Friday, March 29, 2024

Người chủ sở hữu – người đại diện, và ông chủ cả

Trần Vang

(VNTB) – “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.

Điều 53, Hiến pháp 2013 có quy định như trên về vấn đề quyền sở hữu đất đai.

Luật Đất đai 2013, Điều 2.1 ghi “Cơ quan nhà nước thực hiện quyền hạn và trách nhiệm đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thực hiện nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai”.

Như vậy, phải chăng quyền và nghĩa vụ của “người chủ sở hữu” và “người đại diện” là đồng nhất theo chế định sở hữu toàn dân và sở hữu nhà nước về đất đai? Nếu câu trả lời là “đúng”, là “đồng nhất”, vì ở đây còn có một điều khoản nữa cũng Hiến định, “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, và “Đảng chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình” ghi tại Điều 4.1 và 4.2 của Hiến pháp.

Khi đồng nhất theo lập luận ở trên, có thể sẽ dẫn đến một số hệ quả như sau:

Thứ nhất, mặc dù bản chất Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân, tuy nhiên, nếu như cho rằng đất đai thuộc sở hữu nhà nước có nghĩa rằng Nhà nước là chủ sở hữu về đất đai, mà chủ sở hữu thì đương nhiên sẽ có ba quyền năng là quyền định đoạt, quyền chiếm hữu và quyền sử dụng; trong đó, quyền định đoạt là quyền quan trọng nhất.

Theo đó, vì là chủ sở hữu, nên nhà nước có toàn quyền định đoạt về việc sẽ sử dụng đất vào mục đích nào đó mà không cần phải lấy ý kiến của người đang sử dụng đất, bởi vì khi đó, nhà nước đang thực hiện quyền định đoạt của chủ sở hữu, thì các chủ thể khác không thể can thiệp vào việc sử dụng đất của nhà nước. Các dự án quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu trường học chuẩn quốc gia tại “vườn rau Lộc Hưng”, khu Cồn Dầu – Đà Nẵng…, là những ví dụ.

Thứ hai, nếu như khẳng định rằng đất đai thuộc sở hữu toàn dân và nhà nước chỉ là đại diện chủ sở hữu, thì có nghĩa rằng nhà nước chỉ đại diện nhân dân (toàn dân) để quản lý việc sử dụng đất, và khi nhà nước – lúc này đóng vai trò như người “quản gia”, muốn sử dụng đất vào mục đích gì, hay muốn thu hồi đất để làm việc gì, thì người “quản gia” phải hỏi ý kiến những người đang sử dụng đất, “người chủ”, xem có đồng ý với “kế hoạch” của mình hay không.

Trên thực tế thì đố ai tìm được một dẫn chứng cho trường hợp thứ hai đó.

Thứ ba, khi đất đai được Hiến định là thuộc sở hữu toàn dân, nên tất yếu chỉ có cơ quan nào do nhân dân thật sự bầu ra và thật sự đại diện cho nhân dân, thì những cơ quan này mới có quyền đại diện cho nhân dân sở hữu về đất đai.

Còn Chính phủ thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai trong phạm vi cả nước theo thẩm quyền, thì vì Chính phủ là cơ quan hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội và đặc biệt đây không phải là cơ quan dân cử, do đó, theo tính hợp lý của vấn đề và theo sự phân quyền hợp lý, Chính phủ là cơ quan quản lý hành chính nhà nước, chứ không phải là người cùng lúc sắm cả hai vai: người chủ sở hữu và người đại diện.

Thứ tư, đây lại là một nan đề, bởi trên thực tế thì ‘ông chủ đất’ bao trùm lên tất cả ‘người chủ sở hữu’ lẫn ‘người đại diện’, luôn chỉ là một, với đại diện quyền lực cụ thể của Điều 4, Hiến pháp: Bộ Chính trị.

Theo tính logic của vấn đề, chỉ có cơ quan do nhân dân trực tiếp bầu ra và đại diện cho nhân dân mới được quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai. Ở Trung ương là Quốc hội, và ở địa phương là Hội đồng nhân dân các cấp; Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai.

Thế nhưng ở Trung ương, thì Bộ Chính trị quyền lực bao trùm Quốc hội và Chính phủ. Ở địa phương, đến lượt mình, các bí thư tỉnh ủy, thành ủy do Bộ Chính trị ‘điều về’, họ có quyền lực bao trùm luôn cả Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp.

Nan đề này vượt quá tầm bàn luận của người viết.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img