Thursday, March 28, 2024

Một người Mỹ gốc Việt có thể đang bị chính quyền Việt Nam bí mật giam giữ

Vào cuối tháng 6, ông Nguyễn Phương Minh hay còn gọi Michael Phương Minh Nguyễn từ giã vợ con, rời thành phố Orange, về thăm thân nhân ở Việt Nam. Chuyến đi này cũng giống như những năm trước, cho đến khi ông bỗng dưng biến mất.

Từ quê nhà, ông Nguyễn gởi cho gia đình ở Mỹ những tấm hình chụp với thân nhân, nụ cười rạng rỡ, nhưng đến ngày 6 tháng 7 thì ông bặt vô âm tín, không ai liên lạc được, ngay cả vợ và con ông ở Mỹ cũng như cô cậu ở Việt Nam. Ông cũng không trở về Mỹ trên chuyến bay ngày 16 tháng 7 theo dự định.

Gia đình ông Nguyễn hiện đang lo ngại, qua nhiều nguồn tin, họ e rằng, thân nhân của mình đã bị chính quyền Việt Nam bắt giữ. Mặc dù không có chứng cớ, nhưng trước tình trạng những vụ bắt bớ tại Việt Nam đang diễn ra trong thời gian gần đây liên quan đến các vụ biểu tình chống việc cấp đất cho Trung Quốc làm đặc khu kinh tế hành chánh và chống luật an ninh mạng, họ đã vội vã tường trình vụ mất tích cho nhà chức trách Mỹ cùng nước sở tại, và đang chờ phúc đáp.

“Chúng tôi không biết tại sao không liên lạc được với anh ấy,” em rể người mất tích, ông Mark Roberts cho hay. “Mọi người đều lo sợ vì đã không nói chuyện với Michael hơn 3 tuần, mỗi một ngày trôi qua, không khí càng nặng nề hơn.”

ông Nguyễn Phương Minh cùng vợ và các con. Photo Credit: Nguyen family

Trong bản tin ngày 23 đến 29 tháng 7, tuần tin Người bảo vệ Nhân quyền (Defend of Defenders) loan, lực lượng an ninh Sài  Gòn “vào ngày 7 tháng 7 đã bắt giữ Michael Nguyễn Phương Minh, một công dân Hoa Kỳ, cựu tù chính trị Huỳnh Đức Thịnh và con trai Huỳnh Đức Thanh Bình, Trần Long Phi và Facebooker Thomass Quốc Báo,” cáo buộc họ hoạt động nhằm lật đổ chính quyền theo Điều 109 của Bộ luật Hình sự 2015. Tất cả những người này hiện đang bị biệt giam tại Trại tạm giam số 4 Phan Đăng Lưu, họ sẽ bị giam trong ít nhất 3 tháng tới trong thời gian điều tra, và nếu bị kết tội thì họ có thể đối mặt với bản án tối đa chung thân hoặc tử hình, bản tin cho hay.

Vào hôm thứ Ba, một tòa án ở tỉnh Đồng Nai tuyên án từ 8 tháng đến 1 năm 6 tháng tù đối với 15 người tham gia biểu tình chống dự luật đặc khu. Nhà chức trách cáo  buộc những người này vào tội “gây rối trật tự công cộng.” Bên cạnh đó, cùng với việc công an gia tăng truy quét blogger từ năm 2016, Quốc hội Việt Nam thông qua dự luật buộc các công ty mạng xã hội như Facebook và Google phải lưu trữ tất cả dữ liệu những người sử dụng  dịch vụ ở Việt Nam, cũng như đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại địa phương.

Luật an ninh mạng làm nổ ra nhiều cuộc biểu tình rầm rộ hồi đầu tháng 6, với sự tham gia của hàng ngàn người dân xuống đường, họ cho rằng, luật này hạn chế quyền tự do ngôn luận. Luật này bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1 tháng Giêng, trao toàn quyền chủ động cho chính quyền trong việc quyết định xem hành vi bày tỏ chính kiến nào là bất hợp pháp, vì vậy chính quyền dễ dàng hơn trong việc xác định danh tánh và truy tố những người dùng mạng xã hội.

54 tuổi, ông Phương Minh Nguyễn làm chủ một cơ sở in ấn tại Quận Cam. Vợ ông, bà Helen, làm y tá, hai người có 4 mặt con. Người phụ nữ liên tục gọi điện về Toà Lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn hỏi thăm tin tức.

