Thursday, March 28, 2024

Mikhail Gorbachev, Tổng Thống Đầu Tiên và Sau Cùng Của Liên Bang Xô Viết

Nguyễn Minh Tâm
Cali Today News – Hôm tuần trước, sau khi có tin chính thức loan báo ông Mikhail Gorbachev, vị Tổng thống đầu tiên và sau cùng của Liên Bang Xô Viết đã qua đời, báo chí phương Tây chạy tin tức hàng đầu. Trong khi đó, các viên chức cao cấp ở Mạc Tư Khoa tỏ ra lạnh lùng, vô cảm. Sau khi đưa ra một thông báo sơ sài, xác nhận ông Gorbachev đã qua đời, phát ngôn viên của ông Vladimir Putin là ông Dmitry Peskov phổ biến một thông cáo nói rằng Tổng thống Nga quá bận rộn với lịch trình làm việc của ông, nên không cho phép ông đi dự tang lễ. Thay vào đó, ông Putin đến bệnh viện nơi ông Gorbachev từ trần, để bày tỏ lòng thành kính đối với ông Gorbachev. Ông đặt một bó hoa gần quan tài, và lưu lại tại đây trong vài ba phút. Sau khi làm xong nhiệm vụ đối với người quá cố, ông bước thẳng ra cửa đi về. Hồi trước, khi còn đang cầm quyền, không những ông Gorbachev đã đi dự buổi lễ tưởng niệm ông Andrei Sakharov, một nhân vật bất đồng chính kiến với chính phủ Nga Xô Viết, ông còn đứng rất lâu bên quan tài của ông Sakharov, dưới cơn mưa tầm tã, để bày tỏ lòng thành kính, và thái độ khiêm tốn của ông. 

So sánh thái độ khinh thường của Putin đối với ông Gorbachev, người ta được an ủi một chút bởi vì lẽ ra Putin có thể ngồi trong xe limousine của mình, và ném ra ngoài cửa sổ bó hoa tang, mới diễn tả đúng tâm trạng của Putin. Trong mắt của Putin, ông Gorbachev là một kẻ yếu đuối, đáng khinh bỉ, một kẻ bất tài vô dụng không bảo vệ được đế quốc vĩ đại. Ông bị coi là người khờ dại, đi tôn sùng tinh thần dân chủ của ngoại bang. Ông Gorbachev không nhìn ra được rằng Hoa Kỳ và Âu châu là pháo đài của giả dối, láo khoét, họ luôn luôn có ý đồ xâm lược nước khác. Trong bảy năm ông Gorbachev cầm quyền, Putin tin chắc rằng ông Gorbachev đã ban cho người dân những thứ tự do mà họ không nên được hưởng. Gorbachev còn làm suy yếu nước Nga, đang từ vị trí của một siêu cường, tuột dốc trở thành một nước thứ yếu, tầm thường đối với thế giới.

Putin tự xem mình là một nhân vật chống lại chủ trương của Gorbachev, là một nhân vật buộc phải đứng ra để khôi phục lại đế quốc Nga, tái khẳng định uy quyền của Điện Cẩm Linh đối với các định chế của nước Nga, với công dân Nga, và các nước cộng hòa trước đây thuộc Liên Bang Xô Viết. Ông ta nói sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết là một “tai họa rất lớn cho tình hình địa dư chính trị” của thế kỷ thứ 20, và việc ông phải thực hiện cuộc xâm lăng Ukraine, vì đó là điều “cần thiết”. Ông đổ lỗi cũng tại vì ông Gorbachev nên đế quốc Nga mới bị mất Ukraine. Trong lúc ông Gorbachev có sáng kiến phải chấm dứt tình trạng Chiến Tranh Lạnh để tránh rủi ro cho thế giới bị thiêu rụi vì nguyên tử, nay ông Putin lại tung ra cuộc chiến tranh ủy nhiệm với phương Tây vì muốn chiếm lãnh thổ Ukraine. Khi mở cuộc chiến tranh xâm lược, ông hăm dọa sẽ sử dụng vũ khí nguyên tử, và giành quyền kiểm soát lò nguyên tử ở Zaporizhzhia.

