Thursday, March 28, 2024

‘Mặt trận Đà Nẵng’: Báo nhà nước phát pháo giành lãnh địa

Thiền Lâm

Vietnam – Cali Today News – Sau một thời gian im lặng thăm dò “tương quan chính trường”, gần đây đã xuất hiện dấu hiệu vài tờ báo nhà nước quyết định “tham chiến”. “Mặt trận” được nhắm đến”: Đà Nẵng.

Ngày 26/9/2017, Người Lao Động – một tờ báo của Tổng liên đoàn Lao động TP.HCM – phát pháo đầu tiên bằng bài “Ông Vũ “Nhôm” dính bao nhiêu dự án ở Đà Nẵng?”, trong đó đề cập “9 dự án mà Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an yêu cầu lãnh đạo TP Đà Nẵng cung cấp hồ sơ để điều tra là những dự án nào, nằm ở đâu, liên quan đến những ai…?”.

Vũ “Nhôm”, tên thật là Phan Văn Anh Vũ, là Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79. Với xuất xứ chỉ là một công ty nhỏ, chỉ trong thời gian vài năm, Nova 79 đã bất ngờ trở thành một đại doanh trong thương trường, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, có mặt ở nhiều địa phương và đặc biệt tại khu vực béo bở và luôn sốt đất là Đà Nẵng.

Ảnh: Người Lao Động

Tháng 4/2017, Phan Văn Anh Vũ bất ngờ trở nên nổi tiếng không chỉ với tư cách một đại gia “từ đất đi lên”, mà còn bằng vào một số hồ sơ về nhân vật này được tung lên mạng xã hội từ một nguồn ẩn danh. Thông tin chưa kiểm chứng từ các hồ sơ này cho thấy Phan Văn Anh Vũ là sĩ quan tình báo của Bộ Công an, hàm cấp tá, còn Nova 79 là “công ty bình phong” của Tổng cục Tình báo Bộ Công an.

Tháng 4/2017 cũng là thời điểm bùng nổ cuộc chiến quyền lực giữa Nguyễn Xuân Anh – Bí thư Đà Nẵng và Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch Đà Nẵng. Nhiều đơn thư tố cáo lẫn nhau về tài sản cá nhân, bằng cấp, khuất tất trong bổ nhiệm nhân sự… liên quan hai nhân vật này được tung lên mạng xã hội. Trong đó, Nguyễn Xuân Anh được “ghép” với Phan Văn Anh Vũ. Khi đó cũng có đồn đoán Phan Văn Anh Vũ có mối quan hệ “đặc biệt” với một nhân vật cao vấp là Trần Đại Quang – Chủ tịch nước.

Đến tháng 5/2017, Hội nghị trung ương 5 của đảng cầm quyền diễn ra, tuy nhiên chỉ “xử” Đinh La Thăng – Bí thư thành ủy TP.HCM mà chưa đụng chạm đến khu vực Đà Nẵng. Không khi Đà Nẵng sau đó tạm “êm”. Nguyễn Xuân Anh còn mạnh miệng nói rằng “không có mất đoàn kết nội bộ ở Đà Nẵng”.

Nhưng chỉ vài tuần trước khi Hội nghị trung ương 6 diễn ra vào đầu tháng 10/2017, Ủy ban Kiểm tra trung ương của “Vương Kỳ Sơn Việt Nam” đã đột ngột thông báo kết luận kiểm tra về sai phạm của cả Nguyễn Xuân Anh lẫn Huỳnh Đức Thơ. Đến lúc này, “đoàn kết nội bộ” ở Đà Nẵng được chứng thực rõ ràng hơn bao giờ hết. Trong hai nhân vật, độ rủi ro đối với Nguyễn Xuân Anh là lớn hơn hơn hẳn. Khả năng nhiều tại Hội nghị trung ương 6, nhân vật này sẽ bị “xử” và sẽ bị tước ghế ủy viên trung ương đảng. Trong khi đó, Huỳnh Đức Thơ – nhân vật được đồn đoán có mối quan hệ “đặc biệt” với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – có thể giữ được tương lai không đến nỗi nào.

Chỉ ít ngày sau bản kết luận kiểm tra tại Đà Nẵng, đến lượt Phan Văn Anh Vũ bị “lên thớt”. Cùng thời gian này, nhân vật chủ tịch nước “thoắt ẩn thoát hiện”, lúc thì đi chữa bệnh ở Nhật, lúc lại xuất hiện trong những cuộc tiếp khách quốc tế ở Việt Nam. Nhưng có một hiện tượng khó chối bỏ là từ sau khi nổ ra vụ “Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Đức”, vai trò của ông Quang chợt mờ nhạt hẳn. Có người cho rằng ông đã phải chịu một “vòng kim cô” nào đó.

Còn giờ đây, Phan Văn Anh Vũ có thể phải “nhả” những gì đã “nuốt”.

Nhưng “nhả” cho ai?

Cuộc chiến phe phái ở Việt Nam luôn mang đặc trưng truyền thông và tạo dấu ấn bởi truyền thông.

Tuy nhiên khác với quang cảnh đấu đá những năm trước với chỉ truyền thông mạng xã hội – được những bàn tay ẩn giấu trong nội bộ đảng chi phối, vào lúc này đây đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy báo chí nhà nước đang tăng tốc “mặt trận thứ hai”, sau “mặt trận thứ nhất” là mạng xã hội.

Thực ra, “mặt trận thứ hai” đã được mở ra từ quý 2 năm nay với tiên phong là báo Thanh Niên. Tờ báo có lượng độc giả thuộc loại nhiều nhất quốc gia này vẫn thường bị nghi ngờ về quan điểm khách quan và tính trung thực, đặc biệt vào năm 2016 chính Thanh Niên đã bị phát hiện là một trong những tờ báo đi đầu trong vụ nhận tiền để tổ chức chiến dịch PR cho nước mắm ngoại “giết” nước mắm truyền thống của nông dân.

Điều đáng nói là một số tờ báo nhà nước đã lao vào “đánh đấm” và bị nghi ngờ phục vụ cho các tập đoàn quyền lực lẫn lợi ích nhóm, trong khi những tờ báo này chẳng mấy quan tâm đến nhan nhản vấn nạn dân sinh và dân quyền bị bóc lột và bị chà đạp ở Việt Nam.

Bối cảnh “Trung ương đánh Đà Nẵng” và được báo nhà nước chạy theo đưa tin viết bài lại xảy ra trong lúc Chính phủ Đức vừa tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam sau vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Berlin. Tuy nhiên, báo chí nhà nước im thin thít về chuyện này, trong khi trước đó nhiều tờ đã ồn ào khoa trương đưa tin về “Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về Việt Nam đầu thú”.

Ngày càng rõ về khuynh hướng một số quan chức đã lợi dụng chủ trương “chống tham nhũng” để sử dụng báo nhà nước như “mặt trận thứ hai”, để không chỉ tranh giành quyền lực mà còn tiến đến thâu tóm lãnh địa làm ăn của nhau. Một số tờ báo nhà nước cũng bởi thế lại có cơ hội “ăn bẫm”.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img