Thursday, March 28, 2024

LỄ TƯỞNG NIỆM THÁNG TƯ ĐEN LẦN THỨ 43 TẠI TÒA THỊ CHÍNH SAN JOSE

Cali Today News – Tuần qua nhiều nơi tại San Jose có những buổi lễ Tưởng Niệm 30-4, ngoài những nơi quen thuộc như tại tiền đình Quận hạt Santa Clara, Viet Museum. Năm nay có thêm địa điểm mới là City Hall thành phố Milpitas do sự vận động của cô Phan Hà và anh Thủy  Vũ.  Một nơi khác tuy không xa lạ nhưng đề tài luôn đổi mới, đó là buổi Lễ Tưởng Niệm Tháng Tư Đen năm thứ 43. 43rd Black April Commemoration do các bạn trẻ trong tổ chức Vietnamese American Round Table VAR thực hiện. Năm nay là lần thứ 5 các em tổ chức, ngày càng hoàn thiện và được sự tham dự đông đảo của giới trẻ và đồng hương.

Các em dù sinh ra hoặc lớn lên trên đất nước dân chủ tự do này nhưng lòng vẫn hướng về quê hương, vẫn cảm nhận được nỗi đau của thế hệ cha anh, cố gắng  tôn trọng và học hỏi từ quá khứ nhưng luôn lưu ý đến những gì đang xảy ra cho cộng đồng Việt nam nói riêng và những vấn đề mà các em với tư cách là công dân Hoa Kỳ quan tâm.

Các quan khách gồm có hai vị Giám Sát Viên Quận hạt là Dave Cortese và Cindy Chavez, Thị Trưởng Sam Licardo, các Nghị Viên San Jose là Chappie Jones, Lân Diệp, Nghị viên thành phố Milpitas Bob Nunez, Anthony Phan cùng nhiều đại diên các vị dân cử như Angela Nguyễn (Congresswoman Zoe Lofgren), Hiệp Nguyễn (Congressman Ro Khanna), Khang Trương (Assemblymember Ash Kalra), Nancy Lê (Assemblymember Kansen Chu)  Kathy Trần  (Assemblymember Evan Low) Nguyễn Tấn Thọ (Senator Janet Nguyen), và Bruce Huỳnh (Vice Mayor Magdalena Carrasco).

Photo: Dư Quang Nê

Trong Cộng đồng Việt chúng tôi thấy có Bác Sĩ Phạm Đức Vượng quý  ông Trần Song Nguyên, Sam Hồ, Triệu Hà, Đoàn Lập, Lê văn Ý, Huỳnh Phong, Ngô Tôn, Hoàng Thưởng và nhiều vị nữ lưu quen thuộc cùng rất nhiều đồng hương, cả những người bạn địa phương nữa.

Chúng tôi cũng thấy có sự hiện diện của các ứng cử viên khu 7 như Vân Lê, Thomas Dương và Jonathan Flemming.

Được biết Nghị Viên khu vực 7 Nguyễn Tâm là một trong những bảo trợ chính của buổi lễ này cũng như những năm trước.

 Chưa có sinh hoạt cộng đồng nào của người Việt mà có sự hiện diện đông đảo của các bạn trẻ như những buổi Tưởng Niệm Tháng Tư Đen do các em VAR thực hiện. Cùng mang y phục đen, cài nơ vàng có 3 sọc đỏ, các em đã làm một chương trình trang nghiêm, đầy ý nghĩa, đồng nhất từ các bài hát, bài múa cũng như hình ảnh video. Đặc biệt các em không  quên những trang sử đau thương của người dân xứ Huế cách đây đúng 50 năm.

Chúng tôi xin gửi đến quý đồng hương những trích đoạn do chính các em viết khi giới thiệu nghi thức rước cờ từ lầu 2 của nhà vòm Rotunda xuống :

“Năm nay cũng đánh dấu 50 năm sau cuộc Thảm Sát Tết Mậu Thân tại Huế năm 1968. Để vinh danh những vị anh hùng chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ thành phố Huế, năm nay, chúng tôi có rước 26 lá cờ để tượng trưng cho trận chiến 26 ngày đêm tại Huế.”

Nghi thức mặc niệm và dâng hoa rất trang nghiêm với những lọ hoa tươi hai màu vàng trắng được các hoa hậu và hoa hậu phu nhân trong áo dài đen mang đặt trước từng hình ảnh các vị tướng tá tuẫn tiết.

