Friday, March 29, 2024

LIỆU TT TRUMP SẼ TẤN CÔNG IRAN VÌ SAUDI ARABIA?

Vào khoảng 3 giờ rưởi sáng thứ Bảy tuần trước, một phi đội các máy bay không người lái (drones), và có thể một đợt các phi đạn bình phi (cruise missiles), đã xuyên thủng hệ thống phòng không của Vương quốc Saudi Arabia để tấn công vào mỏ dầu hoả Khurais và trung tâm lọc dầu Abquaiq, vốn là nhà máy lọc dầu lớn nhất trên thế giới. Cả hai cơ sở này đều nằm về phía đông bắc thủ đô Riyadh và thuộc quyền sở hữu của Saudi Aramco, công ty dầu hoả quốc doanh và thường được xem như là tài sản sáng giá nhất của vương quốc này.

Những tiếng nổ phát ra từ các đợt tấn công đã tạo nên những cơn hoả hoạn khổng lồ khiến lực lượng chữa cháy phải mất nhiều giờ đồng hồ mới dập tắt được và đã gây ra thiệt hại đáng kể. Các nguồn tin từ Bộ Dầu Hoả của Saudi Arabia cho biết lượng sản xuất dầu hoả đã bị tụt giảm khoảng 5 triệu thùng dầu mỗi ngày, coi như chiếm đến phân nửa sản lượng dầu của vương quốc này và cũng là 5% sản lượng trên toàn thế giới. Vì thế nên nó đã gây chấn động không những tại vùng Trung Đông mà luôn cả chính trường Hoa Kỳ.

Hậu quả đầu tiên là những lo ngại về ảnh hưởng của các đợt tấn công này lên thị trường thế giới (khi mà phân nửa khả năng sản xuất dầu hoả của Saudi Arabia đã tạm thời bị đình hoãn) và sau đó là những lo sợ về những cuộc đụng độ quân sự có thể nổ ra trong những ngày tháng tới tại một vùng đất vốn đã có nhiều xung đột phức tạp và nan giải từ gần 3/4 thế kỷ vừa qua, thường xuyên ảnh hưởng đến nền kinh tế và hoà bình trên thế giới.

Ngay từ lúc ban đầu, lực lượng quân nổi loạn Houthi tại lân bang Yemen đã lên tiếng xác nhận rằng đó là thành quả của mình để chứng tỏ một khả năng quân sự lớn mạnh và đáng ngại. Trong cuộc nội chiến tại Yemen, phe Houthi được sự yểm trợ của Ba Tư (Iran) để chống lại chính quyền Yemen do Saudi Arabia ủng hộ trực tiếp với sự yểm trợ gián tiếp từ chính quyền Trump. Tuy là hai quốc gia Hồi-giáo bảo thủ, nhưng Iran và Saudi Arabia là hai đối thủ thù nghịch có đầy tham vọng to lớn trong vùng Trung Đông, với những mối liên hệ rắc rối của Do Thái và Hoa Kỳ đứng về phe Saudi Arabia trong cuộc xung đột hiện nay.

Tuy nhiên các viên chức của Hoa Kỳ không chấp nhận những lời khoe khoang này của phe Houthi. Thứ nhất, những vũ khí được sử dụng trong đợt tấn công lần này là do Iran sản xuất. Kế đến, giới chức tình báo và quân sự Mỹ tin rằng các đợt tấn công này không xuất phát từ Yemen ở phần đông nam của bán đảo Ả Rập mà là từ phía bắc, tức là Iraq, là nơi mà Iran đang điều khiển các lực lượng dân quân gốc Shia rất có thế lực và thân cận với Iran. Thậm chí, Hoa Kỳ còn nghi ngờ rằng một số các vũ khí có thể được xuất phát ngay từ trong nội địa của Iran.

Vì thế nên ngay buổi chiều cùng ngày, Ngoại Trưởng Mike Pompeo đã liền bắn ra một mẩu tin nhắn trên mạng Twitter để cáo buộc rằng: “Iran đã mở một cuộc tấn công không tiền khoáng hậu lên nguồn xuất cảng năng lượng của thế giới. Không có bằng chứng gì cho thấy là những đợt tấn công này được xuất phát từ nước Yemen.