Chính ông Putin từng thừa nhận rằng ông từng làm việc cho KGB và là sản phẩm của cơ quan mật vụ này của nước Nga. Ông Gorbachev thì ngược lại là một con người phức tạp, nhiều kinh nghiệm đau thương. Như có lần ông nói như sau: ông “ vừa là một sản phẩm của chế độ cộng sản Xô Viết và cũng là sản phẩm của sự uất hận đối với chế độ này.”. Hồi năm 2006, học giả William Taubman, người từng nghiên cứu về tiểu sử Nikita Khrushchev, dự tính nghiên cứu để viết cuốn sách về ông Gorbachev đã có cuộc nói chuyện với ông về câu hỏi tại sao ông vừa là sản phẩm của chế độ cộng sản xô viết lại cũng là người chống lại chế độ này. Ông Taubman thú nhận rằng ông hết sức bối rối khi phân tích tâm trạng của ông Gorbachev. Ông Gorbachev thực ra là một người đầy mẫn cảm: Ông Gorbachev quả thực là một con người khó hiểu vô cùng. Học giả Taubman dùng đại danh từ ngôi thứ ba để miêu tả ông Gorbachev với sự kính trọng: Ông Gorbachev là con của một gia đình nông dân, sau đó ông tự rèn luyện bản thân để trở thành một chính trị gia Xô Viết trẻ tuổi, tiến thân lên để trở thành người lãnh đạo trong Đảng Cộng Sản. Cùng lúc đó, một nhà báo người Nga, Oleg Kashin viết rằng người xếp sòng cơ quan mật vụ KGB đã phải tìm cách trừ khử “con rắn độc đội lốt hình người.”. 

Ông Gorbachev sinh năm 1931 ở Privolnoye, một ngôi làng nhỏ phía nam nước Nga. Khi ông mới sinh ra, nơi ông ở nghèo đói lắm, nạn đói đã giết chết một nửa dân số trong làng, trong đó có hai người chú và một người cô của ông. Đó là những năm Stalin trị vì nước Nga. Cả hai người ông, nội và ngoại của Gorbachev đã bị bắt đi tù vì những tội danh bịa đặt. Cụ ông Andrei Gorbachev bị bắt vì tội không hoàn tất chỉ tiêu nông nghiệp, còn ông Pantelei Gopkako bị bắt vì có dính líu vào một tổ chức phản động của Trotsky. Sau một thời gian bị tù ngắn, hai người được thả ra, nhưng họ đã phải chịu những trận đòn hành hạ hết sức đau đớn. Trong hồi ký của Gorbachev, ông viết lại rằng cụ ông Gopkako bị hành hình như sau: “Bọn công an hỏi cung đã làm chóa mắt ông bằng ngọn đèn cực sáng, đánh què tay ông, đập người ông vào cánh cửa, và đánh ông tàn nhẫn. Sau khi những đòn hành hạ này không đem lại kết quả, chúng áp dụng kiểu hành hình mới: Chúng gói thân thể ông cụ bằng da cừu nhúng nước, rồi đặt nguyên cả người lên lò nóng.”.

Khi còn trẻ, ông Gorbachev lên Mạc Tư Khoa học Luật, và từ từ leo lên hàng ngũ lãnh đạo trong nấc thang cai trị của Đảng Cộng sản. Vào khoảng thập niên 1950’s, Đảng Cộng Sản Liên Xô chỉ toàn những nhân vật lãnh đạo bất tài, hèn nhát. Bọn chúng chỉ tìm cách làm sao thoát khỏi sự bắt bớ tù đày dưới thời Stalin thôi. Khrushchev đã leo nhích từng chút một trong nấc thang của Đảng và trong Xã hội Xô viết, thoát khỏi hệ thống ruồng bố của Stalin. Ông ta áp dụng chiến thuật trong tiếng Nga gọi là shestideyatniki nghĩa là cấp tiến, cởi mở trong âm thầm, nhưng phải hết sức thận trọng khi thảo luận đề tài cải cách trong hệ thống. Đó chính là thế giới mà Gorbachev đã sống. Đó là một cảnh giới mở mờ ảo ảo, bao gồm  tham vọng, hoài nghi, thỏa hiệp và lý tưởng có tính toán. Họ là những người rút tỉa ra được bài học là:  Lý tưởng Cộng Sản sẽ chỉ đi đến chỗ hủy diệt, mặc dù chúng đặt căn bản trên cưỡng bức, và bạo lực. Bởi vì cái lý tưởng, của hệ thống đó không thể đem lại được sự thịnh vượng hay một tương lai tươi sáng cho xã hội. 

