(The Guardian) – Bắc Hàn hiện đang mở cánh cửa đối thoại trực tiếp với Hoa Kỳ về xung đột hạt nhân, theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Ông Lavrov cho biết đã chuyển thông điệp này đến ông Rex Tillerson khi hai vị đồng nhiệm gặp nhau tại Vienna vào hôm thứ Năm.
Hiện ông Tillerson chưa lên tiếng, tuy nhiên, quan điểm chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ là Bắc Hàn phải cho thấy Bình Nhưỡng nghiêm túc về việc từ bỏ kho vũ khí hạt nhân, nằm một phần trong thoả thuận toàn diện trước khi cuộc đối thoại có thể diễn ra.
Ngoại trưởng Nga chuyển đạt đề nghị rõ ràng vào đúng ngày ông Jeffrey Feltman – viên chức Liên Hiệp Quốc – có cuộc hội kiến với Ngoại trưởng Bắc Hàn là ông Ri Yong-ho tại Bình Nhưỡng trong chuyến viếng thăm của viên chức cao cấp Liên Hiệp Quốc đầu tiên trong 6 năm qua. Ông Feltman là một người Mỹ và là cựu viên chức Ngoại giao Hoa Kỳ, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, ông không đem thông điệp nào của Washington đến Bắc Hàn.
“Chúng tôi biết rằng Bắc Hàn trên hết muốn đối thoại với Mỹ về việc bảo đảm an ninh cho quốc gia họ. Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ ý kiến này, chúng tôi sẵn sàng tham gia vào việc thúc đẩy các cuộc đàm phán như vậy,” ông Lavrov tuyên bố tại nghị quốc tế đang diễn ra tại Vienna, theo tường trình từ hãng thông tấn Interfax. “Các đồng nghiệp Mỹ, trong đó có ông Rex Tillerson, đã biết điều này,” Ngoại trưởng Nga nói.
Diễn biến ngoại giao giữa lúc căng thẳng hạt nhân giữa Bắc Hàn và Mỹ đang tăng cao cho thấy sự cần thiết một biện pháp cấp bách nhằm xoa dịu tham vọng hạt nhân và các vụ phóng thử hoả tiễn của Bắc Hàn. Cuộc xung đột đạt một đỉnh điểm mới vào ngày 29 tháng 11 khi Bình Nhưỡng phóng thử hoả tiễn đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong1-5 có khả năng vương tới Washington, New York và các phần còn lại lục địa Hoa Kỳ. Vụ phóng thử lần này nối tiếp vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch diễn ra vào tháng 9.
Hoả tiễn Hwasong-15 được bắn ra vào ngày 29 tháng 11 đã bay trên quỹ đạo dốc trong vòng 50 phút, đạt độ cao 2.800 dặm (4.500 km) và bay xa khoảng 620 dặm.
Liên minh các Khoa học gia UCS tại Mỹ cho rằng, nếu các con số trên đúng thì hoả tiễn của Bắc Hàn sẽ có tầm xa 8.080 dặm trong một quỹ đạo tiêu chuẩn. Con số đó chỉ ra, về mặt lý thuyết thì Hoa Kỳ sẽ nằm trong tầm bắn của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã không chứng minh được họ có khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào hoả tiễn tầm xa, và phóng vào quỹ đạo có thể bắn trúng các thành phố Hoa Kỳ.
Bình Nhưỡng lên án các cuộc tập trận chung của Mỹ và Nam Hàn biểu dương hàng trăm phi cơ chiến đấu, và những tuyên bố “đáng ngại” từ các viên chức Mỹ cho thấy bùng nổ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên không phải là chuyện gì bất ngờ. “Câu hỏi còn lại bây giờ là: khi nào chiến tranh sẽ bùng nổ?” phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Bắc Hàn cho biết vào hôm thứ tư.

Trong những cuộc họp không chính thức diễn ra gần đây, các viên chức Bắc Hàn cho rằng, họ đặc biệt quan ngại đến mối đe doạ về một cuộc tấn công bất ngờ nhằm giết chết lãnh đạo quốc gia, làm tê liệt và vô hiệu hoá hệ thống chỉ huy và kiểm soát quân sự trước khi Bình Nhưỡng có thể bắn hoả tiễn.
Tình hình căng thẳng và những ngôn ngữ cứng rắn đã làm gia tăng mối lo ngại trên khắp thế giới về việc cả hai bên có thể sa vào một cuộc chiến do tính toán sai lầm, hay nhầm lẫn các trò chơi chiến tranh thành một cuộc tấn công thực sự.
Mỹ và Bắc Hàn vào năm nay cũng đã có những liên lạc không chính thức, liên quan đến ông Joseph Yun, nhà đàm phán, đặc phái viên của Mỹ về chính sách Bắc Hàn. Những liên lạc này được biết đến dưới tên “Kênh New York,” và đã bị Bình Nhưỡng huỷ bỏ sau những tuyên bố đầy đe doạ từ Tổng thống Donald Trump tại đại hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hồi tháng 9.
Tuy nhiên gần đây, Bắc Hàn có những dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng có thể đang quan tâm khôi phục lại kênh liên lạc này. Tại một cuộc họp tại Stockholm có sự tham dự của các chuyên viên phương Tây và cả các viên chức Bình Nhưỡng vào cuối tháng 11 vừa qua, đại diện của Bắc Hàn lần đầu tiên đã nêu ra khả năng thiết lập một kênh thông tin quân sự với Mỹ.
Hương Giang (Theo The Guardian)