Monday, March 18, 2024

Một Vấn Đề Đất Nước Đang Quan Tâm: Làm Sao Bạn Có Thể Nói Chuyện Với Người Bất Đồng Chính Kiến

Nguyễn Minh Tâm  dịch theo Reader’s Digest tháng 6/2022  

  • Chưa bao giờ nước Mỹ chia rẽ về quan điểm chính trị dữ dội đến như vậy: trong gia đình, giữa bạn bè, sự xung đột về ý kiến chính trị lên đến mức căng thẳng chưa từng thấy. Làm cách nào để nói chuyện với người đối diện mặc dù bạn không đồng ý với người ấy?

Cali Tofay News – Một điều đa số chúng ta đồng ý với nhau đó là cách nói chuyện, cách đối xử với người đối diện có quan điểm trái ngược bị hoàn toàn đứt đoạn. Người ta không còn bụng dạ để chấp nhận quan điểm chính trị đối nghịch của người đối thoại, và người ấy cứ khư khư ôm lấy ý kiến của họ. Một cuộc thăm dò dư luận thực hiện vào tháng Sáu năm 2021 nói rằng: Cử tri Hoa Kỳ đánh giá: “sự chia rẽ chính kiến trong đất nước Mỹ” là một vấn đề rất lớn mà mỗi chúng ta đều phải đối phó. Hầu hết người Mỹ cho rằng lối sống của dân chúng  bị “nhóm người Mỹ phía bên kia” đe dọa trầm trọng.

Bất kể bạn xem mình là người có khuynh hướng bảo thủ, cấp tiến hay đứng giữa, hoặc là một xu hướng chính trị mới lạ, tôi đánh cá với bạn rằng thế nào cũng có lúc bạn băn khoăn tự hỏi liệu chúng ta có thể tiếp tục duy trì sự chia rẽ về quan điểm chính trị kiểu này đến bao lâu thì đất nước sẽ tan nát vì chia rẽ. Khi đó lối sống của chúng ta, tiềm năng của đất nước, và quan hệ sống chung giữa chúng ta sẽ đi về đâu.

Lấy ví dụ về trường hợp của bà Barbara, một bà mẹ tội nghiệp sống ở thành phố Knoxville, tiểu bang Tennessee. Bà có năm người con trai đã trưởng thành. Gia đình của các cậu con trai gặp nhau tại nhà của bà trong bữa tiệc đoàn tụ gia đình vào dịp Lễ Tạ Ơn 2017, và một cuộc tranh luận, cãi vã về quan điểm chính trị đã xảy ra. Bà mô tả cuộc cãi vã lớn như bom nổ, muốn vỡ tung cả nhà. Một cậu con trai theo phái cực kỳ bảo thủ, trong lúc một cậu khác thì hết sức cấp tiến. Cậu thứ ba và cậu thứ tư ở mức độ bảo thủ, và cấp tiến vừa phải, còn cậu thứ năm thì đứng ở vị trí trung tâm. Bà Barbara tóm tắt như sau: “Quả thực gia đình của bà là hình ảnh thu nhỏ của tình trạng chia rẽ về chính trị của đất nước hiện nay.”. Cá nhân bà Barbara thì bà tự nhận là mình là một người theo Cơ Đốc Giáo, khuynh hướng tự do bảo thủ (conservative libertarian Christian). Bà can dán các con, bà năn nỉ những cậu con hãy cố giữ không khí êm thấm dành cho buổi tiệc chung cho cả gia đình. Bà nói: “Các con hãy bình tĩnh, đừng nóng giận, cãi nhau nữa, chúng ta đang có bữa tiệc đoàn tụ gia đình cơ mà.”. Nhưng vô ích, lời can gián của bà không được ai để ý. Rốt cuộc vài người trong bỏ ra về sớm, và có ít nhất một cô con dâu ngồi khóc. 