Tuy vậy, ông Pompeo đã không xác định chi tiết về nơi xuất phát của những đợt tấn công này. Chính quyền Saudi Arabia, với sự yểm trợ của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tại Yemen, cũng chưa đưa ra những bằng chứng để cáo buộc Iran, trong lúc các viên chức của Iran lại phủ nhận những lời cáo buộc của Hoa Kỳ. Qua ngày Chủ Nhật, chính quyền Mỹ đã trưng ra một số những hình ảnh được các viên chức giải thích rằng đó là chỉ dấu cho thấy các phi cơ không người lái trong đợt tấn công này đã bay vào không phận của Saudi Arabia từ phía Iraq hay Iran. Nhưng phía Iraq đã lên tiếng bác bỏ và nói rằng họ không dính líu gì vào chuyện này.

Theo nhà báo Timothy L. O’Brien, chủ biên trang xã luận của diễn đàn Bloomberg, cả hai phía Hoa Kỳ và Ba Tư đều không nói đúng hết sự thật (cho dù là có thể mọi người đều nghĩ rằng họ đã nói đúng), và do đó những đáp trả cẩn trọng đối với các vụ tấn công này cần phải dựa trên những bằng chứng xác đáng. Trong những thời điểm này, sự nhẫn nại và viễn kiến là những đức tính tốt về ngoại giao cần phải có, cho dù là một giải pháp đáp trả xác đáng sau cùng có thể đòi hỏi những biện pháp cấm vận siết chặt hơn nữa đối với Ba Tư hoặc là những biện pháp quân sự cần thiết nhằm khoá tay giới lãnh đạo của Ba Tư.

Trong cương vị một tổng thống của Hoa Kỳ, dĩ nhiên TT Trump có thể đóng một vai trò quan trọng và sáng suốt rõ ràng, và dùng sức mạnh cũng như uy tín của ngôi vị mình nhằm đem lại một cảm giác trật tự đối với những diễn biến năng động và nguy hiểm tại vùng đất của thế giới người Ả Rập hiện nay. Vì thế nên những gì diễn ra trong những ngày sắp tới có thể biến chuyển để trở thành một thử thách thực sự to lớn về mặt ngoại giao mà ông Trump sẽ phải đối phó.

Thế nhưng nhiều người cũng có thể cho rằng thế giới ngày nay đang phải đối đầu với thử thách này chính là vì cung cách hành xử rất bừa bãi và đầy mâu thuẫn của TT Trump đối với những chế độ mà ông cho rằng ông muốn lật đổ nó. Một vị nguyên thủ quốc gia đang điều hành một phủ tổng thống đầy hỗn loạn nhất trong lịch sử cận đại có lẽ sẽ khó lòng vượt qua được cơn khủng hoảng đầy rối rắm này với tất cả sự khôn khéo cần phải có.

Trong ngày thứ Bảy, Toà Bạch Ốc đã đưa ra một thông cáo để xác nhận rằng TT Trump đã gọi điện thoại cho Thái Tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia (được coi là người đang thực sự điều hành chính quyền tại vương quốc này) để đưa ra lời hỗ trợ và trấn an cho quốc gia này cũng như cho các thị trường mua bán về dầu hoả trên thế giới. Sau đó, ông liền dùng mạng Twitter là phương tiện truyền thông ông ưa thích nhất để biểu lộ cho mọi người biết thêm về những suy nghĩ và quyết định của mình. Đó là một loạt những mẩu tin nhắn đả kích giới truyền thông, rồi tiếp theo là những lời ca ngợi Thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Brett Kavanaugh (trước những bài báo mới cáo buộc các hành động tấn công tình dục của ông trước đây đã bị giấu kín), rồi sau đó là những lời quảng cáo về một số những sinh hoạt nhằm hỗ trợ cho các trường đại học giành cho giới da den, và sau cùng là lời cổ võ được lập lại rằng “Hoa Kỳ đang Chiến Thắng Trở Lại!”