Chủ đề năm nay các em chọn là Children of War, Tuổi Thơ Sau Cuộc Chiến với lời giới thiệu:

“…… …Ngày Quốc Hận từ đó mà trở thành thời gian để nhắc nhớ và giáo dục thế hệ trẻ về những biến cố đau thương mà quê hương, đất nước đã phải oằn mình gánh chịu. Đặc biệt năm nay, chúng ta sẽ cùng nhau lắng nghe những tâm sự từ những người con đã theo gia định đi tỵ nạn và sự trải nghiệm của họ khi đã phải lớn lên trên đất khách. Chúng tôi mong rằng những mẫu chuyện của thế hệ 1.5 sẽ tạo được sợi dây liên kết giữa các thế hệ và giúp tất cả chúng ta hiểu thêm về những vấn đề đã và đang tạo sự ảnh hưởng đến cộng đồng chúng ta….

……Mời quý vị hãy cùng chúng tôi  theo dõi hành trình của những đứa trẻ sau cuộc chiến.

….. T​ uy chương trình hôm nay sẽ chú trọng về những người con tỵ nạn đã ra đi cùng với gia đình, chúng tôi cũng muốn mượn những hình ảnh trên màn hình để nhớ đến những người con đã không may mắn mất đi cha mẹ mình. Đây có thể là những người con đã được chiến dịch Babylift đưa đến các nơi trên thế giới, những người con lai bị xã hội xua đẩy, và những người con phải chịu cảnh mồ côi vì chiến tranh đã cướp đi mạng sống của cha mẹ họ.”

Bài hát Con tàu định mệnh do Đan Anh và Thúy Vi trình bày

“….. Hành trình đến Mỹ là một hành trình nguy hiểm đã cướp đi bao nhiêu mạng sống và tuổi thơ của những người sống sót. Nhưng khi đến được bến bờ đất liền, những thử thách vẫn không ngừng dồn dập ập đến đời sống của những người tỵ nạn. Trong lúc chờ đợi để được nhập cư ở các nước như Mỹ, người dân của ta phải chịu đựng những tình trạng khắc nghiệt khi đang sống tại những trại tỵ nạn ở các nước như Thái Lan và Phi Luật Tân.”

Bài hát Cho tôi trở về do Lê huy Phong trình bày

“…….Tuy nước Mỹ được xem là miền đất hứa, để bắt đầu một cuộc sống mới trên xứ lạ nghĩa là phải làm lại từ đầu, không việc làm, không nhà cửa, không thuốc men, thẩm chí nhiều lúc cơm ăn không đầy ba bữa.

Photo: Dư Quang Nê

Tuy các em không phải gánh nặng tài chính cho gia đình, nhưng các em lại phải đương đầu với những nỗi đau về tinh thần khi bị trêu chọc vì khác màu da, phong tục, quần áo, và giọng nói. Cũng có một số em may mắn có được sự dẫn dắt từ gia đình và người thân và đã khắc phục được những thử thách đó và vươn lên. Nhưng cũng có một số khác, vì cha mẹ bận bịu cơm áo gạo tiền, các em đã không may thiếu sự dẫn dắt đó nên đã gặp nhiều chông gai, có thể đã khiến các em lỡ bước trên đường đời.

Và đây là vài câu chuyện của họ.”

Videos

“……Tuy việc thích nghi với cuộc sống trên đất khách rất khó khăn, nhưng đối với những con em theo cha mẹ đi tỵ nạn, nước Mỹ vẫn là nơi họ đã lớn lên và quen dần. Đối với một số em, đây là đất nước duy nhất mà họ quen biết. Việt Nam đã trở nên xa lạ đối với họ và hình ảnh của Việt Nam đã trở thành những nối ám ảnh mà họ muốn chạy thoát. Nhưng đối với một số người đã lỡ bước gia chạm với luật pháp khi tuổi đời con nhỏ, họ hiện giờ đang gặp nguy cơ bị trục xuất mặc dù đã mãn án và trở thành người hữu ích cho cộng đồng.

…….. Vào ngày 22 tháng Giêng năm 2008, chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký kết một thỏa thuận hồi hương. Trong cam kết đó, chính phủ Việt Nam quyết định sẽ nhận những cư dân Việt Nam bị trục xuất từ Hoa Kỳ.

Điều quan trọng nhất là cả hai nước đã thỏa thuận rằng những người đến Hoa Kỳ trước ngày 12 tháng 7 năm 1995 sẽ không bị trả về.

Năm ngoái, chính phủ đương nhiệm của Hoa Kỳ đã bắt đầu gây áp lực để bắt buộc Việt Nam phải chấp nhận những người đang có lệnh trục xuất, cho dù họ đã đến đây trước năm 1995 , cho dù họ đã từng là người tỵ nạn phải chạy trốn chính phủ Việt Nam.