Sau khi một loạt những Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản thay phiên nhau qua đời vì già nua, bệnh tật, như các ông Leonid Brezhnev, Yuri Andropov, Konstantin Chernenko, ông Gorbachev được lên làm Tổng Bí Thư vào tháng Ba năm 1985. Ông là một người trẻ, sinh động, hoạt bát, đầy khả năng, ông đem lại hy vọng cho mọi người. Ông còn tỏ ra ngay thẳng, nhìn vào mắt người đối diện khi ông nói chuyện với dân chúng ông gặp ngoài đường phố. Dáng điệu của ông có nhiều nét giống ông Kennedy. Nhưng phải đợi 13 tháng sau, khi xảy ra biến cố ở Lò Luyện Nguyên Tử số 4 của nhà máy nguyên tử Chernobyl bị nổ, người ta mới thấy ông Gorbachev đem lại cải tổ và đổi mới. Ông hiểu rõ hệ thống cai trị của Soviet đầy rẫy tham nhũng, xấu xa. Chính quyền địa phương ở Chernobyl tìm cách che dấu sự bất cẩn thiếu sót của mình, đồng thời chính phủ trung ương ở Điện Cẩm Linh cũng không thừa nhận tai nạn xảy ra trong hai ngày. Ông Gorbachev không hề lên tiếng nói về việc này trong suốt hai tuần lễ. Cuối cùng vào tháng Bảy, ông đi đến Bộ Chính Trị để triệu tập một phiên họp, và lên tiếng sỉ vả tất cả mọi người liên quan đến vụ nổ lò nguyên tử ở Chernobyl. Ông nói lớn: “Bọn các ông là một lũ chó chết, ăn hại đái nát. Cái ngày xảy ra vụ nổ, các ông vẫn cử hành đám cưới ở gần nơi bị nổ. Trẻ em vẫn tiếp tục chơi đùa trên đường phố gần đó.”.

Ông Yuriy Shcherbakov là một y sĩ, và cũng là một nhà báo, sau này được cử đi làm đại sứ Ukraine ở Hoa Kỳ đã ví von như sau: “Chernobyl không phải chỉ giống như hệ thống Cộng Sản, mà nó chính là tiêu biểu cho chế độ cộng sản. Sự thối nát, vữa nát đã ăn sâu vào tận xương tủy , giống như tia phóng xạ xâm nhập vào xương của con người.”. Sự ví von, cách nói ẩn dụ đó được ông Gorbachev hiểu rất rõ. Trong những năm sau đó, ông Gorbachev đã làm những cải cách làm mọi người phải ngạc nhiên: Ông ra lệnh trả tự do cho những người bất đồng chính kiến với chế độ cộng sản. Những người này phải ngồi tù, hay phải sống lưu vong ở nước ngoài. Chính sách cởi mở, hay glasnost của ông cho phép người dân được quyền tự do ngôn luận, tái lập quyền tự do này cho các nhà văn, nghệ sĩ, học giả. Ông tham dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Ronald Reagan của Hoa Kỳ, và ký hiệp ước kiểm soát vũ khí với phía Tây phương, ông ra lệnh rút lính Nga ra khỏi Afghanistan, và giải phóng các nước Đông Âu, và Trung Âu ra khỏi sự kiểm soát của Xô Viết. Ông cho phép tổ chức nhiều cuộc bầu cử ở khắp nơi. Đánh giá lại lịch sử Xô Viết, kể cả nhà lãnh đạo Lenin, cho phép nới rộng sự độc lập cho các nước trong vùng Baltics, cũng như các nước cộng hòa khác trong liên bang Xô Viết.

Ông Gorbachev đã phạm một vài lỗi lầm, kể cả những sai lầm nghiêm trọng. Trong một thời gian dài, ông tìm cách dung hòa giữa ý tưởng, và quyền bính. Hai thứ này rất khó dung hòa, thỏa hiệp với nhau. Ông cũng thất bại trong việc cải tổ cơ quan mật vụ KGB, và tháng Tám năm 1991, chính cơ quan này làm cuộc đảo chính để lật đổ ông. Chưa kể còn một số sai phạm khác nữa. Nhưng dù sao đi nữa, ông Gorbachev đã khéo léo vận dụng khả năng chính trị của ông, cũng như lý tưởng ông ấp ủ trong lòng để cống hiến cho thế giới một số điều quan trọng: Trong những giây phút đen tối nhất của lịch sử, khi mà chủ nghĩa phi tự do và sự tàn ác tiếp tục diễn ra, người ta bỗng trông thấy tia sáng về sự tử tế, và lời hứa chân thành xuất hiện một cách hiếm hoi. Ở ông Gorbachev, chúng ta thấy rõ là một người được lớn lên trong một hệ thống độc tài toàn trị, song lại nặng lòng tin tưởng vào thể chế dân chủ, tinh thần thượng tôn luật pháp, và sự chuyển giao quyền lực trong hòa bình và trật tự.

Hãy tưởng tượng niềm hy vọng về thể chế dân chủ do tấm gương Gorbachev để lại, một ngày nào đó, sẽ thắng thế, và chúng ta có sẽ nền dân chủ thực sự. 

Nguyễn Minh Tâm  dịch theo THE NEW YORKER  ngày 18/9/22

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img