Vào khoảng 6 giờ chiều Chủ Nhật, TT Trump lại bắn ra một mẩu “tweet” mới để nói rằng ông dự định sẽ cho tháo khoán một số lượng dầu thô từ Kho Dự Trữ Dầu Hoả Chiến Lược của Hoa Kỳ nhằm làm giảm bớt áp lực trên các thị trường về dầu hoả khắp nơi. Và khoảng 1 tiếng đồng hồ sau đó, TT Trump lại xen vào chuyện này và lần này lên tiếng coi như bênh vực cho Saudi Arabia, với mẩu tweet: “Nguồn cung cấp dầu hoả của Saudi Arabia đã bị tấn công. Chúng ta có lý do để tin rằng chúng ta biết thủ phạm là ai, và chúng ta đã thủ thế và cho đạn lên nòng (locked and loaded) tuỳ theo kết quả kiểm tra, nhưng chúng ta đang chờ nghe từ phía Vương quốc để biết rằng họ nghĩ ai là thủ phạm của những vụ tấn công, và từ đó sẽ tiến hành ra sao!” (Với những ai cảm thấy hơi bực mình vì câu văn trên có phần lủng củng, điều này cũng dễ hiểu vì TT Trump không phải là một người được chấm điểm tốt về văn phong và ngữ vựng nếu như mọi người có thể đọc nguyên bản bằng tiếng Anh.)

Thế là đột nhiên, chỉ trong một tích-tắc, và có lẽ là cũng không cần tham khảo ý kiến của bất cứ một phụ tá hay cố vấn nào trong bộ tham mưu tại Toà Bạch Ốc, ông Trump đã báo cho mọi người biết ý định của ông là sẵn sàng đưa quân đội Hoa Kỳ để phục vụ cho chính quyền Saudi, và ông sẵn sàng ra tay, với khí giới được trang bị đến tận răng, bất cứ lúc nào phía Saudi nghĩ rằng cần phải khai hoả.

Nhưng rồi sau đó không lâu, TT Trump lại bắn ra một mẩu tweet khác vào khoảng 7 giờ tối để nói rằng “CÓ ĐẦY DẦU HOẢ!” và nói rằng mọi người không nên coi thường và nghĩ rằng ông đang gặp thất bại trong việc điều đình với phía Ba Tư, khi nhiều người có thể lý luận rằng phía Ba Tư đã nhìn thấy điểm yếu của ông và đã khai thác nhược điểm này: “Giới Truyền Thông Giả Trá đang nói rằng tôi sẵn sàng gặp gỡ với phía Ba Tư ‘Mà Không Cần Điều Kiện Nào Hết.’ Đó là một lời nhận định không xác đáng (giống như cách thường làm của họ!)

Nhưng điều trái khoáy là trong vụ này, chính TT Trump là người đã nói những điều như vậy không phải một lần, và điều này cũng được các phụ tá cao cấp xác nhận sau đó. (Nếu như ông Trump không nói ra những điều đó, thì có cho ăn kẹo cũng chẳng ông tổng trưởng nào dám phát biểu như vậy nếu không muốn bị TT Trump ra lệnh: You Are Fired!)

Theo hãng thông tấn AP, một trong những cơ quan ngôn luận uy tín và trung thực hàng đầu trên thế giới, vào tuần trước hai viên chức cao cấp là Ngoại Trưởng Mike Pompeo và Tổng Trưởng Tài Chính Steven Mnuchin đã trả lời giới truyền thông tại Toà Bạch Ốc rằng TT Trump đã nói rằng ông sẵn sàng gặp gỡ TT Hassan Rouhani của Iran mà không cần phải đặt ra trước tiên những điều kiện nào hết. Mặc dù rằng thông thường những cuộc gặp gỡ ngoại giao giữa các quốc gia kẻ thù thường chỉ xảy ra sau khi đôi bên đã có sự đồng thuận về một số những bước đi nào đó để giảm thiểu bớt những căng thẳng và chứng tỏ thiện chí của mình.