Phần đông những người Việt Nam này đã đến Hoa Kỳ khi còn rất nhỏ, theo diện tỵ nạn. Họ đã phải theo gia đình vượt biên, vượt biển trên những hành trình đầy cam go, thử thách, và mất mát. Là những người tỵ nạn và con cháu của người tỵ nạn, chúng ta phải tự suy ngẩm và hỏi bản thân mình: có sự trừng phát nào đau đớn hơn là bắt buộc một người tỵ nạn quay trở lại một nơi họ đã từng xả thân, liều cả tính mạng để chạy trốn?”

Video những người Việt xếp hàng lên máy bay về VN, tay bị còng,  chân bị xích “Chúng tôi biết rằng vần đề trục xuất là một vấn đề nhạy cảm vì ​ chúng ta có thể bất đồng ý kiến, nhưng chúng tôi muốn nêu lên vấn đề này như một lời nhắn nhủ rằng tuy đường đời của chúng ta có khác biệt đến cỡ nào đi chăng nữa, thì chúng ta vẫn là những người Việt tỵ nạn với những trải nghiệm và khó khăn tương tự nhau vào những ngày đầu bước chân đến Hoa Kỳ.

…..Tuy chúng ta là những thế hệ khác nhau, nhưng chúng ta có một sự đồng cảm. Ai ai trong chúng ta cũng đã có những phút phân vân tự hỏi bản thân mình là ai trong hai nền văn hóa khác biệt. Vì là thế hệ thứ hai, thứ ba, có nhiều lúc sự bất đồng về ngôn ngữ, tư tưởng và môi trường sống đã khiến chúng ta cảm thấy lạc lõng và bơ vơ.

– Caught Between Two Cultures, bài múa do các em học sinh Andrew Hill.

Khi chúng ta nhìn quanh khán phòng này ​ , chúng ta sẽ thấy được những gương mặt của những người tỵ nạn và những người con của họ.

Tuy thời gian đã thay đổi, nhưng chúng ta vẫn giữ nguyên cho mình tinh thần và khả năng để gầy dựng. Sau những biến cố và thăng trầm, chúng ta luôn ra sức gầy dựng lại ý chí cho bản thân, gia đình, và tiếp tục nổ lực để giúp cộng đồng mình trở nên tốt đẹp và vững mạnh hơn.

Photo: Dư Quang Nê

Hôm nay, chúng ta đã ngồi lại với nhau để tưởng nhớ đến lịch sử chung của cộng đồng Việt-Mỹ. Cuộc chiến Việt Nam đã để lại cho chúng ta nhiều tác động khác nhau, và đã để lại những vết thương hiện hữu, cũng như những nỗi đau vô hình. Nhưng những mất mát và nổi đau này cũng đã khiến cộng đồng của chúng ta ngày càng kiên cường và nó đã giúp tiếp thêm sức mạnh để chúng ta có thể vươn lên. Chính tinh thần bất khuất này đã giúp cộng đồng chúng ta đạt được những thành công đáng kể.

….So với những cộng đồng khác, cộng đồng Việt-Mỹ còn tương đối rất mới. Trong chỉ 43 năm, chúng ta đã vượt qua được niềm đau và thử thách để khẳng định mình là ai trên nước Mỹ. Chúng ta nên tự hào về chính mình, về tất cả mọi người xung quanh, và những thành tích cộng đồng của chúng ta đã gặt hái được trong thời gian ngắn vừa qua.

Chúng ta đến đất nước này với hai bàn tay trắng nhưng đã tự lực cánh sinh để tạo được một tương lai sáng hơn cho gia đình chúng ta. Hôm nay, chúng ta tự hào là những thầy cô giáo, bác sĩ, luật sư, quan chức, doanh nhân, hoặc là những người lãnh đạo trong cộng đồng. Mặc dù đã hòa nhập được với cuộc sống mới và gầy dựng sự nghiệp cho mình, nhưng chúng ta vẫn luôn tôn vinh và gìn giữ nền văn hóa mà Cha Ông đã để lại, để ta có thể tiếp tục truyền đạt lại cho con cháu sau này.

Bài hát chấm dứt chương trình do hai em Jenny Đan Anh và Victoria Thúy Vi:

I Say Gold

Nói lên sự hãnh diện, không tự ti mặc cảm  về màu da vàng của người Việt, cuối cùng các bạn trẻ đã lên sân khấu với ngọn nến sáng trên tay để cùng bày tỏ sự đồng cảm với  bài hát.

Buổi Lễ chấm dứt lúc 8 giờ đúng theo chương trình.

Cao thị Tình ghi nhận

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img