Bà Barbara và tôi là bạn thân, chúng tôi nói với nhau rằng chúng ta phải tìm ra câu trả lời cho những khó khăn đang chia rẽ cuộc sống, chia đất nước chúng ta một cách hết sức nguy hiểm. Việc này đối với tôi rất quan trọng bởi vì tôi đang làm việc với một nhóm công tác. Nhiệm vụ của nhóm này là phải giải quyết, tìm ra câu trả lời, cho sự chia rẽ này. Tên của nhóm là “Braver Angels”, một tổ chức đi sâu xuống quần chúng ở rải rác trên toàn quốc, không phân biệt đảng phái chính trị, làm việc với nhau để loại trừ tình trạng chia rẽ ở nước Mỹ. Cá nhân tôi là một người di dân gốc Mễ Tây Cơ, rất hãnh diện là người theo xu hướng cấp tiến, con gái của cả cha lẫn mẹ theo xu hướng bảo thủ.

Tôi bỏ phiếu bầu cho Joe Biden. Cha mẹ tôi bầu cho Donald Trump. Mỗi câu chuyện tôi được nghe về người Mỹ đều có những tin tức, những hoàn cảnh làm chia rẽ chúng ta, chia rẽ trầm trọng đến nỗi đôi bên từ chối lời mời đến thăm hỏi nhau, viết ra những lời “tuýt” ác độc khiến người ta không thèm nói chuyện với nhau, không còn nhìn mặt nhau nữa. Tại sao tôi vẫn nói chuyện được với cha mẹ tôi?

Mặc dù tôi và mẹ tôi tranh luận gay gắt với nhau trong hơn ba giờ đồng hồ về vấn đề chủng tộc, màu da, việc áp dụng luật pháp, cả hai chúng tôi đều không thay đổi lập trường. Tôi cũng tranh luận gay gắt với cha tôi trong hơn hai giờ về cách Bạch Cung đối phó với đại dịch COVID-19. Cuộc tranh luận nổ lớn chưa từng thấy, lần đầu tôi thấy cha tôi nổi giận đến như vậy. Như vậy tại sao sau khi tranh cãi gắt gao, không những tôi vẫn nói chuyện với cha mẹ tôi, mà còn lắng nghe, tìm hiểu thêm về họ, và rất thích ngồi tâm tình với họ.Tại sao tôi e ngại khi nói với bạn bè của tôi thuộc phái cấp tiến ở Seattle rằng tôi vẫn có thể nói chuyện bình thường với cha mẹ của tôi, và còn hiểu những cảm nghĩ của họ. Nếu tôi là họ, hẳn là tôi cũng bầu cho Donald Trump?.

Tôi nghe nhiều người nói với tôi rằng câu trả lời cho sự chia rẽ trầm trọng ngày nay mang tính chất giáo dục là vì những thông tin sai lạc- ở đây tôi muốn nói đến loại thông tin đáng tin cậy, không phải loại thông tin lá cải. Tôi cũng nghe nói rằng câu trả lời cho sự chia rẽ này là cần phải giải thích, thuyết phục, đừng tranh luận gay gắt, hay muốn chứng minh rằng ý kiến của họ là sai. Cũng có người nói rằng câu trả lời cho sự chia rẽ là bằng hành động đơn giản: Hãy làm ngơ trước lối nói của họ, nên làm điều gì để xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, và đừng tìm cách hạ đối thủ của mình nếu người đó chặn ngang con đường bạn đang đi. 

Tôi đưa ra một câu trả lời, có thể không đúng. Điều chúng ta cần là phải đặt thêm nhiều câu hỏi. Là một nhà báo, tôi thường đặt rất nhiều câu hỏi. Tôi thường hay thắc mắc, và vặn hỏi nhiều câu khó trả lời. Nhớ lại hồi nhỏ, mẹ tôi dẫn tôi đi ăn hamburger ở tiệm Burger King , mẹ nói tôi đi xin thêm gói muối. Tôi phải lấy hết can đảm khi đến nói với người bán hàng. Rồi đến khi tập sự làm ký giả, tôi phải dùng điện thoại phỏng vấn người lạ, tim tôi đập loạn xạ, tôi cảm thấy hồi hộp vô cùng, nói không nên lời. Nhưng rồi sau đó, tôi lại yêu mến những gì mình tìm thấy, được người lạ cho biết. 