Lần sau cùng chính cá nhân TT Trump đã nói như vậy là vào tháng Sáu vừa qua trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “Meet the Press” của đài NBC, khi được hỏi rằng liệu ông có đặt ra những điều kiện nào hay không để có thể gặp gỡ với các lãnh tụ của Iran, TT Trump đã trả lời: “Không cần gì hết riêng đối với tôi. Không cần đặt những điều kiện tiên quyết nào hết.

Vào tháng 7 năm 2018, cũng chính ông Trump đã nói với các phóng viên rằng việc các lãnh tụ đôi bên có thể nói chuyện với nhau là một điều tốt cho cả hai quốc gia: “Không cần điều kiện tiên quyết nào hết. Nếu như họ muốn gặp gỡ, tôi sẽ gặp họ.

Và cũng chỉ mới vài ngày trước đây, TT Trump cũng lại nói rằng ông sẵn sàng gặp gỡ TT Rouhani của Iran trong phiên họp thường niên của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại thành phố New York.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là những toan tính và tín hiệu về ngoại giao (trong đó có cả việc một phụ tá cao cấp nổi tiếng diều hâu là Cố Vấn An Ninh Quốc Gia John Bolton đã bị cách chức một cách ê chề) có thể đã thúc đẩy cho phía Ba Tư trở nên bạo dạn hơn để có thể thử thách bằng cách phá huỷ một kho dầu hoả quan trọng của Saudi Arabia, vốn là kẻ thù mạnh mẽ nhất trong khối Ả Rập, giữa lúc vương quốc này đang tìm cách gây quỹ bằng cách bán cổ phần của công ty dầu hoả quốc doanh lớn nhất là Saudi Aramco? Chưa ai có câu trả lời chắc chắn về điều này.

Tuy nhiên, điều người ta khó thể phủ nhận được là phía Ba Tư chắc chắn không thể không nhìn thấy là TT Trump đã nhiều lần hung hăng lớn tiếng và tỏ ra cứng rắn để hăm doạ rằng ông sẵn sàng dùng sức mạnh quân sự để tấn công những quốc gia nào mà ông coi là đối nghịch với Hoa Kỳ. Nhưng rồi sau đó không lâu, chính TT Trump lại là người không dám ra tay thực hiện những điều mà mình đã hăm he trước đó.

Vào tháng 6 vừa qua, chính TT Trump đã loan báo cho mọi người biết chuyện ông đã ra lệnh cho các chiến đấu cơ của Hoa Kỳ sẵn sàng oanh kích Ba Tư, để rồi sau đó không lâu lại ra lệnh ngưng lại chỉ vài phút trước giờ cất cánh. (Trên diễn đàn này, kẻ này cũng đã viết hai bài phân tích với tựa đề “Liệu Hoa Kỳ Sẽ Tấn Công Ba Tư?” và “Cứng Rắn Hay Hoà Hoãn với Ba Tư?

Riêng với kẻ viết bài này, một bình luận gia thân hữu sau khi đọc bài phân tích đã gửi thư phúc đáp bằng một câu ngắn gọn: “Có lẽ chẳng bao giờ Donald Trump muốn dính dáng vào bất cứ cuộc chiến nào. Trump chỉ thích hù thôi. Hihihi.

Thật ra đây không phải là một quyết định bất thường hay mới lạ gì với TT Trump. Trong suốt cuộc đời làm ăn của mình trong ngành đầu tư và phát triển các cơ sở địa ốc, ông Trump thường hay khoe khoang về thành tích mà ông gọi là “nghệ thuật điều đình” (the art of dealing) bằng cách là hăm doạ sẽ đè bẹp các đối thủ khác hoặc là sẽ loanh quanh tránh né dài dài để không phải đền bù, nhưng rồi cuối cùng ông cũng không qua mặt được họ hoặc là thất bại để rồi đành chỉ còn cách là “chơi xù” bằng việc khai phá sản (đến những 3 lần tổng cộng). 

Trong một bài phân tích khác trên diễn đàn The New Yorker, nhà báo John Cassidy cho rằng TT Trump đang bị mắc kẹt trong chính sách đối ngoại với Ba Tư đầy rối rắm và thiếu mạch lạc của ông (Trump Is Trapped by His Own Incoherent Iran Policy).