Theo thoả thuận song phương giữa Washington và Hà Nội, nếu một công dân Mỹ bị bắt và bị giam giữ, chính phủ Việt Nam phải thông báo cho Toà Đại sứ Mỹ trong vòng 96 tiếng đồng hồ. Mặc dù các viên chức Toà Lãnh sự Mỹ đã liên lạc với đại diện chính quyền để có câu trả lời về tình hình ông Nguyễn nhưng cho đến nay, gia đình vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin hồi đáp nào.

Theo ông Robert, gia đình cũng liên lạc với văn phòng dân biểu địa phương Mimi Walters ở Irvine, yêu cầu bà mau chóng can thiệp, tìm hiểu tình trạng ông Nguyễn.

Gia đình ông Phương Minh Nguyễn cũng liên lạc với gia đình anh Will Nguyễn, người mới bị chính quyền Việt Nam đưa ra xét xử và trục xuất về Mỹ sau khi bị bắt giữ vì tham gia biểu tình tại Sài Gòn hồi đầu tháng 6. “Điểm khác biệt là, hình ảnh Will đầy máu bị đánh đập được quay phim, vì vậy mọi người biết anh bị họ bắt giữ, trong khi Michael lại không có băng hình nào,” ông Robert chia sẻ. “Chúng tôi không biết đường nào lần. Khi người ta du lịch đến một nơi mà ngay cả sự tự do bình thường, mỗi ngày không có  thì không biết có chọn lựa gì để an toàn.”

Ông Robert cũng cho hay, gia đình đã mở một thỉnh nguyện thư trên Change.org nhằm thúc giục Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ can thiệp, kêu gọi chính quyền Việt Nam sớm thả ông Minh. Đến tối thứ Ba ngày 31 tháng 7 đã có hơn 5000 chữ ký so với mục tiêu đề ra là 7.500 chữ ký. Quý vị quan tâm có thể vào ký thỉnh nguyện thư tại đây:

https://www.change.org/p/mike-pompeo-free-michael-phuong-minh-nguyen

“ĐÒI HỎI TRẢ TỰ DO CHO CÔNG DÂN HOA KỲ MICHAEL PHƯƠNG MINH NGUYỄN ĐANG BỊ CHÍNH PHỦ VIỆT NAM BẮT GIAM KHÔNG LÝ DO

Gia đình chúng tôi khẩn thiết kêu gọi sự quan tâm của tất cả mọi người đến hoàn cảnh của chồng và cha chúng tôi, anh Michael Phương Minh Nguyễn. Từ ngày 27 tháng Sáu năm 2018, anh Michael Phương đã về Việt Nam thăm viếng bạn bè và gia đình. Anh đã không trở về trên chuyến bay đã ấn định. Qua nhiều nguồn tin khác nhau, chúng tôi được biết anh đang bị chính quyền Việt Nam bắt giữ và giam cầm. Tính cho đến ngày 27 tháng Bảy, anh Michael Phương đã biệt tăm 21 ngày. Chính quyền Việt Nam từ chối xác nhận việc giam giữ, hay chia sẻ bất cứ tin tức gì về tình trạng của anh. Và cho đến hôm nay, chúng tôi cũng không xác định được nơi nhà giam nào và anh bị cáo buộc về tội gì. Bất cứ chính quyền nào giam giữ người không duyên cớ đã là một vi phạm trầm trọng đến nhân quyền và luật lệ quốc tế, đặc biệt hơn nữa người bị giam là công dân của một quốc gia khác.

Anh Michael Phương, 54 tuổi, là một công dân Hoa Kỳ có bốn người con gái, một doanh nhân độc lập, và còn là một thành viên tích cực phục vụ trong cộng đồng nơi gia đình anh cư ngụ. Gia đình chúng tôi hiện đang cực kỳ lo lắng cho sự an toàn của anh.

Chúng tôi, những công dân Hoa Kỳ, đòi hỏi chính quyền Việt Nam trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho anh Michael Phương Minh Nguyễn. Việc từ chối sự yêu cầu chính đáng này càng làm chính quyền Việt Nam suy giảm uy tín trong cộng đồng quốc tế; và cũng ngang tầm mức quan trọng là cái nhìn của những người Việt Nam.

Chúng tôi khẩn khoản kêu gọi sự hỗ trợ của quý vị trong công tác nhân quyền này.”

Hương Giang (Tổng hợp)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img