Được cơ hội hỏi  chuyện người khác, hỏi xem họ là ai, họ nghĩ gì, và họ muốn điều gì theo tôi là những điều làm tôi vui sướng, bởi vì mỗi người đều có điểm lý thú, hấp dẫn để mình lắng nghe.

Tôi không còn sợ hãi khi đặt câu hỏi nữa, tôi nôn nóng chờ nghe câu trả lời từ người đối thoại. Chẳng mấy chốc, tôi trở nên ghiền việc đi tìm hiểu, đặt câu hỏi đối với người khác. Câu chuyện chúng ta được nghe, những lời diễn tả với sự đam mê, cuồng nhiệt của người khác, giúp chúng ta hiểu rất nhiều khi quan sát sự việc quanh ta. 

Một trong những câu hỏi tôi thích là “Tại sao bạn lại….? Ví dụ Tại sao bạn lại lập ra một nhà thờ ngay trong một quán rượu. Tại sao bạn lại trở thành người y tá được mến chuộng nhất trong cộng đồng. Hay tại sao bạn lại chọn việc nghiên cứu con quạ để mưu sinh? Bạn có thấy ai khác làm như vậy không? Qua những điều giải thích trên, bạn đọc cũng hiểu được vì sao tôi lại viết cuốn sách nói về sự chia rẽ trầm trọng đang xảy ra trên đất nước chúng ta? Và tại sao chúng ta cần lắng nghe xem người khác nói những gì? Tại sao chúng ta cần phải lắng nghe những người bất đồng ý kiến với mình?

Nếu tôi có thể tổng kết được những gì tôi đã làm trong suốt 17 năm làm nghề ký giả, tôi có thể tóm tắt rằng điều thú vị nhất tôi tìm thấy là diễn biến những trải nghiệm trong việc tìm hiểu tâm trạng của người khác. Tôi không làm việc này để giải trí, để vui chơi, song điều tôi tìm thấy quả thực rất ngộ nghĩnh và thú vị. Theo tôi việc kết nối với người khác sẽ khiến cuộc sống của chúng ta thêm phong phú, và có ý nghĩa. Nhất là khi chúng ta đang bị lôi kéo, tách rời nhau ra. 

Tôi có người bạn là nhà giáo dục về khoa thần kinh – neuroscience- tên là Ellen Petry Leanse. Bà viết cuốn sách tựa đề là The Happiness Hack giải thích niềm hạnh phúc, sự vui sướng nảy sinh trong đầu óc bạn khi bạn ngồi nói chuyện với những người già, phản ánh lại những suy nghĩ của chính bạn vào trong tâm tưởng bạn. Về cơ bản, lý lẽ nằm ở chỗ là bạn thường có thói quen giữ chặt những ý kiến riêng của mình, và thấy những ý kiến đối nghịch của người khác là hoàn toàn sai, hoàn toàn vô lý. Tác giả Leanse nói với tôi: “Kinh nghiệm về cuộc sống của chúng ta được đúc khuôn bằng những điều chúng ta dự đoán, bằng định kiến có sẵn, và bằng những “điểm mù”. Chúng ta cứ nghĩ rằng đó là thực tế, nhưng đúng ra đó chỉ là quan điểm đã được khuôn đúc sẵn, và chúng ta được dạy bảo đó là sự thực.”.

Đây là tin vui cho những người còn đang vất vả suy nghĩ về những điều họ tin tưởng. Không ai muốn người lính đặt câu hỏi mối đe dọa họ đang đối đầu có thực là một đe dọa hay không. Họ muốn người lính đang chiến đấu cứ tiếp tục đánh đấm thật hăng say mỗi khi có cơ hội. Nhưng nếu bạn không tạm ngừng để suy nghĩ về quan điểm của phía bên kia, bạn cứ tự khóa cứng mình trong nếp suy nghĩ có sẵn, làm sao bạn biết rằng cuộc đấu tranh bạn đang tham dự là có chính nghĩa? Nếu bạn cứ ngồi yên lặng trong bữa cơm của cả gia đình, quan sát, và suy nghĩ về những điều người khác tin tưởng?

