Cali Today News – Dư luận không đặt nặng câu chuyện phi cơ tiêm kích Su-30MK2 rơi trên biển khi đang luyện tập, mà lại tập trung vào câu chuyện “thần đồng” kinh doanh Vũ Quang Hải, con trai của nguyên Bộ Trưởng Bộ Công thương. Ông Vũ Quang Hải, lúc mới 25 tuổi đã là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư tài chính dầu khí (PVFI), thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam. Ở độ tuổi đó, ngồi vào vị trí như vậy thì quả là thần đồng chứ chẳng chơi.

Song, dư luận lại không nghĩ như vậy. Nếu không vì người cha, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Công thương thì cho dù ông Hải có giỏi đến mức nào cũng chẳng thể ngồi vào chức vị đó. Đáng nói hơn, dưới sự lãnh đạo của ông Vũ Quang Hải, công ty PVFI liên tục thua lỗ. Qua hai năm lỗ hơn 220 tỷ, trong khi vốn điều lệ của công ty chỉ là 300 tỷ.
Với tài lãnh đạo của mình, sau hai năm, ông Hải được điều động về Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương). Sau một năm ở Cục Xúc tiến Thương mại, ông Hải ngồi vào chiếc ghế Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu. Tiếp đó, Bộ Công thương đưa ông về làm Phó Tổng giám đốc công ty nước giải khát Sabeco. Với chức vị này, mỗi năm ông Hải bó túi gần một tỷ rưỡi đồng. Song, từ đây mới thấy được cái tầm nhìn hạn hẹp của ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương. Chỉ vì lòng tham, ông đã đẩy con mình vào chốn nguy hiểm.
Ai cũng biết, Sabeco là chốn làm ra tiền, rất nhiều kẻ máu mặt muốn chiếm. Ngay cả bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn chiếm công ty này nhưng cũng không được. Tuy vậy, Thủ tướng Dũng vào thời đó cũng đã đưa được chú ruột của con dâu mình (Phan Đăng Tuấn chú vợ của Nguyễn Thanh Nghị) vào chiếc ghế Tổng giám đốc Sabeco.
Ngồi ở Sabeco chỉ được một thời gian, ông Tuất phải ôm đầu máu chạy tháo thân khỏi Sabeco.
Ông Vũ Quang Hải chỉ là nạn nhân trong vụ “đánh hội đồng” của báo chí truyền thông nhà nước. Người huy động được trận đánh này không ai khác là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và tay chân của ông.

Bộ Công thương vào thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một bộ siêu quyền lực. Ngoài quyền lực, Bộ Công thương còn có rất nhiều quyền lợi. Tất cả những phó Chủ tịch Trịnh Xuân Thanh của tỉnh Hậu Giang, ông Trương Quang Hoài Nam, phó Chủ tịch thành phố Cần Thơ đều được “trao đổi” giữa Bộ Công thương và địa phương. Tất cả những ông Bí thư của tỉnh thành này đều thuộc hàng thân tín của Nguyễn Tấn Dũng. Việc cho Trịnh Xuân Thanh, Trương Quang Hoài Nam vào chức phó Chủ tịch tỉnh là nhằm giúp những người này ẩn nấu để chờ cơ hội bật dậy.
Tuy nhiên, từ khi Đại hội đảng CSVN lần thứ XII kết thúc, với kết quả thất bại thuộc về phe Nguyễn Tấn Dũng, phe nhóm của ông cũng bị thanh trừng. Tập đoàn dầu khí Việt Nam là nơi mang lại cho chính quyền CSVN rất nhiều tiền. Đánh vào Tập đoàn này cũng là nhằm tước đi quyền lợi của phe nhóm ông Dũng để chia chác cho phe nhóm ông Nguyễn Phú Trọng. Điều này không lạ khi thấy rằng, Tập đoàn dầu khí Việt Nam và Bộ Công thương trọng tâm cho cuộc chiến trong thời gian qua.
Ông Vũ Huy Hoàng, thân tín của ông Nguyễn Tấn Dũng cũng không nằm ngoài cuộc thanh trừng đó. Cho dù ông đã về hưu nhưng những tay chân mà ông gài gắm ở lại cũng sẽ bị thanh trừng. Ông Vũ Huy Hoàng đã bị lòng tham làm cho mờ mắt. Trong những ngày tháng cuối nhiệm kỳ, ông đã bổ nhiệm một loạt cán bộ vào những vị trí trọng yếu. Chắc chắn, những người được bổ nhiệm sẽ phải chi cho ông Hoàng một khoản tiền lớn.
Tham thì thâm, ông Hoàng không ngờ rằng, chiếc ghế mà ông tốn bao nhiêu công khó nhọc để đưa con trai mình vào lại là nơi đầu tên mũi đạn, nhiều người phải tranh giành để ngồi lên chiếc ghế đó. Nay, khi ông Hoàng đã về hưu, con trai ông còn non trẻ đã phải chịu lãnh những tác hại do lòng tham của cha mình gây ra.
Người Quan Sát