, thường kiếm được khoảng $140 – $180/tháng.

Mặc dù trải qua thập tử nhất sinh, anh Khánh cũng không có kế hoạch trở về nhà.
Anh Khánh nói: “Khi đó tôi đã sợ hãi. Nhưng tôi không sợ trở lại biển.”

Nam Phố (CaliToday)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img