Xuất thân trong lĩnh vực báo chí, tôi cho rằng tôi có trách nhiệm phải tìm tòi, đặt câu hỏi để có thêm thông tin dùng để chữa mọi căn bệnh. Nhưng tôi đã không làm như vậy, tôi chán cái việc đưa ra những đường nối – links- tìm thêm thông tin, giống như hành vi nhổ cỏ dại để rồi lại có thêm cỏ mới. Những câu chuyện gian dối ngày càng xuất hiện thêm nhiều bởi vì người tốt vẫn cứ dại dột trích dẫn những thông tin lấy từ tin giả. Người ta thường quên không chịu xét nghiệm lại xem giá trị của những câu chuyện này đúng hay sai. Việc đặt câu hỏi xem câu chuyện này có bao giờ được nghe nói đến chưa? Giá trị thực của câu chuyện này là bao nhiêu? Lần nào cũng được bỏ qua.

Một cách hay nhất để hỏi chuyện người khác là hỏi thăm xem họ ở đâu bấy lâu nay? Họ làm gì? Họ đi theo xu hướng nào? Bối cảnh nơi họ sinh sống? Từ đó, bạn sẽ có một ý niệm trong đầu: “Tôi biết bạn từ đâu tới, thuộc thành phần nào? Tôi sẽ đứng trong cùng hoàn cảnh như bạn.”.

 

Muốn đi từ Seattle, tiểu bang Washington đến Sherman County, tiểu bang Oregon, bạn phải lái xe về hướng đông đi về phía Lake Washington, và cứ thế đi lên đèo cao tên là Snoqualmie Pass cho đến  khi bạn nghe có tiếng “pop” trong lỗ tai bạn, rồi bạn đi về phía nam, đổ dốc theo sườn núi, đi xuống vùng đồng bằng yên tĩnh. Bạn đi ngang qua sông Columbia River vào địa phận tiểu bang Oregon, qua khỏi giao điểm giữa hai vùng Biggs và Wasco, bạn đến quận hạt Moro. Ở đây dân số rất ít, chỉ có 353 người. 

Đoạn đường tôi vừa kể ở trên dài 250 dậm, và phải mất khoảng 5 giờ lái xe vào một buổi sáng thứ Bảy, tháng Ba năm 2017. Nhóm của chúng tôi gồm khoảng 20 người đi từ tiểu bang Washington đến trường đại học Oregon State University, gặp nhau tại văn phòng nhà trường. Khi đến đây, chúng tôi gặp 16 cư dân tiểu bang Oregon, quận hạt Sherman. Họ muốn gặp chúng tôi, nhóm dân thị thành từ xa đến để thảo luận về tình trạng chia rẽ chính trị đang đè nặng trên toàn thể đất nước chúng ta. Đa số những người này đều bỏ phiếu bầu cho ông Donald Trump. Trong lúc đó, những du khách từ quận hạt King County ở tiểu bang Washington lo âu, bồn chồn không biết cuộc gặp gỡ sẽ đi về đâu. Đa số những người khách này bầu cho bà Hillary Clinton.

Chuyến viếng thăm của chúng tôi bắt đầu với cuộc tham quan bằng xe buýt. Trong quận hạt Sherman chỉ có 1,705 dân, sống trên một diện tích rộng 831 dặm vuông, đa số là đất ruộng trồng lúa mì. Hôm đó trời đẹp, nắng ấm, nền trời tỏa nắng trên tấm thảm lúa mì màu lúa vàng. 

Tôi được giao trách nhiệm đặt câu hỏi đầu tiên để bắt đầu cuộc tọa đàm. Tôi nghĩ trong đầu, vào một ngày đẹp trời như thế này, chúng ta nên bắt đầu ra sao để giữ mãi hình ảnh đẹp. Tôi nhắm mắt nghĩ đến những câu tranh luận, những lời tức giận viết trên Facebook. Tôi tự nhủ mình phải tìm hiểu những người không ưa mình, những người không có cùng quan điểm giống như mình. 