Trong vụ các kho dầu hoả tại Saudi Arabia bị tấn công lần này, nhiều chuyên gia cho rằng có lẽ TT Trump cũng đang bị rơi vào một tình trạng khó xử với phe Saudi do chính ông tạo ra với những quyết định đầy rối rắm và thiếu mạch lạc.

Ngoài việc bỏ lơ ngoài tai những hành động tàn ác của quân đội Saudi Arabia trong cuộc chiến tại Yemen (khiến cho Quốc hội Mỹ đã phải thông qua những đạo luật đòi chấm dứt viện trợ Mỹ cho Saudi Arabia trong cuộc chiến này nhưng đã bị TT Trump phủ quyết), cũng như không thèm quan tâm đến việc một nhà báo gốc Saudi là thường-trú-nhân Hoa Kỳ làm việc cho tờ Washington Post là ông Jamal Khashoggi đã bị giết chết có lẽ dưới lệnh của Thái Tử Mohammed bin Salman, TT Trump và thân nhân của ông (gia đình cậu con rể Kushner) đã có những quan hệ về tài chính với phía Saudi đầy rắc rối và mâu thuẫn quyền lợi trong cương vị một viên chức cao cấp của chính quyền Mỹ.

Vì thế cho nên giờ đây TT Trump sẽ khó tìm được cách xoay xở những giải pháp ngoại giao để đối phó với tình trạng khó khăn và căng thẳng hiện nay mà không thoả đáng cho phía Saudi Arabia, giữa lúc ông đang tiếp tục xoá nhoà đi lằn ranh phân chia giữa việc phải phục vụ quyền lợi của quốc gia (đối với một vị tổng thống) và phục vụ quyền lợi cá nhân của mình (là một doanh gia cần muốn hưởng lợi nhiều nhất).

Và điều đáng lo sợ nhất đối với mọi người, theo đúng như sự tiên đoán của nhiều chuyên gia trước một “viễn tượng vô định” (uncertain future) khi ông Trump trở thành tổng thống, đang bắt đầu hiện ra trước những đợt tấn công lên các mỏ dầu tại Saudi Arabia: đó là một doanh gia có lòng ái kỷ (narcissm) cao độ luôn tự đề cao mình nhưng lại thiếu kinh nghiệm về chính trường và ngoại giao, cũng như chẳng thèm quan tâm đến chính trường thế giới và những mối quan hệ quốc tế nhưng giờ đây lại nắm trong tay một bộ máy quân sự hùng mạnh nhất trên thế giới để có thể thoả mãn bất cứ những toan tính hay đòi hỏi của mình bất cứ lúc nào.

Vào thời điểm hiện nay, cá tính, bản lãnh và đạo đức của một lãnh tụ đang nắm vai trò quan trọng hơn hết. Một cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang sắp sửa diễn ra và nhiều người lo sợ rằng nó có thể là động lực khiến ông Trump nghĩ rằng mình có thể sử dụng những biện pháp quân sự ở hải ngoại để phục vụ cho nhu cầu chính trị để tìm cách nâng cao tỉ lệ ủng hộ của người dân mỗi khi quốc gia lâm trận. Điều này khiến nhiều người nghĩ rằng có thể TT Trump sẽ lấy những quyết định không hoàn toàn dựa trên những suy tính kỹ lưỡng và sáng suốt.

Dĩ nhiên, TT Trump có thể vượt qua những khó khăn nan giải hiện nay để chứng tỏ bản lãnh của mình là một lãnh tụ thực sự “Làm Cho Nước Mỹ Hùng Mạnh Trở Lại” (MAGA), cho dù là những khó khăn to lớn do chính ông tạo ra đang lôi kéo ông đi về nhiều hướng đối nghịch.

Nhưng theo nhà báo Timothy L. O’Brien, có lẽ chúng ta cũng không nên quá kỳ vọng như vậy.

 

MAI LOAN

Houston, Texas, ngày 23 tháng 9/2019

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img