Vietnam – Cali Today News – Chiều ngày 7/11, trong buổi họp báo do Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì, ông này cho biết vẫn “để ngỏ” việc Hoa Kỳ sẽ quay trở lại Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tuy nhiên, bằng với ngôn ngữ của nhà ngoại, ông Bùi Thanh Sơn không cho biết Việt Nam và các nước trong khối TPP đang cố muốn “lôi kéo” Hoa Kỳ quay trở lại. Ông Sơn cho biết, trong khuôn khổ hợp tác của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) có nhiều kênh để hợp tác, tăng cường liên kết hợp tác giữa các nền kinh tế với nhau, trong đó TPP là một trong những kênh đó.
“Riêng với Việt Nam, việc tham dự TPP cũng thể hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại nói chung. Trong lĩnh vực kinh tế, việc đa dạng hóa các thị trường, mở rộng liên kết kinh tế cũng là một ưu tiên. Vì vậy, Việt Nam đã tham gia TPP ngay từ đầu”- Báo Dân Trí trích lời ông Bùi Thanh Sơn cho biết.
Trong khi đó, theo một số chuyên gia kinh tế trong nước cho hay, các thành viên tham gia TPP đã làm việc rất tích cực nhằm kêu gọi Hoa Kỳ quay trở lại, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi hồi tháng tháng 1/2012 sau khi vừa nhậm chức. Cũng theo các chuyên gia này, đã có những dấu hiệu sáng sủa cho việc Hoa Kỳ có thể quay trở lại TPP khi mà những khác biệt của 11 nước thành viên TPP đã được thu hẹp dần.

Ông Võ Trí Thành, cựu phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, cho đến thời điểm này thì mọi chuyện diễn biến khá “tích cực”, còn “tích cực” tới đâu thì phải chờ phiên họp và tuyên bô của các lãnh đạo TPP-11 (11 thành viên TPP không có Hoa Kỳ).
Cho đến thời điểm này, các trưởng đoàn của 11 quốc gia thành viên TPP đang họp kín để chuẩn bị cho cuộc gặp cấp Bộ trưởng mang tính quyết định tại thành phố Đà Nẵng. Về triển vọng có một thỏa thuận đột phá của các thành viên TPP, ông Bùi Thanh Sơn cho báo chí biết:
“Trong khuôn khổ APEC 2017, các cơ chế hợp tác và liên kết khu vực trong đó có TPP đã hình thành trên cơ sở tự nguyện, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau. Các cam kết trong khuôn khổ này cũng được xây dựng trên tinh thần đó”.
Lối nói đầy tính ngoại giao của ông Bùi Thanh Sơn khiến cho nhiều người khó hiểu. Trong khi đó, doanh nhân Đặng Thành Tâm-Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (Saigon Invest Group) nói dễ hiểu hơn. Ông chia sẽ:
“Điều mà nhiều doanh nhân và người dân trong khu vực quan tâm lúc này chính là câu chuyện tương lai TPP. Vấn đề cốt lõi của APEC vẫn là tự do, thuận lợi hóa thương mại”.
Về phần mình, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho báo Dân Trí biết rằng, có những dấu hiệu sáng hơn để hy vọng có sự đột phá, từ đó mở ra triển vọng cho 11 nước thành viên TPP trong Tuần lễ APEC tại Đà Nẵng lần này.
Báo Dân Trí dẫn lại lời ông Lộc cho biết: “Nước Mỹ cũng đang tìm kiếm cách tiếp cận mới với các vấn đề toàn cầu và định hình lại vị thế dẫn dắt của mình, trong khi vai trò của Trung Quốc đang nổi lên.”
Dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, TPP được mở ra với dự kiến gồm 12 quốc gia tham gia, gồm: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Hoa Kỳ, Hiệp định nhằm xóa bỏ các rào cản về thương mại và thúc đẩy phát triển kinh tế giữa các nước thành viên. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Việt Nam là quốc gia hưởng lợi nhất trong việc gia nhập TPP. Tuy nhiên, đến thời điểm chót, Hoa Kỳ đã rút khỏi TPP khi Tổng thống Donald Trump lên nhậm chức. Vì theo ông này, việc gia nhập TPP sẽ làm cho người Mỹ mất nhiều việc làm. Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP, nước Nhật lãnh trách nhiệm đứng đầu tổ chức và cố gắng thuyết phục các quốc gia còn lại duy trì tổ chức.
Theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Donald Trump sẽ dành hai ngày rưỡi tại Việt Nam trong chuyến công du 13 ngày của ông này. Trong đó, ngày 10 và 11/11 để tham dự Hội nghị cấp cao APEC, ngày 11 đến ngày 12/11 sẽ thăm cấp nhà nước với Việt Nam.