Những người đến dự buổi tham luận, thuộc nhiều quận hạt khác nhau. Sau khi ngồi xuống, họ tự động tìm đến với nhau theo xu hướng chính trị riêng của họ. Họ đặt câu hỏi, và trả lời cho nhau nghe theo lập trường quan điểm riêng của họ. Chỉ một thời gian ngắn, không khí căn phòng trở nên sôi nổi, ồn ào. Chúng tôi mời mọi người vào trong phòng, ổn định chỗ ngồi theo nhóm bạn của mình, để cùng nhau chia sẻ ý kiến. Tôi nhớ mãi người đứng lên nói đầu tiên là ông Darren  Padget. Ông là một người cao lớn, khoảng 6 feet 9 inches. 

Ông Padget là nông dân trồng lúa mì thuộc thế hệ thứ tư của gia đình ông. Thông thường một gia đình Mỹ làm nghề gì thì đến thế hệ thứ tư con cháu thường bỏ đi nơi khác, hay đổi nghề. Ông Padget đứng nhìn những mảnh vụn bánh mì còn vương trên mặt bàn và nói với giọng khàn khàn: “ Nếu quý vị biết làm cách nào để có miếng bánh mì quý vị đang ăn…”

Ông Padget nói vì lý do kinh tế khiến ông đã bỏ phiếu bầu cho ông Trump. Ông phải trả cho chi phí bảo hiểm y tế với giá rất đắt, tăng 426% trong vài năm gần đây, và những luật lệ về “Nước” (Water) của Hoa Kỳ khiến cho việc trồng lúa mì của ông bị thiệt hại nặng.

Một nông dân khác trong quận hạt Sherman cũng lên tiếng: “Đúng vậy, Tôi đồng ý với ông.”. Trong lúc đó, những người sống trong quận hạt King County  thì lẩm bẩm trong miệng: “Luật lệ về Nước có làm gì mà gây thiệt hại cho họ?”

Sự kiện gây tranh cãi mà chúng tôi tìm ra là những quy tắc định nghĩa bộ phận nguồn nước nào thuộc về sự chi phối của luật liên bang. Đó là một vấn đề khá lớn. Từ nhiều năm qua, nông dân lo ngại việc quy tắc sẽ được giải thích ra sao, và chúng chi phối nhiều hồ nước khác nhau, hồ nước nhỏ, hồ nước hình thành theo mùa mưa. Quy tắc về nguồn nước khá phức tạp và khó hiểu, khiến cho các nông dân nghĩ rằng chỉ có người theo Đảng Cộng Hòa là hiểu cho tâm trạng của họ, và họ muốn giới doanh nhân Mỹ hãy cùng với họ đề cập đến vấn đề này.

Một phụ nữ trong nhóm những người thành thị từ Seattle xuống, tên là Laura Caspi, chị cho biết: “ Tôi không bao giờ nghĩ theo lối đó. Tôi không thể hiểu tại sao chỉ vì lý do luật về nguồn nước mà khiến họ bầu như vậy. Đối với tôi sử dụng nguồn nước không có gì mà phải để ý đến. Rõ rệt là cuộc sống ở thành phố của chúng tôi khác với cuộc sống của người nông dân.”.

Tấm ảnh mà tôi thích nhất là tấm tôi chụp được giữa chị Laura Caspi và một nông dân thuộc Quận Hạt Sherman tên là Fred. Trong đó, chị Caspi và ông Fred cùng dơ hai bàn tay đập vào nhau mừng rỡ làm “hi-five”. Chị Caspi cột cái nơ màu xanh dương ở đuôi tóc, còn ông Fred đội nón cao bồi rộng vành. Chị Caspi lo ngại chị khó có thể bắt được nhịp cầu hòa giải để nói chuyện với những người có ý kiến hoàn toàn khác biệt, dù chỉ gặp nhau vài giờ thôi. Đề tài thảo luận không khó lắm, và không gây ra căng thẳng. Nó không mấy khó khi đem ra thảo luận, vì thế mọi người đều hy vọng sẽ diễn biến tốt đẹp.

Chị Caspi tâm sự: “Mình có cảm tưởng ông Fred là ông ngoại, và mình là cháu gái của ông.”.

Sau khi hết giờ thảo luận, mọi người còn tiếp tục ngồi lại để chuyện vãn với nhau. Không ai muốn ra về. Họ tiếp tục ngồi nán lại nói chuyện với nhau ở phòng hội, ở hành lang, và cả ở ngoài trời dưới ánh nắng chan hòa của một ngày nắng ấm trong tháng Ba. Họ trao đổi nhau thông tin để còn liên lạc với nhau sau này.

Khá nhiều sự việc tốt đẹp xảy ra sau buổi gặp gỡ, thảo luận trên. Chúng tôi gom lại viết thành một bài bài báo tựa đề: “Ngọn Núi Hòa Đồng: Buổi gặp gỡ tuyệt vời giữa hai nhóm người Nông Thôn và Thành Thị.”. Có vài người vẫn giữ liên lạc với nhau, và tiếp tục đối thoại qua emails. Những ai theo xu hướng cấp tiến, hay bảo thủ có thể liên lạc với những thành viên tham dự buổi thảo luận để có thêm chi tiết thực hiện những cuộc gặp gỡ, thảo luận tương tự ở tiểu bang của bạn. Chuyến đi du ngoại của chúng tôi sẽ được đăng trong những phúc trình nghiên cứu, hội nghị, và nhiều bài báo khác.

Chúng tôi đã bắt đầu cuộc đối thoại với hàng núi điều dự đoán là sẽ xảy ra đụng độ nảy lửa, nhưng rồi đều được hóa giải, và hòa hợp với nhau. Nếu như có ai cho rằng chỉ cần một trưa ngồi xuống thảo luận thì làm sao mà có kết quả được. Tôi nghĩ rằng chúng ta hãy cứ thử bắt đầu xem kết quả ra sao.

 

Tại nhà của cha mẹ tôi vào Ngày Bầu Cử năm 2020, tôi và cha mẹ tôi ngồi chăm chú theo dõi kết quả bầu cử tổng thống trên truyền hình, từ đài FOX đến đài CNN, thay đổi qua lại trong nhiều giờ.

Chúng tôi cãi nhau to lần đầu khi bàn về vấn đề di trú, trong lúc nhâm nhi ly rượu sangria do mẹ tôi pha. Sau đó chúng tôi lại cãi nhau dữ dội hơn khi bàn về vấn đề chủng tộc. Về sau, mãi đến khuya, tôi đứng khoanh tay nhìn mẹ tôi trước máy Truyền hình, mẹ tôi nói bà đứng về phía tôi để cho vui thôi. Một lúc sau, cha tôi đang ngồi trong chiếc ghế bành to, rướn người lên, và nói: “Monica nghe bố nói đây. Người ta kể chuyện rằng con cái khi bất đồng ý kiến chính trị với cha mẹ, chúng nó thường không cho cha mẹ thăm cháu nội, hay cháu ngoại nữa. Bố không biết con có làm như vậy với bố hay không?”.

Tôi hai đứa con, một đứa lên tám, và một đứa lên sáu, và các cháu thường đến thăm ông bà ngoại. Cha tôi còn sáng tác nhạc cho các cháu hát. Những bài hát ông làm, được ông chơi bằng đàn guitar, và các cháu thuộc nằm lòng. Các cháu gân cổ lên hát trong những buổi họp mặt của bạn cũ chúng tôi khi còn đi học.

Tôi trả lời không chút ngập ngừng bằng tiếng Spanish: “Jamas” không bao giờ con làm như vậy đâu, bố đừng lo. Không bao giờ có chuyện con không cho bố gặp mấy đứa cháu ngoại. 

Sau khi kết quả bầu cử được công bố, chúng tôi tiếp tục có những lần cãi vã lớn xảy ra. Tôi quên không nhớ cãi nhau về những đề tài gì. Đến lúc tôi ngồi vào quầy đặt giữa nhà bếp, ăn miếng kem do mẹ để dành cho tôi trong hộp bằng plastic. Mẹ thay áo làm bếp, và ngồi xuống cạnh tôi. Bà cầm bàn tay tôi lên và nói: “Mẹ mừng là con vẫn tiếp tục đến thăm bố mẹ.”

Cả tôi và cha mẹ tôi đều không nhớ ai là người thắng trong cuộc tranh luận, và cứ như thế để nó trôi qua trong nhiều năm, nhiều tháng. Tuy nhiên tôi thầm cảm ơn thượng đế là những vấn đề tranh cãi giữa chúng tôi thực ra chẳng có gì để mà quan tâm.

 

Xây dựng nhịp cầu thông cảm, hay hòa giải với phe đối lập không phải là chuyện dễ. Nhưng nó cũng không quá khó như bạn thường nghĩ đâu. Bạn hãy cố gắng bước ra khỏi căn hầm, vực thẳm riêng của bạn, xem như bạn được ai đó mời bạn bước ra ngoài.

Tôi bảo đảm với bạn rằng khi nào bạn cảm thấy tò mò, một cách xây dựng, bạn sẽ xây dựng tốt mối quan hệ của bạn với thân nhân, với đồng nghiệp, với quê hương và với chính bạn. 

Vậy thì đây là công tác, là sứ mạng, bạn cần phải làm: Bạn nên chấp nhận sự khác biệt, ý kiến đối lập với bạn. Chấp nhận nó, bạn sẽ hết sức ngạc nhiên.

Bạn hãy ráng lại gần với người bất đồng ý kiến với bạn. Hoặc bằng cách ngồi xuống nói chuyện thật lâu với người bà con, hay người bạn bất đồng chính kiến với bạn. Người ấy tìm cách xa lánh bạn. Hoặc tìm hiểu những bài viết của người ấy, bày tỏ chính kiến của họ. Hoặc mở đầu cuộc nói chuyện đối thoại bằng cách  nói ra những điều khiến bạn khắc khoải từ bấy lâu nay. Khi bạn muốn khám phá, tìm hiểu xem vì sao người ấy sai, bạn nên tìm hiểu về điều này thay vì chỉ trích người đó đã sai lầm hay thiếu xót. Khi phải quyết định xem ý kiến của ai là ý kiến thắng thế, đừng nói như vậy. Trái lại chỉ nên nói ý kiến nào là ý kiến có thể hiểu được. Khi bạn muốn khám phá xem vì sao điều người ấy tin làm cho bạn bối rối, bất đồng ý, bạn nên tìm hiểu xem do đâu mà người ấy tin tưởng như vậy. Khi bạn muốn biết vấn đề chính nằm ở chỗ nào, bạn nên tìm hiểu xem người ấy có mối quan ra sao, để khiến họ có ý kiến như vậy. Khi bạn muốn biết tại sao họ không lưu ý đến những điều mà bạn quan tâm, bạn nên tìm hiểu xem người ấy quan tâm nhiều đến những điều gì. Khi bạn muốn gài  bẫy để người ấy nói những điều bạn muốn nghe, bạn nên để họ tự do nói thật nhiều những điều thực sự họ muốn nói.

Và đến khi bạn muốn chấm dứt câu chuyện, để bạn bày tỏ thái độ, trả lời người ấy, hay phán xét họ đúng hay sai. Điều này thường hay xảy ra, bạn nên vạch rõ những điểm sai biệt giữa những điều bạn biết, và những điều bạn hầu như chưa biết. Bạn đặt thêm nhiều câu hỏi tò mò. Kết quả thường xảy ra là bạn sẽ tự nói với chính mình: “Tôi không bao giờ nghĩ điều đó xảy ra như vậy.”

Nguyễn Minh Tâm  dịch theo Reader’s Digest tháng 6/2022  

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img